Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

MÃN NGUYỆN



Đây là câu chuyện xảy ra bốn năm về trước. Tôi trải qua một mùa hè tại tầng hai của căn nhà người quen ở Mishima, Izu, viết một tiểu thuyết kiểu Romanesque.
Một buổi tối nọ vừa say khướt vừa lái xe đạp nên tôi đã bị thương. Lớp da trên đầu gối phải bị xé toạc ra. Vết thương tuy không sâu nhưng vì say rượu nên máu ra nhiều tôi vội vàng chạy đến chỗ bác sĩ. Vị bác sĩ làng ba mươi hai tuổi, người mập mạp cao lớn, dung mạo giống như Saigo Takamori. Ông ta cũng say mèm. Vì ông ta xuất hiện nơi phòng khám bệnh cũng say lảo đảo giống tôi nên tôi cũng thấy buồn cười. Vừa được băng bó vết thương tôi vừa khúc khích cười. Ngay lập tức bác sĩ cũng mỉm cười theo. Cuối cùng chịu không nổi hai chúng tôi cùng phá ra mà cười.
Từ đêm hôm đó, chúng tôi trở thành bạn bè. Vị bác sĩ thích triết học hơn là văn chương và tôi thì cũng thích như vậy nên những cuộc nói chuyện của chúng tôi rất say sưa. Thế giới quan của vị bác sĩ có thể nói là nguyên thủy nhị nguyên luận. Ông nhìn thế giới này trong trạng thái của sự hợp chiến giữa thiện và ác rất sáng sủa gọn gàng. Tôi thì trong nội tâm chỉ muốn tin và phụng sự vào vị thần duy nhất là tình yêu nhưng nghe về phân chia thiện ác thấy cũng sảng khoái lạ thường. Chẳng hạn một ví dụ của bác sĩ là khi tôi đến chơi nhà vào buổi tối, ngay lập tức bác sĩ lệnh cho người vợ mang bia ra liền để đãi tôi thì đó là thiện, còn người vợ vừa cười vừa đề nghị thay vì uống bia thì tối nay ta chơi bài bridge đi thì đúng là người ác. Tôi nghe mà gật gù tán thành. Người vợ dáng người nhỏ mặt tròn trịa nhưng trắng trẻo quý phái. Họ không có con nhưng có người em vợ là một cậu thiếu niên ngoan ngoãn học trường thương nghiệp Numazu ở trên tầng hai.
Tại nhà của vị bác sĩ có đặt khoảng năm loại báo khác nhau nên mỗi buổi sáng trên đường tản bộ tôi thường ghé vào khoảng nửa tiếng đến một tiếng để đọc. Tôi vào bằng lối cửa sau, ngồi nơi hành lang phòng khách vừa uống trà lúa mạch người vợ mang cho vừa dùng tay giữ chặt lấy tờ báo bị gió thổi mà đọc. Cách hành lang phòng khách chừng khoảng hai gian (3 mét) có một con suối nhỏ đầy nước chảy giữa đám cỏ xanh. Cậu thanh niên giao sữa mỗi sáng chạy xe đạp theo con đường men dòng suối đó đều cất tiếng chào hỏi tôi, một người lữ khách nơi thành phố này.
Đúng khoảng thời gian đó có một người phụ nữ trẻ đến lấy thuốc. Nàng đi guốc, mặc trang phục giản dị, là người cho ta cảm giác rất sạch sẽ thanh khiết. Nàng thường xuyên cười đùa với bác sĩ trong phòng khám. Đôi khi bác sĩ còn ra khỏi hành lang tiễn nàng nữa và nói lớn tiếng khích lệ: “Ráng chịu đựng thêm chút nữa đi nghe”.
Người vợ bác sĩ sau này đã kể cho tôi nguyên do. Nàng là vợ của một giáo viên tiểu học bị yếu phổi từ ba năm trước nhưng dạo gần đây có khá hơn. Vị bác sĩ gắng hết sức giải thích với người phụ nữ là vẫn còn cấm đoán vì đây là giai đoạn rất quan trọng trong việc hồi phục của người chồng. Nàng hết sức nghe lời. Nhưng đôi khi nhìn nàng thấy rất tội nghiệp. Mỗi lần như thế bác sĩ lại trong lòng từ bi nhưng vẻ ngoài nghiêm khắc mà khích lệ người phụ nữ kia hãy cố gắng chịu đựng thêm một thời gian nữa.
Một ngày cuối tháng tám tôi nhìn thấy một điều đẹp đẽ. Khi tôi đang đọc báo buổi sáng nơi hiên phòng khách vị bác sĩ như thường lệ thì người vợ bác sĩ đang ngồi quỳ gối bên tôi chợt thì thầm: “Nhìn nàng ta vui quá nhỉ?”
Tôi ngẩng mặt lên nhìn thấy ngay phía con đường trước mặt, dáng hình người phụ nữ sạch sẽ mặc quần áo giản dị đang đi như bay, tay xoay vòng vòng cây dù trắng.
“Từ sáng hôm nay, nàng đã không còn bị ngăn cấm nữa đấy”, người vợ bác sĩ tiếp tục thì thầm.
Ba năm ư, tôi nói và chợt cảm thấy xúc động dâng đầy lồng ngực. Đối với tôi, thời gian càng trôi qua tôi càng thấy dáng hình nàng lúc đó thật đẹp đẽ. Điều đó có lẽ là do người vợ bác sĩ tạo ra cũng nên.

HOÀNG LONG dịch



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI