ĐỒNG ĐỘI TÔI TRÊN ĐẢO THUYỀN CHÀI
Lều bạt
chung chiêng giữa nước, giữa trời
Đến một cái
gai cũng không sống được
Sớm mở mắt
gió lùa ngun ngút
Đêm trong
lều như trôi trong mây…
Những con
chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ
quá cánh bay như bão thổi
Chỉ tiếng
cánh chim quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới
chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh…
Đảo vẫn
chìm trong màu nước lam xanh
Cái giọt
máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi!
Tiếng chúng
tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng
tôi trùm khắp đảo thuyền chài…
Đảo Thuyền Chài, 1978
Trần Đăng Khoa
LỜI BÌNH:
GIỌT MÁU THIÊNG DƯỚI NGẦU NGẦU BỌT SÓNG
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngoài Thơ tình của người lính
biển nổi tiếng, anh còn sáng tác khá nhiều bài thơ về hình ảnh người lính,
trong đó Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài là thi phẩm viết cách đây trên
ba mươi năm, song đọc lại vẫn đầy hấp dẫn, nóng bỏng tình cảm của một người con
nặng lòng với quê hương, đất nước. Bài thơ thực sự đã dựng lên một tượng đài bất
khuất, một biểu tượng sáng ngời về hình ảnh người lính biển ngày đêm canh giữ đảo
xa.
Đảo Thuyền Chài nằm trong quần đảo Trường Sa, chìm sâu dưới
làn nước biển trong xanh. Chính cái hiện thực trần trụi, khắc nghiệt ấy đã giúp
cho nhà thơ phát hiện được một chất thơ hết sức sống động, giàu biểu cảm. Dưới
chân sàn của lều bạt là biển cả. Người lính phải căng bạt giữa nước giữa trời,
cam chịu cuộc sống khổ cực hằng ngày để giữ đảo thân yêu:
Lều bạt chung chiêng giữa nước giữa trời
Đến một cái gai cũng không sống được
Cái cảnh sống giữa nước mà thiếu nước từ ngày này qua ngày
khác, “họ nhà gai” vốn tài tình biến hóa để thích nghi với môi trường cũng phải
vái chào không thể sống nổi, thiết tưởng không gì gian khổ hơn. Vậy mà trong cái
nhìn của Trần Đăng Khoa vẫn đầy thi vị. Hình ảnh “lều bạt chung chiêng” cứ như đi
dã ngoại cắm trại chứ không đến nỗi nào. Nói là nói vậy, thực tế thì người lính
đảo vẫn chịu lắm nhọc nhằn. Ban ngày, nắng lóa hùa vào; ban đêm, lều bạt chao đảo,
đứng ngồi không yên:
Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút
Đêm trong lều như trôi trong mây…
Quả vậy, thiên nhiên khắc nghiệt đến cùng cực, thậm chí vượt
quá giới hạn của con người. Hai câu thơ vẽ nên cái bỏng rát của nắng trời và cái
chòng chành giữa biển như trôi ở cõi không trọng lượng. Thanh trắc, thanh bằng
phối hợp biến hóa, tài tình. Câu thơ "đêm trong lều như trôi trong mây"
sử dụng toàn thanh bằng có cảm giác phiêu diêu, bồng ảo, gợi thức đến những câu
thơ mà Quang Dũng viết về đoàn quân Tây Tiến một thời: "Nhà ai Pha Luông mưa
xa khơi". Chưa hết, trên mặt biển, trong lòng nước, các loài chim lạ, cá ác
như lúc nào cũng muốn đe dọa người lính, sẵn sàng trút lên đầu các anh muôn nỗi
tai ương:
Những con chim kỳ quái thấy hơi người
Mừng rỡ quá cánh bay như bão thổi
Chỉ tiếng cánh chim quanh lều nghe đã căng nhức óc
Sủi tăm dưới chân sàn, bóng mập lượn vòng quanh…
Cánh chim mừng rỡ vì thấy hơi người nên đập cánh bay mạnh
hơn. Cá mập sủi tăm lượn vòng quanh dưới chân sàn mong chờ ai sa sẩy mà đớp mồi
cho thỏa cơn đói khát. Đọc khổ thơ, ta càng cảm thấy cái chết luôn rình rập các
anh từng giờ, từng phút, chẳng kém gì cảnh đoàn binh Tây Tiến “không mọc tóc” hành
quân giữa đại ngàn Trường Sơn năm xưa: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm
đêm Mường Hịch cọp trêu người” (Tây Tiến - Quang Dũng). Nguy hiểm, gian khổ
là vậy, song với ý chí sắt đá, lòng quyết tâm giữ gìn biển đảo thiêng liêng, những
người lính trên đảo Thuyền Chài vẫn một lòng kiên trung trước “giọt máu thiêng”
của Tổ quốc:
Đảo vẫn chìm trong màu nước lam xanh
Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng
Tổ quốc ơi!
Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo thuyền chài…
Nếu hai khổ thơ đầu nói lên cuộc sống gian khổ của người
lính đảo, gợi cho chúng ta cảm nhận được sức sống dịu kỳ của người chiến sĩ nơi
đầu sóng ngọn gió, thì khổ thơ thứ ba lại tạo cho người đọc nỗi xúc động nghẹn
ngào. Nước non dẫu đang lặng im tiếng súng, nhưng kẻ thù vẫn luôn luôn dòm ngó,
rình rập biển đảo thân thương, vì thế các anh phải luôn tỉnh táo, cảnh giác: “Tổ
quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống”. Cái tình ý,
cảm xúc của bài thơ vì thế có sức nặng, dồn nén ở câu thơ này.
Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài là bài thơ ca ngợi anh bộ đội Cụ Hồ nằm trong mạch cảm xúc
chung viết về người lính của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Khép lại bài thơ, tâm hồn
mỗi chúng ta vẫn nghe “chung chiêng giữa nước, giữa trời” về hình ảnh những con
người quả cảm, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho sự bình yên của Tổ quốc
mến yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI