Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

CUỘC CHIẾN TRONG RỪNG THIÊNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 273+274 tháng 5&6 năm 2015





Buổi sáng, khi mấy chú gà nhà thi nhau cùng bầy gà rừng ca khúc nhạc o ó o… rộn rã chào đón bình minh cũng là lúc H’Wera chuẩn bị cơm nước, mang gùi vào rừng hái thuốc. Không biết từ bao giờ, dòng họ Niê Byă biết vào rừng hái lá, hoa và đào củ, rễ… mang về nhà trị bệnh cho mọi người trong vùng. Có lần ngồi bên bếp lửa, H’Wera hỏi ngoại, ngoại cười cười bảo:
- Ừ, hồi nhỏ như con ngoại cũng từng hỏi bà ngoại của ngoại như vậy, bà ngoại bảo trước đây cũng từng hỏi bà ngoại như vậy rồi, nhưng… mọi người chỉ nói có vậy thôi.
- A, con hiểu rồi, như vậy nghề hái thuốc của nhà mình có từ lâu, lâu lắm rồi nên không ai còn nhớ chứ gì!
Ngoại khẽ cốc yêu lên đầu rồi nói:
- Bé này được!
Rồi ngoại kể: Bà cố ngoại sinh được sáu người con, vừa đủ ba trai ba gái; các con trai lớn lên được các cô gái xinh đẹp của những gia đình giàu có trong vùng đến bắt về làm chồng; ở lại nhà chỉ còn ba chị em gái bắt chồng về sống chung với ngoại. Mí H’Sa sinh ra sau cùng nên được cưng chiều hơn và cũng là người duy nhất phải gánh trọng trách nối nghiệp dòng họ làm nghề hái thuốc giúp người. H’Sa là con đầu của mí H’Sa trong gia đình ba chị em, nhưng được ngoại cưng chiều nhất, chọn làm người thừa kế nghề thuốc gia truyền; vì thế từ khi còn nhỏ xíu ngoại đã cho theo đi hái thuốc qua các đỉnh núi cao chót vót hay các vách đá dựng đứng trên dãy Chư Yang Sin. Có chuyến sáng đi, tối về, có chuyến phải ngủ qua đêm trên núi cao để chờ bình minh lên mới hái được; vì thế ngủ đêm trên núi cao trở thành chuyện bình thường của những lần đi hái thuốc. Tìm lá thuốc cũng vất vả lắm, có những loại lá chỉ hái dùng làm thuốc khi mặt trời chưa mọc, có loài hoa phải hái khi có sương đọng trên cánh, lại có loại cây chỉ mọc trên vách đá cao dựng đứng phải hái vào giữa trưa… mỗi loại hoa, lá, cỏ, cây có một khoảng thời gian nhất định trong ngày mới hái làm thuốc được. Nhưng không phải bệnh gì gia đình H’Sa cũng chữa được; ngoài một số bệnh ngoài da, hay rắn độc cắn, thì chữa bệnh muộn con là công hiệu nhất. Cả vùng rộng lớn phía đông bắc núi Chư Yang Sin, rất nhiều buôn, nhưng mọi người chỉ đến nhờ gia đình H’Sa lấy thuốc; khi khỏi bệnh tùy lòng hảo tâm, người ta mang: rượu, gạo, gà, heo… đến trả công chứ gia đình không lấy tiền bao giờ; chữa bệnh làm phúc thôi mà.
Có lẽ cũng vì thế người trong buôn kính trọng gọi ông ngoại là già làng, người cai quản sắp xếp mọi công việc từ thờ cúng thần linh đến bắt chồng hay xử các cuộc tranh chấp, khiếu kiện… trong cái buôn hơn trăm nóc nhà dài, gần năm trăm hộ, hơn hai ngàn nhân khẩu. Mọi việc già làng quyết, mọi người phải tuân theo, không bàn cãi! Năm H’Sa tròn mười bốn tuổi, gia đình tổ chức một lễ cúng lớn để trao trọng trách người thừa kế dòng họ. Sau lễ đâm trâu cúng tế Yang (1) và các vị thần linh cùng dòng họ Niê Byă đang ở trên trời; bà ngoại dẫn H’Sa ra bến nước của buôn làm lễ cúng, thề độc: trọn đời im lặng, không cho ai biết ngoài người được chọn thừa kế sau này là con gái biết về các loại cây làm thuốc, và xin thần linh được hái sản vật của đại ngàn về làm phúc. Kể từ hôm ấy, H’Sa được một mình vào rừng, không phải theo ngoại nữa. Thấm thoắt đã gần qua một mùa rẫy, công việc lang thang trong rừng lâu ngày, nhiều lúc cũng cảm thấy cô đơn, nhưng dần dần thành quen và niềm vui, hạnh phúc chính là giúp người ốm bớt nỗi đau, có sức khỏe để làm việc; các cặp vợ chồng hạnh phúc, con cháu đầy nhà.
Mặt trời lên ngang vai, cũng là lúc H’Sa vượt qua hai ngọn núi cao đến gần vách đá dựng đứng bên vực sâu. Dưới lòng vực xếp toàn những khối đá lớn chồng chất lên nhau như đàn trâu rừng đang ngủ, phủ đầy rêu xanh. Trên các vách đá hai bên vực thỉnh thoảng có một bụi cây thân màu tím, lá vàng như nghệ mọc lên từ các hốc đá; đấy chính là cây làm thuốc quý, nhưng phải hái vào đúng trưa, khi ông mặt trời đứng trên đỉnh đầu không nhìn thấy hai bàn chân xếp sát nhau; khi ấy cây và lá cùng chuyển qua màu hồng, phải hái ngay. H’Sa dừng lại bên một hòn đá lớn, đặt gùi xuống, lấy trái bầu khô đựng nước định uống thì…
- Be… be… be!
Tiếng con sơn dương từ bên bờ vực vọng lại nghe như có điều gì hãi hùng, đau đớn lắm xảy ra với nó. H’Sa vội vàng khoác gùi lên lưng, cầm cây xà gạc, chạy lại phía bờ vực. Băng qua một mỏm đá, H’Sa đứng khựng lại khi nhìn thấy bầy sơn dương hơn chục con to lớn đứng trên các hòn đá to đang quay đầu nhìn chăm chú đám cỏ gianh rộng như chiếc chiếu xen giữa các tảng đá lớn, nơi con sơn dương cái đen bóng, đứng như bị cột chân, thỉnh thoảng lại kêu lên những tiếng tuyệt vọng. Thường ngày, sơn dương thoáng trông thấy bóng người từ xa đã chạy biến vào rừng, còn hôm nay chúng làm ra vẻ không thấy người đang đến, lạ thật. Tò mò, H’Sa bước nhanh lại gần con sơn dương cái, biết nó là con cái vì nó không có sừng; loài sơn dương chỉ có con đực mới có sừng. Thấy H’Sa lại sát bên cạnh, con sơn dương vẫn không bỏ chạy, đứng như hóa đá, mắt vẫn chăm chú nhìn vào đám cỏ gianh.
- Ối, Yang ơi!
H’Sa buột mồm kêu lên khi thấy một con trăn, thân to như bắp đùi người lớn, cuộn tròn như một sợi dây thừng khổng lồ quấn chặt một chú sơn dương, chỉ còn thò ra một cái đầu. Con trăn uốn mình, các lớp vảy đen pha vàng óng ánh dưới nắng, cũng chuyển động theo. Vứt vội chiếc gùi khỏi vai, H’Sa lao lại bên con trăn, tóm lấy cái đuôi lôi ra; con trăn uốn mình quay tròn, bật đuôi đập vào ngực H’Sa đau điếng, ngã lăn ra đất. Không bỏ cuộc, H’Sa bật dậy lại lao đến dùng hai tay nắm lấy mẩu đuôi con trăn, giật mạnh, cố lôi cho thẳng ra. Con trăn oằn mình quay tròn như quân cù quay chậm, vặn chéo tay, buộc H’Sa phải buông tay ra và… vút, ngọn đuôi của nó lại đập trúng vào người làm H’Sa ngã vật xuống đám cỏ.
Nhớ lời ngoại kể chuyện: Người đi rừng không may bị trăn bắt phải bình tĩnh xử lý. Trăn là loại không có nọc độc như rắn, chúng cậy khỏe, núp ở bên đường chỉ chờ người hay thú đi ngang qua, lao ra cắn vào chân, bộ răng  trăn như lưỡi cưa, cong vuốt về phía sau có tác dụng giữ chặt con mồi, không tuột ra được khi đã cắn đúng bất kỳ con gì. Cái thân dài và mềm như một sợi dây chão sẽ nhanh chóng cuộn lại, quấn lấy con mồi như ta quấn quân cù rồi siết dần cho ngạt thở mà chết, khi đó trăn mới há miệng, nhả chân, ngoạm vào đầu nuốt dần từ đầu xuôi ra chân. Người bị trăn cắn vào chân, phải đứng im giơ tay ngang ra song song với mặt đất, để mặc cho trăn quấn; nhưng nhanh mắt, khi nhìn thấy đuôi trăn, tóm ngay lấy, bẻ thật mạnh, trăn gãy đuôi tức khắc mất hết sức lực, phải há miệng, nhả mồi, bỏ chạy ngay. 
H’Sa bật dậy, lao lại bên con trăn bây giờ đã cuộn thành hình như cái hoa chuối khổng lồ, nhiều màu sắc, đầu con sơn dương thò ra hình thành cái cuống của bông hoa chuối; chộp lấy mẩu đuôi con trăn to như cổ tay, dùng hết sức bẻ gập lại. Con trăn oằn mình, giật lên như bị đánh, vội duỗi thẳng người buông con sơn dương ra, trườn luôn vào hang đá, biến mất.
Con sơn dương tội nghiệp chắc phải nặng gần ba chục ký ngã lăn ra đất, đầu cố vùng dậy, hai chân sau đạp đạp lên cỏ gianh mãi vẫn không đứng lên được, máu ở chân bên phải chảy đỏ cả đám cỏ. H’Sa lấy lá mang theo trong người, nhai nát, đắp vào vết trăn cắn. Con sơn dương vẫn đưa chân đạp, như cố gượng dậy để chạy trốn. Vỗ vỗ vào lưng, con sơn dương, H’Sa bảo:
- Ngoan nào, ngoan nào để chị giúp cho!
Lạ thay, con sơn dương nằm im không giãy giụa nữa, để mặc H’Sa xoa thuốc lên các vết răng trăn cắn. Một lúc sau máu thôi chảy, H’Sa vỗ vào đầu nó và bảo:
- Đứng dậy nào!
Vừa nói, H’Sa vừa đẩy vào lưng con sơn dương, hình như nó hiểu ý: quỳ hai chân trước xuống, hai chân sau co lại, lật úp thân lại rồi run rẩy đứng lên; nó cố lần thứ nhất… ngã; cố lần thứ hai… lại ngã; lần thứ ba thì… nó đứng lên được bằng bốn cái chân của mình; lúc đầu còn xiêu vẹo, sau một lúc… đứng thẳng được và khẽ húc cái đầu vào váy của H’Sa như con cún con. Vỗ vỗ vào đầu nó, rồi bảo:
- Thôi về với amí của mày đi, theo đàn kiếm ăn nhưng phải cẩn thận đừng để trăn tóm lần nữa nhé!
- Be, be, b…e!
Tiếng kêu như nghẹn ngào không muốn rời xa người làm H’Sa cảm động cúi xuống ôm lấy cổ sơn dương, thủ thỉ:
- Chị hiểu rồi, đi đi nào, ngoan lắm!
- Be be b…e!
Con sơn dương mẹ đứng như hóa đá phía sau, chứng kiến cuộc chiến đấu không khoan nhượng của con người với trăn để giải thoát cho con nó, đến bây giờ mới bật lên tiếng kêu thảnh thốt, làm H’Sa giật mình quay lại.
- A, amí của mày đang chờ này, đi đi thôi. Còn trách chị sao không xử con trăn hả? Con trăn sai rồi, chị cảnh cáo nó thế là được, phải để nó sống với chứ. Thôi đi đi.
H’Sa nói xong vỗ nhẹ vào mông con sơn dương. Sơn dương con tung chân chạy lại bên hòn đá amí nó đang đứng, rồi quay đầu lại kêu lên một tiếng lớn:
- B…e!
- B…e!
Bất ngờ, một dàn đồng ca cùng ngân lên với tiếng b…e, vọng vào vách đá ngân dài vút lên tận trời xanh. H’Sa giật mình nhìn lên các hòn đá lớn xung quanh thấy bầy sơn dương đông đúc đứng đó từ bao giờ đang chăm chú nhìn mình. Con sơn dương đầu đàn, to nhất, đứng trên hòn đá lớn nhất bỗng tung hai chân trước lên trời khua khua, kêu lên một tiếng: b…e, như cảm ơn rồi tung mình như bay vào rừng xanh, cả đàn nối đuôi nhau rời khỏi các mỏm đá.
Nghe đâu, từ sau lần gặp gỡ bất ngờ ấy, mỗi khi H’Sa lên rừng hái thuốc lại thấy bầy sơn dương quây quần xung quanh, đi theo và… không lâu sau, xuất hiện vị cứu tinh, giúp những cặp vợ chồng muộn con có người nối dõi như ý; người ấy không phải Yang, nhưng mọi người trong vùng xem là hiện thân của Yang vì khi được người ấy hái cho một nắm lá rừng về ăn thì sau chín tháng mười ngày nhà sẽ có thêm em bé. Người con gái giỏi như Yang ấy chính là H’Sa, người hái thuốc nam ở núi Chư Yang Sin thuộc dòng họ Niê Byă.
Mùa đông năm Giáp Ngọ - 2015



Chú thích:
(1) Amí tiếng Êđê gọi mẹ.
(2) Yang tiếng Êđê gọi trời.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

SỐ 273&274 - tác giả H’SIÊU BYĂ

Tác giả H’SIÊU BYĂ


NGƯỜI CÂM
Truyện ngắn


Họ vẫn thường gọi em là con đĩ.
Bước chân em dính đầy nước miếng, nước mũi của các bà, các chị “Xe tung, sét đánh cái con đĩ ấy đi, chân này đạp thuyền, tay kia vịn ghe, đi thuyền hết đất người này sang đất người nọ”.
Kệ chứ! Em quen tai rồi. Em thà chịu những lời mắng nhiếc độc như con rắn hổ mang kia còn hơn cong cái lưng gùi lúa, đi rẫy cháy tóc, lấy củi đen da. Thỉnh thoảng em cũng có buồn. Đó là khi gã câm ném mạnh cái nhìn về phía em. Cái nhìn của dòng Sêrêpốk yên tĩnh buổi sáng, dịu êm buổi trưa, dữ dội buổi chiều. Em giấu nỗi buồn của mình vào những chiếc khăn dang dở. Giá như gã cũng nhổ nước miếng vào lối đi thì em đã bớt nhiều suy nghĩ rồi.
Gã thương em như thương những chùm phong lan gỡ được trên cây cao mang về. Buổi chiều nhập nhoạng ít người, gã lẻn qua nhà em đặt nhẹ nhàng nó lên đầu sàn. Sàn nhà rung rung bước chân người con trai muốn ngồi chung bếp lửa với người con gái. Bà nghiêng đôi tai ho to: “Ai đang đứng dưới sàn? Nhà tôi nước trong bầu đã hết, củi trong hốc chẳng còn, chiếu mua của người Lao đã mòn, mua của người Chăm đã cũ, củ khoai, hạt bắp đã treo hết trên bếp làm giống. Nếu không chê xin mời khách lạ lên nhà ngồi chung?”. Cánh cửa yên ắng, sàn nhà yên ắng, bà nằm xuống gối mệt mỏi thở như cơn gió thổi dài trên đồi cỏ khô…
Bà ít nói. Thỉnh thoảng thả nhiều trận ho sặc sụa. Em ghét tiếng ho của bà. Nó nhắc nhở em phải kiếm tiền mua thuốc. Đồi bắp trái nhỏ xíu lơ phơ dưới cái nắng cháy khét M’đrăk không đủ chi trả cho mỗi lần cõng bà ra trạm xá. Bà rên hừ hừ và lặng câm trong thế giới của riêng mình. Bà thích dệt vải bằng đôi tay run run và mò mẫm. Những đường chỉ vụng về xiên xẹo dài ngắn trên tấm váy làm bà vui. Có gì vui? Em la toang toác mấy con gà mổ trộm lúa, mắng nhiếc con heo đang hả hê cà mình dưới cột sàn. Em ngồi lên tảng đá xù xì cạnh giếng và nức nở…
Buôn em về đêm vắng vẻ như nghĩa địa sau ngày bỏ mả.
Buôn em về đêm hoang hoải như tiếng chim pơrơtơk níu váy bạn tình.
Em lấy tấm váy chùi nước mắt đằng trước, ướt sũng.
Em xoay tấm váy đằng sau chùi nước mắt, dính đầy.
Em khóc cho em, cho lối đi dính đầy nước miếng, nước mũi của các bà, các chị. Những đêm nằm trong tay chồng người khác làm em cay xè sống mũi. Em không cảm nhận được mùi mằn mặn yêu thương từ những bao cà phê mà những gã đàn ông ném phịch vào góc nhà. Họ chọc sàn nhà sột soạt những âm thanh to rỗng như gió lùa giữa hai khe đá. Dúi vào ngực em những tờ tiền nhàu nhĩ xanh xám mùi phân bò. Gió từ núi thổi ào ạt qua hiên đánh thức sàn nhà dài rung răng rắc. Em nín thở, trở mình. Bà bò ra gian bếp hơ lửa, lửa cây Kla, Ble nũng nịu dưới lớp tro bật dậy, mở mắt to, tiếng ho khàn tràn qua gian bếp, chạy ngược lên gian khách, xuống cầu thang rồi tan biến ngoài trời sầm sẫm. Mưa đêm lất phất. Ở mái nhà nào đó có tiếng người chủ nồi cơm xì xầm với chồng “Cây cà phê đang vui ama Y, H ạ. Mai tui chạy lại chỗ người Kinh mượn ít bao phân…”.
Sáng mai mờ sương, mặt trời giấu mặt chưa muốn dậy. Trong nhà, ngoài đường sầm sập bước chân người. Người ngồi gian khách, người ngồi gian bếp, người ngồi chỗ này dài đến chỗ kia. Họ đến tắm cho bà bằng nước giếng đầu tiên của ngày. Bà đi nhẹ nhàng như cơn gió mùa hoa, như tiếng chim pơrơtơk mùa nắng. Bà sửa soạn trong chuyến hành trình xa xôi chân đi bộ không biết bao nhiêu ngày đường mới tới. Bà bỏ quên đứa cháu ngoại và tấm váy dệt chưa xong đường chỉ. Vai em tựa vào gã câm như dây leo oằn èo tựa vào gốc cổ thụ vững chắc. Gã vỗ về và chóp chép miệng. Trong âm thanh ú ớ ấy, em nhìn thấy màu tình yêu long lanh. Có những người đến với mình không ồn ào như tiếng con ve kêu, con bò lớn rống, họ lặng lẽ, nhẹ tênh như hoa Blông trắng xóa ôm lấy bầu trời rạng chiều.
Nhà dài trống, gió lùa ù ù như tiếng sáo. Thỉnh thoảng em thấy bóng của bà chập chờn ngồi hơ lửa. Tóc búi cao, lưng cong cong, hai bàn tay áp sát vào ngọn lửa xanh đỏ. Khi, em thấy bà ngồi dệt váy, những cuộn chỉ đen, dài quấn quanh bụng “Sống một mình không thể đánh chiêng. Cười một mình chẳng có ai nghe. Không ai đi xe một bánh hết con đường dài…”. Bà muốn em bắt chồng, bắt gã câm cho nhà dài có tiếng bước chân của đàn ông, cho chuồng gà có người lót ổ. Và em nhớ gã câm hơn nỗi nhớ của con trâu nhớ cỏ non, dê con nhớ đọt măng trong rừng.
Hôm nào đó, em không nhớ nữa. Con gà trống vắt vẻo trên cây cao cất tiếng gáy lanh lảnh, một đoàn mười mấy người lạ chạy xe ầm ầm trong buôn. Bụi chạy lung tung đoạn đường dài từ đường cái lớn đến bến nước. Xe zíp màu trắng đi trước, xe zíp màu đen đi sau, xe zíp màu đỏ đi chính giữa. Người trẻ trong bon nhìn, người già trong buôn ngó, đàn ông bỏ li cà phê ra dòm trước hiên, đàn bà bỏ chai nước túm tụm liếc mắt “Ya! Ai thế nhỉ? Mới tờ mờ sáng sớm, qua đất lạ mà không hỏi già làng, uống nước lạ mà không hỏi trưởng bon”. Xe dừng chạy chỗ nhà amí Buk, mẹ của gã câm. Trong buôn bắt đầu rục rạo “Thấy không? Họ bước chân lên cầu thang nhà amí Buk đấy. Kìa! Đừng mở to con mắt hết cỡ như muốn ăn người ta như thế. Hôm nay đi đổi công cho nhà amí Buk, mọi chuyện sẽ sáng mắt thôi”.
Xe zíp đi, gã câm đi.
Không một người nào trong buôn biết được sự vội vã trong bước chân của gã câm và đoàn người lạ sáng hôm ấy. Amí Buk không nói, các con không nói. Chỉ biết rằng họ u sầu, lo lắng, mắt đảo đi chỗ khác mỗi khi người già hỏi chuyện. Đêm đến, lửa ở gian bếp bập bùng, người lớn trong nhà amí Buk chụm đầu vào nhau nói những lời xì xầm to nhỏ. Lời to nói về vụ lúa không đủ ăn đến mùa mưa, cành cà phê héo quắt nhìn đi nhìn lại trông giống con cá khô ngoài nhà chợ. Lời nói nhỏ rỉ rả về gã câm, người con nuôi của nhà này. Lo chớ, gã rời bon mấy ngày nay rồi. Nuôi từ khi còn chưa biết tự mặc quần áo cho đến khi uốn cán cuốc cong, uốn cán rựa thẳng. Thế mà người Kinh nói lời một, lời hai đã theo họ về dưới miền xuôi. Amí Buk không muốn trong buôn biết chuyện. Miệng họ dài lắm, họ đi kể với người này người nọ, buôn này buôn nọ rồi thế nào cả vùng Mđrăk cũng biết, gã câm không phải từ váy bà chui ra.
Thằng nhỏ Klơi hay sang nhà em mượn lửa. Nó rù rì với em nhiều chuyện ở trường. Người nhỏ thường giữ không kín chuyện. Nó kể phun nước miếng trắng xóa hai bên mép về gã câm, về nỗi niềm của amí Buk. Nó say sưa cho đến khi nghe tiếng gọi bên kia đường: “Wơ Klơi, trời chưa tối hay sao mà bây giờ mày đi mượn lửa chưa về”. Một mình. Em ngồi vân vê mái tóc mặc kệ dòng suy nghĩ chạy ngược chạy xuôi.
Sau ngày bà mất, em không để ý đến âm thanh sục sạo dưới gầm sàn. Người đàn ông Êđê sợ bồi thường của cải hơn sợ tình yêu dành cho vợ bị phản bội. Không sợ sao được, trong lễ hỏi cưới, ngón tay con gái con trai móc chặt với nhau: “Sợi chỉ đỏ đã buộc ở chân gà trống đỏ. Sợi chỉ trắng đã buộc ở chân gà trống trắng. Dao có rồi còn đi kiếm sắt. Cá có rồi còn đi bắt nữa. Con bò lớn sẽ đốt, con trâu bự sẽ thui, vàng 10 chỉ sẽ trao, ruộng 10 sào sẽ gửi.” Thế nên khi những tiếng chọc sục sạo không được đáp trả. Họ lặng thinh, chân này đá chân kia xiêu vẹo mất dạng trong màn đêm tối hơn chiếc váy đang chờ ở hiên nhà.
Dạo này, em hay tủm tỉm với giấc ngủ mơ hồ. Em thấy nhà mình đầy bọn trẻ nhỏ. Tiếng khóc như bị con ong chích, con kiến cắn. Om sòm và ồn ĩ. Những cánh tay tròn tròn như củ sắn quàng qua vai, ôm vào cổ. Chúng níu váy, kéo áo và dụi dụi vào ngực nũng nịu đòi cà rem ngòn ngọt bốc khói. Chúng bò khắp nhà, vứt những chai nhựa rổn rảng, bật tiếng cười khanh khách như người ta cù vào nách, vào lòng bàn chân. Dưới sàn, thấp thoáng lưng gã câm. Gã ngồi vót tre đan gùi mới. Cạnh đó, con heo đang ủi ủi đất, con gà cục tác đòi ăn, những chùm phong lan xanh đỏ rủ tóc bên hàng rào từng chùm…
Em cười một mình.
Em không thích lối đi của mình dính đầy nước miếng, nước mũi của các bà các chị nữa.
Em cũng không sợ nắng mạnh của mảnh đất M’đrăk làm cháy tóc, đen da.
Ngọn lửa hừng hực đang nuôi nấng giấc mơ đêm.
Sương lãng đãng mở lối phía trước. Tiếng xe zíp nổ, tiếng cười nói trong nhà amí Buk nổ lênh loang khắp buôn làng. Thằng nhỏ Klơi không sang nhà mượn lửa,  nó mượn thứ khác, nó mượn đôi bàn tay em: “Này chị! Anh em về rồi, con người Kinh nhưng không chịu ở với người Kinh. Nó nói nó nhớ đồng cỏ và nhớ chị. Người đàn bà sạch sẽ, tóc có màu đi xe zíp muốn nhìn thấy chị. Nhanh nào, cứ để nồi cơm cho cái cột nhà coi cho”…


M’đrăk, tháng tư năm 2015

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

ĐỈNH CHƯ YANG SIN ĐANG CAO DẦN tác giả VÂN TRANG - CHƯ YANG SIN SỐ: 273+274 tháng 5&6 năm 2015





Chư Yang Sin - Tạp chí sáng tác nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk ra số đầu tiên vào Xuân Ất Mùi - 1991, mang tên Văn nghệ Dak Lak; nhà thơ Hữu Chỉnh làm Tổng biên tập, nhà thơ Phạm Doanh làm Phó tổng biên tập; ra hai tháng một kỳ; khổ 20cm x 30cm. Đến số 16 (8.1993) được đổi tên thành Yang Sin. Đến số Xuân Giáp Tuất – 1994, lại đổi tên thành Cư Yang Sin; bắt đầu từ số này, Tạp chí phát hành mỗi tháng/kỳ. Số 26 (12.1994) Tạp chí mang tên mới: Chứ Yang Sin; nhà thơ Phạm Doanh được bổ nhiệm Tổng biên tập. Đến số Xuân Canh Thìn – 2000, Tạp chí lại thay tên: Chư Yang Sin, khổ 16,5cm x 24,5cm. Sau Đại hội IV (11.2006), nhà văn Khôi Nguyên được bổ nhiệm làm Quyền tổng biên tập cho đến nay.
Sau 15 năm thành lập, Tạp chí đã 5 lần thay tên, 3 lần đổi khổ; điều đó cho thấy khó khăn của những người làm tạp chí văn nghệ trên vùng đất được mệnh danh là thủ phủ Tây Nguyên. Nhưng dù khó khăn đến mấy, Tạp chí vẫn tồn tại và ngày một phát triển, từ hai tháng/kỳ tiến tới xuất bản mỗi tháng/kỳ.Đó là sự cố gắng lớn của lãnh đạo Hội và lãnh đạo Tạp chí.
Tiếp bước các bậc cha anh đi trước, sau Đại hội V, thay đổi thế hệ lãnh đạo mới, nhà văn Lê Khôi Nguyên được bầu Chủ tịch Hội phải đảm nhiệm luôn chức danh Quyền Tổng biên tập. Tạp chí Chư Yang Sin được giao hai biên chế, một thư ký tòa soạn kiêm họa sỹ trình bày, một nhân viên vi tính; kinh phí hàng năm được cấp 230 triệu đồng để in và phát hành 12 kỳ trong năm. Trước tình hình trên, tại kỳ họp thứ II, ngày 25.2.2011 BCH Hội khóa V đã cử nhà văn Nguyễn Hồng Chiến, Phó chủ tịch Thường trực Hội phụ trách Tạp chí. Tại cuộc họp BCH Hội lần thứ III, ngày 5.6.2011theo đề nghị của Thường trực Hội, Ban chấp hành nhất trí mời nhà thơ Đặng Bá Tiến về đảm nhận chức danh Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin; trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục bổ nhiệm, tạm thời phân công giữ chức vụ Phó tổng biên tập phụ trách nội dung.
Thực hiện Nghị quyết BCH, từ tháng 7.2011, nhà thơ Đặng Bá Tiến về làm hợp đồng tại Tạp chí Chư Yang Sin với chức danh Phó tổng biên tập và hưởng mức phụ cấp… 400.000 đồng/tháng! Đây có lẽ là mức phụ cấp của Phó tổng biên tập một tạp chí (được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp giấy phép hoạt động) có một không hai ở Việt Nam. Nhưng với tấm lòng vì phong trào của Hội nói chung và sự phát triển của Tạp chí Chư Yang Sin nói riêng, nhà thơ Đặng Bá Tiến vẫn vui vẻ chấp nhận và cùng lãnh đạo tòa soạn vạch ra kế hoạch hoạt động những tháng còn lại của năm 2011 và những năm tiếp theo. Với kinh nghiệm từng trải của người làm báo chuyên nghiệp lâu năm, am hiểu tình hình văn nghệ địa phương, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã mạnh dạn đề xuất kiện toàn lại bộ máy tòa soạn, ổn định tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng Tạp chí cả về hình thức lẫn nội dung. Trong những ngày đầu bắt tay vào việc, ưu tiên đầu tiên là phải sắp xếp công việc tòa soạn khoa học, theo hướng chuyên nghiệp, mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ và giao thời gian tối đa phải hoàn thành công việc… Nhờ vậy tòa soạn đã hoạt động có hiệu quả hơn, đúng tiến độ thời gian đã vạch ra. Để thu hút bạn đọc, việc đầu tiên là phải làm sao cho Tạp chí “bắt mắt” trước hết là trang bìa, lãnh đạo Tạp chí và họa sỹ trình bày sau nhiều ngày tranh luận các phương án, cuối cùng đã thống nhất chọn một phương án trang nhã nhất; sau khi phát hành đã nhận được nhiều lời khen ngợi của hội viên cũng như bạn đọc trên cả nước. Tiếp thắng lợi bước đầu, lãnh đạo Tạp chí đã cho sắp xếp lại các chuyên mục truyền thống, mở thêm một số chuyên mục mới phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như đòi hỏi của thực tế và bạn đọc. Bước qua năm 2012, cơ bản các chuyên mục trên Tạp chí đã ổn định, nhưng để nâng cao chất lượng các tác phẩm được đăng tải phải đặt bài viết cho các văn nghệ sỹ có uy tín; đi tiên phong trong công việc này là nhà văn Niê Thanh Mai - Phó Chủ tịch Hội, phụ trách biên tập mảng văn xuôi. Nhờ cách làm này mà nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu nổi tiếng… đã có bài đăng thường xuyên trên Tạp chí. Nhằm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng bài viết cho hội viên, lãnh đạo Tạp chí đã đề xuất BCH cho tổ chức hội thảo, bàn biện pháp nâng cao chất lượng bài viết trên Tạp chí và mời nhà văn Đỗ Kim Cuông - Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam vào trao đổi một số kinh nghiệm sáng tác và thời sự văn nghệ. Những biện pháp tích cực trên đã có kết quả  đáng phấn khởi, chất lượng các tác phẩm của hội viên gửi đến Tạp chí đã được nâng cao dần.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên, lãnh đạo Tạp chí cũng như các thành viên ban biên tập chịu rất nhiều áp lực từ hội viên. Nhiều người thắc mắc sao gửi nhiều bài không được đăng, tại sao đăng bài của tôi sửa mà không xin ý kiến… thậm chí có hội viên nặng lời với cả người biên tập. Nhiều hội viên không thông cảm với nổi khổ của người làm công tác biên tập hưởng mức lương 200.000 đồng/tháng (như biên tập Ảnh, Nhạc, Văn nghệ dân gian…), số tiền ấy chưa đủ trả một phần tiền xăng xe để đến nơi làm việc, nói gì đến bù đắp sức lực đã đổ ra; nhưng vì lòng yêu văn nghệ, yêu Tạp chí của chúng ta mà tình nguyện gánh vác công việc, với một mục đích duy nhất: Nâng cao chất lượng Tạp chí. Bài không đáp ứng được yêu cầu thì kiên quyết loại, hoặc buộc phải cắt, sửa… 
Nhờ các biện pháp nêu trên, chất lượng Tạp chí được nâng cao dần, số lượng phát hành cũng tăng lên. Thế nhưng, những người lãnh đạo Tạp chí vẫn day dứt vì mức trả nhuận bút cho tác giả quá thấp: Thơ 100.000 đồng/bài, truyện, nhạc chỉ vài trăm ngàn đồng/bài, trong khi đó tạp chí văn nghệ của nhiều tỉnh bạn trả nhuận bút một bài thơ từ 500.000 - 700.000 đồng, truyện ngắn trả trên 1.000.000 đồng/bài. Tuy lãnh đạo Tạp chí đã cố gắng hết mức, nhưng với nguồn kinh phí 230 triệu đồng/năm, chỉ đủ để xuất bản chín kỳ, từ kỳ thứ mười trở đi không còn kinh phí.  Trước tình hình trên, lãnh đạo Tạp chí đã làm văn bản báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh xin cấp thêm kinh phí để duy trì xuất bản. Nhà thơ Đặng Bá Tiến đề xuất: Nhân dịp này chúng ta phải trình bày luôn khó khăn về kinh phí, trong đó có cả việc chi trả nhuận bút chưa hợp lý. Sau khi văn bản được gửi đi, lãnh đạo Tạp chí thay nhau đi “gõ cửa” lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để “tác động”. Đầu tháng 9. 2013, ông Hoàng Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định bổ sung kinh phí cho Tạp chí 3 tháng cuối năm, mỗi tháng 40 triệu đồng. Vì vậy cũng từ tháng 9. 2013 chế độ nhuận bút của Tạp chí được nâng lên: Thơ 250.000 đồng/bài, văn xuôi, nghiên cứu, chính luận, phỏng vấn… 500.000 - 550.000 đồng/bài. 
Không thỏa mãn với kết quả đạt được, lãnh đạo Tạp chí đề xuất với BCH Hội cho tổ chức một chuyến đi thực tế đến các tỉnh bạn học hỏi. Từ thực tế của Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nhật Lệ, Tạp chí Xứ Thanh, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Tạp chí Đất Tổ mới thấy họ được cấp kinh phí cao hơn chúng ta rất nhiều: Tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình) 850 triệu đồng/năm, Tạp chí Sông Hương (Thừa Thiên - Huế) 1,5 tỷ đồng/năm, Tạp chí Đất Tổ (Phú Thọ): 1,7 tỷ đồng/năm, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, được Tỉnh ủy đặt mua mỗi kỳ 1600 cuốn để phát hành tới tất cả các cơ quan, đơn vị, chi bộ… trong toàn tỉnh. Về nhân sự, các tạp chí bạn đều có từ 7 -10 biên chế, đặc biệt Đất Tổ có tới 13 biên chế, tòa soạn được cấp nhà riêng, đầy đủ phòng ốc, tiện nghi làm việc… Sau chuyến đi thực tế với những tài liệu sưu tập được, lãnh đạo Tạp chí mạnh dạn làm văn bản đề xuất UBND tỉnh tăng ngân sách cho Tạp chí. Nhờ vậy năm 2014 Tạp chí Chư Yang Sin được cấp 520 triệu, năm 2015 được cấp 500 triệu.
Năm năm một chặng đường không, dài nhưng cũng đủ để khẳng định sự trưởng thành và phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà được phản chiếu qua tấm gương trung thực là Tạp chí Chư Yang Sin, với gần 60 kỳ xuất bản. Các tác phẩm được công bố trên Tạp chí có gần 60% là của hội viên, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, có nhiều tác phẩm thể hiện sự tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo, mang lại diện mạo mới cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Đạt được kết quả trên là nhờ BCH khóa V, cùng anh chị em hội viên ủng hộ, cộng tác; lãnh đạo Tạp chí biết kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã trao truyền lại; lãnh đạo Tạp chí mạnh dạn đổi mới, phát huy dân chủ và đoàn kết nội bộ; nhờ vậy đã tạo nên sức bật mới góp phần quyết định nâng cao chất lượng Tạp chí, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.




Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 273&274 - tác giả KHÔI NGUYÊN

Tác giả KHÔI NGUYÊN


40 NĂM TỪ MỘT VÙNG ĐẤT,
VÌ MỘT VÙNG ĐẤT


Nhắc đến Đắk Lắk, sẽ có nhiều người biết đây là xứ sở của hương cà phê thơm ngát, của vị mật ong ngọt ngào, của những rừng cao su với màu xanh bạt ngàn, của sự rộn ràng với mùa ăn năm uống tháng… và đặc biệt, đây là địa bàn chiến lược đang dần hiện lên diện mạo thủ phủ khu vực Tây Nguyên.
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột 10.3.1975 – đòn điểm huyệt ngụy quyền, tạo đà cho Đại thắng Mùa xuân 1975, thống nhất Tổ quốc – Đắk Lắk chỉ có 350.000 dân (bấy giờ gồm cả tỉnh Đắk Nông ngày nay) với các dân tộc bản địa chủ yếu là Êđê, M’nông, Lào… với nền kinh tế nghèo nàn, lối sống lạc hậu. Thị xã Buôn Ma Thuột lúc đó còn hoang sơ đến mức được mệnh danh là xứ “buồn muôn thuở”, “bụi mù trời”, “thủ đô tắc kè”… khiến những cán bộ được điều động tăng cường đến Đắk Lắk ngán ngẩm đến nỗi: “Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay…”
Sau 40 năm giải phóng, mặc dù đã tách tỉnh Đắk Nông, nhưng nay Đắk Lắk đã hơn 1,8 triệu dân (có hộ khẩu thường trú) thuộc 47 dân tộc của mọi vùng miền đất nước. 
Với bối cảnh như vậy, sự hình thành và phát triển văn học nghệ thuật ở Đắk Lắk như thế nào?
Trước năm 1975 Đắk Lắk chưa có một nền văn học nghệ thuật thực sự để các thế hệ sau kế thừa; vì thời ấy hầu hết các bài viết đều nằm trong sổ tay cá nhân của một vài tác giả để rồi sau giải phóng mới có điều kiện in ấn và công bố, như Hữu Chỉnh, Thiên Lương, Trúc Hoài…; đội văn nghệ quần chúng phục vụ kháng chiến chủ yếu sử dụng những ca khúc cách mạng đã được lưu truyền, không có văn nghệ sĩ chuyên nghiệp hoạt động ở Đắk Lắk.
Những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, việc đi lại giữa các vùng miền hết sức khó khăn, từ Đắk Lắk đi sang các tỉnh khác lại càng khó khăn hơn, vì vậy việc tiếp cận, giao lưu văn học nghệ thuật giữa Đắk Lắk với các vùng miền khác là hiếm xảy ra. Muốn in ấn phải đi thành phố Hồ Chí Minh, nên Báo Đắk Lắk những năm đầu mỗi tuần 1 số, Tạp chí Văn nghệ của Ty Văn hóa Thông tin Đắk Lắk mỗi năm đôi ba kỳ, vô tuyến truyền hình một tuần 2 tối (từ 6 giờ đến 9 giờ) chuyển tiếp từ Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh… Tới năm 1977, tập truyện “Thú rừng Tây Nguyên” của Thiên Lương, tập thơ “Niềm tin” (1985) của tác giả Vũ Nhật Hồng là những tập sách đầu tiên được in riêng.
Mặc dù các cấp lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk vào những năm 70 và 80 thế kỷ trước rất quan tâm đến văn nghệ nhưng lực lượng văn nghệ sĩ quá mỏng. Cuộc vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk lần thứ nhất kéo dài từ 1982 đến 1988 không đạt kết quả, phải tổ chức Cuộc vận động lần thứ hai. Đến tháng 9.1990, Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk được tổ chức với số lượng hội viên ban đầu là 45 (kể cả hội viên danh dự). Điểm qua như vậy để thấy văn học nghệ thuật ở Đắk Lắk trong 15 năm đầu sau giải phóng hầu như còn mờ nhạt. Sự mờ nhạt này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân, chủ yếu là vào thời điểm bấy giờ, lực lượng tăng cường chủ yếu nằm ở hai phương diện: xây dựng - quản lý (về mặt kinh tế) và an ninh quốc phòng; lực lượng văn nghệ sĩ vốn đã ít ỏi, lại phải lo bươn chải để kiếm thêm thu nhập bằng cách này hay cách khác, nên khó có thời gian thâm nhập vào đời sống thực tế, không có điều kiện để tiếp nhận những thông tin mới và sự giao lưu để học tập kinh nghiệm, không thể dồn tâm huyết cho việc sáng tạo văn học nghệ thuật… 
Đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Đắk Lắk trở thành một vùng đất đầy tiềm năng, có sức hút mạnh mẽ. Nếu trong lịch sử của thế kỷ XX có ghi nhận về những cuộc di dân đến Đắk Lắk thì phải kể đến 3 cuộc di dân lớn. Thứ nhất là cuộc di dân vì nạn đói năm 1945 nên họ phải đến Đắk Lắk làm phu các đồn điền cao su, cà phê; thứ 2 là cuộc di dân 1954 của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam; thứ 3 là cuộc di dân theo chủ trương của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc những cuộc di dân tự do (vẫn đang hàng ngày hàng giờ diễn ra tại Đắk Lắk). Thế nên dân số Đắk Lắk tăng nhanh về mặt cơ học hơn sinh học. 
Sau 25 năm thành lập, hiện nay Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk có 220 hội viên, trong đó có 83 hội viên chuyên ngành Trung ương. Hội có 7 chi hội chuyên ngành (văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, nghệ thuật – biểu diễn) và 2 chi hội văn học nghệ thuât địa phương (huyện Krông Năng và các huyện phía đông Đắk Lắk).
Trên vùng đất có 47 dân tộc của trăm miền quê tụ hội, ngoài những bản sắc văn hóa bản địa còn có những sắc màu văn hóa của mọi miền đất nước từ những người đã chọn Đắk Lắk làm quê hương thứ hai bởi, họ “gánh theo tên xã tên làng”. Các văn nghệ sĩ Đắk Lắk được hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật trên một “mỏ giàu tài nguyên văn hóa”. Họ đã hòa mình vào cuộc sống và gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Nếu như năm 1990, theo nhận xét của nhà thơ Nông Quốc Chấn: “Đọc các anh các chị ở Đắk Lắk, tôi thấy cứ nhàn nhạt như đang đọc của các tác giả ở đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ, chưa thấy cái riêng của một vùng đất…” thì đến nay, văn học nghệ thuật Đắk Lắk không chỉ đã hòa được với tiếng nói chung mà còn mang đậm dấu ấn của một vùng đất. Mặc dù chẳng có “amí”, “ama”, “cồng chiêng”, “cái bụng”… trong tác phẩm nhưng nó vẫn mang hơi thở của cuộc sống ở xứ sở đa sắc tộc, đa văn hóa, thừa mưa nắng này.
Kể từ khi thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (1990), đặc biệt từ khi có nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật của Chính phủ (2004), mỗi năm Đắk Lắk có hàng chục đầu sách ra mặt bạn đọc, hàng trăm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật đoạt giải tại các cuộc thi, các cuộc liên hoan khu vực, trong nước và quốc tế. Nhiều văn nghệ sĩ Đắk Lắk được bạn bè trên cả nước biết đến… Và Đắk Lắk cũng đã trở thành điểm đến của nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước để tìm niềm cảm hứng sáng tạo về đất và người nơi đây.
40 năm, một quãng thời gian đủ để con người từ thoát thai trưởng thành, thấu hiểu lý sự trong thiên hạ (tứ thập nhi bất hoặc) nhưng so với lịch sử thì chỉ như hạt cát giữa sa mạc, so với vũ trụ thì chỉ là một thiên thạch trong vô tận thiên hà; việc đánh giá, xác định vai trò vị trí của văn học nghệ thuật một vùng đất là rất khó. Chỉ dám nhận định rằng: Các hoạt động sáng tác của các hội viên khá sôi nổi, phong phú. Mỗi chuyên ngành, mỗi lĩnh vực đều thể hiện được khả năng tìm tòi sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Mỗi cá nhân tác giả đều cố gắng nỗ lực hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực sáng tạo để đóng góp cho cuộc sống nói chung và sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà nói riêng, làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Họ đã dùng tài năng và công sức, mang tiếng nói và hơi thở của con người ở một vùng đất để góp phần cho tiến bộ xã hội.
Ở Đắk Lắk, tiếng nói của văn học nghệ thuật cũng đã có những giá trị nhất định. Hàng năm, Hội VHNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức từ 2 đến 3 trại sáng tác, nhiều chuyến đi thực tế tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có nguồn cảm hứng sáng tạo; tổ chức nhiều buổi biểu diễn tại biên giới, vùng sâu phục vụ chiến sĩ và đồng bào; tổ chức các cuộc triển lãm để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân… có kinh phí để tổ chức trao giải thưởng hàng năm và giải thưởng VHNT Chư Yang Sin (5 năm/ lần), tổ chức Trại sáng tác dành cho thanh thiếu nhi để bồi dưỡng thế hệ kế cận (tới nay đã 25 Trại cấp tỉnh, 19 Trại của riêng huyện Cư Mgar)…

40 năm, văn học nghệ thuật từ một vùng đất đã vượt qua gian khó để đi lên, cũng chỉ vì một vùng đất, vì sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, vì sự nghiệp xây dưng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đât nước. Nhiều gian nan vẫn còn. Hy vọng Nghị quyết 33 của của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Chương trình thực hiện Nghị quyết 33 của Tỉnh ủy Đắk Lắk, văn học nghệ thuật Đắk Lắk sẽ có điều kiện hơn nữa để phát triển và hội nhập.

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

SỐ 273&274 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Tác giả NGUYỄN DUY XUÂN



THÁNG NĂM VỀ QUÊ BÁC
Ghi chép



Tháng Năm này, tôi lại về thăm quê Bác.
Máy bay đáp xuống sân bay Vinh trong cái nóng hầm hập đầu hè. Tôi bắt đầu cảm nhận được mỗi lúc một rõ hơn cái không khí của đất trời quê hương thời trai trẻ đang bật dậy từ trong sâu thẳm trái tim mình. Chớm hè. Nắng gắt. Nóng hầm hập.
Nhà ga sân bay Vinh vừa được xây mới, khang trang, rộng rãi, xứng tầm một sân bay ở khu vực kinh tế năng động nhất của bắc miền Trung.
Như đã hẹn, chú em có mặt từ trước để đón tôi trở về. Vừa mới ra khỏi khu vực nhà ga sân bay, chiếc xe máy chở hai anh em đã bon bon trên con đường thảm nhựa thênh thênh, thoáng đãng, có cái tên là lạ: Đường Nghệ An – Xiêng Khoảng, nối thành phố Vinh với tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Con đường này mới đưa vào sử dụng vài năm nay, điểm xuất phát của nó từ Quán Bánh xuyên qua Eo Gió thuộc dãy Thiên Nhẫn, thông ra quốc lộ 46; rút ngắn 1/3 đoạn đường từ sân bay Vinh về quê Bác.
Dù đã nhiều lần về thăm quê hương nhưng lần nào cũng vậy, lòng tôi vẫn xốn xang những cảm xúc khó tả. Xe vừa qua Eo Gió, đã thấy hình bóng quê nhà xa xa và dãy núi Tréc – lũy thép thời chiến tranh - huyền ảo trong sương khói. Trước mặt là làng quê Kim Liên.
Tôi bảo với chú em tranh thủ ghé thăm quê Bác trước khi về nhà. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã dừng chân ở quê ngoại Hoàng Trù, thấy người xe đông nghịt. Thì ra, hôm nay là mồng một tháng năm. Đã gần 11 giờ trưa mà khách thăm vẫn nườm nượp, dường như chẳng mấy ai để ý tới cái nắng gay gắt đầu hè của miền quê xứ Nghệ. Tôi bồi hồi đứng trước ngõ vào nhà quê ngoại, ngắm nhìn khung cảnh quen thuộc với những dãy chè mạn hảo bao bọc hai bên lối đi được cắt tỉa tỉ mỉ thẳng tắp; những hàng cau rủ bóng im lìm dưới nắng trưa, bao năm nay như tiêu binh đứng xếp hàng trước ngôi nhà tranh mộc mạc. Khung cảnh thật yên bình.
Từ nhà ngoại, chúng tôi sang quê nội, hai làng cách nhau chỉ một quãng đồng. Chiếc xe máy đang bon bon bỗng chững lại. Chú em bảo tắc đường rồi. Sao? Tôi ngạc nhiên. Tắc đường ư? Chuyện tưởng chỉ có ở các thành phố lớn, vậy mà hôm nay, làng Sen cũng tắc đường. Đoạn đường dẫn tới nhà Bác chừng một cây số mà xe cộ nêm chặt. Phần lớn là xe khách chở các đoàn tham quan khắp mọi miền đất nước về đây, bỗng chốc dồn tụ lại, không hẹn mà gặp, thế là tắc đường. Tắc đường nhưng không có cảnh chen lấn hay bóp còi inh ỏi. Những chiếc xe cứ thế cõng trên mình hàng chục du khách, nhích từng tí một đưa họ đến nơi thiêng liêng mà cả đời mình hằng mong mỏi.
Chúng tôi gửi xe máy rồi đi bộ vào thăm nhà Bác. Nắng mỗi lúc một gắt. Một chút ngỡ ngàng vì tôi không tìm ra lối đi quen thuộc. Chú em biết ý bảo, bác đi lối cổng chính bên khu lưu niệm chứ lối cũ người ta rào chắn rồi. À ra thế. Vậy mà tôi cứ tìm cái lối cũ, con đường nhỏ mềm mại bên ao sen dẫn lối vào nhà Bác đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng bao du khách sau khi đặt chân đến nơi đây. Tôi thắc mắc tại sao lại thay đổi thế, chú em bảo để tiện cho việc bảo vệ khu di tích. Cảm giác của tôi lúc đó như tiếc nuối một cái gì đã vuột mất. Lúc nãy bên quê ngoại, chắc cũng là để tiện cho việc bảo vệ, người ta đã cho xây một đoạn tường rào ngăn phía tây lối vào nhà Bác. Tự dưng bỗng thấy không gian như hẹp đi. Vẫn biết có những cái cần phải thay đổi, phải hiện đại hóa để thuận tiện cho du khách ví như các dịch vụ, các tiện ích đi kèm, nhưng tôi nghĩ dù với mục đích gì thì trong vòng bán kính vài ba trăm mét tính từ tâm nhà Bác mở ra phía trước và hai bên, nên giữ nguyên trạng như nó vốn có cách đây trên 100 năm khi Người rời xa quê hương theo cha vào xứ Huế. Có như thế, mỗi lần du khách đến đây, dù là con cháu nước Việt hay bạn bè quốc tế đều có thể cảm nhận được một cách sâu sắc hồn cốt của làng quê nơi đã sinh ra bậc vĩ nhân của nhân loại.
Tôi chậm bước trên con đường bê tông với một bên là bờ rào mới dựng ngăn cách với ao sen, ở đó nổi bật trên cái nền xanh đậm của lá sen trải khắp mặt ao, lấp ló những bông sen phớt hồng đầu mùa, lòng bồi hồi muốn tìm lại cái cảm giác của mấy chục năm về trước, cũng đã từng đi trên con đường nhỏ này, đất cát phẳng phiu…
Nhà Bác đây, giản dị đơn sơ giữa một khu vườn rộng rãi bốn bề tỏa bóng cây xanh. Cây bưởi trước sân chi chít những chùm quả nhỏ trên cành. Tiếng cô thuyết minh giọng Nghệ nghe thật dễ thương, cái oi bức của trưa hè dường như cũng dịu bớt.
Lần này về thăm nhà Bác thấy có nhiều đổi thay. Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Kim Liên   phục dựng thêm 3 ngôi nhà láng giềng của gia đình Bác tại làng Sen. Đó là nhà của các cụ Nguyễn Danh Khai, Vương Hoàng Mỹ và Hoàng Xuân Tiệng. Không gian làng quê xưa như được mở rộng ra, nhà Bác không còn “đơn độc” trong con mắt của du khách nữa. Tôi rẽ lối qua khu nhà lưu niệm bề thế, vào thắp hương tưởng nhớ Người rồi dạo một vòng quanh khuôn viên rợp mát bóng cây. Tôi để ý không còn thấy những tấm bảng gắn trên thân cây như mấy năm trước, ghi danh các vị quan chức về thăm đã trồng lưu niệm. Bỗng thấy khu vườn có vẻ như thoáng hơn. Chợt nghĩ, một cái cây dù đặt ở đâu, nào có làm rạng thêm danh giá người trồng nó. Huống chi trong vườn Bác, ai lại muốn khắc tên tuổi mình lên đó? Tôi thầm cảm ơn Ban quản lí khu di tích đã làm được cái điều tưởng như đơn giản nhất nhưng lại không dễ chút nào bởi nó “nhạy cảm” lắm, “tế nhị” lắm! Bỏ đi một chi tiết thừa, để cho không gian văn hóa đẹp hơn, ấy là một hành động dũng cảm rất văn hóa của người làm văn hóa nơi đây vậy.
Trời tháng năm càng về trưa càng nắng gắt. Dòng người và xe cộ vẫn đổ về làng Sen không ngớt. Nhìn biển số xe, tôi biết họ đến từ xa lắm, tận trên “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa” ở Pác Bó; nơi tít mù Tây Bắc có Điện Biên “lừng lẫy địa cầu”, tận thành phố Hồ Chí Minh xa xôi và Cà Mau mũi tàu đất nước vời vợi. Làng Sen những ngày này đúng là nơi hội tụ tâm hồn, tình cảm dân tộc. Cả nước non tụ họp quanh Người.
Trên đường về quê mẹ, chúng tôi dừng chân bên núi Chung, ngọn núi nhỏ gắn bó với tuổi thơ của Bác một thời. Núi Chung bây giờ rợp bóng cây xanh. Rừng nhân tạo đã bao phủ khắp địa danh có bề dày lịch sử - văn hóa này. Tôi lắng nghe trong gió tiếng thầm thì của đất trời Chung sơn. Và hình như cả âm hưởng của giọng thơ La Sơn Phu tử thuở nào: “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn”. (*)
Mé đồi phía đông nam núi Chung đang hiện dần lên hình hài bề thế của một ngôi đền thiêng, nơi thờ tự gia tộc họ Nguyễn Sinh. Công trình này sau khi hoàn thành sẽ là một địa chỉ thiêng để du khách bày tỏ niềm kính phục, lòng tri ân đối với những bậc sinh thành ra người con ưu tú của dân tộc – Hồ Chí Minh.
Từ núi Chung về quê tôi chỉ còn ba cây số. Gần lắm rồi. Tôi cảm thấy tim mình đang rộn nhịp trong lồng ngực. Giờ này, chắc mẹ tôi hết ra lại vào trước ngõ, ngóng vọng đứa con xa biền biệt tháng năm trở về.
                                                       
 Quê nhà 1.5, Buôn Ma Thuột 17.5.2015




 (*) Câu thơ của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804): “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn”. Nghĩa là: Núi Chung có 3 đỉnh, hình chữ “Vương”/ Con cháu đời đời nối nghiệp anh hùng.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

SỐ 273&274 - tác giả DUY HOÀN





Lính đảo nhớ làng Sen



Tháng Năm… mùa này biển lặng
Cây phong ba gom nắng gió đơm bông
Giông bão đi qua, lính đảo lại nặng lòng
Mơ về Kim Liên hái sen hồng dâng Bác
Được về làng Trù lắng nghe phường vải hát
Câu ví rộng dài như thuở Bác theo cha…

Mùa hạ ở Trường Sa cái nắng cũng cháy da
Thương núi Hồng, sông Lam cơn gió Lào ném lửa
Núi Chung ơi! Dấu chân nào một thuở
Trang sách nào… Bác lật tuổi thơ xưa?

Nhớ làng Sen, thương chiếc võng đung đưa
Tấm phản cha ngồi cùng cụ Phan… luận bàn việc nước
Nguyễn Tất Thành say thơ, lòng thầm ước
Nghĩa khí, thương đời như các bậc vĩ nhân…

Đêm ở Trường Sa vầng trăng thật gần
Các chòm sao như la bàn của những người lính thủy
Nhớ chuyện xưa: Cuộn dây thừng… và lời Người dung dị
Bác truyền lại cháu con sau năm tháng bôn ba

Tháng năm hồng thao thức phía đảo xa
Lính đảo nhớ làng Sen bước tuần tra rạo rực
Sinh nhật Người chúng con chưa về được
Nguyện giữ biển - trời như lòng Bác hằng mong…

Tháng 5.2015


Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

SỐ 273&274 - tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM


Tác giả NGUYỄN THỊ BÍCH THIÊM


BÔNG LAN Ở MỘT TRƯỜNG HUYỆN
                       

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” kể từ khi được Đảng ta phát động đến nay đã được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng. Rất nhiều cá nhân, tập thể xuất sắc đã xuất hiện. Những cá nhân tiêu biểu ấy tựa như những bông hoa muôn màu sắc đang cùng nhau toả ngát hương thơm cho đời; mỗi đơn vị, cơ quan, làng xã, thôn, buôn… cũng giống như những khu vườn đang nở rộ những bông hoa đẹp.  Trường THPT Nguyễn Trãi, ngôi trường ở phía đông bắc huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, cũng có những cá nhân xuất sắc như vậy.
Nói về tập thể những thầy cô giáo đang thầm lặng từng ngày, từng giờ cần mẫn, chăm chỉ cho sự nghiệp “trồng người” của mình ở nơi đây, không thể không nhắc đến một người: Cô giáo Trịnh Thị Phương Lan, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ kiêm Chủ tịch Công đoàn trường. Sinh năm 1976, chị có nét duyên ngầm của con gái  Phố Hiến. Ngay từ khi còn học trung học cơ sở, cô bé Lan với cặp mắt đen tròn ấy, ngoài việc học giỏi  còn rất hăng hái tham gia phong trào của Đoàn, Đội… Những cuộc thi học sinh giỏi, thi “Tiếng hát măng non”, của Huyện tổ chức cô bé đều tham gia và đoạt giải; điều đó khiến bố mẹ cùng hai em thêm vui và tự hào về người con, người chị của mình.
Sau 1975, bác ruột cô giáo Trịnh Thị Phương Lan - bà Phạm Thị Phượng đang là hiệu trưởng một trường THCS ở quê nhà được điều động vào Tây Nguyên để giảng dạy ở Trường trung cấp sư phạm Mẫu Giáo, sau đó chuyển sang công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk.  Do không có con nên bà đã về quê đón cô cháu gái của mình vào để bác cháu có nhau. Thế là năm 1990, cô bé Lan vừa học hết Cấp 2 (trung học cơ sở) đã trở thành “người Buôn Ma Thuột”, trong tà áo dài trắng của nữ sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột. Với bản chất con nhà nghèo chăm chỉ, có tính tự lập cao, nên cô bé đã không làm bác mình thất vọng. Ba năm trung học phổ thông, rồi bốn năm là sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt cũng trôi qua, cô học sinh nhỏ bé ngày nào đã nhận bằng đỏ tốt nghiệp đại học và năm 1998 về nhận công tác tại trường Cấp 2-3 Nguyễn Trãi (sau này là Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Cư M’gar) cho đến bây giờ.
Gần hai mươi năm  trôi qua, cô giáo Trịnh Thị Phương Lan đã trưởng thành rất nhiều; luôn luôn gương mẫu trong công việc chuyên môn, chịu khó tự học và nghiêm túc trong mọi công việc được giao. Năm 2006, cô được lãnh đạo trường tin tưởng đề bạt làm Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ; năm 2007, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi đảm nhiệm Chi uỷ viên, Chủ tịch Công đoàn trường. Với vai trò là Tổ trưởng chuyên môn, cô giáo Trịnh Thị Phương Lan đã chỉ đạo tổ Anh văn hoàn thành tốt nhiệm vụ 5 năm học liên tục từ niên khóa 2009-2010 đến niên khóa 2013-2014 liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến và được Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk tặng Giấy khen. Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô cùng Ban chấp hành Công đoàn chỉ đạo thực hiện tốt mọi phong trào hoạt động do các cấp tổ chức; đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ, thể thao; Công đoàn nhà trường nhiều năm liền đạt danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc.
Từ năm 2010 đến nay, cô liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học, được Sở Giáo dục và Đào tạo Đắc Lắc tặng Giấy khen vì có thành tích "Đạt giải Nhì cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp năm học 2013-2014".
Gặp gỡ, nói chuyện với cô Trịnh Thị Phương Lan, tự nhiên tôi liên tưởng đến nhành hoa lan dịu dàng, kiên cường trong nắng gió, vẫn hàng ngày toả hương thầm lặng làm đẹp cho đời. Đúng như cái tên của mình, cô vừa dịu dàng, nhân hậu, vừa mạnh mẽ và năng động trong công việc, cuộc sống. Cô đã hoàn thành tốt vai trò người phụ nữ thời nay với những phẩm chất đáng quý: Tự trọng, tự tin, trung hậu, đảm đang.
Đáng quý biết bao khi có những cá nhân xuất sắc, những bông hoa tươi đẹp như cô Trịnh Thị Phương Lan và bao người khác đang hằng ngày hằng giờ thầm lặng toả hương thơm, làm đẹp cho đời. Các anh chị đã và đang cống hiến cho gia đình, quê hương, góp phần vào xây dựng Tổ quốc ta ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.
                                                         
  Núi Hoa, tháng 4/2015.


Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

SỐ 272 - tác giả LÊ VĂN HÒA

Nhà văn NIÊ THANH MAI

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ÊĐÊ “XUỐNG PHỐ”
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NIÊ THANH MAI




Niê Thanh Mai là nhà văn trẻ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Chị viết nhiều về dân tộc Êđê trong bối cảnh văn hóa đang chịu sự “xâm thực” từ nhiều góc độ của nền kinh tế thị trường. Một trong những hình tượng nhân vật tiêu biểu trong truyện ngắn của chị đó chính là những con người Êđê rời buôn làng đến với thị thành. Tôi tạm gọi là hình tượng người Êđê “xuống phố”. Hình tượng nhân vật này trong tác phẩm của Niê Thanh Mai góp phần thể hiện rõ mạch ngầm tư tưởng truyện ngắn của nhà văn.
Đọc Niê Thanh Mai, ta thấy rõ ra đi hay ở lại? đi rồi có quay về nữa hay không? là vấn đề mà nhân vật của chị luôn trăn trở. Và dĩ nhiên, nữ nhà văn cũng băn khoăn thật nhiều.
Cùng một con đường “xuống phố”, nhưng nhân vật trong truyện ngắn của Niê Thanh Mai chia làm ba nhóm khá rõ ràng. Nhóm thứ nhất là những người con ưu tú của núi rừng tạm xa buôn làng để ra thành thị tiếp nhận nguồn tri thức mới. Nhóm thứ hai “xuống phố” vì mong muốn đổi đời, vì không đủ sự kiên nhẫn gắn bó với quê hương, buôn bản. Nhóm thứ ba là những người ban đầu “xuống phố” vì mục đích cao đẹp, nhưng cuối cùng đã đánh mất mình nơi phố thị phồn hoa. Thông qua cái kết của những số phận này, Niê Thanh Mai bộc lộ rõ quan điểm của nhà văn về việc làm thế nào để bảo tồn, phát triển văn hóa Êđê cũng như xây dựng cuộc sống văn minh trên quê hương yêu dấu.
Ở nhóm nhân vật thứ nhất, tất cả đều có chung một hướng suy nghĩ và hành động: Ra đi tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, văn minh để mai này trở lại phục vụ buôn làng. Tâm thức ấy trở thành sức mạnh để nuôi dưỡng tình yêu quê hương, gia đình, để quyết tâm thực hiện điều mình đã hứa. Về phương diện này, nhân vật của Niê Thanh Mai quả thật rất chung thủy với nơi đã tiễn mình “ra phố”, cũng rất có trách nhiệm với lời thề son sắt của mình.
H’Mây (truyện “Mai rừng”) sinh ra trong môt gia đình nghèo khó. Em “lớn lên trong ngôi nhà sàn cũ kĩ không biết có từ bao giờ… Sàn nhà làm bằng thân nứa…”. Mây lại chỉ có mỗi thằng Phiên lớn hơn hai tuổi là bạn. Tuổi thơ của chúng là những ngày sục sạo, khám phá trên nương rẫy, có khi vào tận rừng xa. Kỉ niệm thân thương của Mây là lời hứa đầy con trẻ mà cũng vô cùng trách nhiệm của Phiên trong một lần chúng tìm thấy một khoảng xanh mướt mai rừng: “Mai rừng đấy... Hồi cha tao còn sống, cha dắt tao đến đây, chặt cành đem xuống chợ bán có tiền mua thịt lợn cho mí, mua áo mới cho tao. Mai mốt tao cũng giống cha, tao sẽ mua áo mới cho mày…”. Rồi Mây lên tỉnh học, Phiên lo lắng, hoài nghi “Mày học cao rồi biết có chịu về buôn mình nữa không?”. Nhưng cô sinh viên y khoa ấy quả quyết “Nhất định em sẽ trở về”. Bởi đơn giản “Em đi đâu cũng là con gái buôn mình chứ”, và bởi khoảng mai xanh mướt dù bị người nơi khác về chặt trộm nhưng Phiên đã học cách chăm mai và bù lại cái đẹp cho núi rừng, cũng là để thực hiện lời hứa với Mây ngày ấy.
Cùng chung tư tưởng như H’Mây, chúng ta bắt gặp Phin trong “Những buổi chiều”. Mặc dù “Nhà Phin thuộc hộ nghèo nhất buôn” nhưng “Phin học giỏi lắm”. Tốt nghiệp đại học Y, cô may mắn được bệnh viện tỉnh giữ lại làm việc. Ấy vậy mà cô lại “muốn về buôn như lời hứa với mí năm xưa”. Và cũng bởi quan niệm “Ai cũng muốn làm ở bệnh viện trên tỉnh thì người trong buôn mình ốm đau ai chăm hả cha?”. Đằng sau câu nói mộc mạc ấy là cả một trái tim son sắt với quê hương yêu dấu của mình. Trong thời buổi mà các giá trị có phần bị đảo lộn, người người tất tả theo lợi danh, những con người như Mây, như Phin đã gợi nhắc trong ta tình quê, tình đất.
Nhóm nhân vật thứ hai “xuống phố” như một cách thức để trốn chạy cuộc sống thực tại của mình tại buôn làng. Đó có thể là thực tại nghèo khó, cơ cực về vật chất; lại cũng có thể là thực tại bị xa lánh, dè bỉu của mọi người; hoặc bất mãn với người thân, gia đình, làng bản…
Trong “Về bên kia núi”, nhân vật Xuân “không muốn ở mãi một xó rừng” – nơi mà “con đường mòn gập ghềnh và dốc. Mùa khô bốc từng nắm bụi ném vào mặt người…”. Xuân muốn lên phố như bạn của cô, muốn đi “đôi dép cao nghều nghệu, gót nhọn hoắt, chênh vênh như người ta chơi trò cà kheo”, muốn mặc  “áo xanh lông két, váy mềm lòe xòe”… Và rồi Xuân dứt áo ra đi. Bỏ lại sau lưng “xó rừng” với tình yêu chân thành của Plin, bỏ lại mí và em mong ngóng mình rời bỏ phố phường để “về bên kia núi”. Bà Xuân mất, không ai biết Xuân ở đâu để báo tin. Xuân biệt tăm từ đó.
Nhân vật tôi trong “Trở về lưng chừng núi” bước xuống cầu thang với câu nói “Em lên chợ phố. Em muốn ra chợ phố” cũng một phần bởi vì những miếng cơm “chấm với muối vừng mặn chát ở đầu lưỡi”, vì khi chạy vào giữa đám trẻ chăn bò đang nhảy nhót và hét hò ầm ĩ, chúng “sựng lại” và “dắt bò đi nơi khác”, vì đêm đêm phải nghe “tiếng hát não nuột của mí”, vì “ở đây buồn”, vì cả buôn không ai ghé vào nhà mí – cái nhà mang mầm bệnh hủi… Người anh trai của nhân vật tôi cũng từng bộc bạch “Tao cũng muốn đi khỏi xó rừng này”.
Nhóm nhân vật thứ ba, vốn dĩ là những con người tốt. Nhưng cuộc sống giàu sang và nhiều cám dỗ nơi phố phường đã khiến họ đổi thay. Tiêu biểu nhất có lẽ phải nhắc tới Y Quy trong tác phẩm “Suối của rừng”. Sau một thời gian học tập ở thành phố, Y Quy đã phụ tình H’Lanh để đến với người con gái “có ngôi nhà to sừng sững giữa phố”, trút bỏ trang phục truyền thống dân tộc mình và khoác lên người “bộ quần áo sáng lóa”, “tay mang đầy nhẫn vàng”. Bị gia đình phản đối, Y Quy “dắt người yêu đi như chạy ra khỏi nhà”, gặp H’Lanh “chỉ nhìn rồi phóng xe đi”. Cuộc sống mới có ma lực mạnh mẽ làm Y Quy dễ dàng vứt bỏ nghĩa tình thiêng liêng và tình yêu trong sáng, phản bội lời hứa của chính mình!
Có thể thấy ánh sáng phố thị đã mở ra cho nhân vật của Niê Thanh Mai niềm đam mê. Phải nói rằng khát khao vươn đến cuộc sống văn minh không phải là điều đáng để phán xét ở họ. Ngược lại, cần cổ vũ cho hướng đi đầy tích cực ấy. Phải là người mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm mới có thể từ bỏ nếp sống quen thuộc đã ăn sâu vào máu thịt xưa nay để tìm về cái mới. (H’Leng trong “Đi qua mùa đêm” là một người như vậy. “Nước da trắng hồng, mắt tròn và to đen như hai hột nhãn… nụ cười rạng rỡ như cây mỡ hoa đỏ trên rừng…” H’Leng được chọn là một trong bảy cô gái rót nước vào ché rượu cần to nhất trong lễ cúng Kăm Jil. H’Leng có cái nhìn khác mọi người về nghệ thuật nên sẵn sàng “cởi áo cho người ta chụp hình ngoài suối”. Với H’Leng “chụp ảnh là làm đẹp cho đời mà”. Vì thế dù bị ngăn cản, cô vẫn nhất quyết rời buôn). Vậy thì vấn đề là người ta đón nhận, tiếp thu cái mới ấy để làm gì và sẽ thay đổi ra sao khi mang trong mình những dấu ấn thị thành?
Câu trả lời có trong lời kết cho những câu chuyện của Niê Thanh Mai.
Phin và H’Mây trở về buôn làng, đem kiến thức học được từ thành phố để phục vụ bà con dân bản, góp sức mình làm đẹp cho quê hương. Hạnh phúc của họ cũng là hạnh phúc của gia đình, làng bản. Đó là một hạnh phúc đủ đầy.
Xuân mãi mãi không dám trở về bên em và mí. Ngay cả một cái nhìn của em, Xuân cũng không đủ can đảm mà đón nhận. Bởi có lẽ ngày bước chân ra đi Xuân không nghĩ sẽ gặp lại em trong hoàn cảnh trớ trêu này: “Hình như có hai người đàn bà đang túm tóc nhau. Họ hét vào tai nhau những tiếng tục tĩu lanh lảnh… Chị dừng cuộc vật lộn nhau bằng bộ dạng tơi tả. Tóc chị rối tung. Áo quần nhiều vết toạc…”
Tôi trong “Trở về lưng chừng núi” dù “nói tiếng Kinh sõi, hút thuốc lá bằng hai ngón tay xòe cong, mặc váy mỏng và ngắn”, “đi giày cao gót” nhưng cũng không giấu được bàn chân ba ngón, bàn tay ba ngón vì hủi. Cô đi khỏi buôn vì không muốn chứng kiến sự ghẻ lạnh của mọi người. Nhưng về thành phố, cô không những mất đi dáng vẻ hình hài mà còn mất dần nhân phẩm. Để rồi nhận lại sự miệt thị của người đời: “Cô thông minh lắm. Nhưng tôi không ngủ miễn phí với một con hủi”. Và hiện thực phũ phàng được phơi bày: “Tôi không thể né tránh sự trở về trên chuyến xe sáng mai”.
Từ một hoàn cảnh khác, Miên trong truyện ngắn “Xó rừng” vốn dĩ là một cô gái ngoan và đẹp, lại rất có duyên bán hàng. Chỉ vì nghe lời đường mật của một khách du lịch mà từ bỏ gia đình, từ bỏ trang phục Êđê. Rồi cuối cùng cũng phải trở về quỳ dưới đất tạ tội cùng mẹ khi cái thai lớn dần trong bụng.
Đường về bớt chông chênh hơn cho những người con của núi rừng “xuống phố” trong truyện của Niê Thanh Mai có lẽ là con đường của Win trong “Ngày mai sáng rỡ”. Ngày trước Win lên phố học và không muốn trở về vì người ta xì xào mí bỏ bùa thầy giáo trẻ, khiến thầy không đoái hoài tới cô giáo người kinh mà say mê mí. Mí đã nói không ưng thầy giáo nữa nhưng lại vẫn gặp thầy. Win cản không được mí, cũng không ngăn được những tiếng xì xào. Nên Win không về, để không phải nghe bàn tán. Nhưng tình yêu gia đình và quê hương trong Win luôn thường trực. Nên khi nghe điện thoại của em gái gọi lên, Win đã “chạy băng băng ra bến xe buýt” để về nhà. Và khi hiểu mí, hiểu thầy, Win lại “đi tìm ai đó cho mí của Win”.
Cũng có trường hợp, con đường hồi buôn, hồi bản của nhân vật được Niê Thanh Mai thể hiện theo kĩ thuật văn chương mới. Chị cho người đọc cái nhìn rất nhòe mờ. Đó là con đường của H’Linh (trong “Giữa cơn mưa trắng xóa”). H’Linh xuống phố làm nhân viên quán Karaoke và được ông chủ “nhặt về” để “dạy dỗ đứa con gái chủ nhà dưới phố”. Cô trở về thăm gia đình trước cái nhìn tò mò của rất nhiều người. Bởi H’Linh khác quá. Về nhà, về buôn mình đấy mà cái gì với Linh cũng “quen và lạ”. Giày cao, đường mấp mô nên phải cởi giày xách trên tay. Đôi mắt bồ câu trong veo giờ đã thành “sáng quắc”. Nước da “nâu mịn khỏe khoắn” nhường chỗ cho “màu trắng mai mái xanh”. Má hồng lấn màu má con gái Êđê rám nắng. “Môi đỏ loe” chẳng giống màu hoa móng rồng. H’Linh không nhớ cha bao nhiêu tuổi… Nhưng “H’Linh chưa kịp quên cái gì, chỉ sắp quên thôi”… H’Linh thăm nhà một hôm rồi lại xuống núi. Cô vác theo cả bức tượng khỉ mặt sầu đặt vào vườn ông chủ. Và cũng là đặt cuộc đời cô vào bàn tay một kẻ giàu có, quyền uy. Ấy vậy mà hạnh phúc không mỉm cười với H’Linh vì ông chủ không còn khả năng chăn gối. H’Linh uống rượu và thấy lờ mờ kí ức hiện về, thấy anh rể nhổ bức tượng khỉ mặt sầu trong vườn ông chủ. Cô giằng lại nhưng không được. Anh rể vác bức tượng khỉ mặt sầu đi giữa trắng xóa cơn mưa…
Dĩ nhiên, trong sáng tác của Niê Thanh Mai, có những người “xuống phố” đã không thể trở về. Bởi họ đã hoàn toàn biến chất. Y Quy thất bại với giấc mơ vợ đẹp, nhà sang đã quay về buôn tìm H’Lanh (người yêu cũ, nay đã có gia đình, chồng bị tai nạn tật nguyền) và muốn nối lại tình cũ. Tệ hại hơn khi bị từ chối, Y Quy còn muốn dùng vũ lực để cưỡng bức H’Lanh. Nhưng hành động ghê tởm ấy đã bị chồng H’Lanh kịp thời ngăn cản. Y Quy mãi không thể trở lại buôn làng.
Như vậy, chúng ta thấy nhà văn trẻ Niê Thanh Mai đã thể hiện rõ quan điểm của mình qua hình tượng những con người Êđê “xuống phố”. Với chị, “xuống phố” tiếp nhận văn minh là điều đáng làm; nhưng hành động ấy chỉ có giá trị và được cộng đồng thừa nhận khi họ biết trở về, đem tri thức thu nhặt được xây dựng quê hương làng bản. Mọi sự phỉ báng, xa rời truyền thống dân tộc và thoái hóa, biến chất trước tác động của yếu tố mới đều bị khước từ. Hoặc là con người ấy sẽ thất bại, trở về trong đau khổ. Hoặc là mãi mãi sẽ tha hương.
Trong một xã hội đầy biến động, cái mới và cái cũ đan xen; làm thế nào để văn hóa Êđê (mở rộng ra là văn hóa các dân tộc thiểu số khác) không bị mai một nhưng vẫn có thể tiếp nhận văn minh từ các dân tộc khác để phát triển cộng đồng và mỗi cá nhân? Sự va đập của văn hóa Êđê trước văn minh đô thị sẽ để lại hậu quả thế nào? Xu thế “hướng ngoại”, “li hương” có phải hoàn toàn phù hợp hay không? Tất cả những câu hỏi ấy có lẽ phần nào đã được nữ nhà văn giải đáp thông qua hình tượng người Êđê “xuống phố”.