Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

ĐỈNH CHƯ YANG SIN ĐANG CAO DẦN tác giả VÂN TRANG - CHƯ YANG SIN SỐ: 273+274 tháng 5&6 năm 2015





Chư Yang Sin - Tạp chí sáng tác nghiên cứu phê bình văn học, nghệ thuật của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk ra số đầu tiên vào Xuân Ất Mùi - 1991, mang tên Văn nghệ Dak Lak; nhà thơ Hữu Chỉnh làm Tổng biên tập, nhà thơ Phạm Doanh làm Phó tổng biên tập; ra hai tháng một kỳ; khổ 20cm x 30cm. Đến số 16 (8.1993) được đổi tên thành Yang Sin. Đến số Xuân Giáp Tuất – 1994, lại đổi tên thành Cư Yang Sin; bắt đầu từ số này, Tạp chí phát hành mỗi tháng/kỳ. Số 26 (12.1994) Tạp chí mang tên mới: Chứ Yang Sin; nhà thơ Phạm Doanh được bổ nhiệm Tổng biên tập. Đến số Xuân Canh Thìn – 2000, Tạp chí lại thay tên: Chư Yang Sin, khổ 16,5cm x 24,5cm. Sau Đại hội IV (11.2006), nhà văn Khôi Nguyên được bổ nhiệm làm Quyền tổng biên tập cho đến nay.
Sau 15 năm thành lập, Tạp chí đã 5 lần thay tên, 3 lần đổi khổ; điều đó cho thấy khó khăn của những người làm tạp chí văn nghệ trên vùng đất được mệnh danh là thủ phủ Tây Nguyên. Nhưng dù khó khăn đến mấy, Tạp chí vẫn tồn tại và ngày một phát triển, từ hai tháng/kỳ tiến tới xuất bản mỗi tháng/kỳ.Đó là sự cố gắng lớn của lãnh đạo Hội và lãnh đạo Tạp chí.
Tiếp bước các bậc cha anh đi trước, sau Đại hội V, thay đổi thế hệ lãnh đạo mới, nhà văn Lê Khôi Nguyên được bầu Chủ tịch Hội phải đảm nhiệm luôn chức danh Quyền Tổng biên tập. Tạp chí Chư Yang Sin được giao hai biên chế, một thư ký tòa soạn kiêm họa sỹ trình bày, một nhân viên vi tính; kinh phí hàng năm được cấp 230 triệu đồng để in và phát hành 12 kỳ trong năm. Trước tình hình trên, tại kỳ họp thứ II, ngày 25.2.2011 BCH Hội khóa V đã cử nhà văn Nguyễn Hồng Chiến, Phó chủ tịch Thường trực Hội phụ trách Tạp chí. Tại cuộc họp BCH Hội lần thứ III, ngày 5.6.2011theo đề nghị của Thường trực Hội, Ban chấp hành nhất trí mời nhà thơ Đặng Bá Tiến về đảm nhận chức danh Tổng biên tập Tạp chí Chư Yang Sin; trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục bổ nhiệm, tạm thời phân công giữ chức vụ Phó tổng biên tập phụ trách nội dung.
Thực hiện Nghị quyết BCH, từ tháng 7.2011, nhà thơ Đặng Bá Tiến về làm hợp đồng tại Tạp chí Chư Yang Sin với chức danh Phó tổng biên tập và hưởng mức phụ cấp… 400.000 đồng/tháng! Đây có lẽ là mức phụ cấp của Phó tổng biên tập một tạp chí (được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp giấy phép hoạt động) có một không hai ở Việt Nam. Nhưng với tấm lòng vì phong trào của Hội nói chung và sự phát triển của Tạp chí Chư Yang Sin nói riêng, nhà thơ Đặng Bá Tiến vẫn vui vẻ chấp nhận và cùng lãnh đạo tòa soạn vạch ra kế hoạch hoạt động những tháng còn lại của năm 2011 và những năm tiếp theo. Với kinh nghiệm từng trải của người làm báo chuyên nghiệp lâu năm, am hiểu tình hình văn nghệ địa phương, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã mạnh dạn đề xuất kiện toàn lại bộ máy tòa soạn, ổn định tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng Tạp chí cả về hình thức lẫn nội dung. Trong những ngày đầu bắt tay vào việc, ưu tiên đầu tiên là phải sắp xếp công việc tòa soạn khoa học, theo hướng chuyên nghiệp, mỗi người đảm nhiệm một nhiệm vụ và giao thời gian tối đa phải hoàn thành công việc… Nhờ vậy tòa soạn đã hoạt động có hiệu quả hơn, đúng tiến độ thời gian đã vạch ra. Để thu hút bạn đọc, việc đầu tiên là phải làm sao cho Tạp chí “bắt mắt” trước hết là trang bìa, lãnh đạo Tạp chí và họa sỹ trình bày sau nhiều ngày tranh luận các phương án, cuối cùng đã thống nhất chọn một phương án trang nhã nhất; sau khi phát hành đã nhận được nhiều lời khen ngợi của hội viên cũng như bạn đọc trên cả nước. Tiếp thắng lợi bước đầu, lãnh đạo Tạp chí đã cho sắp xếp lại các chuyên mục truyền thống, mở thêm một số chuyên mục mới phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như đòi hỏi của thực tế và bạn đọc. Bước qua năm 2012, cơ bản các chuyên mục trên Tạp chí đã ổn định, nhưng để nâng cao chất lượng các tác phẩm được đăng tải phải đặt bài viết cho các văn nghệ sỹ có uy tín; đi tiên phong trong công việc này là nhà văn Niê Thanh Mai - Phó Chủ tịch Hội, phụ trách biên tập mảng văn xuôi. Nhờ cách làm này mà nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu nổi tiếng… đã có bài đăng thường xuyên trên Tạp chí. Nhằm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng bài viết cho hội viên, lãnh đạo Tạp chí đã đề xuất BCH cho tổ chức hội thảo, bàn biện pháp nâng cao chất lượng bài viết trên Tạp chí và mời nhà văn Đỗ Kim Cuông - Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam vào trao đổi một số kinh nghiệm sáng tác và thời sự văn nghệ. Những biện pháp tích cực trên đã có kết quả  đáng phấn khởi, chất lượng các tác phẩm của hội viên gửi đến Tạp chí đã được nâng cao dần.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên, lãnh đạo Tạp chí cũng như các thành viên ban biên tập chịu rất nhiều áp lực từ hội viên. Nhiều người thắc mắc sao gửi nhiều bài không được đăng, tại sao đăng bài của tôi sửa mà không xin ý kiến… thậm chí có hội viên nặng lời với cả người biên tập. Nhiều hội viên không thông cảm với nổi khổ của người làm công tác biên tập hưởng mức lương 200.000 đồng/tháng (như biên tập Ảnh, Nhạc, Văn nghệ dân gian…), số tiền ấy chưa đủ trả một phần tiền xăng xe để đến nơi làm việc, nói gì đến bù đắp sức lực đã đổ ra; nhưng vì lòng yêu văn nghệ, yêu Tạp chí của chúng ta mà tình nguyện gánh vác công việc, với một mục đích duy nhất: Nâng cao chất lượng Tạp chí. Bài không đáp ứng được yêu cầu thì kiên quyết loại, hoặc buộc phải cắt, sửa… 
Nhờ các biện pháp nêu trên, chất lượng Tạp chí được nâng cao dần, số lượng phát hành cũng tăng lên. Thế nhưng, những người lãnh đạo Tạp chí vẫn day dứt vì mức trả nhuận bút cho tác giả quá thấp: Thơ 100.000 đồng/bài, truyện, nhạc chỉ vài trăm ngàn đồng/bài, trong khi đó tạp chí văn nghệ của nhiều tỉnh bạn trả nhuận bút một bài thơ từ 500.000 - 700.000 đồng, truyện ngắn trả trên 1.000.000 đồng/bài. Tuy lãnh đạo Tạp chí đã cố gắng hết mức, nhưng với nguồn kinh phí 230 triệu đồng/năm, chỉ đủ để xuất bản chín kỳ, từ kỳ thứ mười trở đi không còn kinh phí.  Trước tình hình trên, lãnh đạo Tạp chí đã làm văn bản báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh xin cấp thêm kinh phí để duy trì xuất bản. Nhà thơ Đặng Bá Tiến đề xuất: Nhân dịp này chúng ta phải trình bày luôn khó khăn về kinh phí, trong đó có cả việc chi trả nhuận bút chưa hợp lý. Sau khi văn bản được gửi đi, lãnh đạo Tạp chí thay nhau đi “gõ cửa” lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để “tác động”. Đầu tháng 9. 2013, ông Hoàng Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định bổ sung kinh phí cho Tạp chí 3 tháng cuối năm, mỗi tháng 40 triệu đồng. Vì vậy cũng từ tháng 9. 2013 chế độ nhuận bút của Tạp chí được nâng lên: Thơ 250.000 đồng/bài, văn xuôi, nghiên cứu, chính luận, phỏng vấn… 500.000 - 550.000 đồng/bài. 
Không thỏa mãn với kết quả đạt được, lãnh đạo Tạp chí đề xuất với BCH Hội cho tổ chức một chuyến đi thực tế đến các tỉnh bạn học hỏi. Từ thực tế của Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nhật Lệ, Tạp chí Xứ Thanh, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, Tạp chí Đất Tổ mới thấy họ được cấp kinh phí cao hơn chúng ta rất nhiều: Tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình) 850 triệu đồng/năm, Tạp chí Sông Hương (Thừa Thiên - Huế) 1,5 tỷ đồng/năm, Tạp chí Đất Tổ (Phú Thọ): 1,7 tỷ đồng/năm, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, được Tỉnh ủy đặt mua mỗi kỳ 1600 cuốn để phát hành tới tất cả các cơ quan, đơn vị, chi bộ… trong toàn tỉnh. Về nhân sự, các tạp chí bạn đều có từ 7 -10 biên chế, đặc biệt Đất Tổ có tới 13 biên chế, tòa soạn được cấp nhà riêng, đầy đủ phòng ốc, tiện nghi làm việc… Sau chuyến đi thực tế với những tài liệu sưu tập được, lãnh đạo Tạp chí mạnh dạn làm văn bản đề xuất UBND tỉnh tăng ngân sách cho Tạp chí. Nhờ vậy năm 2014 Tạp chí Chư Yang Sin được cấp 520 triệu, năm 2015 được cấp 500 triệu.
Năm năm một chặng đường không, dài nhưng cũng đủ để khẳng định sự trưởng thành và phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà được phản chiếu qua tấm gương trung thực là Tạp chí Chư Yang Sin, với gần 60 kỳ xuất bản. Các tác phẩm được công bố trên Tạp chí có gần 60% là của hội viên, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, có nhiều tác phẩm thể hiện sự tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo, mang lại diện mạo mới cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Đạt được kết quả trên là nhờ BCH khóa V, cùng anh chị em hội viên ủng hộ, cộng tác; lãnh đạo Tạp chí biết kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã trao truyền lại; lãnh đạo Tạp chí mạnh dạn đổi mới, phát huy dân chủ và đoàn kết nội bộ; nhờ vậy đã tạo nên sức bật mới góp phần quyết định nâng cao chất lượng Tạp chí, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI