Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

CHƯ YANG SIN SỐ 273&274 - tác giả KHÔI NGUYÊN

Tác giả KHÔI NGUYÊN


40 NĂM TỪ MỘT VÙNG ĐẤT,
VÌ MỘT VÙNG ĐẤT


Nhắc đến Đắk Lắk, sẽ có nhiều người biết đây là xứ sở của hương cà phê thơm ngát, của vị mật ong ngọt ngào, của những rừng cao su với màu xanh bạt ngàn, của sự rộn ràng với mùa ăn năm uống tháng… và đặc biệt, đây là địa bàn chiến lược đang dần hiện lên diện mạo thủ phủ khu vực Tây Nguyên.
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột 10.3.1975 – đòn điểm huyệt ngụy quyền, tạo đà cho Đại thắng Mùa xuân 1975, thống nhất Tổ quốc – Đắk Lắk chỉ có 350.000 dân (bấy giờ gồm cả tỉnh Đắk Nông ngày nay) với các dân tộc bản địa chủ yếu là Êđê, M’nông, Lào… với nền kinh tế nghèo nàn, lối sống lạc hậu. Thị xã Buôn Ma Thuột lúc đó còn hoang sơ đến mức được mệnh danh là xứ “buồn muôn thuở”, “bụi mù trời”, “thủ đô tắc kè”… khiến những cán bộ được điều động tăng cường đến Đắk Lắk ngán ngẩm đến nỗi: “Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay…”
Sau 40 năm giải phóng, mặc dù đã tách tỉnh Đắk Nông, nhưng nay Đắk Lắk đã hơn 1,8 triệu dân (có hộ khẩu thường trú) thuộc 47 dân tộc của mọi vùng miền đất nước. 
Với bối cảnh như vậy, sự hình thành và phát triển văn học nghệ thuật ở Đắk Lắk như thế nào?
Trước năm 1975 Đắk Lắk chưa có một nền văn học nghệ thuật thực sự để các thế hệ sau kế thừa; vì thời ấy hầu hết các bài viết đều nằm trong sổ tay cá nhân của một vài tác giả để rồi sau giải phóng mới có điều kiện in ấn và công bố, như Hữu Chỉnh, Thiên Lương, Trúc Hoài…; đội văn nghệ quần chúng phục vụ kháng chiến chủ yếu sử dụng những ca khúc cách mạng đã được lưu truyền, không có văn nghệ sĩ chuyên nghiệp hoạt động ở Đắk Lắk.
Những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, việc đi lại giữa các vùng miền hết sức khó khăn, từ Đắk Lắk đi sang các tỉnh khác lại càng khó khăn hơn, vì vậy việc tiếp cận, giao lưu văn học nghệ thuật giữa Đắk Lắk với các vùng miền khác là hiếm xảy ra. Muốn in ấn phải đi thành phố Hồ Chí Minh, nên Báo Đắk Lắk những năm đầu mỗi tuần 1 số, Tạp chí Văn nghệ của Ty Văn hóa Thông tin Đắk Lắk mỗi năm đôi ba kỳ, vô tuyến truyền hình một tuần 2 tối (từ 6 giờ đến 9 giờ) chuyển tiếp từ Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh… Tới năm 1977, tập truyện “Thú rừng Tây Nguyên” của Thiên Lương, tập thơ “Niềm tin” (1985) của tác giả Vũ Nhật Hồng là những tập sách đầu tiên được in riêng.
Mặc dù các cấp lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk vào những năm 70 và 80 thế kỷ trước rất quan tâm đến văn nghệ nhưng lực lượng văn nghệ sĩ quá mỏng. Cuộc vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk lần thứ nhất kéo dài từ 1982 đến 1988 không đạt kết quả, phải tổ chức Cuộc vận động lần thứ hai. Đến tháng 9.1990, Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk được tổ chức với số lượng hội viên ban đầu là 45 (kể cả hội viên danh dự). Điểm qua như vậy để thấy văn học nghệ thuật ở Đắk Lắk trong 15 năm đầu sau giải phóng hầu như còn mờ nhạt. Sự mờ nhạt này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân, chủ yếu là vào thời điểm bấy giờ, lực lượng tăng cường chủ yếu nằm ở hai phương diện: xây dựng - quản lý (về mặt kinh tế) và an ninh quốc phòng; lực lượng văn nghệ sĩ vốn đã ít ỏi, lại phải lo bươn chải để kiếm thêm thu nhập bằng cách này hay cách khác, nên khó có thời gian thâm nhập vào đời sống thực tế, không có điều kiện để tiếp nhận những thông tin mới và sự giao lưu để học tập kinh nghiệm, không thể dồn tâm huyết cho việc sáng tạo văn học nghệ thuật… 
Đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Đắk Lắk trở thành một vùng đất đầy tiềm năng, có sức hút mạnh mẽ. Nếu trong lịch sử của thế kỷ XX có ghi nhận về những cuộc di dân đến Đắk Lắk thì phải kể đến 3 cuộc di dân lớn. Thứ nhất là cuộc di dân vì nạn đói năm 1945 nên họ phải đến Đắk Lắk làm phu các đồn điền cao su, cà phê; thứ 2 là cuộc di dân 1954 của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam; thứ 3 là cuộc di dân theo chủ trương của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc những cuộc di dân tự do (vẫn đang hàng ngày hàng giờ diễn ra tại Đắk Lắk). Thế nên dân số Đắk Lắk tăng nhanh về mặt cơ học hơn sinh học. 
Sau 25 năm thành lập, hiện nay Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk có 220 hội viên, trong đó có 83 hội viên chuyên ngành Trung ương. Hội có 7 chi hội chuyên ngành (văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, nghệ thuật – biểu diễn) và 2 chi hội văn học nghệ thuât địa phương (huyện Krông Năng và các huyện phía đông Đắk Lắk).
Trên vùng đất có 47 dân tộc của trăm miền quê tụ hội, ngoài những bản sắc văn hóa bản địa còn có những sắc màu văn hóa của mọi miền đất nước từ những người đã chọn Đắk Lắk làm quê hương thứ hai bởi, họ “gánh theo tên xã tên làng”. Các văn nghệ sĩ Đắk Lắk được hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật trên một “mỏ giàu tài nguyên văn hóa”. Họ đã hòa mình vào cuộc sống và gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Nếu như năm 1990, theo nhận xét của nhà thơ Nông Quốc Chấn: “Đọc các anh các chị ở Đắk Lắk, tôi thấy cứ nhàn nhạt như đang đọc của các tác giả ở đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ, chưa thấy cái riêng của một vùng đất…” thì đến nay, văn học nghệ thuật Đắk Lắk không chỉ đã hòa được với tiếng nói chung mà còn mang đậm dấu ấn của một vùng đất. Mặc dù chẳng có “amí”, “ama”, “cồng chiêng”, “cái bụng”… trong tác phẩm nhưng nó vẫn mang hơi thở của cuộc sống ở xứ sở đa sắc tộc, đa văn hóa, thừa mưa nắng này.
Kể từ khi thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (1990), đặc biệt từ khi có nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật của Chính phủ (2004), mỗi năm Đắk Lắk có hàng chục đầu sách ra mặt bạn đọc, hàng trăm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật đoạt giải tại các cuộc thi, các cuộc liên hoan khu vực, trong nước và quốc tế. Nhiều văn nghệ sĩ Đắk Lắk được bạn bè trên cả nước biết đến… Và Đắk Lắk cũng đã trở thành điểm đến của nhiều văn nghệ sĩ trên cả nước để tìm niềm cảm hứng sáng tạo về đất và người nơi đây.
40 năm, một quãng thời gian đủ để con người từ thoát thai trưởng thành, thấu hiểu lý sự trong thiên hạ (tứ thập nhi bất hoặc) nhưng so với lịch sử thì chỉ như hạt cát giữa sa mạc, so với vũ trụ thì chỉ là một thiên thạch trong vô tận thiên hà; việc đánh giá, xác định vai trò vị trí của văn học nghệ thuật một vùng đất là rất khó. Chỉ dám nhận định rằng: Các hoạt động sáng tác của các hội viên khá sôi nổi, phong phú. Mỗi chuyên ngành, mỗi lĩnh vực đều thể hiện được khả năng tìm tòi sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Mỗi cá nhân tác giả đều cố gắng nỗ lực hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực sáng tạo để đóng góp cho cuộc sống nói chung và sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà nói riêng, làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Họ đã dùng tài năng và công sức, mang tiếng nói và hơi thở của con người ở một vùng đất để góp phần cho tiến bộ xã hội.
Ở Đắk Lắk, tiếng nói của văn học nghệ thuật cũng đã có những giá trị nhất định. Hàng năm, Hội VHNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức từ 2 đến 3 trại sáng tác, nhiều chuyến đi thực tế tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có nguồn cảm hứng sáng tạo; tổ chức nhiều buổi biểu diễn tại biên giới, vùng sâu phục vụ chiến sĩ và đồng bào; tổ chức các cuộc triển lãm để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân… có kinh phí để tổ chức trao giải thưởng hàng năm và giải thưởng VHNT Chư Yang Sin (5 năm/ lần), tổ chức Trại sáng tác dành cho thanh thiếu nhi để bồi dưỡng thế hệ kế cận (tới nay đã 25 Trại cấp tỉnh, 19 Trại của riêng huyện Cư Mgar)…

40 năm, văn học nghệ thuật từ một vùng đất đã vượt qua gian khó để đi lên, cũng chỉ vì một vùng đất, vì sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, vì sự nghiệp xây dưng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đât nước. Nhiều gian nan vẫn còn. Hy vọng Nghị quyết 33 của của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Chương trình thực hiện Nghị quyết 33 của Tỉnh ủy Đắk Lắk, văn học nghệ thuật Đắk Lắk sẽ có điều kiện hơn nữa để phát triển và hội nhập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI