Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 299 - THÁNG 7 NĂM 2017 tác giả NGUYỄN THỊ THU HỒNG



NÀNG TIÊN CÁ

Truyện ngắn
  

Họ là một đôi bạn từ khi bắt đầu học cấp hai trường làng. Thân thiết, gắn bó và dường như trong họ đã xuất hiện một thứ tình cảm thật lạ, thật khó diễn tả nhưng chẳng ai nói với ai. Tự hiểu. Họ nghĩ thế và cứ để thế. Chàng trai là Lâm, còn cô gái tên An.
Lên cấp ba, cô gái vào một trường chuyên của huyện, chàng trai theo học ở một trường gần nhà. Giữa họ thứ tình cảm ấy vẫn tồn tại, vẫn thế, vẫn lạ nhưng càng ngày càng gần gũi và ấm áp.
Thời gian học sinh vui tươi, náo nhiệt của anh khép lại. Không phải vì anh học hành kém cỏi. Cũng không phải vì anh không thích học. Chỉ đơn giản vì cái nghèo. Cái nghèo đã khiến bố mẹ anh già sọm trước tuổi và khiến mấy anh chị em anh đều phải nghỉ học khi vừa nhận ra mặt chữ cái.
Cái nghèo ấy đã khiến anh từ bỏ ước mơ đổi đời từ việc học đại học và nhanh chóng nghĩ đến việc phải tìm kiếm công việc gì đó để có tiền phụ giúp gia đình.
Anh tìm đến chợ huyện nơi có các đại lý, doanh nghiệp buôn bán và nhận được một chân bốc vác ở đó. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng anh kiếm được một khoản tiền. Quả thực anh cũng kiếm được kha khá từ công việc này, chỉ có điều công việc không được đều đặn. Có hôm cả nhóm trong đội bốc vác ngồi chơi dài mà không có hàng để bốc, không có việc để làm. Có hôm thì công việc dồn dập khiến anh phải làm việc đến tận khuya mới được về nhà, mệt, lăn quay ra ngủ như chết.
Cứ thế, anh đã trở thành dân bốc vác chuyên nghiệp ở khu chợ này rồi. Anh tặc lưỡi động viên mình "Thôi kệ, chỉ là tạm thời. Đó là kế lấy ngắn nuôi dài".
Lúc này, anh không còn nghĩ tới ước mơ đại học nhưng trong suy nghĩ anh quyết tâm phải học được một cái nghề. Đó chính là cái nghề mà anh đã rất thích thú, say mê. Trong những lúc rảnh rỗi chờ hàng về, anh luôn tranh thủ ngồi ngắm nghía mấy chú thợ làm việc trong một cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ cao cấp gần khu chợ. Dưới bàn tay khéo léo, tài tình của các ông thợ những thân cây, khúc gỗ tưởng như vô dụng mà lại trở nên có hồn và có sức cuốn hút mạnh mẽ với mỗi ai được nhìn thấy. Nó như muốn nói chuyện, làm quen với anh và hình như anh còn nghe thấy cả hơi thở và lời thì thầm của nó. Có hôm, anh đã cầm thử cái đục và đi vài nét xem sao. Mấy chú trong xưởng cười bảo : "Mày có hoa tay đấy, rảnh lúc nào thì vào đây bọn tao chỉ cho vài đường là quen, mà người có năng khiếu như mày, chỉ cần nhìn thôi là làm được đấy".
Tất cả những hình ảnh của công việc đó cứ chạy theo anh như muốn nhắn nhủ điều gì với anh, như muốn làm bạn với anh. Lúc nào anh cũng nhìn thấy khuôn mặt tươi tắn và nụ cười rạng ngời của những khúc gỗ nằm ngổn ngang trong xưởng mộc đó. Nó khiến anh nhớ tới cô. Một tình cảm thật lạ làm lòng anh chộn rộn.
An đã đi học đại học. Một trường đại học ở xa nhà, xa anh. Nhưng không có khoảng cách nào về thời gian và không gian giữa họ. Nếu có khoảng cách thì đó là khoảng cách của nỗi nhớ.
- Bao giờ An mới được về? Lâm thấy nhớ An quá. Ở đâu Lâm cũng nhìn thấy An - anh nói.
Cô gái lảng tránh:
- Thật à, thế Lâm có nhìn thấy An trong mấy cây gỗ ở xưởng đục không?
- Có, thấy rất rõ nữa là đằng khác, còn An có nhớ Lâm không.
- Có ... An nhìn thấy Lâm trong từng trang sách của mình.
- An học tốt nhé và học cho cả Lâm nữa.
-Tất nhiên rồi, còn Lâm phải học để trở thành một người thợ giỏi và tạo nên những bức tượng thật đẹp, đẹp như ...nàng tiên cá và đẹp như ...An ấy..."
- Lâm sợ, Lâm sẽ không tạo được bức tượng nào đẹp như An.
- An chỉ đùa thôi, An sẽ chờ cho tới khi Lâm tạo được những sản phẩm thật đẹp.
- Chờ Lâm nhé, không được thay đổi đâu đấy.
- Sẽ chờ, không bao giờ thay đổi... - cô gái tắt máy.
Càng ngày niềm đam mê với những chiếc đục, với những cây cọ và nhất là với những khúc gỗ kia càng cuốn hút anh. Bất kỳ lúc nào chỉ cần có thời gian là anh đến với chúng, đến với xưởng đục. Ở đó, anh nhìn thấy tình yêu của mình, nhìn thấy niềm đam mê của mình và cả tương lai phía trước. Các sản phẩm của xưởng đục đa dạng, tinh tế, tài hoa. Chính vì vậy, nó đã được xuất đi rất nhiều nơi, kể cả ở nước ngoài.  Mọi người trong xưởng đều quý mến anh, họ bảo anh hãy bỏ nghề bốc vác, họ sẽ truyền nghề đục cho anh. Trong đám thợ đó, có ông thợ được mệnh danh là tay đục giỏi nhất vùng, có đôi bàn tay tài nghệ nhất, ông ấy bảo anh, "nếu mày học từ bây giờ, sau này mày còn giỏi hơn tao".
Anh cũng muốn học nhưng nhìn lại gia cảnh khốn khó của mình, anh lại chùn bước. Bố anh từ sau một trận ốm nặng, sức khỏe không còn được như trước, ông chỉ làm được những việc nhẹ nhàng. Một mình mẹ anh với gánh nợ nần và những lo toan. Anh còn một đứa em đang đi học. Trước mắt anh vẫn phải làm bốc vác để có tiền trang trải cho gia đình. Anh sẽ vừa làm việc, vừa tranh thủ những lúc giải lao, những lúc không có việc làm ghé vào đó để học thêm. Mọi người trong khu chợ đều biết đến anh vừa là tay vác thuê chuyên nghiệp, vừa là một thợ đục yêu nghề. Anh đã học được nghề, cái nghề như là tình yêu và sự sống của anh. Cái nghề mà anh tin tưởng rằng nó sẽ thay đổi cuộc sống hiện tại của anh. Sẽ không còn bất kỳ sự lo lắng, tính toán, bon chen và khốn khó nào ở trong những sản phẩm do bàn tay khéo léo của anh tạo ra. Nó đẹp đẽ, trong sáng, huyền diệu như tình cảm của anh và cô. Giữa hai người đã không còn là một tình cảm lạ nữa, mà đó là một tình cảm có sức mạnh vô thường, sức mạnh đó giúp họ tin rằng họ sẽ vượt qua tất cả và có được những gì mong muốn. Họ chỉ hiểu như thế nên không ai nói với ai điều gì.
Tuy anh đã biết đục một vài sản phẩm nhưng để đục được những bức tượng đẹp, đẹp như Nàng Tiên Cá và đẹp như cô đối với anh đó vẫn là một thử thách. Anh mới chỉ tạo ra những sản phẩm mà dân trong nghề gọi là "hàng chợ". "Thế là giỏi rồi. Mày đã học được ngày nào cho ra ngày đâu, toàn học tranh thủ. Bỏ hẳn nghề bốc vác đi, chuyên tâm vào nghề này, mày sẽ có tương lai hơn" - Họ bảo anh thế.
- Khó quá An ơi, Lâm sợ Lâm sẽ không thể trở thành thợ giỏi để tạo nên những bức tượng đẹp... đẹp như Nàng Tiên Cá và  đẹp như An.
- Không đâu, Lâm sẽ còn tạo nên những bức tượng đẹp hơn thế nữa.
- Lâm nhớ An quá, làm gì Lâm cũng nhìn thấy An.
- Còn An thì ... luôn nhìn thấy Lâm ở khu chợ đông đúc, nơi có những chiếc xe chất đầy hàng hóa nặng nề. An nhìn thấy những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt rám nắng của Lâm cùng những bước chân vội vã, mệt nhọc. Và rồi An còn nhìn thấy Lâm trong xưởng đục với nét mặt hưng phấn, hớn hở và say mê... An nhìn thấy cả đôi bàn tay cứng cỏi, thô ráp và những ngón tay thon, dài, khéo léo của Lâm. An tin là Lâm sẽ trở thành một người thợ đục giỏi và An sẽ chờ để cùng Lâm ngắm Nàng Tiên Cá do chính Lâm tạo ra.
- An hứa nhé, không được quên lời đâu, nhớ chờ Lâm đấy.
- Hứa, sẽ chờ, không bao giờ quên.
Đang chuẩn bị ăn cơm tối, anh nhận được điện thoại của người bạn trong nhóm bốc vác, "Ra quán gần chợ nhậu, thằng Lùn vừa trúng tờ vé số, nó mời anh em ra quán chiêu đãi, nhanh lên nhé".
Vừa ra tới quán nhậu, anh đã thấy mấy người trong nhóm bốc vác của anh đang xúm vào đánh nhau với mấy người trong một nhóm khác cũng ở khu chợ này. Chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, anh chỉ biết xông vào can hai bên. Nhưng cả hai bên đều hiếu chiến hiếu thắng theo kiểu dân "chợ búa".
Cả nhóm của anh và nhóm người bên kia đều bị bắt, trong đó có anh. Dù anh đã nói với họ anh không đánh ai, anh còn là người đi can ngăn bọn họ, anh hoàn toàn không biết gì. Mọi việc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ khiến anh không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.
Không một ai thoát tội, kể cả anh. Anh bị kết án 6 năm tù giam khi ở tuổi hai mươi mốt. Cái tuổi tràn đầy sức sống, niềm tin, khát vọng và thật nhiều tình yêu. Ngày tòa tuyên án, cô đã có mặt ở đó. Không phải để thay đổi được gì mà cô chỉ muốn là sức mạnh của anh. Một thứ sức mạnh mà anh vẫn tin rằng anh sẽ vượt qua được tất cả và có được mọi thứ mình muốn. Họ không nói với nhau được điều gì, anh chỉ kịp nhìn thấy những ngón tay nhỏ bé của cô đang vẽ lên không trung một Nàng Tiên Cá xinh đẹp, trong sáng, hướng thiện và ở đó có hai con người đang cùng nhìn về nó. Anh hiểu cô muốn nói gì, điều đó như muốn ôm ấp lấy anh ùa vào lòng anh sự yêu thương, ấm áp diệu kỳ.
- Lâm, không được buồn, không được chán nản, không được thất vọng nghe Lâm. Lâm phải cố gắng cải tạo thật tốt, Lâm nhé!
- Lâm thấy xấu hổ. Lâm rất buồn. Lâm không biết đời mình sẽ ra sao?                 - Lâm còn có gia đình và còn có An nữa. An rất muốn được nhìn thấy Nàng Tiên Cá do chính đôi tay Lâm tạo ra.
- An vẫn sẽ …sẽ …chờ à?
- Sẽ chờ, Lâm ạ.
- Chắc chắn không?
- Chắc chắn là thế. Cố gắng nhé Lâm. An sẽ về thăm Lâm vào mỗi dịp hè, dịp Tết và bất kỳ khi nào An được nghỉ.
Bố mẹ anh cho biết từ ngày anh đi, cô đã giúp đỡ bố mẹ anh rất nhiều. Cô đã xin đi làm thêm để hàng tháng có tiền gửi về cho bố mẹ anh trang trải chi phí trong gia đình và thăm nuôi anh. Cô thương bố mẹ anh như thương chính bố mẹ mình. Cô biết họ rất vất vả và khốn khó. Cô muốn cùng họ trải qua những tháng ngày giông gió. Chính vì vậy, cô đã tìm việc làm thêm phù hợp với mình để có tiền giúp đỡ bố mẹ anh. Số tiền làm thêm, cô đã gửi hết cho bố mẹ anh mà không giữ lại dù chỉ là một chút cho mình.
- … Lâm đã được điều xuống đội của những người thợ mộc và thợ đục của trại rồi An ạ.
- Vui quá, chúc mừng Lâm, Lâm giỏi quá.
- An, đừng đi làm thêm nữa, vất vả lắm. Phải chú tâm vào việc học chứ.
- An vẫn là một sinh viên xuất sắc mà Lâm, đừng lo cho An. Lâm  nhớ rèn luyện đôi tay của mình và chăm chỉ nhé.
- Chắc chắn rồi, Lâm sẽ rèn luyện để đến khi được ra, Lâm sẽ tạo ra không chỉ một Nàng Tiên Cá xinh đẹp mà còn tạo ra rất nhiều sản phẩm khác nữa An ạ.
- An sẽ chờ tới ngày đó.
- An nhớ nhé, không được quên đâu.
- An mãi nhớ, không bao giờ quên…
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi trong tay, An đã dễ dàng xin được một công việc phù hợp ở thành phố và có thu nhập ổn định. Công việc đó giúp cô có tiền nhiều hơn để gửi về giúp đỡ bố mẹ và anh. Sự giúp đỡ đó khiến bố mẹ anh bớt âu lo, bớt phiền muộn, bớt đi những sợi tóc bạc trên đầu và những nếp nhăn trên trán, thậm chí cuộc sống của họ đã không còn túng bấn, nghèo khổ nữa. Số tiền cô giúp đỡ, họ đã tích góp trang trải nợ nần, trang trải cuộc sống tằn tiện thường ngày. Họ đã sớm coi cô như con cái  trong nhà, hết mực yêu thương cô. Cứ như thế suốt hơn bốn năm qua, An cứ nghĩ bố mẹ anh là bố mẹ mình, gia đình anh là gia đình mình. Cô không hề đắn đo, suy nghĩ để giữ lại cho mình một chút riêng. Cô dồn hết tất cả những gì mình có để giúp đỡ bố mẹ anh như giúp đỡ chính gia đình mình. Đôi lúc một cảm giác thật lạ xuất hiện trong con người cô hỏi cô rằng "tại sao cô lại có thể làm được như thế?"
Lâm được ra tù trước thời hạn hơn một năm vì những thành tích cải tạo rất tốt của anh. Ngày đón anh, cô đã không thể về được vì một chuyến công tác dài ngày ở nơi xa. Lâm hơi buồn dù anh đã biết trước điều đó. Đối với anh được trở lại cuộc sống tự do là một điều hạnh phúc và may mắn nhất. Chính vì vậy anh muốn dành điều may mắn và hạnh phúc nhất của ngày đầu tiên trở lại tự do cho người con gái mà anh yêu. Anh muốn được cùng cô tận hưởng nó, cảm giác thật vui sướng, thoải mái và dễ chịu biết bao.
Lâm tìm ngay đến xưởng đục. Mọi người vẫn niềm nở với anh như xưa. Họ sẵn sàng nhận anh vào làm ngay vì tay nghề của anh có thể đã ngang bằng với họ. Lâm đã ở lại với xưởng đục. Thời gian ở trong tù, Lâm đã trở thành tay thợ đục giỏi. Anh đã biết đục tất cả các loại mặt hàng, kể cả đục tượng, đục các loài linh vật chỉ có trong tưởng tượng là những  tác phẩm rất khó trong nghề đục. Bàn tay anh ngày càng trở nên khéo léo, tài tình, sắc sảo trong từng nét đục, trong từng chi tiết và sắc thái. Các sản phẩm dưới đôi bàn tay của anh được đưa đi triển lãm, hội chợ và xuất đi rất nhiều nơi ở trong nước và có mặt ở nước ngoài. Đã rất nhiều bạn hàng tìm đến xưởng đục của anh chỉ vì tò mò muốn biết người đục nên những sản phẩm đó là ai. Lâm đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho bức tượng Nàng Tiên Cá mà anh tâm huyết nhất để cùng An ngắm nó. Nhưng An của anh luôn bận rộn với những dự án mới và những chuyến công tác dài ngày nên cô chưa thể về bên anh.
Trong giờ nghỉ trưa, mọi người trong xưởng đục đang cười nói bàn luận rôm rả về chuyện sáng nay Lâm được trung tâm dạy nghề của huyện mời vào dạy nghề đục cho các thanh thiếu niên trên địa bàn thì mẹ anh với hai mắt đỏ hoe tìm đến anh, vẻ mặt rầu rĩ. Nhìn thấy anh, bà chỉ khóc mà không nói được gì. Bà dúi vào tay anh là thư của An gửi cho anh rồi vội vã quay đi, cố giấu những giọt nước mắt đang chảy dài nơi khóe mắt.
Gửi Lâm yêu quý!
Đã mười mấy năm qua, chúng ta đã luôn ở bên nhau thân thiết, gắn bó và có biết bao kỷ niệm đẹp, lại cùng nhau trải qua rất nhiều chuyện. An đã coi bố mẹ Lâm như bố mẹ mình, coi gia đình Lâm như gia đình mình và coi Lâm như ... An sẽ  nói sau vậy.
Thời gian Lâm không có nhà, dường như An có mặt ở nhà Lâm còn nhiều hơn thời gian ở nhà mình. Chính vì vậy mà An cảm thấy dường như mình đã là thành viên của gia đình Lâm. Điều đó khiến An rất trân trọng, rất vui và thấy ấm áp. Đã có lúc An ngạc nhiên hỏi mình: "Tại sao An lại có thể làm tất cả vì gia đình Lâm, vì bố mẹ Lâm và vì Lâm như vậy?”. Có lẽ vì An yêu Lâm rất nhiều?
Nhưng An đã sớm tìm thấy câu trả lời cho mình trong một mùa hè tình nguyện, An đã gặp anh ở đó. An đã nói cho anh biết về Lâm và anh đã đồng ý  ở bên An để cùng An giúp Lâm vượt qua sóng gió và tìm được hướng đi cho cuộc đời. Anh cũng cho An thời gian để nhận ra tình yêu của mình.
Từ đó, An nhận ra rằng, thực ra An đã luôn coi gia đình Lâm, bố mẹ Lâm là gia đình, là bố mẹ thứ hai của mình. An có thể làm được tất cả cho gia đình Lâm, cho bố mẹ Lâm và cho Lâm  vì đó là tình thân. An chính là người con trong gia đình và An phải có trách nhiệm với gia đình mình, với người thân của mình.
Lâm, giờ Lâm đã trải qua được những ngày bão tố và khó khăn nhất trong cuộc đời. Lâm đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình và An cũng có quyết định riêng. An sẽ ở lại nơi đây  và kết hôn với anh. Ở anh, An không chỉ tìm thấy tình bạn, tình thân mà cả tình yêu nữa. An tin là Lâm sẽ đồng ý với quyết định của An và chúc phúc cho An. An cũng tin rằng Lâm sẽ gặp hạnh phúc và trân trọng những gì mình đang có.
T/b: An và anh được nhìn thấy bức tượng Nàng Tiên Cá do chính bàn tay khéo léo của Lâm làm tại một buổi triển lãm do thành phố tổ chức vào ngày hôm qua. Nó rất đẹp, đẹp hơn bất kỳ bức tượng nào mà An đã từng thấy và An vui lắm vì nó đẹp hơn An rất nhiều.
Chúc Lâm thành công!
An gửi cho bố mẹ món quà nhỏ, hãy nói với bố mẹ là quà của con gái trước khi về nhà chồng tặng, Lâm nhé.
                                                                                                        An!

Lâm tìm đến một góc khuất, nơi không ai nhìn thấy anh đang lặng lẽ khóc và đớn đau. Trong nhạt nhòa nước mắt, anh nhìn thấy hình dáng mềm mại như Nàng Tiên Cá của cô với khuôn mặt thánh thiện, trong sáng và nụ cười rạng ngời, tươi tắn ngay trước mặt anh. Lâm vội thốt lên "Cảm ơn em, cảm ơn cuộc đời đã cho anh gặp được em, đã cho em ở bên anh suốt bao năm qua để anh có được ngày hôm nay. Anh sẽ sống thật tốt em ạ. Cầu chúc cho em hạnh phúc – Nàng Tiên Cá!"...
           




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI