Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 298 - THÁNG 6 NĂM 2017 tác giả

PHẠM MINH TRỊ



HAI CÁ TÍNH HÒA TRONG MỘT NGƯỜI THƠ



Một người lúc nào cũng kè kè bên mình chiếc cặp da đen bóng to kềnh. Không hiểu bên trong đựng những thứ gì mà lúc nào cũng căng phồng. Chưa thấy người đã nghe tiếng. Khi nói cứ như lên đồng, nói liên tục không ngừng nghỉ cứ như sợ người nghe cắt ngang. Anh ta có thể ngồi hàng giờ huơ tay nói nhiều khi văng cả nước vào mặt người đối diện. Hể hả khi nói xong một điều nào đó chợt bần thần nghĩ. Rồi cẩn thận mở khóa cặp ra, chọn chọn một chút, cầm hai tay rất cung kính, một cuốn sách nào đó, mở ra hí hoáy viết. À thì ra, anh ta mới in một tập thơ, viết đề tặng bạn bè. Tóc lúc nào cũng mượt nhoáng, có lẽ bôi gôm. Ngồi một chút là sờ tay lên vuốt vuốt ý chừng xem tóc tai có còn nguyên nếp không đấy. Đi đâu cũng vậy, đặc biệt đi dự một buổi gặp mặt nào đó hay dự một hội nghị tổng kết, nhận giải thưởng… Anh ta nghiêm chỉnh lắm: Comle, caravat, giầy đen, xịt nước hoa. Nói vậy thôi chứ anh ta thật thà lắm, có điều gì anh ta cũng toang toác kể, kể bằng hết thì thôi, chuyện gì cũng kể không giữ kẽ. Chuyện tốt, chuyện xấu, chuyện may, chuyện rủi thậm chí kể xong anh ta còn thề độc nữa: “Tao mà nói dối đứt lưỡi chết ngay, ra đường xe tông” hoặc : “Tao mà nói dối tao làm con mày”. Đó chính là nhà thơ Đỗ Toàn Diện quê ở Cẩm Sơn, Cẩm Thủy, Thanh Hóa sinh ngày 6 tháng 5 năm 1957. Là hội viên của Hội văn học nghệ thuật Đắc Lắc. Và điều này nữa, rất mừng cho anh, anh đã được toại nguyện, thỏa nỗi khát khao, mong mỏi, đợi chờ từ lâu, anh vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (6/1/2017).
Muốn nói gì thì nói, bàn gì thì bàn, ý này, ý kia thế nào đi nữa thì thơ anh đã được khẳng định, đã đứng được trong lòng bạn đọc. Đương nhiên trong quá trình sáng tác ai mà chả vậy, quá trình ấy thường đi theo đồ thị hình Sin. Lúc gập ghềnh, khấp khểnh khi xuôi chèo mát mái. Anh bước vào con đường thơ từ thuở còn học sinh. Mất cha từ hồi còn nhỏ, đi đâu cũng bị bắt nạt. Nhiều lần như vậy, anh tự rút ra một kinh nghiệm ứng xử mà sau này nó dính chặt vào khó gỡ ra được. Đi đâu, tới đâu, anh cũng cố lên gân to tiếng trước, áp đảo đối phương, có vậy anh mới không bị bắt nạt. Thật khổ cho anh, anh đâu muốn thế, tâm hồn anh thực ra rất nhạy cảm nhiều khi yếu đuối. Anh sống thiên về tình cảm. Anh rất ghét sự áp chế. Anh nhìn đời với con mắt sắc sảo. Ngòi bút của anh không hề né tránh những hiện tượng tiêu cực diễn ra hằng ngày trong đời sống xã hội. Anh góp phần vào công cuộc chống tham nhũng bằng cách của mình: “Tôi nghe có mùi tham nhũng/ Phả ra từ miệng quan tham/ Tôi ngửi thấy mùi hối lộ/ Ngô nghê từ miệng kẻ phàm/ Buông lời thăm dò nông sâu/ Tham nhũng, hối lộ hiểu nhau/ Cán cân công lý xô lệch/ Kẻ nghèo biết dựa vào đâu?” (Mùi tham nhũng). Anh phát hiện ra cái bản chất của bọn tham nhũng cùng bầy hối lộ, hai đối tượng này hiểu nhau từ chân tơ kẽ tóc. Chỉ mấy câu ngắn gọn mà anh bắt chúng hiện ra rõ ràng từng nét, người đọc như tưởng bọn tham ô hối lộ đang đứng ngay trước mặt mình. Cái đáng quý trong mảng thơ phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội của anh là: Ẩn đằng sau những bực bội căm ghét, châm biến, giễu cợt là nỗi lòng thương cảm đối với đại đa số người dân. Một câu hỏi “Kẻ nghèo biết dựa vào đâu?” cứ xoáy sâu vào lòng người đọc hẳn nhiên là vậy nhưng nó còn xoáy mãi, xoáy mãi vào những người được dân trao cho quyền lực để bảo vệ công lý. Cái sự ngược đời có lẽ nhiều người thấy, nhiều người nhìn, nhiều người nghĩ, nhưng ít ai viết như anh: “Đầy tớ thời này sướng như vua/ Muốn làm đầy tớ cũng phải mua/ Ngông nghênh một ghế ông chễm chệ/ Ngất nghểu trên ngai hưởng lộc chùa.” (Chuyện lạ). Người đọc thấy phảng phất giọng của cụ Tú ngày xưa. Hiện tượng  mua chức, bán quyền dưới cái nhìn của anh cũng không kém phần sắc bén: “Hiệu trưởng lắm nơi phải đấu thầu/ Nhiều chỉ, nhiều cây ắt nhiệm màu/ Đâu cần năng lực, đâu bằng cấp/ Có tiền, có chức ắt rung râu”. Anh không quanh co, chỉ thẳng tên, gọi đúng chỗ: “Hàng ngũ Đảng còn lắm kẻ mọt sâu/ Lợi dụng chức quyền lấn người vô tội”. Có người cho anh là kẻ ngang ngạnh, chuyên chọc gậy, móc máy, xỉa xói… đúng anh là vậy, nhưng cái móc máy, xỉa xói… ấy đúng lắm, có lý lắm. Ở đời làm sao có cái giống người bất hiếu với bậc sinh thành và nịnh bợ đến mức mất hết nhân cách như thế này: “Ngày giỗ  bố mình quên chẳng biết/ Bố người, tường tận lạch nông sâu/ Phong bì to, nhỏ dâng tha thiết/ Em nguyện suốt đời làm ngựa trâu”. Những kẻ ấy đúng là ngựa trâu thật sự. Những kẻ uốn gối dẻo như kẹo cao su, lưỡi miệng ngọt như mía lùi ấy là đối với cấp trên còn với người dân thì: “Cửa quyền hách dịch hành dân/ Công việc đi lại mươi lần chưa xong/ Thủ tục hành chính lòng thòng/ Như dây quấn cổ trăm vòng siết lôi”(Hành chính-hành dân là chính). Cái cổ của dân dễ quấn quá, bởi dưới dân còn ai nữa mà hành. Tệ nạn cửa quyền quan liêu là những dây xích trói dân, siết dân. Anh ước ao: “Hỏi bao giờ hết ách gông/ Bao giờ tháo cũi sổ lồng cho dân.”. Cái ao ước ấy chính là ao ước từ rất lâu rồi của mọi người. Nhân đây có một chuyện thật 100% không có chút xíu nào là bịa (vì anh đã thề nếu nói dối ra đường xe tông, đứt lưỡi). Đó là vào những năm 80, 90 của thế kỉ trước, cán bộ công nhân viên đều có chế độ nghỉ phép, riêng giáo viên có chế độ phép hè. Anh là một giáo viên, một hôm đem giấy phép, vé xe, bảng kê khai đầy đủ cả, đưa vào cho kế toán của Phòng Giáo dục để thanh toán. Người vây quanh kế toán đông lắm. Từ ngoài cửa anh chen vào hỉ hả đưa cho kế toán các chứng từ đã chuẩn bị sẵn, nào ngờ, cô ta liếc qua bảo của anh không thanh toán được. Vì sao ? anh hét to. Vé giả – kế toán cũng chỏng lỏn đáp lại. Tính anh ương ngạnh, mỗi khi có chuyện là mặt tai đỏ cả lên, mắt phóng ra những tia giận dữ. Anh giở thói dân rừng: Á, à mày bảo vé giả hả, nghe đây cho rõ. Thốt nhiên có người to tiếng, nói năng văng mạng như chỗ không người. Tất cả im phăng phắc trố mắt nhìn anh. Dõng dạc anh thẳng người ngâm nga: “Ngày nay, làm đĩ lên bà…”. Ông trưởng phòng ở đâu đó hốt hoảng chạy vào kéo tuột anh ra ngoài và nhẹ nhàng bảo: Thầy cứ về đi, đưa giấy tờ đây cho tôi. Và thế là ngay ngày hôm sau anh nhận được đầy đủ số tiền thanh toán phép hè năm đó. Chẳng biết vé xe thật, giả ra sao? Sự việc có thể  nói là nhỏ, nhưng công dụng của câu thơ châm biếm, đả kích tức thì của anh phát huy hiệu quả ngay. Khốn khổ thế, nhiều khi người ta cứ tự cho mình một cái quyền, cái uy nào đó mà hão huyền rằng mình ở vị trí ấy là xứng đáng với mình  lắm, rồi sinh ra đủ thứ phiền phức. Nói về quan liêu, tham nhũng thì quá nhiều chuyện bởi vì thực sự nó đã trở thành giặc nội xâm rất nguy hiểm, trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đe dọa sự tồn vong của chế độ và vận mệnh của quốc gia. Chính nó làm nghèo đất nước, kéo lùi sự tiến bộ, làm băng hoại đạo đức, khiến tâm hồn vẩn đục, ô nhiễm, sự bất công trong xã hội ngày càng gia tăng và quan trong hơn là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Chính phủ.
Anh không những lách ngòi bút của mình vào tệ quan liêu, tham nhũng vào những kẻ bán chức mua quyền, bất nhân bất nghĩa mà còn đưa ngòi bút của mình vào tệ nạn xã hội như chơi game, chát chít trên mạng… Tệ nạn này làm hư hỏng biết bao con trẻ: “Nào ngờ con chẳng học chăm/ Đua đòi game-chat nhố nhăng bỏ giờ/ Thân tàn, ma dại xác xơ/ Bỏ ăn… dứt bữa ngẩn ngơ cò gầy”. Đây chính là  lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những người làm cha, làm mẹ. Thói ăn theo, hùa theo dưới ngòi bút của anh nó sinh động hẳn lên, qua việc anh “Vịnh con chó”: “Chó vằn, chó vện, chó vàng/ Vào hùa với lũ chó khoang đốm đầu/ Suốt đời chỉ sủa gâu gâu/ Khom lưng, uốn gối, cúi đầu chủ sai.” Cái thứ người, loại người nào mà có tính ăn theo, hùa theo ắt nhiễm trong mình cái tính nịnh bợ đến mất tư cách như con chó mà anh đã giải phẫu ở trên. Thói dựa dẫm vào một cái quyền nào đó, một cái ghế nào đó, hoặc một ai đó cũng là một biến thể của sự cậy quyền thế để dậm dọa người khác, anh đã đóng dấu vào trán chúng nó: “Gần đèn thì bóng rất to/ Xa đèn thì bóng bị co rút vào/ Lắm người cái bóng to cao/ Nhưng óc lại nhỏ… bàn cào lại to” (Cái bóng). Thói lật lọng, dẻo mồm, dẻo miệng, hứa cho xong chuyện, anh cũng đưa vào thơ như một đối tượng cần phê phán, cảnh tỉnh: “Khi vay ngọn lưỡi có thần/ Đến khi trả, biến ân nhân thành thù”. Đây là một thực tế diễn ra hằng ngày, ở mọi nơi, mọi lúc. Chỉ một việc nhổ răng đơn giản mà dưới ngòi bút của anh trở thành một bài học làm người rất đáng suy nghĩ: “Đã từng gang miệng bao người/ Nhổ đi những chiếc răng tồi, răng hư/ Những hàm trắng, sạch vô tư/ Suốt đời ai dám mó vô được cằm” (Nhổ răng). Thói rập khuôn, sáo rỗng cũng được anh đưa ra phê phán, giễu cợt, mỉa mai: “Chỉ chuyên bắt chước tiếng người/ Cũng uốn lưỡi, cũng học đòi ba hoa/ Mua vui lòng trẻ, lòng già/ Cả đời quanh quẩn trong ba tấc lồng” (Con vẹt). Anh cũng trăn trở với thơ hiện đại: “Thơ hiện đại đến nỗi/ Người đương thời chẳng nhớ nổi một câu/ Thử hỏi mai sau cháu, con còn nhớ!/ Đọc một câu thơ lắm khi ngộp thở/ Nghệ thuật ngôn từ như hũ nút đêm sâu”. Và băn khoăn day dứt: “Thơ sẽ đi đâu?/ Và thơ về đâu?” (Thơ hiện đại). Một câu hỏi nặng tình đầy trách nhiệm của một nhà thơ trước hiện tượng thơ hiện đại. Đây là vấn đề lớn đòi hỏi một cơ sở lý luận vững vàng, một cách tiếp cận khoa học với một sự trải nghiệm dày dặn sâu rộng lúc đó mới có thể mổ xẻ, phân tích, đánh giá một cách tương đối chính xác, vì thế nên để một dịp thuận lợi nào đó để luận bàn cho thấu đáo. Ở đây, tôi chỉ muốn ghi nhận cái tình, sự trách nhiệm của một nhà thơ mà thôi. Ngòi bút châm biếm của Đỗ Toàn Diện ngày một lách sâu vào từng hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội. Dường như trong cuộc sống có cái gì tiêu cực xảy ra, ngòi bút của anh có mặt ngay tức khắc, không chần chừ, không lưỡng lự, không né tránh. Lâu nay, câu chuyện lợi ích nhóm được đưa ra rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, ở đâu đó cũng loáng thoáng bàn bạc, rỉ tai. Riêng anh, có ngay bài Liên kết ma: “Bìa rừng cổ thụ vây quanh/ Giữa rừng lâm tặc biến thành đất hoang/ Kiểm lâm lắm kẻ giàu sang/ Ăn cướp hợp pháp nghênh ngang xe, nhà/ Đua nhau chặt phá rừng già/ Của công chúng giữ, ắt là mồi ngon/ Xơi ngay nóng hổi cho giòn/ Liên kết lâm-tặc chẳng còn gì hơn/ Kiểm lâm, thảo khấu, sơn tràng/ Bọn chúng một giuộc tan hoang rừng già”. Có lẽ, anh đâu chỉ nói mỗi nhóm liên kết ma: Kiểm lâm-thảo khấu-sơn tràng mà người đọc hiểu rằng còn rất nhiều kiểu liên kết ma mãnh ken dày trong đời sống xã hội. Tiếng nói của anh đánh động đến ý thức trách nhiệm  của mỗi công dân. Hiện tượng vỡ nợ  xảy ra thường xuyên khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh tan vỡ: “Thôi! Bán hết nhà, lợn/ Cho vay để kiếm lời/ Ai dè! Tiền bốc hơi/ Con nợ chuồn. Cuỗm sạch/ Một cú lừa ngoạn mục/ Lúc ấy mới tỉnh ra/ Con nợ đã tếch xa/ Kêu trời thì đã muộn” (Kẻ vay lãi nặng).
Mảng thơ trào phúng của anh ít nhiều đã để lại ấn tượng cho người đọc bởi, đối tượng phản ánh phong phú, đa dạng dường như bất cứ hiện tượng tiêu cực nào trong đời sống xã hội ngòi bút của anh đều chạm tới. Song đáng tiếc nếu anh khắc chế được kiểu ham nói thì có lẽ tiếng nói sâu hơn và giá trị của tiếng nói ấy đắt hơn rất nhiều. Thơ châm biếm của anh mới chỉ có diện mà chưa có điểm nên người đọc còn thấy thiêu thiếu một cái gì đó, và có cảm giác luễnh loãng, dàn trải.
Anh không chỉ có thơ trào phúng mà anh còn có cả một mảng thơ trữ tình. Về số lượng của mảng thơ trữ tình đến nay anh đã cho ra mắt bạn đọc ba tập (Thời yêu dấu - NXB Hội Nhà văn, 2005; Ước mơ nhà rông - NXB Văn học,2010; Dấu chân thời gian - NXB Hội Nhà văn, 2016). Điều này chứng tỏ sự say thơ của anh. Có lẽ, thơ đối với anh là khí thở, không thể thiếu và không thể vắng trong đời sống tư tưởng, tình cảm của anh. Cứ ngỡ rằng cái tạng của anh là tung hoành ở mảng thơ châm biếm ai ngờ thoắt cái từ bờ này anh nhảy sang bờ kia của dòng cảm xúc nhẹ nhàng thế. Cũng giống như các nhà thơ khác, ít nhiều khi thử bút, đều tựa vào nhựa sống của tình yêu nam nữ. Mỗi người đều có một cách tiếp cận riêng biệt, không ai giống ai nhưng đều chung nhau ở  độ say, độ mê đến nỗi quên cả bản thân mình. Anh cũng thế: “Đã có lần ta say/ Đi nhầm vào cõi mộng/ Lưới tình vây kín nẻo quay về” (Say). Anh cũng giống mọi người trai khi yêu cũng ước đủ thứ: “Ước gì, em mãi còn duyên/ Để tôi ngóng đợi một miền xa xăm” (Hy vọng). Cái lưới tình sao nó ghê gớm quá: “Anh lạc vào mê mải/Tìm em”. Anh cũng huênh hoang như bao gã trai si tình khác: “Chỉ em, đôi mắt em thôi/ Hớp hồn tôi suốt cõi người ngả nghiêng.” (Liều). Thú thực, nói về tình yêu nam nữ, ngòi bút của anh chưa chạm tới được sự riêng biệt chỉ mình mới có. Cái anh nói thì rất nhiều người đã nói mà có khi họ nói còn hay hơn. Thế mới biết một người làm thơ để thực sự là thi sĩ khó biết chừng nào. Nói thế, không phải là chê thơ anh mà mong mỏi một điều rằng: Bất cứ người làm thơ nào muốn bạn đọc nhớ lâu, thì người đó dứt khoát không được nản lòng vì như cụ Nguyễn từng cảnh báo những ai lăm le bước vào nghề chữ nghĩa: “Nghề viết lách khó lắm, cơ cực lắm”. Rất may, anh không có tính tự ái, mà rất thích được người khác góp ý, càng góp ý thẳng thừng bao nhiêu anh càng hớn hở bấy nhiêu. Theo tôi, anh đã hiểu được chân tướng của câu tục ngữ: “Học thầy không tày học bạn”. Chính sự kiên trì, lòng khao khát tìm tòi không ngừng nghỉ mà anh đã có những câu thơ hay về vùng đất anh đang sống: “Ta bước trên ngàn năm/ Nghe dòng Sê Rê Pôk thở” và “Họ thổi hồn vào ống lồ ô/ Và chắt lọc âm thanh vào ruột đá” hay “Tìm vết chân voi ngàn xưa hóa thạch/ Gió đại ngàn còn văng vẳng hồn chiêng” (Trên cầu treo Buôn Đôn). Nếu so sánh những câu thơ vừa trích với những câu nói về tình yêu nam nữ ở trên rõ ràng có sự phân cấp khác nhau rõ rệt. Mức độ cảm xúc nồng nàn hơn, ý thơ sâu hơn, tình đậm hơn. Nhưng đáng tiếc, lẽ ra anh đã có những câu thơ hay nhất về Tây Nguyên nếu anh không tham lam trong diễn đạt và biết chắt lọc ngôn từ hơn. Khi anh sử dụng các từ nối đã làm cho sức nặng và sự ám ảnh nhạt đi nhiều lắm. Tây Nguyên là quê hương thứ hai của anh, là máu thịt của anh. Anh đã cảm được nét đặc trưng của vùng đất bí ẩn và huyền thoại này: “Gió đại ngàn cứ thổi vào trống trải/ Nghe âm âm hồn sông núi hiện về”. Những con người sống trên vùng đất đỏ, được anh tái hiện thật sống động: “Những chàng Êđê giáo mác sáng ngời/ Bắp cuồn cuộn, ngực căng như cánh ná/ Cùng hò reo những âm thanh lạ/ Tiếng chiêng rền, đồng vọng thanh la”. Thơ anh ắp đầy yếu tố hiện thực, nhưng ẩn đằng sau các yếu tố hiện thực ấy là âm hưởng đặc trưng của vùng miền. Tượng nhà mồ là nét đặc trưng nổi bật của nền văn hóa Tây Nguyên. Nói về văn hóa Tây Nguyên mà không nói về tượng nhà mồ nghĩa là chưa hiểu rõ về nó. Và anh có những câu thơ về hình ảnh tượng nhà mồ đầy ấn tượng: “Da mật nhuộm mầu nắng gió/ Bó gối mắt vương nỗi sầu/ Suốt đời quẩn quanh bên lửa/ Vui buồn cần rượu vít cong/ Nỗi niềm khắc vào thớ gỗ/ Mắt quầng hun hút nỗi đau/ Chống cằm nhìn vào vô vọng/ Nổi chìm chẳng biết vì đâu?” (Dáng tượng nhà mồ). Có lẽ đây là một trong những bài thơ viết về tượng nhà mồ Tây Nguyên vấn vương nhiều suy nghĩ nhất của anh. Đây cũng là một dạng của “âm âm hồn sông núi hiện về”. Cái đáng để người đọc nhớ là anh đã khái quát được chiều sâu văn hóa của một miền đầy kỳ bí vào một hình ảnh thơ cụ thể tiêu biểu. Nếu mà anh để ý được điều này khi làm thơ có lẽ thơ anh bớt đi rất nhiều những điều vụn vặt những lỗi thơ không đáng có. Và tôi tin rằng thơ anh sẽ cô đọng hơn, người đọc nhớ thơ anh nhiều hơn. Ngay bài thơ này, là một trong những bài nổi trội mà anh vẫn không kìm hãm được tật ham trình bày. Đã có: “Mắt quầng hun hút nỗi đau” rồi mà sao kết bài anh lại viết: “Nổi chìm chẳng biết vì đâu?”. Chính câu thơ kết này đã làm toàn bộ bài thơ của anh tan loãng không còn sự đậm đặc của suy nghĩ nữa, mặc dù anh đã cố ý dùng kỹ thuật câu hỏi tu từ để kết bài. Trong thơ, nhiều khi kỹ thuật làm hỏng và không bao giờ thay thế được độ nồng cảm hứng. Anh rất yêu mảnh đất đã cho anh cảm hứng để làm thơ vì thế anh có những phát hiện rất tinh, sự phát hiện này đã đáp ứng được các yếu tố truyền thống và hiện đại giữa tả - kể và suy ngẫm: “Cối gạo truyền đời, vẹt mòn đáy cối/ Nhịp chày nóng hổi kéo bình mình lên” (Ngày mới từ những nhịp chày). Đọc xong mà hình ảnh thơ vẫn còn ngân lên mãi, có điều gì đó đang bung tỏa. Văn hóa Tây Nguyên đã lặn ngấm trong anh nên cho anh những câu thơ thực sự là thơ: “Gùi nước lòng khe, hái gió đỉnh trời”; “Khoét ống lồ ô, nghe hồn của gió”; “Đàn voi cõng tiếng cồng đi qua thời gian”. Những câu thơ đượm màu suy tư, đầy bóng dáng của hình tượng. Có thể nói những câu thơ vừa trích là những câu thơ lay động thực sự tâm thức người đọc. Giá mà bài thơ nào của anh cũng xuất hiện những câu thơ như thế thì hay biết chừng nào? Phải nói rằng, khi viết về con người, vùng đất, phong tục, văn hóa Tây Nguyên, anh đã đạt đến độ cá tính. Nói vậy có thể hơi quá chăng? Nhưng nếu anh biết kìm nén sự ham trình bày, tham kể tả, thích dài dòng thì thơ anh sẽ có nhiều câu thơ như vừa nêu. Thơ anh có cảm xúc, song đôi lúc cảm xúc còn dàn trải, mới tràn trề trên bề mặt mà chưa chịu lắng sâu. Thơ anh có tình mà đôi lúc thiếu đi độ sâu của suy ngẫm. Chính những điều trên mà người đọc khi đọc thơ anh nhiều lúc nó cứ xuội đi, ít găm lại trong tâm trí.
Dù sao đi nữa trong mấy mươi năm làm thơ của anh, anh đã in được dấu thơ của mình trên bản đồ thơ Đắc Lắc. Sức làm thơ của anh bền bỉ, anh biết giữ cảm hứng của mình vì thế cứ tính trung bình 2 hoặc 3 năm lại cho ra mắt bạn đọc một tập thơ. Đến nay (2017) tính cả in riêng, in chung anh có trong tay đến 14 tập thơ. Đây quả là một con số ấn tượng. Về giải thưởng anh có: Giải thưởng VHNT năm 2012 - Giải C; năm 2016-Giải B của Hội VHNT Đắk Lắk; Giải C - Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Chư Yang Sin của tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2 (2008-2013). Năm Đinh Dậu này là năm anh nhớ nhất bởi hai dấu ấn không thể quên: Một, anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hai, anh về hưu. Nhưng mong rằng anh chỉ về hưu cái nghề dạy học mà thôi, còn anh đừng để thơ phải nghỉ hưu. Bạn đọc đang chờ những sáng tác mới của anh.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI