Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

“HÁI GẮM”- MỘT TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN HỒNG CHIẾN tác giả TƯ HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 298 - THÁNG 6 NĂM 2017








Trong bối cảnh truyện viết cho thiếu nhi ở nước ta đang thưa vắng những tác phẩm đặc sắc, viết về đề tài thiếu nhi người dân tộc thiểu số lại càng hiếm hoi như hiện nay, tập truyện Bí mật của H’Loan (do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2016) của nhà văn Nguyễn Hồng Chiến, người có nhiều năm gắn bó với mảnh đất và con người Tây Nguyên, là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tác phẩm gồm 12 truyện ngắn với nhiều câu chuyện thú vị, đậm chất phiêu lưu về núi rừng và trẻ em nơi cao nguyên đất đỏ, như chính đề từ in ở trang bìa của tập truyện “thế giới núi rừng hùng vĩ của trẻ em Tây Nguyên”. Trong đó, Hái gắm là một truyện ngắn hay, thành công ở nhiều phương diện.
Thành công trước hết, đồng thời làm nên sức hấp dẫn của truyện chính là không gian núi rừng Tây Nguyên tươi đẹp, hùng vĩ với bao nhiêu sắc màu và những điều kì bí. “Vùng đất Tây Nguyên dưới ngòi bút miêu tả chân thực của Nguyễn Hồng Chiến, hiện lên đầy sảng khoái và đậm chất phiêu lưu(1). Đặc điểm này được thể hiện sinh động trong toàn bộ tập truyện Bí mật của H’Loan, trong đó có truyện Hái gấm. Mở đầu câu chuyện, theo bước chân của cậu bé Y Ngoan, một không gian núi rừng mới lạ, kì vĩ mở ra trước mắt Hoàng Vân: “Núi có nhiều cây to lắm, cành lá như những bàn tay khổng lồ đan vào nhau che nắng cho mặt đất. Buổi sáng mùa khô Tây Nguyên hình như bầu trời xanh và cao hơn. Gió thỉnh thoảng vờn qua làm lắc lư những ngọn cây cổ thụ, tạo nên bản nhạc rừng thánh thót từ những chiếc lá chạm vào nhau và các cành đệm thêm kiếng kẽo kẹt, kẽo kẹt… thật vui tai. Bầy chim bạc má không biết bàn nhau chuyện gì bên các gốc cây cũng ồn ã cả lên với những nốt trầm bổng như một bản hòa tấu của thiên nhiên chào đón những chàng trai vào thăm rừng già”. Không gian mở đầu tác phẩm này ngay lập tức gây ra những ấn tượng thị giác, kích thích trí trò mò của độc giả, hứa hẹn mở ra những câu chuyện kì thú sẽ diễn ra tiếp theo giữa không gian này.
Xuyên suốt câu chuyện, theo bước chân phiêu lưu của nhân vật, tác giả còn đưa người đọc đến với nhiều cảnh sắc tươi đẹp, hùng vĩ khác của rừng núi đại ngàn: “Trên tán cây cổ thụ có nhiều dây leo chằng chịt xuất hiện những con chim lông màu đen, hai bên cánh và đuôi có điểm thêm vài chiếc lông trắng”. Xây dựng thành công không gian rừng núi, tác giả đã hé mở dần cho người đọc về thế giới kì vĩ, huyền bí của đại ngàn Tây Nguyên. Nét đặc sắc làm nên sức hấp dẫn của truyện trước hết nằm ở điều này.
Nhân vật cũng là một thành công của Nguyễn Hồng Chiến trong Bí mật của H’Loan nói chung, Hái gắm nói riêng. Trong truyện ngắn này chỉ có hai nhân vật: Một cậu bé người Kinh tên Hoàng Vân và một người Êđê tên Y Ngoan, trong đó, nổi bật hơn cả là cậu bé Y Ngoan. “Y Ngoan làm lớp trưởng, là người được cô giáo chủ nhiệm phân công giúp đỡ Hoàng Vân khi mới chuyển vào học lớp 7A, năm học đầu tiên ở quê mới”. Nhân vật này mang những nét đặc trưng của trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên: “Vai đeo gùi thoăn thoắt nhảy qua các hòn đá, rễ cây như con chim bay lượn; thỉnh thoảng ngoái đầu lại tủm tỉm cười, mái tóc quăn tít rủ xuống vừng trán hơi dô màu nâu đen làm tăng thêm vẻ đẹp rất đặc trưng của người bản địa Tây Nguyên”. Y Ngoan còn có những phẩm chất tốt đẹp khiến bạn bè, nhất là Hoàng Vân, yêu mến, tin tưởng và nể phục: Thông minh, nhanh nhẹn và nhất là am hiểu về núi rừng Tây Nguyên. Từ hiểu biết về vết đào xới của heo rừng, đặc trưng của những loài thú dữ như heo rừng, hổ đến đặc điểm của loài chim phượng hoàng đất, nhất là đặc tính của quả gắm (cách hái, cách chế biến để có thể ăn được, tính gây dị ứng và cách chữa)… Y Ngoan đều rất tường tận. Đặc biệt, nhân vật này còn có một quan niệm nhân văn, một cách hồn nhiên, về việc hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên và bảo tồn môi trường sống thông qua chi tiết bảo Hoàng Vân hái gắm vừa đủ dùng: “Của rừng mà, mình ăn còn để cho con thú ăn nữa chứ. Hôm nay hái từng này về ăn là đủ rồi, hôm sau ưng thì vào lấy nữa”. Có thể nói, trong bối cảnh nhân vật trẻ em người dân tộc thiểu số vốn còn hiếm hoi trong văn học thiếu nhi hiện nay, Y Ngoan là một nhân vật thành công của nhà văn Nguyễn Hồng Chiến.
Một thành công khác của truyện là những bài học giáo dục được rút ra từ tác phẩm. Tác phẩm văn học thiếu nhi, ngoài chức năng giải trí còn một chức năng quan trọng là giáo dục. Qua mỗi vần thơ, câu chuyện, người viết đều cố gắng hướng độc giả nhỏ tuổi của mình đến những bài học bổ ích. Cố nhiên, đó là những bài học cuộc sống phù hợp với tâm lí lứa tuổi của trẻ em. Khi viết Hái gắm, Nguyễn Hồng Chiến ý thức rõ điều này. Cho nên ở kết thúc truyện, thông qua lời độc thoại của nhân vật Hoàng Vân là cậu bé lần đầu tiên vào rừng và gặp một trục trặc nhỏ (bị ngứa) vì tự ý giải quyết vấn đề (bỏ gắm vào túi quần), tác giả trực tiếp gửi đến độc giả nhí của mình một bài học cụ thể, thiết thực: “cái gì không biết phải hỏi người biết, không thể làm liều dù đó chỉ là một việc nhỏ như… hái quả gắm”. Ngoài ra, thông qua câu chuyện hái gắm trong rừng, nhà văn còn gián tiếp nhắn gửi đến các em bài học về lòng dũng cảm, tình yêu thiên nhiên, tình bạn… Truyện vì thế mang tính giáo dục rõ nét.
Cuối cùng, Hái gắm còn thành công ở một số phương diện hình thức nghệ thuật. Viết cho đối tượng thiếu nhi, Nguyễn Hồng Chiến luôn ý thức về cách tổ chức câu chuyện, xây dựng nhân vật, tạo tình huống truyện, sử dụng ngôn ngữ… sao cho phù hợp với năng lực, thị hiếu thẩm mĩ của trẻ em nhất. Truyện vì thế có cốt truyện đơn giản, tình huống truyện nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo tính bất ngờ, hệ thống nhân vật không phức tạp (chỉ có hai nhân vật), giọng văn tâm tình, lời văn trong sáng… Đặc biệt, truyện còn gây ấn tượng với những đoạn văn giàu hình ảnh, đậm chất thơ về cảnh sắc núi rừng Tây Nguyên, ví như: “Buổi sáng mùa khô Tây Nguyên hình như bầu trời xanh và cao hơn. Gió thỉnh thoảng vờn qua làm lắc lư những ngọn cây cổ thụ, tạo nên bản nhạc rừng thánh thót từ những chiếc lá chạm vào nhau và các cành đệm thêm kiếng kẽo kẹt, kẽo kẹt… thật vui tai. Bầy chim bạc má không biết bàn nhau chuyện gì bên các gốc cây cũng ồn ã cả lên với những nốt trầm bổng như một bản hòa tấu của thiên nhiên chào đón những chàng trai vào thăm rừng già”.
Tóm lại, viết cho thiếu nhi đã khó, viết về thiếu nhi người dân tộc thiểu số lại càng không dễ. Bởi truyện muốn thành công phải đảm bảo nhiều yếu tố, vừa mang tính giải trí lại vừa có tính giáo dục; vừa gay cấn, bất ngờ nhưng lại vừa đơn giản, dễ theo dõi, phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ; vừa giàu hình ảnh, sắc màu nhưng phải vừa trong sáng, dễ hiểu… Nhà văn Nguyễn Hồng Chiến trong tập truyện Bí mật của H’Loan, đặc biệt là trong truyện Hái gắm đã làm được điều này. Truyện của anh vì thế hay và thành công trên nhiều phương diện, có đóng góp nhất định cho mảng truyện viết về đề tài Tây Nguyên, về trẻ em người dân tộc thiểu số trong văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay.



Chú thích:
1. Trình Lê, “Cuốn sách hé lộ những huyền bí của núi rừng Tây Nguyên”, báo điện tử Vietnamnet.vn ngày 7/12/2016.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI