Nhà văn NIÊ THANH MAI
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ÊĐÊ
“XUỐNG PHỐ”
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA
NIÊ THANH MAI
Niê Thanh Mai là nhà
văn trẻ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Chị viết nhiều về dân tộc Êđê trong bối
cảnh văn hóa đang chịu sự “xâm thực” từ nhiều góc độ của nền kinh tế thị trường.
Một trong những hình tượng nhân vật tiêu biểu trong truyện ngắn của chị đó chính
là những con người Êđê rời buôn làng đến với thị thành. Tôi tạm gọi là hình tượng
người Êđê “xuống phố”. Hình tượng nhân vật này trong tác phẩm của Niê Thanh Mai
góp phần thể hiện rõ mạch ngầm tư tưởng truyện ngắn của nhà văn.
Đọc Niê Thanh Mai,
ta thấy rõ ra đi hay ở lại? đi rồi có quay về nữa hay không? là vấn đề mà nhân
vật của chị luôn trăn trở. Và dĩ nhiên, nữ nhà văn cũng băn khoăn thật nhiều.
Cùng một con đường
“xuống phố”, nhưng nhân vật trong truyện ngắn của Niê Thanh Mai chia làm ba nhóm
khá rõ ràng. Nhóm thứ nhất là những người con ưu tú của núi rừng tạm xa buôn làng
để ra thành thị tiếp nhận nguồn tri thức mới. Nhóm thứ hai “xuống phố” vì mong
muốn đổi đời, vì không đủ sự kiên nhẫn gắn bó với quê hương, buôn bản. Nhóm thứ
ba là những người ban đầu “xuống phố” vì mục đích cao đẹp, nhưng cuối cùng đã đánh
mất mình nơi phố thị phồn hoa. Thông qua cái kết của những số phận này, Niê
Thanh Mai bộc lộ rõ quan điểm của nhà văn về việc làm thế nào để bảo tồn, phát
triển văn hóa Êđê cũng như xây dựng cuộc sống văn minh trên quê hương yêu dấu.
Ở nhóm nhân vật thứ
nhất, tất cả đều có chung một hướng suy nghĩ và hành động: Ra đi tiếp thu cái mới,
cái tiến bộ, văn minh để mai này trở lại phục vụ buôn làng. Tâm thức ấy trở thành
sức mạnh để nuôi dưỡng tình yêu quê hương, gia đình, để quyết tâm thực hiện điều
mình đã hứa. Về phương diện này, nhân vật của Niê Thanh Mai quả thật rất chung
thủy với nơi đã tiễn mình “ra phố”, cũng rất có trách nhiệm với lời thề son sắt
của mình.
H’Mây (truyện “Mai
rừng”) sinh ra trong môt gia đình nghèo khó. Em “lớn lên trong ngôi nhà sàn cũ
kĩ không biết có từ bao giờ… Sàn nhà làm bằng thân nứa…”. Mây lại chỉ có mỗi thằng
Phiên lớn hơn hai tuổi là bạn. Tuổi thơ của chúng là những ngày sục sạo, khám
phá trên nương rẫy, có khi vào tận rừng xa. Kỉ niệm thân thương của Mây là lời
hứa đầy con trẻ mà cũng vô cùng trách nhiệm của Phiên trong một lần chúng tìm
thấy một khoảng xanh mướt mai rừng: “Mai rừng đấy... Hồi cha tao còn sống, cha
dắt tao đến đây, chặt cành đem xuống chợ bán có tiền mua thịt lợn cho mí, mua áo
mới cho tao. Mai mốt tao cũng giống cha, tao sẽ mua áo mới cho mày…”. Rồi Mây lên
tỉnh học, Phiên lo lắng, hoài nghi “Mày học cao rồi biết có chịu về buôn mình nữa
không?”. Nhưng cô sinh viên y khoa ấy quả quyết “Nhất định em sẽ trở về”. Bởi đơn
giản “Em đi đâu cũng là con gái buôn mình chứ”, và bởi khoảng mai xanh mướt dù
bị người nơi khác về chặt trộm nhưng Phiên đã học cách chăm mai và bù lại cái đẹp
cho núi rừng, cũng là để thực hiện lời hứa với Mây ngày ấy.
Cùng chung tư tưởng
như H’Mây, chúng ta bắt gặp Phin trong “Những buổi chiều”. Mặc dù “Nhà Phin thuộc
hộ nghèo nhất buôn” nhưng “Phin học giỏi lắm”. Tốt nghiệp đại học Y, cô may mắn
được bệnh viện tỉnh giữ lại làm việc. Ấy vậy mà cô lại “muốn về buôn như lời hứa
với mí năm xưa”. Và cũng bởi quan niệm “Ai cũng muốn làm ở bệnh viện trên tỉnh
thì người trong buôn mình ốm đau ai chăm hả cha?”. Đằng sau câu nói mộc mạc ấy
là cả một trái tim son sắt với quê hương yêu dấu của mình. Trong thời buổi mà các
giá trị có phần bị đảo lộn, người người tất tả theo lợi danh, những con người
như Mây, như Phin đã gợi nhắc trong ta tình quê, tình đất.
Nhóm nhân vật thứ
hai “xuống phố” như một cách thức để trốn chạy cuộc sống thực tại của mình tại
buôn làng. Đó có thể là thực tại nghèo khó, cơ cực về vật chất; lại cũng có thể
là thực tại bị xa lánh, dè bỉu của mọi người; hoặc bất mãn với người thân, gia đình,
làng bản…
Trong “Về bên kia núi”,
nhân vật Xuân “không muốn ở mãi một xó rừng” – nơi mà “con đường mòn gập ghềnh
và dốc. Mùa khô bốc từng nắm bụi ném vào mặt người…”. Xuân muốn lên phố như bạn
của cô, muốn đi “đôi dép cao nghều nghệu, gót nhọn hoắt, chênh vênh như người
ta chơi trò cà kheo”, muốn mặc “áo xanh
lông két, váy mềm lòe xòe”… Và rồi Xuân dứt áo ra đi. Bỏ lại sau lưng “xó rừng”
với tình yêu chân thành của Plin, bỏ lại mí và em mong ngóng mình rời bỏ phố phường
để “về bên kia núi”. Bà Xuân mất, không ai biết Xuân ở đâu để báo tin. Xuân biệt
tăm từ đó.
Nhân vật tôi trong
“Trở về lưng chừng núi” bước xuống cầu thang với câu nói “Em lên chợ phố. Em muốn
ra chợ phố” cũng một phần bởi vì những miếng cơm “chấm với muối vừng mặn chát ở
đầu lưỡi”, vì khi chạy vào giữa đám trẻ chăn bò đang nhảy nhót và hét hò ầm ĩ, chúng
“sựng lại” và “dắt bò đi nơi khác”, vì đêm đêm phải nghe “tiếng hát não nuột của
mí”, vì “ở đây buồn”, vì cả buôn không ai ghé vào nhà mí – cái nhà mang mầm bệnh
hủi… Người anh trai của nhân vật tôi cũng từng bộc bạch “Tao cũng muốn đi khỏi
xó rừng này”.
Nhóm nhân vật thứ
ba, vốn dĩ là những con người tốt. Nhưng cuộc sống giàu sang và nhiều cám dỗ nơi
phố phường đã khiến họ đổi thay. Tiêu biểu nhất có lẽ phải nhắc tới Y Quy trong
tác phẩm “Suối của rừng”. Sau một thời gian học tập ở thành phố, Y Quy đã phụ tình
H’Lanh để đến với người con gái “có ngôi nhà to sừng sững giữa phố”, trút bỏ
trang phục truyền thống dân tộc mình và khoác lên người “bộ quần áo sáng lóa”,
“tay mang đầy nhẫn vàng”. Bị gia đình phản đối, Y Quy “dắt người yêu đi như chạy
ra khỏi nhà”, gặp H’Lanh “chỉ nhìn rồi phóng xe đi”. Cuộc sống mới có ma lực mạnh
mẽ làm Y Quy dễ dàng vứt bỏ nghĩa tình thiêng liêng và tình yêu trong sáng, phản
bội lời hứa của chính mình!
Có thể thấy ánh sáng
phố thị đã mở ra cho nhân vật của Niê Thanh Mai niềm đam mê. Phải nói rằng khát
khao vươn đến cuộc sống văn minh không phải là điều đáng để phán xét ở họ. Ngược
lại, cần cổ vũ cho hướng đi đầy tích cực ấy. Phải là người mạnh mẽ, dám nghĩ dám
làm mới có thể từ bỏ nếp sống quen thuộc đã ăn sâu vào máu thịt xưa nay để tìm
về cái mới. (H’Leng trong “Đi qua mùa đêm” là một người như vậy. “Nước da trắng
hồng, mắt tròn và to đen như hai hột nhãn… nụ cười rạng rỡ như cây mỡ hoa đỏ trên
rừng…” H’Leng được chọn là một trong bảy cô gái rót nước vào ché rượu cần to nhất
trong lễ cúng Kăm Jil. H’Leng có cái nhìn khác mọi người về nghệ thuật nên sẵn
sàng “cởi áo cho người ta chụp hình ngoài suối”. Với H’Leng “chụp ảnh là làm đẹp
cho đời mà”. Vì thế dù bị ngăn cản, cô vẫn nhất quyết rời buôn). Vậy thì vấn đề
là người ta đón nhận, tiếp thu cái mới ấy để làm gì và sẽ thay đổi ra sao khi
mang trong mình những dấu ấn thị thành?
Câu trả lời có
trong lời kết cho những câu chuyện của Niê Thanh Mai.
Phin và H’Mây trở về
buôn làng, đem kiến thức học được từ thành phố để phục vụ bà con dân bản, góp sức
mình làm đẹp cho quê hương. Hạnh phúc của họ cũng là hạnh phúc của gia đình, làng
bản. Đó là một hạnh phúc đủ đầy.
Xuân mãi mãi không
dám trở về bên em và mí. Ngay cả một cái nhìn của em, Xuân cũng không đủ can đảm
mà đón nhận. Bởi có lẽ ngày bước chân ra đi Xuân không nghĩ sẽ gặp lại em trong
hoàn cảnh trớ trêu này: “Hình như có hai người đàn bà đang túm tóc nhau. Họ hét
vào tai nhau những tiếng tục tĩu lanh lảnh… Chị dừng cuộc vật lộn nhau bằng bộ
dạng tơi tả. Tóc chị rối tung. Áo quần nhiều vết toạc…”
Tôi trong “Trở về lưng
chừng núi” dù “nói tiếng Kinh sõi, hút thuốc lá bằng hai ngón tay xòe cong, mặc
váy mỏng và ngắn”, “đi giày cao gót” nhưng cũng không giấu được bàn chân ba ngón,
bàn tay ba ngón vì hủi. Cô đi khỏi buôn vì không muốn chứng kiến sự ghẻ lạnh của
mọi người. Nhưng về thành phố, cô không những mất đi dáng vẻ hình hài mà còn mất
dần nhân phẩm. Để rồi nhận lại sự miệt thị của người đời: “Cô thông minh lắm.
Nhưng tôi không ngủ miễn phí với một con hủi”. Và hiện thực phũ phàng được phơi
bày: “Tôi không thể né tránh sự trở về trên chuyến xe sáng mai”.
Từ một hoàn cảnh khác,
Miên trong truyện ngắn “Xó rừng” vốn dĩ là một cô gái ngoan và đẹp, lại rất có
duyên bán hàng. Chỉ vì nghe lời đường mật của một khách du lịch mà từ bỏ gia đình,
từ bỏ trang phục Êđê. Rồi cuối cùng cũng phải trở về quỳ dưới đất tạ tội cùng mẹ
khi cái thai lớn dần trong bụng.
Đường về bớt chông
chênh hơn cho những người con của núi rừng “xuống phố” trong truyện của Niê
Thanh Mai có lẽ là con đường của Win trong “Ngày mai sáng rỡ”. Ngày trước Win lên
phố học và không muốn trở về vì người ta xì xào mí bỏ bùa thầy giáo trẻ, khiến
thầy không đoái hoài tới cô giáo người kinh mà say mê mí. Mí đã nói không ưng
thầy giáo nữa nhưng lại vẫn gặp thầy. Win cản không được mí, cũng không ngăn được
những tiếng xì xào. Nên Win không về, để không phải nghe bàn tán. Nhưng tình yêu
gia đình và quê hương trong Win luôn thường trực. Nên khi nghe điện thoại của
em gái gọi lên, Win đã “chạy băng băng ra bến xe buýt” để về nhà. Và khi hiểu mí,
hiểu thầy, Win lại “đi tìm ai đó cho mí của Win”.
Cũng có trường hợp,
con đường hồi buôn, hồi bản của nhân vật được Niê Thanh Mai thể hiện theo kĩ
thuật văn chương mới. Chị cho người đọc cái nhìn rất nhòe mờ. Đó là con đường của
H’Linh (trong “Giữa cơn mưa trắng xóa”). H’Linh xuống phố làm nhân viên quán
Karaoke và được ông chủ “nhặt về” để “dạy dỗ đứa con gái chủ nhà dưới phố”. Cô
trở về thăm gia đình trước cái nhìn tò mò của rất nhiều người. Bởi H’Linh khác
quá. Về nhà, về buôn mình đấy mà cái gì với Linh cũng “quen và lạ”. Giày cao, đường
mấp mô nên phải cởi giày xách trên tay. Đôi mắt bồ câu trong veo giờ đã thành
“sáng quắc”. Nước da “nâu mịn khỏe khoắn” nhường chỗ cho “màu trắng mai mái
xanh”. Má hồng lấn màu má con gái Êđê rám nắng. “Môi đỏ loe” chẳng giống màu
hoa móng rồng. H’Linh không nhớ cha bao nhiêu tuổi… Nhưng “H’Linh chưa kịp quên
cái gì, chỉ sắp quên thôi”… H’Linh thăm nhà một hôm rồi lại xuống núi. Cô vác
theo cả bức tượng khỉ mặt sầu đặt vào vườn ông chủ. Và cũng là đặt cuộc đời cô
vào bàn tay một kẻ giàu có, quyền uy. Ấy vậy mà hạnh phúc không mỉm cười với
H’Linh vì ông chủ không còn khả năng chăn gối. H’Linh uống rượu và thấy lờ mờ kí
ức hiện về, thấy anh rể nhổ bức tượng khỉ mặt sầu trong vườn ông chủ. Cô giằng
lại nhưng không được. Anh rể vác bức tượng khỉ mặt sầu đi giữa trắng xóa cơn mưa…
Dĩ nhiên, trong sáng
tác của Niê Thanh Mai, có những người “xuống phố” đã không thể trở về. Bởi họ đã
hoàn toàn biến chất. Y Quy thất bại với giấc mơ vợ đẹp, nhà sang đã quay về buôn
tìm H’Lanh (người yêu cũ, nay đã có gia đình, chồng bị tai nạn tật nguyền) và
muốn nối lại tình cũ. Tệ hại hơn khi bị từ chối, Y Quy còn muốn dùng vũ lực để
cưỡng bức H’Lanh. Nhưng hành động ghê tởm ấy đã bị chồng H’Lanh kịp thời ngăn cản.
Y Quy mãi không thể trở lại buôn làng.
Như vậy, chúng ta
thấy nhà văn trẻ Niê Thanh Mai đã thể hiện rõ quan điểm của mình qua hình tượng
những con người Êđê “xuống phố”. Với chị, “xuống phố” tiếp nhận văn minh là điều
đáng làm; nhưng hành động ấy chỉ có giá trị và được cộng đồng thừa nhận khi họ
biết trở về, đem tri thức thu nhặt được xây dựng quê hương làng bản. Mọi sự phỉ
báng, xa rời truyền thống dân tộc và thoái hóa, biến chất trước tác động của yếu
tố mới đều bị khước từ. Hoặc là con người ấy sẽ thất bại, trở về trong đau khổ.
Hoặc là mãi mãi sẽ tha hương.
Trong một xã hội đầy
biến động, cái mới và cái cũ đan xen; làm thế nào để văn hóa Êđê (mở rộng ra là
văn hóa các dân tộc thiểu số khác) không bị mai một nhưng vẫn có thể tiếp nhận
văn minh từ các dân tộc khác để phát triển cộng đồng và mỗi cá nhân? Sự va đập
của văn hóa Êđê trước văn minh đô thị sẽ để lại hậu quả thế nào? Xu thế “hướng
ngoại”, “li hương” có phải hoàn toàn phù hợp hay không? Tất cả những câu hỏi ấy
có lẽ phần nào đã được nữ nhà văn giải đáp thông qua hình tượng người Êđê “xuống
phố”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI