VỀ QUAN ĐIỂM NGHỆ
THUẬT
CỦA NHÀ VĂN NAM
CAO
(Ngữ văn 11)
Trong số các nhà văn
hiện thực phê phán ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì Nam Cao là
người xây dựng cho mình quan điểm sáng tác khá toàn diện, đầy đủ. Hệ thống quan
điểm ấy được nhà văn phát biểu rải rác trong các sáng tác của mình và quan trọng
hơn, cả đời văn của Nam Cao, ông trung thành với con đường mình lựa chọn.
Bước vào nghề viết
trong hoàn cảnh xã hội đang ở vào thời kỳ đen tối, Nam Cao sớm nhận ra rằng, văn
chương lãng mạn thi vị hóa cuộc sống đen tối là cách trốn tránh hiện thực. Nam
Cao gửi gắm quan niệm ấy qua suy nghĩ của nhân vật Điền trong truyện ngắn “Trăng
sáng”: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng
lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp
lầm than”. Đặt trong văn cảnh: Nhân vật Điền, nhân một buổi ngồi ngắm trăng,
mới phát hiện ra rằng, dưới ánh trăng, mọi vật trở nên đẹp đẽ hơn rất nhiều. Nhưng,
là một nạn nhân của kiếp người đau khổ, vợ ốm, con đau, thiếu tiền, hết gạo… Điền
hiểu rằng, trăng có thể làm đẹp mọi thứ, nhưng tận cùng bên trong cuộc sống, nhân
loại vẫn còn rên xiết. Và cách diễn đạt của Điền như là lời tự nhủ với chính mình,
chứ không hề có tính khẳng định áp đặt cho mọi trường hợp, cho mọi người viết:
“Không phải là… Không nên là… Chỉ có thể là…”.
Nam Cao cũng không
tán thành thứ văn chương mà như bấy giờ vẫn gọi là “văn chương tả chân”, chỉ miêu
tả sơ sài vẻ ngoài xã hội qua các phong tục, tập quán địa phương. Khi Nam Cao bắt
đầu sự nghiệp văn học, thì thứ văn chương tả chân của các tác giả với các bút
danh như Thúy Rư, Như Nguyệt đã in đầy các mặt báo. Điều này, cho thấy, Nam Cao
đã ngay từ đầu riết róng với nghề văn, riết róng với chính mình.
Theo Nam Cao, “Một
tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải
là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn
lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái,
sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” (Đời thừa). Như vậy, rõ
ràng, Nam Cao đặt nội dung nhân đạo lên hàng đầu để đánh giá giá trị của một tác
phẩm văn chương. Điều này, cũng dễ hiểu, và dễ đồng tình. Văn chương kim cổ đều
thế cả, vì con người, vì lòng yêu thương mà tồn tại. Bạn đọc cũng dễ dàng nhận
thấy, xuyên suốt trong các tác phẩm của Nam Cao, là sự trăn trở, đau đớn, xót
xa của người viết trước nỗi khổ đau của con người. Những lão Hạc, Chí Phèo, Điền,
Hộ… bước ra từ trang sách, manh theo niềm yêu thương vô hạn của ngòi bút nhà văn.
Nam Cao đặc biệt đề
cao sự sáng tạo trong nghề văn. “Văn chương không cần đến những người thợ khéo
tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết
đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời
thừa). Không thể chấp nhận thứ văn chương viết vội vàng vì danh tiếng hay
tiền bạc, để rồi người đọc quên ngay sau khi đọc. Nam Cao phê phán gay gắt người
khác, hay đang lên tiếng với chính trang viết của mình. Trong truyện ngắn Đời
thừa, nhân vật văn sĩ Hộ đã phải đỏ mặt và tự mắng mình “khốn nạn” khi đọc
lại những trang viết cẩu thả của mình: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng
là bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.
Nhân vật trí thức nào của Nam Cao cũng mang sự trăn trở của chính tác giả về
nghề nghiệp, về sự đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật. Với Nam Cao, một
nhà văn nếu không sáng tạo, không đem đến chút gì mới lạ cho văn chương, thì chẳng
qua là một “người thừa”.
Sau Cách mạng Tháng
Tám, Nam Cao quan niệm “Sống đã rồi hãy viết”, nghĩa là, trước hết phải hoàn thành
trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, sau đó, mới nói đến trách nhiệm
của nhà văn.
Nhìn chung, Nam Cao
là một nhà văn nặng trách nhiệm với cuộc đời. Có một điều đáng lưu ý, hệ thống
quan điểm nghệ thuật của nhà văn hầu hết được chuyển tải kèm với quá trình sáng
tạo. Nghĩa là nhà văn cho nhân vật nói thay, lên tiếng hộ mình. Vậy nên, những
phát biểu đó, được hiểu một cách uyển chuyển, không hề có tính áp đặt.
Nhìn lại đời sống văn
chương lúc bấy giờ, ta thấy hai xu hướng chủ đạo là văn học lãng mạn và văn học
hiện thực phê phán song song tồn tại và giữa hai “phe”, đã có luận chiến, tranh
cãi để bảo vệ quan điểm của mình. Nam Cao không bút chiến, không diễn thuyết, mà
lặng lẽ lên tiếng bằng tác phẩm. Truyện ngắn của ông là minh chứng cho tinh thần
nhân đạo sâu sắc, cho sự tìm tòi khám phá tận ngõ ngách tâm hồn của đời sống, của
nhân vật.
Gần đây, một số nhà
phê bình có đề cập đến tính đúng, sai trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao.
Theo tôi, quan điểm nghệ thuật là con đường, là phương hướng của nhà văn lựa chọn
để đi, lựa chọn cho mình, chứ không thể bắt ép người khác. Ở trên, chúng ta đã
nói sự diễn đạt uyển chuyển của Nam Cao, thông qua phát ngôn của nhân vật. Vậy
nên, không thể nói quan niệm này sai hay quan niệm kia đúng một cách cứng nhắc
mà phải nhìn nhận sáng tác của nhà văn dựa trên quan điểm của mình có đóng góp
gì cho văn chương? Nếu vậy, thì chúng ta không còn phải nghi ngờ hay bàn cãi gì
nữa. Nam Cao là một tác giả sừng sững trong lịch sử văn học Việt Nam bằng
giá trị tác phẩm của mình. Ở mảng đề tài trí thức nghèo, hay nông dân nghèo, ông
đều có những tác phẩm đỉnh cao, vượt trên những cây bút cùng thời, không chỉ ở
nội dung nhân đạo mà còn ở phương diện cách tân nghệ thuật.
Con người Nam Cao vốn
lặng lẽ, không ồn ào, thích khám phá nội tâm và đặc biệt là khả năng nhạy bén
trong việc nắm bắt và diễn đạt tâm trạng nhân vật. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám,
ông đã có ngay truyện ngắn “Đôi mắt”, thể hiện một chiều kích trăn trở mới
về quan hệ giữa con người với vận mệnh đất nước. Đáng tiếc, ngòi bút sắc sảo và
bén nhọn ấy chưa kịp cống hiến các tác phẩm đầy hứa hẹn thì đã sớm hi sinh. Cái
chết của nhà văn cũng là một biểu hiện sinh động cho quan điểm nghệ thuật của
nhà văn, rằng, cuộc đời cũng như trang viết, phải luôn luôn hữu ích, cho nhân dân,
cho Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI