Tác giả H’SIÊU BYĂ
NGƯỜI CÂM
Truyện ngắn
Họ vẫn thường gọi em là con đĩ.
Bước chân em dính đầy nước miếng,
nước mũi của các bà, các chị “Xe tung, sét đánh cái con đĩ ấy đi, chân này đạp
thuyền, tay kia vịn ghe, đi thuyền hết đất người này sang đất người nọ”.
Kệ chứ! Em quen tai rồi. Em thà
chịu những lời mắng nhiếc độc như con rắn hổ mang kia còn hơn cong cái lưng gùi
lúa, đi rẫy cháy tóc, lấy củi đen da. Thỉnh thoảng em cũng có buồn. Đó là khi gã
câm ném mạnh cái nhìn về phía em. Cái nhìn của dòng Sêrêpốk yên tĩnh buổi sáng,
dịu êm buổi trưa, dữ dội buổi chiều. Em giấu nỗi buồn của mình vào những chiếc
khăn dang dở. Giá như gã cũng nhổ nước miếng vào lối đi thì em đã bớt nhiều suy
nghĩ rồi.
Gã thương em như thương những chùm
phong lan gỡ được trên cây cao mang về. Buổi chiều nhập nhoạng ít người, gã lẻn
qua nhà em đặt nhẹ nhàng nó lên đầu sàn. Sàn nhà rung rung bước chân người con
trai muốn ngồi chung bếp lửa với người con gái. Bà nghiêng đôi tai ho to: “Ai
đang đứng dưới sàn? Nhà tôi nước trong bầu đã hết, củi trong hốc chẳng còn, chiếu
mua của người Lao đã mòn, mua của người Chăm đã cũ, củ khoai, hạt bắp đã treo hết
trên bếp làm giống. Nếu không chê xin mời khách lạ lên nhà ngồi chung?”. Cánh
cửa yên ắng, sàn nhà yên ắng, bà nằm xuống gối mệt mỏi thở như cơn gió thổi dài
trên đồi cỏ khô…
Bà ít nói. Thỉnh thoảng thả nhiều
trận ho sặc sụa. Em ghét tiếng ho của bà. Nó nhắc nhở em phải kiếm tiền mua thuốc.
Đồi bắp trái nhỏ xíu lơ phơ dưới cái nắng cháy khét M’đrăk không đủ chi trả cho
mỗi lần cõng bà ra trạm xá. Bà rên hừ hừ và lặng câm trong thế giới của riêng mình.
Bà thích dệt vải bằng đôi tay run run và mò mẫm. Những đường chỉ vụng về xiên xẹo
dài ngắn trên tấm váy làm bà vui. Có gì vui? Em la toang toác mấy con gà mổ trộm
lúa, mắng nhiếc con heo đang hả hê cà mình dưới cột sàn. Em ngồi lên tảng đá xù
xì cạnh giếng và nức nở…
Buôn em về đêm vắng vẻ như nghĩa địa
sau ngày bỏ mả.
Buôn em về đêm hoang hoải như tiếng
chim pơrơtơk níu váy bạn tình.
Em lấy tấm váy chùi nước mắt đằng
trước, ướt sũng.
Em xoay tấm váy đằng sau chùi nước
mắt, dính đầy.
Em khóc cho em, cho lối đi dính đầy
nước miếng, nước mũi của các bà, các chị. Những đêm nằm trong tay chồng người
khác làm em cay xè sống mũi. Em không cảm nhận được mùi mằn mặn yêu thương từ
những bao cà phê mà những gã đàn ông ném phịch vào góc nhà. Họ chọc sàn nhà sột
soạt những âm thanh to rỗng như gió lùa giữa hai khe đá. Dúi vào ngực em những
tờ tiền nhàu nhĩ xanh xám mùi phân bò. Gió từ núi thổi ào ạt qua hiên đánh thức
sàn nhà dài rung răng rắc. Em nín thở, trở mình. Bà bò ra gian bếp hơ lửa, lửa
cây Kla, Ble nũng nịu dưới lớp tro bật dậy, mở mắt to, tiếng ho khàn tràn qua
gian bếp, chạy ngược lên gian khách, xuống cầu thang rồi tan biến ngoài trời sầm
sẫm. Mưa đêm lất phất. Ở mái nhà nào đó có tiếng người chủ nồi cơm xì xầm với
chồng “Cây cà phê đang vui ama Y, H ạ. Mai tui chạy lại chỗ người Kinh mượn ít
bao phân…”.
Sáng mai mờ sương, mặt trời giấu
mặt chưa muốn dậy. Trong nhà, ngoài đường sầm sập bước chân người. Người ngồi
gian khách, người ngồi gian bếp, người ngồi chỗ này dài đến chỗ kia. Họ đến tắm
cho bà bằng nước giếng đầu tiên của ngày. Bà đi nhẹ nhàng như cơn gió mùa hoa,
như tiếng chim pơrơtơk mùa nắng. Bà sửa soạn trong chuyến hành trình xa xôi chân
đi bộ không biết bao nhiêu ngày đường mới tới. Bà bỏ quên đứa cháu ngoại và tấm
váy dệt chưa xong đường chỉ. Vai em tựa vào gã câm như dây leo oằn èo tựa vào gốc
cổ thụ vững chắc. Gã vỗ về và chóp chép miệng. Trong âm thanh ú ớ ấy, em nhìn
thấy màu tình yêu long lanh. Có những người đến với mình không ồn ào như tiếng
con ve kêu, con bò lớn rống, họ lặng lẽ, nhẹ tênh như hoa Blông trắng xóa ôm lấy
bầu trời rạng chiều.
Nhà dài trống, gió lùa ù ù như tiếng
sáo. Thỉnh thoảng em thấy bóng của bà chập chờn ngồi hơ lửa. Tóc búi cao, lưng
cong cong, hai bàn tay áp sát vào ngọn lửa xanh đỏ. Khi, em thấy bà ngồi dệt váy,
những cuộn chỉ đen, dài quấn quanh bụng “Sống một mình không thể đánh chiêng.
Cười một mình chẳng có ai nghe. Không ai đi xe một bánh hết con đường dài…”.
Bà muốn em bắt chồng, bắt gã câm cho nhà dài có tiếng bước chân của đàn ông,
cho chuồng gà có người lót ổ. Và em nhớ gã câm hơn nỗi nhớ của con trâu nhớ cỏ
non, dê con nhớ đọt măng trong rừng.
Hôm nào đó, em không nhớ nữa. Con
gà trống vắt vẻo trên cây cao cất tiếng gáy lanh lảnh, một đoàn mười mấy người
lạ chạy xe ầm ầm trong buôn. Bụi chạy lung tung đoạn đường dài từ đường cái lớn
đến bến nước. Xe zíp màu trắng đi trước, xe zíp màu đen đi sau, xe zíp màu đỏ đi
chính giữa. Người trẻ trong bon nhìn, người già trong buôn ngó, đàn ông bỏ li cà
phê ra dòm trước hiên, đàn bà bỏ chai nước túm tụm liếc mắt “Ya! Ai thế nhỉ?
Mới tờ mờ sáng sớm, qua đất lạ mà không hỏi già làng, uống nước lạ mà không hỏi
trưởng bon”. Xe dừng chạy chỗ nhà amí Buk, mẹ của gã câm. Trong buôn bắt đầu
rục rạo “Thấy không? Họ bước chân lên cầu thang nhà amí Buk đấy. Kìa! Đừng mở
to con mắt hết cỡ như muốn ăn người ta như thế. Hôm nay đi đổi công cho nhà amí
Buk, mọi chuyện sẽ sáng mắt thôi”.
Xe zíp đi, gã câm đi.
Không một người nào trong buôn biết
được sự vội vã trong bước chân của gã câm và đoàn người lạ sáng hôm ấy. Amí Buk
không nói, các con không nói. Chỉ biết rằng họ u sầu, lo lắng, mắt đảo đi chỗ
khác mỗi khi người già hỏi chuyện. Đêm đến, lửa ở gian bếp bập bùng, người lớn
trong nhà amí Buk chụm đầu vào nhau nói những lời xì xầm to nhỏ. Lời to nói về
vụ lúa không đủ ăn đến mùa mưa, cành cà phê héo quắt nhìn đi nhìn lại trông giống
con cá khô ngoài nhà chợ. Lời nói nhỏ rỉ rả về gã câm, người con nuôi của nhà này.
Lo chớ, gã rời bon mấy ngày nay rồi. Nuôi từ khi còn chưa biết tự mặc quần áo
cho đến khi uốn cán cuốc cong, uốn cán rựa thẳng. Thế mà người Kinh nói lời một,
lời hai đã theo họ về dưới miền xuôi. Amí Buk không muốn trong buôn biết chuyện.
Miệng họ dài lắm, họ đi kể với người này người nọ, buôn này buôn nọ rồi thế nào
cả vùng Mđrăk cũng biết, gã câm không phải từ váy bà chui ra.
Thằng nhỏ Klơi hay sang nhà em mượn
lửa. Nó rù rì với em nhiều chuyện ở trường. Người nhỏ thường giữ không kín chuyện.
Nó kể phun nước miếng trắng xóa hai bên mép về gã câm, về nỗi niềm của amí Buk.
Nó say sưa cho đến khi nghe tiếng gọi bên kia đường: “Wơ Klơi, trời chưa tối
hay sao mà bây giờ mày đi mượn lửa chưa về”. Một mình. Em ngồi vân vê mái tóc
mặc kệ dòng suy nghĩ chạy ngược chạy xuôi.
Sau ngày bà mất, em không để ý đến
âm thanh sục sạo dưới gầm sàn. Người đàn ông Êđê sợ bồi thường của cải hơn sợ tình
yêu dành cho vợ bị phản bội. Không sợ sao được, trong lễ hỏi cưới, ngón tay con
gái con trai móc chặt với nhau: “Sợi chỉ đỏ đã buộc ở chân gà trống đỏ. Sợi
chỉ trắng đã buộc ở chân gà trống trắng. Dao có rồi còn đi kiếm sắt. Cá có rồi
còn đi bắt nữa. Con bò lớn sẽ đốt, con trâu bự sẽ thui, vàng 10 chỉ sẽ trao, ruộng
10 sào sẽ gửi.” Thế nên khi những tiếng chọc sục sạo không được đáp trả. Họ
lặng thinh, chân này đá chân kia xiêu vẹo mất dạng trong màn đêm tối hơn chiếc
váy đang chờ ở hiên nhà.
Dạo này, em hay tủm tỉm với giấc
ngủ mơ hồ. Em thấy nhà mình đầy bọn trẻ nhỏ. Tiếng khóc như bị con ong chích,
con kiến cắn. Om sòm và ồn ĩ. Những cánh tay
tròn tròn như củ sắn quàng qua vai, ôm vào cổ. Chúng níu váy, kéo áo và dụi dụi
vào ngực nũng nịu đòi cà rem ngòn ngọt bốc khói. Chúng bò khắp nhà, vứt những
chai nhựa rổn rảng, bật tiếng cười khanh khách như người ta cù vào nách, vào lòng
bàn chân. Dưới sàn, thấp thoáng lưng gã câm. Gã ngồi vót tre đan gùi mới. Cạnh đó,
con heo đang ủi ủi đất, con gà cục tác đòi ăn, những chùm phong lan xanh đỏ rủ
tóc bên hàng rào từng chùm…
Em cười một mình.
Em không thích lối đi của mình dính
đầy nước miếng, nước mũi của các bà các chị nữa.
Em cũng không
sợ nắng mạnh của mảnh đất M’đrăk làm cháy tóc, đen da.
Ngọn lửa hừng hực đang nuôi nấng
giấc mơ đêm.
Sương lãng đãng mở lối phía trước.
Tiếng xe zíp nổ, tiếng cười nói trong nhà amí Buk nổ lênh loang khắp buôn làng.
Thằng nhỏ Klơi không sang nhà mượn lửa,
nó mượn thứ khác, nó mượn đôi bàn tay em: “Này chị! Anh em về rồi,
con người Kinh nhưng không chịu ở với người Kinh. Nó nói nó nhớ đồng cỏ và nhớ
chị. Người đàn bà sạch sẽ, tóc có màu đi xe zíp muốn nhìn thấy chị. Nhanh nào,
cứ để nồi cơm cho cái cột nhà coi cho”…
M’đrăk, tháng tư năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI