HÌNH TƯỢNG TIẾNG GÀ TRƯA TRONG BÀI THƠ CÙNG TÊN CỦA
XUÂN QUỲNH
Không phải ngẫu nhiên mà tiếng gà lại xuất hiện thường
xuyên trong thơ ca nước ta. Dài theo hành trình thơ Việt, từ những bài ca dao của
cha ông thuở xưa cho đến những vần thơ hiện đại, hình ảnh tiếng gà gáy có một vị
trí khá đặc biệt. Có điều này bởi lẽ, tiếng gà là âm thanh bình dị, quen thuộc
trong đời sống thường ngày, gần gũi trong tâm thức người Việt. Hình ảnh tiếng gà
xuất hiện khá phổ biến, được thể hiện thành công trong nhiều bài thơ, gắn liền
với những tình cảm tốt đẹp về quê hương, đất nước, tuổi thơ.
Tiếng gà trưa là một bài
thơ hay viết về tiếng gà, đồng thời là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân
Quỳnh: Nhẹ nhàng, lắng sâu mà nồng nàn, tha thiết. Bài thơ hoàn thành vào ngày
2.7.1965, được đưa vào tập Hoa dọc chiến hào (1968), là
một trong những tác phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Hiện nay, bài thơ được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn 7 (tập 1).
Bài thơ bắt đầu từ hình ảnh một tiếng gà và kết thúc cũng
bằng hình ảnh tiếng gà. Trong suốt 43 dòng của bài thơ, cùng với điệp ngữ “tiếng
gà trưa” được nhắc lại 4 lần, tiếng gà là hình ảnh lặp lại liên tục, trở thành âm
thanh chủ đạo trong tác phẩm. Trong bài thơ này, Xuân Quỳnh đã rất thành công
trong việc khắc họa tiếng gà thành một hình tượng nghệ thuật sinh động, giàu sức
biểu cảm, có sức sống lâu bền trong lòng độc giả.
Không gian thực tại trong tác phẩm là “xóm nhỏ” “trên đường
hành quân xa” nơi người lính dừng lại nghỉ chân. Thời gian thực tại là một buổi
trưa nắng. Âm thanh nổi bật trong khung cảnh này “tiếng gà trưa”. Có nhiều thời
điểm trong ngày xuất hiện tiếng gà nhưng tác giả đã chọn thời điểm buổi trưa. Bởi
không gian trưa bao giờ cũng yên ắng và tiếng gà trưa thường lắng sâu trong tâm
khảm mỗi người. Đó sẽ là âm thanh mở ra không gian và thời gian tâm tưởng - hoài
niệm, âm thanh gọi về bao kỷ niệm tuổi thơ trong lòng người lính.
Trước Cách mạng Tháng Tám, có một tiếng gà trưa gọi về
trong nhân vật trữ tình “tôi” bao kỷ niệm về người mẹ có “nét cười đen nhánh
sau tay áo” trong thơ Lưu Trọng Lư được thể hiện với một giọng thơ buồn thương,
da diết: Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng…
(Nắng mới). Trong thơ ca
1954-1975, cũng có một tiếng gà trưa “gọi về tuổi thơ” với những kỷ niệm êm đềm
bên người bà được trong thơ Xuân Quỳnh thể hiện bằng giọng thơ nhớ thương, trìu
mến. Nhưng có một điểm khác nhau quan trọng: Nếu như tiếng gà trưa trong Nắng
mới chỉ xuất hiện một lần và chỉ một chi tiết nhỏ, là một
trong nhiều tác nhân của tâm trạng, cảm xúc thì trong Tiếng gà trưa, tiếng
gà trưa được nhấn mạnh bằng cách lặp lại nhiều lần, là chi tiết mấu chốt và là
tác nhân duy nhất khơi dậy dòng tâm tư, ký ức. Tiếng gà vang vọng suốt bài thơ
dài 43 dòng, trở thành một hình tượng nghệ thuật đặc sắc mà Xuân Quỳnh đã dụng
công khắc họa:
Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ
Một chi tiết thú vị nữa là tiếng gà trưa trong bài thơ của
Xuân Quỳnh không phải là tiếng gáy của gà trống (phổ biến hơn, có độ vang lớn nên
dễ gây sự chú ý hơn) mà là tiếng gà mái “nhảy ổ”. Có lẽ hình ảnh những “con gà
mái mơ”, “con gà mái vàng” cùng “ổ rơm hồng những trứng” thân quen với tuổi thơ
và kỷ niệm về bà hơn. Hơn nữa, khác tiếng gáy “ò ó o” dõng dạc và mạnh mẽ, tiếng
“cục… cục tác cục ta” nghe thân thương, gần gũi, đầm ấm hơn nhiều. Một chi tiết
nhỏ thôi nhưng cũng đủ để thấy được sự nhạy cảm, tinh tế trong lựa chọn nghệ
thuật của nhà thơ.
Từ những tiếng “cục… cục tác cục ta” thân thương ấy, vào
một khoảnh khắc vô tình nghe được tiếng gà khi “dừng chân bên xóm nhỏ”, trong lòng
người lính có biết bao kỷ niệm theo tiếng gọi ùa về. Kỷ niệm về tuổi thơ, về bà
liên tục được tái hiện trong dòng tâm tưởng của nhân vật trữ tình.
Đó là nỗi lo lắng rất đỗi hồn nhiên vì sợ bị lang mặt do
tò mò mà nhìn gà đẻ của người cháu khi bị bà mắng:
Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng:
- Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Mà trong lòng lo lắng
Đó là hình ảnh bà lom khom, khum tay soi trứng đã trở nên
rất đỗi thân quen trong tâm trí của người cháu:
Tiếng gà trưa
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp
Đó là những lo lắng về đàn gà của bà khi gió mùa đông tới,
là ước mơ gà bán được để bà có tiền sắm quần áo tết cho cháu mình:
Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Đó còn là cả giấc ngủ tuổi thơ êm đềm với bao hạnh phúc
len về trong những giấc mơ ánh hồng sắc trứng:
Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm về cháu nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng
Tất cả những kỷ niệm ấy đều được khơi nguồn từ “tiếng gà
ai nhảy ổ” nhà ai và gói trọn trong tiếng gà tuổi thơ thân thuộc. Tiếng gà là tác
nhân khơi nguồn ký ức, nơi quy tụ kỷ niệm tuổi thơ và chất xúc tác làm bung tỏa
cảm xúc. Cho nên không phải ngẫu nhiên điệp ngữ “tiếng gà trưa” lặp lại 4 lần ở
đầu mỗi khổ thơ, đồng thời là 4 câu đặc biệt 3 chữ trong một bài thơ ngũ ngôn dài
đến 43 dòng mà không cần phải thêm bất cứ một chữ nào (chẳng hạn số từ, định ngữ,…
nhằm tránh lặp, tránh vi phạm luật thơ). Một cụm “tiếng gà trưa” đủ nói lên tất
cả. Rõ ràng, nhà thơ Xuân Quỳnh đã cố tình phạm luật thơ bằng cách tách cụm từ
này thành một câu đặc biệt đứng độc lập nhằm nhấn mạnh, khắc họa đậm nét hơn về
hình tượng tiếng gà đặc biệt trong tác phẩm của mình.
Không chỉ là hình ảnh của tuổi thơ bên bà và tình cảm bà
cháu, tiếng gà trong bài thơ của tác giả Sóng còn là hình ảnh của xóm làng
và tình yêu quê hương, đất nước trong lòng người lính đang hành quân xa. Kỷ niệm
tuổi thơ và tình bà cháu gắn với thời gian quá khứ. Hình ảnh xóm làng và tình yêu
Tổ quốc, quê hương gắn với thời gian hiện tại, tương lai. Giữa hai chiều thời gian
ấy có một mắt xích gắn kết. Đó là hình tượng trung tâm, chi tiết quan trọng xuyên
suốt bài thơ: “Tiếng gà cục tác”:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ
Kết thúc bài thơ, hình ảnh “ổ trứng hồng” và “tiếng gà cục
tác” lại xuất hiện. Một cách đơn sơ mà cảm động, tiếng gà cũng là một mục đích
cao đẹp để “cháu chiến đấu hôm nay”. Phải chăng chỉ là một tiếng gà bình thường
như bao tiếng gà trên đời? Có lẽ không, bởi đây là tiếng gà đặc biệt, tiếng gà
là hình bóng của Tổ quốc, của xóm làng, của tuổi thơ và của cả người bà hiền từ
trong lòng người cháu. Với việc nâng hình tượng tiếng gà lên thành biểu tượng của
tình bà cháu, tình yêu quê hương, đất nước, Xuân Quỳnh đã góp vào nền thơ cánh
mạng Việt Nam một biểu tượng đẹp, giàu ý nghĩa.
Tóm lại, Tiếng gà trưa là bài thơ
hay của Xuân Quỳnh, tác phẩm đặc sắc trong số những bài thơ viết về tiếng gà.
Khác với hầu hết những tác phẩm khác chỉ nhắc qua, xem tiếng gà là một chi tiết
nhỏ, bài thơ của Xuân Quỳnh tập trung khắc họa thành công hình tượng tiếng gà. Đó
là một hình tượng đẹp về kỷ niệm tuổi thơ, về tình bà cháu, tình yêu quê hương đất
nước; một trong những tiếng gà trong trẻo, thân thương, đẹp đẽ nhất trong thơ
Việt Nam .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI