Tác giả H’SIÊU BYĂ
MÙI GIÓ THẢO NGUYÊN
Bút ký
Nhiều cụm mây màu trắng
vờn vờn chiếc máy bay như khói củi Bla, K’ting vờn ngôi nhà dài của mí. Tôi nín
thở ngó xuống đất.
Kìa! Núi Chư
H’Mú, Chư M’Ta, Chư H’Mlai sừng sững mở tròn mắt ngó ngó nghiêng nghiêng.Dưới
chân là thung lũng vàng ối màu lúa chín. Trên bờ, cách đó không xa, lưng con bò đi
qua đi lại, có thằng nhỏ huơ huơ cái mũ “Máy bay, máy bay trên
trời kìa, nhìn đi, sao nó nhỏ xíu giống chim Nghiếc, chim Phí vậy nè”. Tôi nhoẻn miệng cười.
Mơđrăk của tôi. Làng của tôi. Chiều nay thôi tôi sẽ bước lên cầu thang bảy bậc
chạm vào ngưỡng cửa. Ngưỡng cửa màu xám tro khắc hình mặt trời tỏa
sáng. Cha tôi, cậu tôi đã đặt vào đó tất cả lời gửi của ông bà “Măng to vì có cây
le tốt. Tắc kè lớn nhờ có cây to. Con cháu lớn khôn nhờ có ông bà cha mẹ nuôi
dưỡng”1 . Tôi nghe mùi cá phơi khô lan tỏa khắp gian bếp, rồi tiếng chày
m’đũ, m’đũ dầm trái cà, trái ớt xanh. Tiếng mí nhỏ lẫn tiếng con heo kêu to eng
éc dưới gầm sàn “Ơ H’Mon, H’Zon, Y Gon, Y Son hoă lah”(H’Mon, H’Zon, Y Son ơi, về ăn cơm). Mũi
cay xè xè, lòng tôi chộn rộn vui sướng. Có dây leo nào không nhớ rừng, nhớ
suối khi nó bò đi xa.
Làng M’Um của người Blô
bên trái, làng Ea H’Mlai của người Bih bên phải, làng tôi người M’Dhur chính giữa.
Ba làng dùng chung một dòng Ea Tlư chảy từ núi Chư M’Ta. Ea Tlư trong xanh hay
có tiếng chim Tuk Tu kêu mỗi mùa hoa Sung Gơr nở. Tiếng chim Tuk Tu kêu đêm thứ
nhất, đêm thứ hai người ta sửa soạn cúng bến nước. Mới tờ mờ sáng, nước miếng
trẻ con còn dính khô trên miệng đã nghe tiếng xe công nông bịch bịch chở củi về: “Tiếng
gì thế hả mí?”. “Tiếng người nhỏ và tiếng cây củi to kéo từ rừng Chư M’Ta”. Mí bận rộn, váy mí phần phật bay bên
này bên kia, mí đi tìm cái cần uống rượu dắt lên trên vách; mí kiếm nồi bảy, nồi
ba cho họ mượn; mí ngửi ngửi mùi rượu và lầm rầm chửi con dòi làm rượu mí hư…
Nhớ lại ngày xưa, đôi chân muốn nhanh về tới làng, đôi tai muốn nghe tiếng chim
Tuk Tu hót, da thịt muốn hòa vào dòng Ea Tlư trong vắt xanh, nằm lên tảng đá muốn
nhìn ánh nắng vàng xuộm xiên xiên trên tầng lá. Máy bay nằm im, tôi nghe rõ ràng lòng
mình có tiếng hát k’ưt. Mơđrăk ngày trở về!
Luynh,
thằng em họ chung một người bà, đánh xe công nông ra đường cái lớn đón tôi.
Luynh gầy như cán cuốc, mắt trũng sâu tím tái như trái cà, râu ôm quanh mặt lơ
phơ như quả bắp giống treo dọc xà nhà. “Ha bu, người ta bữa nay thành người
My, người Prăng rồi”. Tay Luynh cuốn lấy cổ tôi, cổ tôi ngả trên vai nó. Mùi con bò, con heo thui từ áo xộc lên đường mũi, tràn lan lên mái đầu.
Tôi hít hà “Làng mình có người mới về
với rừng hả Luynh?”. “Ờ âe H’Ring chủ bến nước, mày về trúng
lắm, bữa trước âe qua nhà ngồi lửa, ho khùng khục nhưng cứ bắt mí kể về thằng
cháu bên Prăng”. Luynh không nói nữa, trên mắt nó có sương đọng. Nó
quay xe ba vòng mới nổ bịch bịch. Chư M’Ta buồn bã đón người về rừng núi Gió thênh
thang, mi mắt tôi ran rát trái ớt, củ hành. Kì quá! Làng người M’Dhur hôm nay
sao vắng tiếng cồng, tiếng chiêng?
Mí đón tôi bằng canh cà
cay sắp toác lưỡi, chị gái đón tôi bằng món dế um thơm bay vách nhà, anh rể đón
tôi bằng ché rượu say mèm đổ rạp lối đi. Mắt lim dim, tôi nhìn ra cửa thấy đỉnh
Chư H’Mú xa xăm…
“Có nghe thấy gì không ơ bọn trẻ nhỏ? Tiếng gió thổi từ Chư H’Mú đó”.
Âe H’Rinh mở đầu câu chuyện. Lũ chúng tôi gật đầu nhiều lần “Nghe chớ, thấy chớ!”. Âe
mỉm cười, đưa tẩu thuốc lên miệng. Khói thuốc phả vào mặt người, chạy quanh quanh tảng
đá, trèo lên ngọn cây, lẽo đẽo kéo nhau về núi Chư H’Mú. Giọng âe nhẹ nhưng rõ
lắm, thằng San canh đàn bò cách ba tảng đá còn nghe “Gió từ núi Chư H’Mú đi qua năm, sáu đồi cỏ tranh của làng Mơđrăk”.
Âe
dừng lại, nhổ nước miếng xuống khe đá nhìn chúng tôi “Có thấy quả đồi to nhất,
mọc nhiều cỏ nhất ở chỗ kia không?”. “Có chớ, thấy mà”. Âe lại gật đầu: “Dưới đồi
cỏ tranh đó có một lỗ đất, tên là Adrenh. Ngày xưa, ông mình, bà mình đã nghe lời
con heo chui qua lỗ Adrenh để đến vùng đất hoa bằng cái nong, trái
bằng cái nia,
cá dưới nước bơi đen đặc cả dòng suối, con sông. Người Bih đi, người Blô đi, người
M’Dhur đi, tay trái đàn bà ôm cái ché, tay phải đàn bà dắt trẻ con. Các cô gái đẹp
nhất người M’Dhur chưa đi, họ miết làm đẹp, thay yêng viền tím, viền hồng, chê gùi
này phình to, chê gùi kia quá nhỏ. Mặt trời sắp đi ngủ, có một con trâu to như quả
núi, thân nó chui qua không được, bịt luôn đường đi. Vậy là những cô gái đẹp đành
ở lại làng Mơđrăk sống chung với nai, với cọp, cỏ tranh trên đồi giành ăn với lúa,
với dưa, rồi sinh ra ông ra bà, sinh ra ta và các cháu”.
Lời âe H’Rinh đều đều
trong lỗ tai như tiếng con ve mùa khô, như tiếng con dế mùa mưa lớn. Âe hái chiếc
lá làm khèn thổi tít tè những giai điệu không giống hôm qua, hôm kia và chắc chắn
không giống ngày mai, ngày mốt. Cứ như thế ngày này đến ngày kia, chúng tôi
theo sau lưng con bò lang thang qua nhiều đồi cỏ. Bắt gặp một tảng đá, một đỉnh núi, một tiếng
chim lạ, miệng chúng tôi nói: “Âe ơi, con bò mệt rồi, nó không muốn đứng dậy
nữa, âe kể chuyện về tảng đá, quả đồi, con chim lạ kia đi”. Nắng ngả màu cam
cháy trên thảo nguyên Mơđrăk. Gió thốc làm nghiêng cây cỏ tranh quá đầu. Dưới
quả đồi không biết tên, nhiều bếp lửa từ làng của người Raglai nhả khói cao vút
ở lại trên trời. “Về thôi, chân con bò ăn no bước chậm, chân người nhỏ mệt mỏi
bước chậm, về trước khi mặt trời nhóm lửa hơ chân”. Chúng tôi lùa bò đi dọc đường
cái lớn, con bò to, sừng nhọn đeo chuông đi trước, những con nhỏ, sừng ngắn theo
sau, từng hàng, từng hàng về đến làng trước khi mặt trời nhóm lửa.
Nhà dài vắng,
chỉ còn mình tôi và bếp lửa nhún nhảy cười cười. Mí nói lửa cười, dấu hiệu nhà có
người từ làng xa qua chơi. Lửa coi tôi là khách? Tức mình. Tôi lấy
cây đũa sắt trong ống tre đập đập không cho chúng chụm miệng nói xấu. Chúng cười to
hơn, những tiếng cười đau buồn về con dao đã cùn, chiếc áo đã mốc và quả bầu
nứt vỡ. Tim tôi nứt vỡ. Giọng kể của mí trong bữa cơm chiều như đọng lại trên mười
cây cột nhà.
“Người âe H’Rinh như
cây lúa có bụng, đi bệnh viện huyện bác sĩ lắc đầu, đi bệnh viện tỉnh bác sĩ lắc
đầu, xuống Sài Gòn bác sĩ lắc đầu. Rồi về, nằm bên nhà chờ m’jao2
từ bon K’măn xuống chữa. M’jao đó hay lắm, nói trúng lắm, bà soi sáp ong vào tay, sáp
ong liu riu cháy nhỏ, ánh lửa xì sầm vào tai, mách cho m’jao biết người ốm
trúng thuốc độc hay bị m’tao k’sơk3 hại. Âe H’Rinh bị m’tao ksơk hại, đổ một bồ lúa trong họng,
lúa rớt xuống bụng, bụng sưng, cúng một con heo nái to không chịu, cúng một con
bò đực lớn không chịu. Thua rồi, nằm bên nhà chờ ngày ông bà tới gọi về núi bên
kia.”
Không
sang nhà người chết, tôi để đôi chân dẫn mình ra dòng suối cuối bon. Suối cạn khô, rễ cây Sung Gơr phì phò sắp chết. Ánh sáng cuối ngày
tím tái, chim Tuk Tu im bặt, gió lành lạnh đưa cái nhìn muốn khóc lên núi Chư
M’Ta. “Có nghe thấy gì không ơ bọn trẻ nhỏ? Tiếng gió thổi từ núi Chư M’Ta đó?”. Núi Chư M’Ta ngân
ngấn, nó ôm trán ơ hơ một làn điệu ayray buồn buồn:
Uống rượu năm rượu bảy
Ăn cơm trong lá, chén đồng
Nhớ người đi ngang mặt trước
Thương người đi qua mặt sau
Nhà người chết ồn ĩ.
Dòng họ Mlô từ bon Hoang, bon Yô kéo sang. Họ trề môi, liếc cái liếc dài thượt
lượt về chinh Lao, ché Tuk chị, ché Tuk em của âe H’Rinh để lại. Linh hồn của
âe H’Rinh theo Chúa, con cháu âe H’Rinh muốn vậy “Lấy đi, cả chén đồng, vòng
bạc trong rương gỗ kia nữa, từ nay sẽ không có lễ cúng Yang nào ở nhà họ Mlô
này”. Họ làm dấu cầu nguyện, lầm rầm, lầm rầm như tiếng mưa tháng bảy, như
tiếng mưa tháng mười.
Lũ trẻ chăn bò hồi nhỏ
với âe H’Rinh ngồi im. Chúng tôi không nghe lời cầu nguyện. Chúng tôi nhớ
âe H’Rinh, nhớ khuôn mặt nhăn nhúm như tấm áo cất trong gùi lâu ngày không mặc, nhớ
câu chuyện kể nhiều ngày trên đồng cỏ, nhớ tiếng lá tít tè không tên vào những
buổi trưa. Mùi gió thênh thang trộn lẫn mùi con bò đang ăn cỏ.
Nước mắt chúng tôi rớt
nhiều vào tay. Ơ hưi ờ hừi ớ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI