Xe dừng lại, ông Nguyễn Huy Bá - Phó giám đốc Công ty cà phê 719 mở cửa xe bước xuống nói với anh em trong đoàn:
- Mời các bác xuống thăm “Trái tim của những cánh đồng”!
Vừa ngạc nhiên, vừa tò mò mấy anh em xuống xe thấy một hồ nước rộng mênh mông kéo dài về hướng tây, nhòa dần vào màu xanh bạt ngàn của cà phê. Trên hồ có 5 chiếc thuyền, mỗi chiếc có hai người đang chèo như dạo chơi. Ba hướng mặt hồ là những vườn cà phê xanh tốt bao bọc. Phía hạ lưu nơi đoàn đứng, con đập dài khoảng 700 mét, bề mặt cũng là đường giao thông rộng 6 mét nối hai sườn đồi với nhau, cao hơn những thửa ruộng lúa dưới chân đập khoảng 30 mét. Chỉ xuống mặt hồ nước, ông Nguyễn Huy Bá giọng hồ hởi nói:
- Vàng bạc cũng là đây, sản lượng cây trồng cũng bắt nguồn từ đây tất cả đấy các bác ạ. Ông cha ta từ xưa đã dạy “nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống”; ở Tây Nguyên đất đai màu mỡ, khí hậu chia hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô; mùa mưa thì chỉ cần làm cỏ một lần thôi, cây trồng ngắn ngày đã có thu hoạch, nhưng mùa khô thì gay lắm… có được những hồ nước như thế này sẽ quyết định được tất cả công việc nuôi trồng ở đây, vì thế chúng tôi vẫn nói vui: Đập nước chính là “Trái tim của những cánh đồng”.
Nhìn khuôn mặt phúc hậu của ông Phó giám đốc Công ty kiêm Phó bí thư Đảng ủy khi nói về các hồ nước như rạng rỡ hẳn lên và hình như có xen chút tự hào, về vùng đất và con người nơi đây. Lớp cán bộ, chiến sĩ, như ông Bá đã góp phần khai khẩn vùng đất hoang vu trở thành cánh đồng phì nhiêu, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhiều gia đình, góp phần làm giàu cho Tổ quốc, tự hào là đúng lắm. Năm tháng qua đi, từ người chiến sỹ qua thực tế công tác và học tập, được Đảng và đồng đội tín nhiệm cử giữ các chức vụ lãnh đạo lèo lái con thuyền Công ty trong thời kỳ đổi mới và hội nhập vượt qua thử thách thác ghềnh của kinh tế thị trường đưa Công ty ngày một phát triển, mừng là phải lắm. Để có những hồ nước góp phần làm thay đổi cả một vùng đất, những người hôm nay không quên những người đi trước đã ăn đói, mặc rét, sốt rét… vẫn cắn răng luồn rừng đi tìm nguồn nước.
Ngày ấy… Chuẩn bị cho giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, ngày 01 tháng 4 năm 1975, tại Tỉnh đội Hà Tĩnh, Trung đoàn 761 được thành lập với lực lượng chủ yếu là thanh niên các huyện: Kỳ Anh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân và thị xã Hà Tĩnh với tổng lực lượng hơn 1100 cán bộ chiến sỹ biên chế thành 8 Đại đội trực thuộc Trung đoàn do ông Dương Văn Dục - Chính ủy, ông Lê Đăng Minh - Trung Đoàn Trưởng, ông Nguyễn Văn Miên - Phó chính ủy kiêm Trung đoàn phó. Theo yêu cầu của tiền tuyến lúc ấy, Trung đoàn tiến quân theo đường mòn Hồ Chí Minh qua Khe Sanh, vào Gia Lai. Tháng 8 năm 1975 Trung đoàn nhận lệnh vào đóng quân tại khu vực phía nam huyện Krông Pắc, đổi tên thành Trung đoàn 719, trực thuộc Sư đoàn 333, Quân khu V; thực hiện hai nhiệm vụ lớn: Bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ và xây dựng kinh tế. Khi ấy, khu vực Trung đoàn đóng là rừng già nguyên sinh xen các sình lầy lau sậy mọc um tùm, muỗi bay như ong, vắt bò nhiều như trấu, mỗi khi có hơi người thì dựng ngược vòi lên như một rừng chông… Nhưng tất cả khó khăn ấy không ngăn được đội khảo sát băng rừng lội suối vẽ sơ đồ xây dựng một nông trường sản xuất nông nghiệp hiện đại. Khâu khó nhất có tính đột phá: tìm nguồn nước để xây dựng các hồ chứa phục vụ tưới tiêu.
Thời ấy rừng còn nhiều thú lắm, ngoài heo, nai đi thành đàn còn có cả hổ, báo, chó sói… thường xuyên lẩn quất quanh các doanh trại bộ đội. Thế nhưng các chiến sỹ làm nhiệm vụ khảo sát vẫn phải lặn lội vào rừng đo đạc tính toán, thiết kế các con đập, kênh dẫn nước… sao cho hiệu quả nhất. Có lần vào một buổi chiều tổ khảo sát đi đến ven sình bỗng một mùi hôi thối nồng nặc ùa đến, một chiến sỹ đi phía sau kêu lên: “Thủ trưởng ơi ở đây có con gì chết thối lắm”! Nói chưa xong đã thấy cái bụi rậm trước mặt vọng lên một tiếng ào, bóng con hổ lớn như con bò đực màu vàng vằn đen lao qua đường mòn lẫn vào rừng. Sau cuộc gặp bất ngờ hôm ấy có người về phát ốm phải nghỉ làm mất mấy ngày. Dù nguy hiểm là vậy, đội khảo sát vẫn hoàn thành nhiệm vụ đặt ra đúng kế hoạch. Từ đây các hồ nước được hình thành và tiến hành thi công, khi hoàn thành đủ nước tưới tiêu cho 1680 ha lúa nước, 358 ha cà phê, phục vụ các mục tiêu dân sinh khác của Công ty.
- Các hồ nước của chúng tôi không những điều tiết nước tưới tiêu trên diện tích canh tác của Công ty, mà còn là vựa cá nước ngọt rất lớn góp phần cải thiện đời sống cho công nhân và nhân dân trong vùng nữa đấy. - Ông Trần Trọng Văn, Chủ tịch Công đoàn Công ty góp lời.
Vai trò của Công đoàn cơ sở là chăm lo chế độ và đời sống của anh em cán bộ công nhân viên, có lẽ vì thế ông Chủ tịch Công đoàn Công ty đi cùng đoàn văn nghệ sỹ lưu ý với anh em về sản lượng cá thu hoạch được trên 5 hồ chứa nước trên địa bàn. Ông cho biết thêm: những hồ nước này được giao khoán cho các hộ vừa nuôi thủy sản vừa làm nhiệm vụ bảo vệ hồ. Nhiệm vụ gắn liền với quyền lợi nên buộc họ phải tự giác hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cá ở các hồ lớn nhanh lắm, khi thu hoạch cá trắm, cá mè nặng 5 - 6 kg, cá chuối cỡ 4 kg một con là thường. Từ các hồ nước không chỉ nuôi cá mà còn chăn nuôi thêm vịt, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình trong vùng.
Các hồ nước nơi đây vào mùa mưa góp phần giảm bớt lũ lụt, mùa khô khi vườn cà phê vào mùa tưới, cần những giọt nước mát để cây đâm bông kết trái thì chính các hồ nước này biến thành cơn mưa rào trùm lên cây cà phê đánh thức hoa xòe những cánh bé nhỏ trắng muốt khoe sắc dưới ánh nắng chói chang của mùa khô, khêu gợi các chàng ong mật làm nên vũ điệu tháng ba Tây Nguyên kỳ thú và chính vũ điệu ấy góp phần làm nên một vụ mùa bội thu. Dòng nước mát theo con mương đến các cánh đồng lúa theo ý của con người như trong mơ ước từ bao đời nay của người nông dân nghèo xứ Nghệ, làm nên những cánh đồng lúa năng suất cao, chất lượng tốt. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống, sự đúc kết ấy hoàn toàn đúng; nhưng ở đây, trên vùng đất phía đông của Cao nguyên Đắk Lắk, nơi Công ty cà phê 719 đóng, con người còn điều khiển được dòng nước đến từng thửa ruộng theo ý muốn đã tạo nên sự khác biệt lớn trong sản xuất cũng như nuôi trồng thủy sản cả vùng. Sự khác biệt ấy góp phần quan trọng nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Hồ nước, trái tim của một vùng đất cung cấp nước cho cánh đồng giống như trái tim cung cấp máu nuôi cơ thể; trái tim có khỏe, cơ thể mới khỏe mạnh; còn cánh đồng có bội thu hay không phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước của hồ lưu giữ và điều tiết. Một sự liên hệ rất hay và độc đáo của những anh Bộ đội Cụ Hồ khi xưa, nay bỏ súng để cầm bút tính toán làm kinh tế, khoa học thật độc đáo!
Một vùng đất chuyển mình đang đổi thay hàng ngày. Sự đổi thay tốt đẹp ấy là kết quả của bao nhiêu lớp người đi trước mặc quân phục xanh, bắt thiên nhiên tuân theo ý muốn con người, làm nên điều kỳ diệu ở Tây Nguyên để lại cho lớp người đi sau những tài sản quý giá. Thành quả đó tiếp tục được phát huy có hiệu quả bởi những người gánh vác trọng trách công việc chung hôm nay; họ không những được trang bị kiến thức khoa học tiên tiến mà còn có tâm huyết với công việc.
Những ngày cuối cùng của mùa thu Tây Nguyên lại là mùa tươi đẹp trong năm, các cành cà phê trĩu quả đang chuyển từ màu xanh qua màu hồng và công nhân lại tất bật bắt tay vào thu hoạch. Những quả cà phê đỏ mọng chất đầy xe sẽ nối đuôi nhau tập kết về các sân nhà, trước khi chế biến để chu du đến nhiều nước trên thế giới quảng bá thương hiệu Công ty cà phê 719. Thành quả hôm nay có một phần đóng góp hết sức quan trọng của những hạt nước mát được lấy lên từ “trái tim của những cánh đồng”, nơi hội tụ của lớp người đi trước để lại cho hôm nay và mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI