Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 271 - tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN

Nhà văn NGUYỄN VĂN THIỆN


AI ĐÃ LỤC TUNG KÍ ỨC
Truyện ngắn


Như một đứa trẻ đi xa nhà lâu ngày, về thấy góc bàn học, phòng ngủ của mình bị lục tung. Chiều nay, ký ức tôi cũng bị lục tung lên như vậy đấy. Nhưng mà ai đã dám thừa cơ lúc tôi ngủ, lẻn vào đào bới chốn riêng tây của tôi một cách không thương tiếc? Khi tôi tỉnh dậy thì kẻ vô duyên ấy đã bỏ đi xa lắm, không hề để lại dấu vết. Chỉ còn một vùng ký ức ngổn ngang như bãi chiến trường. Tôi ngồi ngẩn ngơ như một thằng đần, mặt nghệt ra không vui không buồn, nhìn vào bãi ký ức đủ màu sắc và hình dạng. Xưa nay, tôi chỉ chăm chỉ nhặt và cất, và giấu, nhét cho thật kỹ, rồi cũng quên, rồi không nhớ nữa. Vậy mà chiều nay, mọi thứ lại bày ra ngồn ngộn, nhiều lắm!
Có những ngón tay lăn lóc rời rạc, hình như không phải cùng một bàn tay! Ngón thon, ngón nõn nà, ngón chai sần, ngón thô ráp, ngón nhỏ xíu, ngón trơ xương, có ngón buộc bông băng như vừa bị đứt. Sao mà nhiều ngón thế? Không lẽ nào, chừng này ngón tay từng can dự đến cuộc đời mình? Nhiều đến thế, làm sao ta nhớ nổi! Thực tình, tôi chỉ vẫn thường nhớ ngón tay của mẹ, ngắn ngủn, chai sần, móng dài móng ngắn không đều, thơm mùi bùn mùi cỏ. Những ngón tay đầu tiên nâng tôi lên khỏi mặt đất nhầy nhụa bùn nâu. Còn những ngón tay khác, từ lâu tôi đã quên rồi! Tôi ngồi nhìn lại, hồi tưởng lại, thấy một vài ngón quen quen, hình như đã cùng tôi đi qua một quãng đường nào đó. Tôi nhặt một ngón tay lên và mút, như một đứa trẻ tự kỷ, và nhận ra, đó là ngón tay của chính mình.
Trong đống ký ức vương vãi, có rất nhiều sợi dây dài ngắn lớn bé loằng ngoằng. Có một đoạn dây thừng nằm còng queo. Dễ đến phải hơn hai mươi năm rồi mới gặp, nó vẫn đậm đà mùi phân trâu. Có một đoạn dây nhỏ xíu, hình như là dây buộc quần thuở còn để chỏm. Hồi đó, quần cũ, lại đứt cúc, phải quàng thêm cái dây nữa cho chắc, để đến lớp, thế mà lâu lâu lại bị mấy thằng bạn quỷ sứ chạy từ phía sau, tụt xuống. Lại có một cọng thun nhỏ xíu như sợi tóc mai mười bảy tuổi. Sợi dây này, từng dùng để buộc tóc đuôi gà trên đầu cô bé hàng xóm. Không biết giờ bé ở đâu! Có một sợi dây nữa, rất dài, đó là dây vịn của một chiếc cầu vùng sơn cước, tôi vịn vào để vững bước đi qua mỗi ngày.
Những đoạn dây ký ức rời rạc, đứt nối, bây giờ lại bày ra bừa bộn như trong một giấc mơ.
Tôi định đứng dậy dọn dẹp bãi ký ức bộn bề, nhưng không nhấc chân nổi. Ô hay, chiều nay tôi vẫn ngồi nhậu vỉa hè, cao hứng còn đi đi lại lại, chém gió như hát tuồng mà, sao bây giờ chân tay bải hoải thế này? Hay là sắp...
Tôi ngồi bó gối, như một thi sĩ cuối mùa hoang và hoải, nhìn những thứ của mình mà lâu rồi không gặp. Có những trái tim, thật đấy, không phải là ảo giác, chúng lăn ra, nằm vất vưởng. Trái tim nhỏ nhất, không biết là của ai mà rớm máu, bầm đen. Hình như nó từng bị chấn thương, từng bị va đập mạnh trong một vụ tai nạn giao thông rùng rợn. Tôi nhớ, tôi đã khóc vì nó nhiều lắm, đó là trái tim của em trai, tôi nhớ ra rồi. Còn một trái tim hình mặt trăng khuyết, màu hồng, như một ảo ảnh xa xôi, hẹn hò mãi mà chưa hề gặp mặt. Một trái tim khác, nhăn nheo, rúm ró, như một giọt lệ khô dưới khóe mắt dõi theo tôi chập chững vào đời.
Ký ức đầy mạng nhện. Hàng ngày, tôi ngồi viết, như con nhện giăng tơ, rồi đi lạc trong mê cung do mình tạo ra. Ngoài kia, cuộc sống cuồn cuộn mùi thuốc súng, chưa biết sẽ bén lửa lúc nào. Xung quanh, những nhỏ nhen hạn hẹp của kiếp người, những mơ mộng xa xôi lắm lúc làm tim đau buốt. Làm thân con nhện, chạy đằng nào cũng toàn thấy tơ vương. Trong đống ký ức luộm thuộm, tôi thấy có những chiếc tai nằm lăn lóc. Dễ nhận ra chiếc tai của bà cụ già mặt nhăn nheo bơi thuyền giữa hồ sâu trong núi. Tôi đã đi tìm, nhưng không gặp được cụ già ấy, lần ấy, hình như tôi đã chết giữa đường. Tai như tai phật, mà khó thấy vô cùng. Có lỗ tai bé xíu như của đứa bé mới sinh, nõn nà với một lỗ xâu bé tẹo. Có chiếc tai ướt nhèm bùn đất lên tám hay chín tuổi, ngày xưa...
Bât giác, tôi đưa tay lên sờ vào tai mình, lạnh buốt như tai người tuyết. Từ trong đó rơi ra, bao nhiêu là âm thanh, chảy tràn như sỏi đá giữa lòng suối cạn. Tiếng mẹ ru giữa trưa nắng cháy gió Lào. Tiếng em gọi khản đêm loạn lạc, chạy đi anh, chạy đường này... Tiếng dế gáy giữa đêm trăng ngà ngọc vạt cỏ sau nhà. Tiếng ken két nghiến răng trong những giấc mơ tù đày nặng nhọc mùa đông. Tiếng cồng chiêng những đêm rượu say thăm thẳm... Bây giờ, toàn những tiếng không đâu.
Từ giữa đống bề bộn tan hoang đó, tôi ngửi thấy mùi củ mì cháy khét thời xưa, ngày tháng ba giáp hạt. Cả mùi hương tóc thanh xuân bồng bềnh trong gió, như đang mơ. Tôi nuốt nước bọt đánh ực như đứa trẻ đói ăn đi qua hàng bán quà thơm ngậy. Phảng phất đâu đây mùi rượu cồn cháy ruột cháy gan của thời sinh viên bạt mạng. Có mùi máu ghòe tanh tanh nữa. Những mùi vị ký ức không biết được bảo quản bằng cách nào mà mới nguyên như vừa mới đây thôi.
Như một kẻ chuyển nhà, nhìn đống của cải lôi thôi lếch thếch mà đủ mệt, không biết cái nào chuyển trước, cái nào chuyển sau, cái nào nên vứt bỏ, tôi đành ngồi nhìn chúng, thở dài ngao ngán. Càng nghĩ càng bực cho đứa chim trời cá nước nào vô duyên vô cớ lẻn vào đây bới móc. Tôi gọi: “Ai đã vào đây?”. Tất nhiên, không ai lên tiếng hết. Chỉ có tôi ngồi đây, một mình thôi, trên đống ký ức bộn bề, cho đến khi nào, chúng sẽ dâng cao lên, vây lấy, thít chặt lấy tôi, và tôi sẽ từ từ chìm xuống, không còn dấu vết.

Còn ai vào đây nữa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI