Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

SỐ 273&274 - tác giả NGUYỄN DUY XUÂN

Tác giả NGUYỄN DUY XUÂN



THÁNG NĂM VỀ QUÊ BÁC
Ghi chép



Tháng Năm này, tôi lại về thăm quê Bác.
Máy bay đáp xuống sân bay Vinh trong cái nóng hầm hập đầu hè. Tôi bắt đầu cảm nhận được mỗi lúc một rõ hơn cái không khí của đất trời quê hương thời trai trẻ đang bật dậy từ trong sâu thẳm trái tim mình. Chớm hè. Nắng gắt. Nóng hầm hập.
Nhà ga sân bay Vinh vừa được xây mới, khang trang, rộng rãi, xứng tầm một sân bay ở khu vực kinh tế năng động nhất của bắc miền Trung.
Như đã hẹn, chú em có mặt từ trước để đón tôi trở về. Vừa mới ra khỏi khu vực nhà ga sân bay, chiếc xe máy chở hai anh em đã bon bon trên con đường thảm nhựa thênh thênh, thoáng đãng, có cái tên là lạ: Đường Nghệ An – Xiêng Khoảng, nối thành phố Vinh với tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Con đường này mới đưa vào sử dụng vài năm nay, điểm xuất phát của nó từ Quán Bánh xuyên qua Eo Gió thuộc dãy Thiên Nhẫn, thông ra quốc lộ 46; rút ngắn 1/3 đoạn đường từ sân bay Vinh về quê Bác.
Dù đã nhiều lần về thăm quê hương nhưng lần nào cũng vậy, lòng tôi vẫn xốn xang những cảm xúc khó tả. Xe vừa qua Eo Gió, đã thấy hình bóng quê nhà xa xa và dãy núi Tréc – lũy thép thời chiến tranh - huyền ảo trong sương khói. Trước mặt là làng quê Kim Liên.
Tôi bảo với chú em tranh thủ ghé thăm quê Bác trước khi về nhà. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã dừng chân ở quê ngoại Hoàng Trù, thấy người xe đông nghịt. Thì ra, hôm nay là mồng một tháng năm. Đã gần 11 giờ trưa mà khách thăm vẫn nườm nượp, dường như chẳng mấy ai để ý tới cái nắng gay gắt đầu hè của miền quê xứ Nghệ. Tôi bồi hồi đứng trước ngõ vào nhà quê ngoại, ngắm nhìn khung cảnh quen thuộc với những dãy chè mạn hảo bao bọc hai bên lối đi được cắt tỉa tỉ mỉ thẳng tắp; những hàng cau rủ bóng im lìm dưới nắng trưa, bao năm nay như tiêu binh đứng xếp hàng trước ngôi nhà tranh mộc mạc. Khung cảnh thật yên bình.
Từ nhà ngoại, chúng tôi sang quê nội, hai làng cách nhau chỉ một quãng đồng. Chiếc xe máy đang bon bon bỗng chững lại. Chú em bảo tắc đường rồi. Sao? Tôi ngạc nhiên. Tắc đường ư? Chuyện tưởng chỉ có ở các thành phố lớn, vậy mà hôm nay, làng Sen cũng tắc đường. Đoạn đường dẫn tới nhà Bác chừng một cây số mà xe cộ nêm chặt. Phần lớn là xe khách chở các đoàn tham quan khắp mọi miền đất nước về đây, bỗng chốc dồn tụ lại, không hẹn mà gặp, thế là tắc đường. Tắc đường nhưng không có cảnh chen lấn hay bóp còi inh ỏi. Những chiếc xe cứ thế cõng trên mình hàng chục du khách, nhích từng tí một đưa họ đến nơi thiêng liêng mà cả đời mình hằng mong mỏi.
Chúng tôi gửi xe máy rồi đi bộ vào thăm nhà Bác. Nắng mỗi lúc một gắt. Một chút ngỡ ngàng vì tôi không tìm ra lối đi quen thuộc. Chú em biết ý bảo, bác đi lối cổng chính bên khu lưu niệm chứ lối cũ người ta rào chắn rồi. À ra thế. Vậy mà tôi cứ tìm cái lối cũ, con đường nhỏ mềm mại bên ao sen dẫn lối vào nhà Bác đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng bao du khách sau khi đặt chân đến nơi đây. Tôi thắc mắc tại sao lại thay đổi thế, chú em bảo để tiện cho việc bảo vệ khu di tích. Cảm giác của tôi lúc đó như tiếc nuối một cái gì đã vuột mất. Lúc nãy bên quê ngoại, chắc cũng là để tiện cho việc bảo vệ, người ta đã cho xây một đoạn tường rào ngăn phía tây lối vào nhà Bác. Tự dưng bỗng thấy không gian như hẹp đi. Vẫn biết có những cái cần phải thay đổi, phải hiện đại hóa để thuận tiện cho du khách ví như các dịch vụ, các tiện ích đi kèm, nhưng tôi nghĩ dù với mục đích gì thì trong vòng bán kính vài ba trăm mét tính từ tâm nhà Bác mở ra phía trước và hai bên, nên giữ nguyên trạng như nó vốn có cách đây trên 100 năm khi Người rời xa quê hương theo cha vào xứ Huế. Có như thế, mỗi lần du khách đến đây, dù là con cháu nước Việt hay bạn bè quốc tế đều có thể cảm nhận được một cách sâu sắc hồn cốt của làng quê nơi đã sinh ra bậc vĩ nhân của nhân loại.
Tôi chậm bước trên con đường bê tông với một bên là bờ rào mới dựng ngăn cách với ao sen, ở đó nổi bật trên cái nền xanh đậm của lá sen trải khắp mặt ao, lấp ló những bông sen phớt hồng đầu mùa, lòng bồi hồi muốn tìm lại cái cảm giác của mấy chục năm về trước, cũng đã từng đi trên con đường nhỏ này, đất cát phẳng phiu…
Nhà Bác đây, giản dị đơn sơ giữa một khu vườn rộng rãi bốn bề tỏa bóng cây xanh. Cây bưởi trước sân chi chít những chùm quả nhỏ trên cành. Tiếng cô thuyết minh giọng Nghệ nghe thật dễ thương, cái oi bức của trưa hè dường như cũng dịu bớt.
Lần này về thăm nhà Bác thấy có nhiều đổi thay. Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Kim Liên   phục dựng thêm 3 ngôi nhà láng giềng của gia đình Bác tại làng Sen. Đó là nhà của các cụ Nguyễn Danh Khai, Vương Hoàng Mỹ và Hoàng Xuân Tiệng. Không gian làng quê xưa như được mở rộng ra, nhà Bác không còn “đơn độc” trong con mắt của du khách nữa. Tôi rẽ lối qua khu nhà lưu niệm bề thế, vào thắp hương tưởng nhớ Người rồi dạo một vòng quanh khuôn viên rợp mát bóng cây. Tôi để ý không còn thấy những tấm bảng gắn trên thân cây như mấy năm trước, ghi danh các vị quan chức về thăm đã trồng lưu niệm. Bỗng thấy khu vườn có vẻ như thoáng hơn. Chợt nghĩ, một cái cây dù đặt ở đâu, nào có làm rạng thêm danh giá người trồng nó. Huống chi trong vườn Bác, ai lại muốn khắc tên tuổi mình lên đó? Tôi thầm cảm ơn Ban quản lí khu di tích đã làm được cái điều tưởng như đơn giản nhất nhưng lại không dễ chút nào bởi nó “nhạy cảm” lắm, “tế nhị” lắm! Bỏ đi một chi tiết thừa, để cho không gian văn hóa đẹp hơn, ấy là một hành động dũng cảm rất văn hóa của người làm văn hóa nơi đây vậy.
Trời tháng năm càng về trưa càng nắng gắt. Dòng người và xe cộ vẫn đổ về làng Sen không ngớt. Nhìn biển số xe, tôi biết họ đến từ xa lắm, tận trên “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa” ở Pác Bó; nơi tít mù Tây Bắc có Điện Biên “lừng lẫy địa cầu”, tận thành phố Hồ Chí Minh xa xôi và Cà Mau mũi tàu đất nước vời vợi. Làng Sen những ngày này đúng là nơi hội tụ tâm hồn, tình cảm dân tộc. Cả nước non tụ họp quanh Người.
Trên đường về quê mẹ, chúng tôi dừng chân bên núi Chung, ngọn núi nhỏ gắn bó với tuổi thơ của Bác một thời. Núi Chung bây giờ rợp bóng cây xanh. Rừng nhân tạo đã bao phủ khắp địa danh có bề dày lịch sử - văn hóa này. Tôi lắng nghe trong gió tiếng thầm thì của đất trời Chung sơn. Và hình như cả âm hưởng của giọng thơ La Sơn Phu tử thuở nào: “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn”. (*)
Mé đồi phía đông nam núi Chung đang hiện dần lên hình hài bề thế của một ngôi đền thiêng, nơi thờ tự gia tộc họ Nguyễn Sinh. Công trình này sau khi hoàn thành sẽ là một địa chỉ thiêng để du khách bày tỏ niềm kính phục, lòng tri ân đối với những bậc sinh thành ra người con ưu tú của dân tộc – Hồ Chí Minh.
Từ núi Chung về quê tôi chỉ còn ba cây số. Gần lắm rồi. Tôi cảm thấy tim mình đang rộn nhịp trong lồng ngực. Giờ này, chắc mẹ tôi hết ra lại vào trước ngõ, ngóng vọng đứa con xa biền biệt tháng năm trở về.
                                                       
 Quê nhà 1.5, Buôn Ma Thuột 17.5.2015




 (*) Câu thơ của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804): “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn”. Nghĩa là: Núi Chung có 3 đỉnh, hình chữ “Vương”/ Con cháu đời đời nối nghiệp anh hùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI