Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SỐ 280 - tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO


Tác giả NGUYỄN ANH ĐÀO 

CHỢ CHIỀU
Tản văn



Ngoại biểu, chở ngoại lên chợ, đi bộ đau chân quá. Nhìn cái giỏ rau tập tàng trên tay ngoại, hỏi từng đó ngoại bán được nhiêu tiền, ngoại móm mém cười, chắc được mười lăm ngàn. Mình cười, thôi ngoại ơi, con cho ngoại năm chục ngàn nè, bán cho con rồi ở đây chơi với mấy đứa nhỏ, con bán cho hàng xóm dùm cho. Ngoại không chịu, bây không chở thì tao đi bộ.
Riết rồi cũng quen, ngày nào cũng thấy ngoại không đi bán cái này cũng bán cái khác. Chợ chiều quen mặt ngoại, có người chờ cái bà già thiệt là già, nhìn hiền thiệt là hiền bán mớ rau sạch tinh tươm, mua khỏi sợ thuốc sợ sâu, thậm chí mua về ăn khỏi cần rửa, vì bả rửa sạch trơn hết rồi. Nhưng mà mắc mệt, chở ngoại đi bán, đâu có dám về, phải kiếm cái góc nào đó khuất, đá chống xe, ngồi đó ngó. Hễ thấy cái xe tải của trật tự từ xa trờ tới thì phải xông tới mà kéo ngoại đi, hoặc bưng dùm ngoại cái rổ rau, chớ già lập cập, chạy hổng kịp. Có bữa bị rồi, hai thằng thanh niên to khỏe cỡ tuổi cháu ngoại, mặc đồng phục, chống nạnh hét cái bà già kia, bán buôn gì có mớ rau mà lấn chiếm lòng lề đường, nghe cũng sôi máu kinh khủng, định hét vô mặt bọn nó là có khi vợ bây đã mua rau này của ngoại, đang nấu nồi canh ngon ngọt chờ bây ở nhà, bây chỉ giỏi ở đây hung hăng với người già. Nhưng ngoại ngăn không cho nói, thôi mấy chú thông cảm, biếu mấy chú về nấu canh ăn, tui không bán nữa, đi dìa! Vậy mà tụi nó đành lòng bỏ cái túi rau của ngoại lên xe tải, sau đó bỏ đi.
Ngoại đông con, đứa nào cũng thành đạt, cũng có nhà riêng, thậm chí nhà cao cửa rộng, không có đứa nào bất hiếu đâu, đứa nào cũng giành nhau đưa ngoại về nhà mình, nhưng ngoại lắc đầu “nhà tao tao ở!”. Ngoại bịnh, thay nhau về ngủ với ngoại lỡ đêm hôm gió máy, nhưng đứa nào về ngủ mà yên lặng thì ngoại cho ngủ, đứa nào về giỡn ồn ào là bị đuổi cổ đi ngay. Hôm sau có đứa mếu máo, nhà ngoại buồn quá, buồn không thể tưởng được, mấy chị em rủ tới làm cho ngoại vui một bữa, ai dè ngoại hổng vui, ngoại đuổi đi không thương tiếc.
Bữa nay đứa con này về thăm cho vài trăm, hôm sau đứa cháu khác gặp cho dăm ba chục. Tiền ngoại để dành chẳng bao giờ xài, cứ cuộn tròn riết trong túi áo bà ba, thỉnh thoảng bọn bán hàng rong, hay bọn tiếp thị lừa đảo vô ngó quanh ngó quất, dụ ngon dụ ngọt lừa lấy mất. Ngoại ngồi tiếc ngẩn tiếc ngơ suốt cả tuần liền. Vậy mà tính nào tật đó, tiền cũng cuộn tròn lại, cất trong túi áo, lâu lâu nhiều lên lại mất. Có bữa mấy đứa con la ngoại, hay thôi đừng có cho ngoại tiền nữa. Mà xong thì thấy tội, người già nhiều khi ngơ ngẩn như con nít lên ba.
Thôi kệ ngoại, cứ để ngoại cuốc đất trồng rau, già phải động tay động chân cho nó khỏe, chiều chịu khó chở ngoại đi chợ, bán được bao nhiêu thì được, tiền đó là tiền ngoại kiếm ra, ngoại xài, ngoại hổng có tiếc. Lâu lâu dành bán dùm, nhét thêm tiền mình vô đó, hớn hở đưa, ngoại ơi, cái bà kia bả đưa tiền mà kêu mình khỏi thối lại, ngoại tần ngần cầm tờ tiền rồi hối thúc, nổ xe chạy theo đi con, dư quá trời mà; mình lắc đầu nguầy nguậy, chợ đông vầy, chạy theo sao kịp hả ngoại. Vậy mà tờ tiền đó, ngoại lại vo tròn, cất vô túi áo, không xài.
Thỉnh thoảng đi chợ với ngoại, vô tình mua thứ gì đó cho mấy đứa nhỏ trước mặt ngoại, ngoại thấy trả tiền nhiều quá, nhiều hơn tiền ngoại bán một bữa rau, ngoại chợt ngậm ngùi, bây phí phá quá, ngày xưa…
Mắt ngoại lại miên man về những thứ của ngày xưa, của cái ngày chiến tranh khó khăn, cái ngày ông ngoại bị giặc bắn chết phơi xác ngoài đầu làng, rồi sau đó cậu cũng ra đi, bỏ lại ngoại với nỗi đau mất chồng, mất luôn con trai lớn, một mình với năm đứa con nheo nhóc còn lại. Hết chiến tranh, hết bom đạn, hết máu me thì lại tới thời bao cấp, tới nạn đói, tới tem phiếu mà sức ngoại không đủ để lo hết cho bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn, đứa học được cái chữ, đứa chẳng có được chữ nào lận lưng. Những ngày xưa của ngoại cứ hiện về rõ từng chút một, ngoại nhớ cả cái chuyện nhà có được vài ký lúa giống để giành gieo trồng, khách quý tới đành lấy ra mà giã, rồi đãi khách, sau đó phải cầm lon đi vay mỗi nhà mỗi ít. Giờ, có cả bầy cháu kêu ngoại bằng cố rồi, vậy mà ngoại cứ nhớ như in cái ngày má lên năm, cái ngày dì lên ba lên hai.
Rồi bắt đầu hờn giận, đứa này đứa kia giờ lo làm giàu, không còn nhớ gì tới tao, lâu rồi sao nó hổng tới. Mà nhiều khi, mới tới thăm ngoại hôm qua. Ngoại đã tới cái tuổi nhớ như in những chuyện xảy ra vài chục năm trước như mới hôm qua, nhưng lại quên mất chuyện vừa xảy ra. Lưng ngoại còng, tóc ngoại bạc gần hết rồi.
Nhìn ngoại mà thấy lòng hoang hoải như cảnh cuối buổi chợ chiều, sốt ruột vội vàng ngó mặt trời sắp tắt nắng.
Đắk Lắk, 2015






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI