Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Nhà văn NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019




Nhà văn NGUYỄN VĂN THIỆN


Sinh: 1975
Quê quán: Anh Sơn – Nghệ An
Giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi, CưM’gar
Biên tập viên Tạp chí Chư Yang Sin
Đã xuất bản:
Nắng trước cửa thiên đường (Tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà Văn, 2011)
Nước mắt màu xanh thẫm (Tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà Văn, 2015)
Chơi trò đồng xanh (Tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà Văn, 2016).



NGỰA HOANG
Truyện ngắn



Tôi vẽ một con ngựa và thả cho nó lên núi chơi. Trước khi đi, ngựa quay lại dặn tôi: Khi nào nghe tiếng hí từ trên ngọn núi phía tây thì bạn…! Tôi quất roi vào mông, ngựa ta lồng lên, phi thẳng. Trên núi có một chiếc thang, trên chiếc thang có một vầng trăng. Vầng trăng như chiếc gương bằng vàng. Tôi nhìn vào gương, thấy bạn mình đang thong thả gặm cỏ. Mắt ngựa rất buồn vì trên ấy không có bạn. Chắc chắn thế rồi. Tôi muốn vẽ thêm một nàng ngựa trắng để cho nó lên núi chơi nhưng rồi lại nghĩ: Biết đâu, cô đơn lại là trạng thái tốt nhất đối với loài ngựa. Tôi bình thản ngủ một giấc thật dài cho đến cuối mùa đông. Thức giấc, tôi vẫn thấy vầng trăng bằng vàng trên chiếc thang bằng bạc, nhưng bạn tôi đã không còn trên ấy nữa. Trong chiếc gương, chỉ còn lại một con mắt buồn chưa khép lại. Bây giờ thì ngày nào tôi cũng lắng tai để nghe một tiếng hí dài, lắng tai nghe mãi…
Khi thảo nguyên trở mình cựa quậy, trời đất sắp sửa sang xuân, ruột gan như có ai đốt lửa. Hoàn toàn mất trọng lượng, tôi trở thành một quả bóng bay màu đỏ lặng lẽ lên đường đi tìm bạn. Tôi gọi giữa mênh mông dã quỳ, mênh mông lau lách: Bạn ơi, bạn đang ở đâu!
            Có những buổi trưa lau lách bạc đầu níu tôi lại hỏi: Bạn của bạn là ai, hình dáng thế nào để chúng tôi tìm giúp? Tôi vẽ lên bàn tay một con mắt buồn không khép và nói: Bạn tôi lạc giữa thảo nguyên từ lâu lắm... Lau lách lắc đầu cười và buông tay để tôi đi tiếp. Suối hát một bài hát vui vẻ động viên, mây lượn một vũ điệu vui vẻ động viên, và tôi lại lên đường...
            Có những đêm rừng cổ thụ ngàn năm níu tôi lại hỏi: Bạn của bạn là ai để chúng tôi tìm giúp? Tôi vẽ lên bàn tay một vầng trăng bằng vàng trên một chiếc thang bằng bạc và nói... Cổ thụ cười lắc đầu cười và buông tay để tôi đi tiếp. Tôi lại lên đường, thảo nguyên mênh mông...
Cho đến một hôm, tôi dừng chân bên suối. Dòng suối ấy tên gì không biết nhưng nước rất trong và rất nhiều đá cuội, trắng phau. Tôi ngồi bên một tảng đá và chờ đợi. Suối mơ màng như một thiếu nữ dạo chơi giữa bạt ngàn hoa dại. Tôi hỏi đùa: Thiếu nữ có thấy một chàng trai…? Thiếu nữ mỉm cười thẹn thùng. Đúng lúc đó, tôi thấy trong tay cô gái, à không, dưới lòng suối, trên lớp đá cuội trắng phau một con mắt còn lại của tôi, à không, của bạn tôi: Ngựa hoang. Đôi mắt ấy, không thể lẫn vào đâu được, đang mải mê nhìn thảo nguyên, chưa bao giờ khép lại. Tôi xòe bàn tay ra, con mắt giữa lòng bàn tay nhấp nháy vui mừng. Hai con mắt xích lại gần nhau, và bạn tôi hiện ra, tung vó… Suối cất lên một tràng cười lanh lảnh đầy giễu cợt và chảy đi xa hút giữa mênh mông.
Tôi đuổi theo, khản giọng gọi. Tiếng gọi bị gió thổi bạt đi, chìm giữa mông lung đại ngàn. Tôi đã tìm được con mắt còn lại, đã ở rất gần, thế mà! Tim như có ai bóp chặt, tôi lồng lên, chạy đuổi theo. Tay tôi mọc cánh, chân co rút lại, tôi bay lên. Đồng tử thu nhỏ lại, long lanh như mắt chim ưng, tôi lượn vòng trên bầu trời hoang vu, tìm bạn. Mỏi mệt trong điên loạn gió ngàn, tôi hạ cánh nghỉ ngơi trên chiếc thang bằng bạc. Và cơn mưa đổ xuống rất nhanh, xóa hết mọi dấu vết. Lạnh, và mỏi mệt. Tôi không còn đủ sức cất tiếng gọi nữa. Con chim ưng đậu trên thang, đầu cúi xuống, buồn bã. Tiếng cồng chiêng không biết từ buôn làng xa xôi nào đã cất lên thao thiết. Biết đến bao giờ… bạn của tôi?
Đột nhiên, trong gió núi mưa ngàn, tôi nghe thấy một tiếng hí dài. Rồi mưa tạnh, gió ngừng. Vầng trăng từ từ nhô lên sau dãy núi lô xô, chiếu những luồng sáng sắc lạnh. Thảo nguyên trông rõ như ban ngày. Dòng suối ban sáng nhí nhảnh reo vui bây giờ lặng lẽ đi như một dòng ánh sáng vô hồn. Từ trên chiếc thang nhìn xuống, tôi nhận ra vô vàn con mắt đang trôi. Những chiếc mắt như lá, như sao, như cỏ dại bồng bềnh, lờ lững, thong thả đi trong dòng ánh sáng dưới chân. Tôi sấp ngửa chạy theo, thò hẳn bàn tay xuống vớt lên từng ánh mắt. Đâu là con mắt buồn không khép của ngựa hoang? Đâu là ánh nhìn chim ưng rút ruột rút gan của tôi? Đâu nữa chiếc mắt lá mùa thu một mí mà tôi từng gặp trên đường đi tìm bạn? Tôi chạy dọc dòng ánh sáng vớt lên rồi thả xuống rồi lại vớt, nhưng không hề nhận ra đâu là con mắt của mình, đâu là mắt của bạn, ngựa hoang ơi…
Thất vọng tràn trề, tôi buông mình xuống suối. Nước lạnh như dao, như ánh sáng cuốn tôi đi. Tôi vừa đi vừa trôi, lúc chìm lúc nổi, qua không biết bao nhiêu là núi non, bao nhiêu là cỏ dại. Những con mắt trôi bên cạnh tôi, chúng nói với nhau những câu chuyện không đầu không cuối. Có những câu thơ vỡ vụn trên môi người đọc, một chiếc mắt thì thầm. Những thân cây xù xì nhưng bên trong chứa trầm thơm ngát, mắt trôi bên cạnh tiếp lời. Một mắt khác nổi hẳn trên mặt nước, khóe rạn nếp chân chim, thâm trầm: Còn có bao nhiêu người đi lạc, chưa tìm thấy lối về trong dịp mùa xuân! Một mắt khác màu xanh ngọc bích nheo cười: Cuối cùng chúng ta cùng đi về một hướng… Cứ thế, câu chuyện nối tiếp nhau, bất tận. Trên trời cao, trăng vẫn sáng, thứ ánh sáng chói lóa, mù lòa. Tôi quẫy mạnh ngoi lên mặt nước. Dọc hai bên bờ suối, có tiếng bước chân người. Họ cũng đang đi, lúc khoan thai, khi vội vàng, khi dò dẫm. Thỉnh thoảng lại có người quờ tay xuống suối tìm đôi mắt của mình.
Trong đoàn người vô tận ấy, tôi thoáng thấy tôi, và cả bạn tôi, ngựa hoang, và những người thân của tôi nữa, không có mắt trên trán, vẫn bước đi theo một hàng dài, đi về bên kia núi. Hai bên đường, dã quỳ tỏa hương ngan ngát.
 Mùa xuân.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

DƯỚI TÁN PHƯỢNG GIÀ truyện ngắn của PHAN THÚY HẰNG - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019


Cây phượng già đã ra hoa rực rỡ cả một khoảng trời rộng. Từng đàn bướm trắng vờn cánh tung tăng trong những tán hoa như đang đùa giỡn trên lớp mây đỏ, chúng ùa vào hoa rồi lại bay lên, cánh bướm lẫn vào cánh hoa như cảnh tiên đang hiện ra dưới cái nắng nhè nhẹ của buổi sáng. 
Khôi ngồi nhâm nhi cốc cà phê trong quán cà phê nhỏ nhìn sang bên kia đường, nơi có ngôi trường phổ thông cấp hai, ba ngày xưa Khôi theo học. Ngôi trường vẫn thế, chỉ cũ đi một chút. Vẫn hai dãy nhà ba tầng khang trang được xây bọc xung quanh khoảng rân rộng nơi có ba cây phượng phủ tán rộng. Bác bảo vệ với chiếc áo nâu cũ vẫn đi quanh các dãy phòng, kiểm tra từng cái cửa sổ. Trường vừa tổng kết, học sinh đã nghỉ hết, trong không gian kia chỉ còn mỗi bác bảo vệ.
Khôi cứ dán mắt vào khoảng sân. Dường như đang có những tiếng cười ríu rít, tiếng trống trường, bóng dáng những đứa trẻ chạy loanh quanh sân trường. Khôi khẽ bật cười rồi rít điếu thuốc phả ra không khí khét lẹt. Mắt anh nhòa đi. Chu Chu từng đuổi theo cậu bé Khôi quanh gốc phượng kia mà chẳng bao giờ bắt được. Chu Chu bảo, khi nào Chu Chu bắt được Khôi thì Khôi sẽ không thể nào thoát khỏi tay cô bé. Cô bé có đôi mắt to tròn, mái tóc tém hơi hoe, nhưng mềm và bồng bềnh, cực kỳ ấn tượng mỗi khi con bé chạy nhảy. Chu Chu thích Khôi lắm. Nó từng đứng trước mặt Khôi và thề lớn lên sẽ chỉ lấy Khôi, nó không cần Khôi học giỏi hay đẹp trai, không cần Khôi là con nhà giàu, chỉ cần Khôi đồng ý, nó sẽ bảo bố mẹ cưới Khôi cho nó. Khôi không quan tâm đến những đề nghị của một con bé mới lớp sáu nhưng đã hoạch định về chuyện chồng con như Chu Chu. Khôi lại càng không thích một đứa con gái nhưng vẻ bề ngoài chẳng khác một thằng con trai, dù con bé có khuôn mặt rất xinh đẹp, rất khỏe khoắn và cũng học rất giỏi, dù Khôi tin, Chu Chu nói được là làm được, nếu Khôi đồng ý làm bạn trai của Chu Chu, cô bé sẽ làm vệ sỹ cho Khôi suốt cuộc đời. Khôi không cần vệ sỹ. Khôi học không giỏi nhưng Khôi nghiêm túc và chăm chỉ, nó chẳng cần phải gian lận hay nhờ vả khả năng học của bất kì ai huống hồ là từ một đứa con gái. Chu Chu bảo sẽ đợi Khôi thay đổi quan điểm, nó sẽ đợi Khôi đến lúc đó.
Khôi vẫn không rời mắt khỏi những tán phượng. Đàn bướm bay mãi vẫn không mỏi cánh thì phải. Hình như hoa phượng không có mùi thơm như những loài hoa khác, sao lũ bướm lại bị cuốn hút thế nhỉ. Khôi lại rít một hơi thuốc, dưới chân anh đã có ba bốn tàn thuốc. Anh vứt nốt điếu thuốc đang cháy dở xuống đất rồi lấy gót giày di di cho tắt hẳn. Anh đang cảm thấy mình nhớ ra nhiều kỷ niệm cũ. Trong ngồi trường kia còn có những điều mà anh chẳng thể quên. Anh nhớ Thảo.
Thảo dịu dàng, xinh đẹp, tóc thường tết đuôi sam duyên dáng. Thảo học cùng lớp với Khôi từ năm lớp 9. Vẻ đằm thắm của Thảo khiến Khôi phải nghiêng ngả từ bao giờ chẳng biết. Anh đã viết biết bao thư tình cho cô bé, nói là thư tình thôi nhưng đó chỉ là những mẩu giấy học sinh viết dăm ba câu tán tỉnh và khẳng định đẳng cấp bản thân để Thảo biết ý tứ anh chàng. Ấy thế nhưng Thảo lại thờ ơ với Khôi. Khôi mặc kệ. Chẳng hiểu lí do gì mà một cậu chàng vốn dĩ khá e thẹn trước con gái như Khôi lại mạnh bạo thể hiện mình trước Thảo. Anh sẵn sàng đứng trước Thảo chỉ để đề nghị được đi về cùng đường, được nói chuyện nhiều hơn về chủ đề gì đó, hoặc để đề nghị tặng Thảo cây bút mới. Thảo chỉ cười vô tư và né tránh cậu bé tội nghiệp. Dường như Thảo chẳng quan tâm gì đến chuyện yêu đương hay một tình bạn khác giới nào cả. Cô bé còn quá vô tư hoặc, Khôi nghĩ, có thể Thảo đã có bạn trai ở một trường chuyên nào đó chăng?
Mỗi năm học, Khôi đều đợi đến tháng năm, lúc hoa phượng nở rộ, cậu bé đa tài lại nhặt hoa phượng ép vào những tấm bìa cứng tạo thành tấm thiệp để tặng cho Thảo. Những cánh hoa đơn giản cậu bé có thể tạo thành những tác phẩm cực kỳ đẹp mắt, không chỉ là hình ảnh những chú bướm bọn bạn vẫn thường làm. Tác phẩm ép từ hoa phượng của Khôi có thể là cảnh núi non, ảnh con vật hay ảnh của một cô gái. Mỗi dịp chuẩn bị vào kỳ nghỉ hè, Khôi đều tặng cho Thảo những món quà như thế. Thảo nhận và chỉ đáp lại nụ cười hiền rất đỗi vô tư của một cô gái mới lớn. Ngày tốt nghiệp, Khôi trao cho Thảo tấm thiệp cuối cùng và nhận được cuộc hẹn nói chuyện từ cô gái. Cô bé vẫn xinh đẹp, dịu dàng và đáng yêu, chẳng có gì thay đổi cả. Khôi vẫn nhớ như in khung cảnh hôm đó, buồn và tĩnh lặng bởi cơn mưa ào xuống ngay khi kết thúc buổi lễ tổng kết năm học. Cơn mưa rào thoáng qua để lại những vạt nước loang loáng dưới nền bê tông rụng đầy cánh phượng, để lại những mái đầu ướt mưa lạnh lẽo...
“Tớ cảm ơn cậu đã dành tình cảm cho tớ, nhưng tớ chưa từng nghĩ tới chuyện có bạn trai, và tớ nhất định sẽ không có bạn trai cho đến khi tớ tốt nghiệp đại học và đi làm được ba năm. Cậu hiểu chứ. Tớ sẽ đi làm ba năm để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, rồi tớ mới tính chuyện có bạn trai và lập gia đình. Tớ chúc cậu đỗ trường đại học cậu mong muốn và thành công” - Thảo chỉ nói có thế. Gọi là cuộc trò chuyện, nhưng chỉ là Thảo nói, còn Khôi đứng ngây ra cho đến khi Thảo đã đi khuất sau gốc phượng. Những gì Thảo nói, Khôi không thể quên, nó ngấm vào xương, vào thịt, vào từng nơ ron thần kinh của Khôi. Khôi bật khóc nức nở. Một thằng con trai lại khóc vì câu nói rất thật của một đứa con gái. Bao nhiêu năm học ở trường, đó là lần duy nhất nó khóc. Những giọt mưa vẫn bay nhè nhẹ, đỗ lên vai áo Khôi rồi tan mất, giọt mưa ấy có lẽ nhẹ hơn giọt nước mắt của Khôi...
Khôi giật mình vì bị vỗ vào vai. Là Dũng. Dũng quàng vai Khôi rồi ngồi xuống ghế bên cạnh, gọi li cà phê sữa đá. Khôi cười xòa rồi khẽ lấy tay dụi mắt.
- Đợi tớ lâu chưa?
- Được một lúc! Dạo này nhìn béo thế! Đã bao năm rồi không gặp!
Khôi nhìn một lượt khắp người Dũng rồi lại phì cười. Có lẽ anh vẫn nghĩ cậu bạn mình vẫn chỉ là một anh chàng dáng vẻ thư sinh, trắng trẻo với cặp kính cận dày cộp, chứ không phải một anh chàng to béo, râu lún phún và mặt lỗ rỗ do mụn thế này. Ai rồi cũng sẽ khác, có vẻ thế thật.
Dũng không quá ngạc nhiên về Khôi, dường như Dũng biết Khôi đang chưa có việc làm sau khi đi du học Nhật về và anh đang đi khắp nơi với chiếc máy ảnh chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân.
- Vẫn chưa đi làm đâu à? – Dũng hỏi Khôi – Cuộc sống ổn không?
- Chưa ổn lắm! Do tớ nhiều đam mê, nhiều mối quan tâm quá! Tớ chưa xác định đi làm ở đâu cả! Tớ muốn hỏi cậu về Thảo, cậu có thông tin gì về cô ấy không?
- Thảo á? – Dũng dừng lại vài giây như để hình dung lại thông tin về cô bạn học cùng lớp từ thời cấp ba – Tớ nghe đâu cô ấy tốt nghiệp trường kinh tế, đi làm cho một công ty nước ngoài và kết hôn với giám đốc công ty đó rồi. Tớ nghe thế thôi chứ đám cưới Thảo tổ chức ở ngoài Bắc, tớ cũng không được mời. Mà...
Khôi chau mày nhìn vào li cà phê đã cạn, chỉ còn lại vài viên đá nhỏ ở đáy, tránh ánh mắt của Dũng.
- Cậu đừng nói là cậu vẫn còn tơ tưởng đến Thảo đấy nhá! – Dũng tỏ vẻ ngạc nhiên – Cậu chưa kết hôn vì Thảo sao?
Khôi cầm li cà phê dốc hết đá vào miệng rồi nhai rạo rạo. Anh nhìn ra khoảng không thở dài, rồi nhìn thẳng vào mắt Dũng:
- Tớ chỉ hỏi thế thôi. Tớ chẳng tơ tưởng gì cả, dù sao cô ấy cũng không thích tớ từ ngày đó rồi. Tớ chỉ băn khoăn, sao thời đó, chỉ tí tuổi, nhưng bọn mình đã có thể suy nghĩ rất rõ ràng và cố gắng vì một mục tiêu nhất định, không bị chi phối, không bị lung  lay, cậu nhớ không?
Dũng không trả lời. Khôi tiếp:
- Ngày đó, thích thì tớ nói thích, yêu thì tớ nói yêu, ghét thì tớ nói ghét. Bây giờ, thích thì tớ không nói, yêu thì tớ bảo quan tâm, còn ghét thì tớ lườm lườm – Anh phá lên cười lớn, rồi lại dụi mắt - Đùa thôi, hỏi thăm Thảo vì tớ tò mò đấy mà, tớ tò mò muốn biết gu bạn trai của cô ấy thế nào! Tớ tính, bây giờ cũng đã đến thời gian ba năm sau khi Thảo tốt nghiệp đại học, nếu cô ấy chưa có gia đình, biết đâu tớ sẽ gặp lại cô ấy và có vài câu chuyện thú vị...
Dũng thở dài, vỗ vai cậu bạn:
- Thôi, duyên số nó khắc vồ lấy nhau, cậu cứ bình tĩnh lo kiếm công việc ổn định trước đi hẵng. Chuyện yêu đương vớ vẩn thời phổ thông cậu để ý làm gì. Khi có công việc tốt rồi thì khắc sẽ có hàng tá người đẹp đứng xếp hàng tha hồ cho cậu chọn, chuẩn đẹp trai như cậu không lo ế. À, tiện thể tớ báo cậu tớ cưới vào cuối tuần sau. Gặp cậu đây cho tớ gửi cái thiệp mời nhé! Giờ tớ tranh thủ đi gửi thiệp mời cho xong nhiệm vụ, xin lỗi vì không ngồi lại lâu được, có gì cứ liên lạc với tớ.
Khôi ồ lên ngạc nhiên. Phải rồi. Bây giờ không phải là thời gian để người ta tơ tưởng và dằn vặt bởi những chuyện cũ từ thuở trẻ con. Dũng đang vội, và đương nhiên cũng phải vội vàng như thế thôi, cuộc sống mà! Khôi trở về với thực tại. Cậu bạn học đã chuẩn bị lập gia đình. Khôi phải đối diện với hành trình sự nghiệp trước mắt, phải lựa chọn, xác định mục tiêu và nỗ lực từ đầu. Khôi đang suy nghĩ xem, lựa chọn cho mình một con đường mới để phát triển sự nghiệp, liệu có khó như lựa chọn cách tiếp cận một cô gái để được nhận một cái gật đầu đồng ý? Khôi bắt đầu muộn hơn Dũng, bây giờ lúc cậu ấy đã ổn định thì Khôi đang loay hoay tìm cho mình một con đường mới.
Dũng rời đi, chỉ còn Khôi ngồi một mình. Li cà phê sữa đá Dũng gọi giờ mới được bê ra. Ở ngôi trường bên kia đường, bác bảo vệ đã khóa cánh cổng trường lại. Giờ thì không còn bóng dáng ai trong đó cả. Khôi cầm tấm thiệp màu đỏ Dũng để lại trên bàn, giở ra xem. Tấm thiệp báo hỉ còn thơm mùi giấy mới, bên cạnh dòng tên chú rể kiêu hãnh Đặng Dũng là dòng tên cô dâu được in nổi bật. Đó quả là một cái tên rất ấn tượng: Trương Phạm Chu Chu.

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

TÌM NƯỚC truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - THỜI NAY SỐ 980 THÁNG 6 NĂM 2019




Con suối khô không một giọt nước, chạy quanh co trong khu rừng già giống một con rắn lớn đang uốn mình qua các gốc cây đại thụ, nhằm hướng tây lao tới. Dưới lòng suối, thỉnh thoảng có những đám cát trắng, sỏi cơm và những tảng đá bất chợt hiện lên sau những khúc cua, làm tăng thêm vẻ huyền bí như đang ẩn dấu những điều thầm kín của đại ngàn. Trên bờ suối, các cây cổ thụ cao vút, tỏa bóng mát che cho lòng suối khỏi cái nắng rát của buổi chiều mùa khô. Thỉnh thoảng một cơn gió ào đến ném vào không gian hơi thở nóng bỏng của đất trời. Tây Nguyên đang vào mùa khô, mùa con chim làm tổ, trái cây chín ngọt trên cành.
Y Nhớ vác trên vai cây lao mải miết bước, mắt không ngớt hết nhìn bên phải, bên trái, rồi ngọn cây, lòng suối như đang cố gắng tìm kiếm vật quý giá gì đó đánh rơi quanh đây. Vân đi giữa, mắt chăm chăm nhìn phía trước. H’Uyên vai đeo gùi, trên gùi có thêm cây xà gạc(1) và cây đinh ba, mắt quan sát hai bên bờ suối như một người dạo chơi, ngắm cảnh, nhưng trong bụng nóng như lửa đốt. Lần đầu tiên rủ Vân - người bạn Doan(2) cùng tuổi, cùng học lớp 8 vào rừng Yang(3) chơi, bị lạc; hết cả thức ăn, nước uống. Gần trọn ngày chỉ cố gắng tìm nước, lá và quả rừng để ăn tạm mà không thấy. Cái khát như muốn hạ gục tất cả, nhưng rồi phải cố động viên nhau ráng chịu đựng. Mình và Y Nhớ đi rừng quen không sao, nhưng còn Vân… H’Uyên thầm nghĩ rồi bất giác thở dài.
Trời đã xế chiều, cả ba gương mặt trẻ măng ở tuổi mười ba, khuôn mặt nào cũng đỏ lừ, cùng chăm chú theo đuổi suy nghĩ của riêng mình, không ai nói với ai. Cơn khát lại trở về hành hạ Vân, bước chân có lẽ không còn vững nữa.
-H… ó… c, h… o… c, h… ó… c.
Có tiếng khỉ kêu phía trước mặt. Lần này chỉ có tiếng kêu của một con, tiếng không lớn lắm, nhưng vọng xuống lòng suối nghe ồm ồm. Y Nhớ quay đầu lại nói với hai bạn đi phía sau:
-Tiếng kêu của con khỉ đầu đàn, không biết phía trước có chuyện gì đây?
-Ừ, sao lại chỉ còn một con thôi, bầy của nó đi đâu rồi?
H’Uyên góp chuyện. Vân không nói gì vẫn nặng nhọc bước từng bước một xuối theo dòng suối, cặp mắt vô hồn nhìn về phía trước. Có lẽ trong đầu lúc này Vân đang cố nghĩ: phải đi tiếp để tìm nước uống, dừng lại là gục luôn không dậy được nữa. Mẹ về Bắc đã hơn chục ngày rồi, bố đi tập huấn trên thành phố mai mới về; Vân không về nhà nữa chắc bố mẹ buồn lắm... 
Con khỉ ngồi trên cành cây cách mặt đất chừng hơn hai sải tay, khi thấy mấy người bước tới gần đến nơi, bỗng buông tay rơi bộp xuống lòng suối, nơi có đám lá mục đen sì, làm lũ côn trùng hốt hoảng bay lên như ong bị phá tổ.
-Có nước rồi!
Y Nhớ đứng sững lại, reo lên. Vân đang cắm cúi bước, nghe tiếng reo vội lao nhanh đến bên cạnh bạn ngơ ngác hỏi:
-Nước đâu?
-Nước đấy!
Y Nhớ chỉ đám lá cây mục nằm chất đống giữa lòng suối, nơi con khỉ vừa rơi xuống. Trên đám lá xỉn đen, lúc nhúc những con loăng quăng tíu tít chạy qua chạy lại như bận rộn lắm.
-Sao lại lừa mình thế, đi cả ngày không uống một giọt nước, mình khát lắm rồi, không bước nỗi nữa đâu.
Nói dứt lời, Vân ngồi bịch xuống lòng suối, nằm vật ra, giang tay, giang chân như đứa trẻ lên ba hờn dỗi. H’Uyên đặt gùi xuống đất, ngồi xổm bên cạnh Vân, nói nhỏ như dỗ giành:
-Y Nhớ không lừa Vân đâu, ngồi dậy xem lấy nước đi.
-Một đám lá mục hôi rình mà bảo có nước hả, nước ở đâu ra?
-Vân ngồi dậy, đừng nằm vậy sẽ mệt nhiều, không về được đâu.
-Vân xem mình làm phép lấy nước cho uống nè.
Nói xong, Y Nhớ lại bên đống lá mục ẩm ướt, quỳ xuống, dùng tay vẹt lá, đào một cái hố giữa đống lá mục. Hố sâu đến mức, lúc Y Nhớ cúi xuống bốc lá ném ra ngoài, nhìn không thấy đầu đâu. Thấy lạ, Vân ngồi dậy bước lại xem. Vây quanh người Y Nhớ thôi thì đủ các loại muỗi to, nhỏ không ngớt bay lượn, kêu gào: o, o, o…; có con còn bám cả vào mặt, vào cổ. Hình như quá say mê với việc đào đám lá mục, Y Nhớ không để ý gì đến lũ côn trùng nhỏ bé đó nữa. Một lúc sau Y Nhớ ngững đầu lên, nhe hàm răng vàng khè ra bảo:
-Đưa mình cái chén ăn cơm, nhanh lên, có nước rồi đấy.
Đón cái chén từ tay H’Uyên đặt vào giữa hố, Y Nhớ ngồi thẳng người lên vui vẻ bảo:
-Chờ chút sẽ có nước uống thôi. Thế là giải quyết xong cái vụ khát.
-Thật không?
-Vân nhìn đi.
Vân bước lại nhìn xuống hố thấy xung quanh đen sì làm nổi bật cái chén ăn cơm trắng đặt phía dưới, mặt tái lại, giọng oán trách:
-Sao cậu đùa ác thế, làm gì có nước, chỉ có một lũ loăng quăng bu đầy chén rồi. Chẳng lẽ lại bắt con bọ đen nhỏ xíu, chân cẳng dài ngoằng như con nhện ăn thay uống nước à?
-Có nước thật mà, vì có nước chảy vào chén nên bọn bọ mới xúm lại tranh nhau uống thôi, để mình đuổi nó đi. H’Uyên còn muối không, cho xin một hạt.
H’Uyên từ nãy đến giờ không nói gì, nhưng trong mắt ánh lên niềm vui không thể dấu; thấy bạn xin muối liền lục gùi đưa ra. Y Nhớ nhón tay lấy một hạt muối to bằng hạt gạo rồi từ từ thả xuống giữa cái chén. Bọn nhặng thấy hạt muối rơi xuống, hốt hoảng kéo nhau bỏ chạy, chui luôn vào đám lá mục để lộ ra chiếc chén đựng đầy nước có màu riêu cua. Rất nhẹ nhàng, Y Nhớ cúi xuống từ từ nâng chén nước lên khỏi hố đưa cho Vân. Nhìn chén nước, mắt Vân sáng rực lên, vội đưa hai tay như giật lấy, ngửa cổ định dốc luôn vào mồm. Thấy vậy, Y Nhớ kêu toáng lên:
-Uống từ từ không sặc bây giờ.
Y Nhớ nói chưa hết câu, Vân đã đặt chén nước xuống lòng suối, trả lời:

-Ôi, nước, nước gì mà kinh khủng quá, mùi thì thum thủm, như thế làm sao uống…
Y Nhớ nghe Vân nói vậy, phì cười bảo:
-Cả ngày không có hạt nước nào vào miệng, tìm được chút nước thế này là may rồi, phải ráng uống không chết khát đấy.
-Phải lọc cho sạch rồi uống không đau bụng đấy.
-Lọc như thế nào?
H’Uyên cũng ngạc nhiên hỏi lại. Vân trả lời:
-Cho mình mượn cái xoong.
Nói xong, Vân đón xoong từ tay bạn đặt xuống cát, cổi áo trùm qua miệng xoong rồi đổ chén nước vào, cầm vạt áo lắc lắc cho nước chảy nhanh. Nước đọng lại dưới xoong hình như có đỡ đặc hơn, nhưng khi đưa lên mũi thì vẫn… khó chịu lắm. Vân đưa chén cho Y Nhớ, nói:
-Y Nhớ chịu khó gạn thêm ít nữa đổ vào đây, ta đun sôi chắc nước sẽ hết mùi hôi đó.
Nhìn thấy cả người bạn đỏ hồng lên như tôm luộc chín, H’Uyên không nhịn được cười, bảo:
-Vân có nước gia đẹp quá, cắt ra chấm muối ớt ăn chắc ngon lắm.
-Chết khát đến nơi rồi mà có nước không chịu uống còn sợ dơ, thật là kỳ cục.
Y Nhớ nói xong lại cúi xuống hố lấy chén múc nước lên đưa cho Vân đổ vào áo lọc qua trước khi chảy xuống xoong. H’Uyên bê ba hòn đá đặt làm bếp rồi vơ một ôm cành khô mang lại, bật quẹt nhóm lửa. Củi khô, trời nóng nên chỉ một chốc nước trong xoong đã sôi lên ùng ục. Vân bê cả xoong nước vừa đun sôi đặt vào hố khi nãy lấy nước, thấy vậy Y Nhớ kêu lên:
-Vân làm gì mà lạ thế?
-Để vào đây cho nhanh nguội vì lá mục có nước mà.
H’Uyên, khen:
-Vân thông minh đấy!
Cả ba bật cười. Vân múc ra nửa chén nước rồi phùng mang, trợn mắt ngồi thổi; Y Nhớ thấy lạ, trêu:
-Vân đang làm phép xin Yang uống nước à?
-Thổi cho chóng nguội mà, uống được rồi đây, H’Uyên uống đi.
Thấy Vân đặt chén nước vào tay, H’Uyên kêu lên:
-Không, Vân uống trước đi.
-H’Uyên chê thì Y Nhớ uống đi cho đỡ khát.
-Bọn mình đi rừng nhiều, chịu khát thành quen nên không sao, chỉ lo cho Vân chưa gặp cảnh này bao giờ, ốm thì khổ. Thôi, đừng nhường nhau nữa, Vân uống trước đi.
Vân nhấp một ngụm rồi đưa lại chén cho H’Uyên, Uyên cũng chỉ nhấp một ngụm nhỏ rồi trao cho Y Nhớ. Vân tò mò hỏi:
-Làm sao Y Nhớ biết có nước dưới đám lá mục này?
-Có gì đâu mà không biết. Giữa dòng suối khô có một cái vũng chất đầy lá mục, nhiều con loăng quăng, côn trùng bu lại vì hơi ẩm bốc lên; chứng tỏ dưới lớp lá ấy có nước. Kinh nghiệm của người đi rừng mà. Chịu khó đào sâu xuống chạm bùn đất là nước nhỉ ra thôi.
-Không phải vì thấy con khỉ giả chết ngã xuống chỗ này à?
Vân tỏ vẻ không tin hỏi lại, Y Nhớ trả lời:
-Nó té xuống gây sự chú ý cho chúng ta thôi, mình biết nới đây có nước mà.
-Tại sao lại phải bỏ muối xuống hố?
Vân tò mò hỏi thêm, Y Nhớ tươi cười trả lời:
-À, muối mặn, bọn loăng quăng không uống được nên phải chạy trốn.
-Ơ, hay nhỉ!
Vân ngạc nhiên khi nghe Y Nhớ giảng giải kinh nghiệm tìm nước trong rừng sâu, lòng đầy khâm phục, mắt cứ tròn xoe ra. Cơn khát được đẩy lui, nụ cười lại hiện lên trên cả ba khuôn mặt, H’Uyên vui vẻ nói:
-Rót nước còn lại vào bầu rồi ta đi tiếp thôi.
H’Uyên làm xong, bỏ xoong và quả bầu khô đựng nước vào gùi rồi cả ba tiếp tục xuôi theo dòng suối cạn, tìm đường ra sông. Vân đi giữa nói với hai bạn:
-Nói thật nhé, mình tưởng hôm nay sẽ chết vì khát rồi.
-Một ngày không uống nước chưa chết được đâu. Ba đứa chúng mình còn sống lâu lắm vì Yang thương mà, đúng vậy không H’Uyên?
-Thử thách một chút xíu vậy mà đã lo bị chết thì kém lắm, phải đi rừng nhiều nhiều cho nó khỏe, biết cách vượt qua khó khăn mà sống.
-H’Uyên nói như bà cụ già ấy nhỉ.
-Vào mùa khô, Tây Nguyên nắng tới sáu tháng liền, nhiều năm kéo dài hơn thế nữa. Người ta vào rừng thu hái sản vật của rừng có khi đi cả ngày không tìm thấy giọt nước trên suối phải nghĩ cách tìm nước uống chứ.
H’Uyên vừa đi vừa giải thích thêm. Vân ngạc nhiên hỏi lại:
-Còn có cách tìm nước khác nửa à?
-Có đấy, nếu vào rừng có nhiều loại dây, người ta tìm một loại dây Doan gọi tên chạc chìu, chọn sợi dây to bằng ngón tay cái trở lên, chặt chéo một đầu, nước trong dây chảy ra có thể uống được.
-Hay nhỉ!
Vân thích thú kêu lên, H’Uyên kể tiếp:
-Trên các sườn núi cao gặp chuối rừng cũng có thể lấy được nước uống .
-A, điều ấy thì mình biết, chặt cây chuối non xuống, lột hết lớp vỏ ngoài lấy nõn trong thân cây nhai, nhã bả, nuốt nước.
Y Nhớ nghe Vân nói vậy bật cười trả lời:
-Không ai lấy nước kiểu ấy đâu, nước trong thân cây chuối chát lắm. Năm ngoái, Y Nhớ tròn mười hai mùa rẫy, lần đầu được theo ami ama(4) vào rừng lấy mật ong, đi từ sáng tới chiều, nước hết mà không gặp con suối nào có nước cả. Khi xuống đến lưng chừng núi, bên vách đá dựng đứng thấy mấy cây chuối rừng mọc xanh um. Ama vui vẻ bảo: Có nước rồi. Để gùi xuống đất, ama dùng xà gạc chặt cây chuối sát gốc cho nó đổ qua bên rồi khoét vào giữa củ chuối một cái lỗ bằng cái chén ăn cơm. Đợi một chút, nước trong củ chuối chảy ra đầy lỗ, chỉ việc lấy tay vốc nước uống no luôn.
-Tuyệt quá, thế mà mình không biết đó nghe. Từ nay có đi rừng cũng không sợ chết khát nữa rồi!
Nghe Vân nói thế cả ba cùng bật cười làm bầy chim chơ rao kiếm ăn phía trước mặt thấy động cũng vội vã bay lên, cất tiếng kêu vui vẻ. Tiếng chim làm vỡ òa không gian của buổi chiều trong rừng vắng.

Nha Trang, tháng 6 năm 2018


Ghi chú:
1.     Xà gạc – một loại dao dùng phát rẫy và đi rừng của người Êđê.
2.     Doan – tiếng Êđê gọi người Kinh.
3.     Yang – tiếng Êđê gọi thần linh.
4.     Ama ami – tiếng Êđê gọi ba má.



Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

CON HEO CỦA THỢ MỘC truyện ngắn của NGUYÊN HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019



Mỗi khu rừng có một vị Thần Cây.
Thần Cây quan sát và chứng kiến mọi việc xảy ra để kịp thời can thiệp giữ cho khu rừng được quân bình, nhưng chỉ khi nào xảy ra nguy hiểm cho cả khu rừng thì Thần Cây mới được phép ra tay cứu giúp, còn nếu là việc sinh sống bình thường của muôn loài thì Thần Cây không được phép thiên vị.
Vậy nên sáng hôm đó, nhìn thấy chú heo con lon ton chạy chơi bị rớt xuống hầm bẫy, Thần Cây muốn cứu giúp chú heo bé bỏng nhưng ngại thợ săn sẽ kiện cáo mình thiên vị nên Thần Cây lắc đầu làm cho một trái xoài xanh rụng xuống người thợ mộc.
Hôm đó, như thường lệ người thợ mộc vào rừng đốn cây. Đang nhìn quanh để tìm đúng loại cây mình cần thì “bộp”, thợ mộc bị một trái xoài xanh rụng ngay trán. Cúi xuống vặt một túm cỏ để lau mủ xoài tứa ra, thợ mộc nhìn thấy một chú heo con co quắp trong hầm bẫy. Mũi chông xuyên qua chân heo và thân hình nhỏ bé lấm lem nhìn rất tội nghiệp. Người thợ mộc cứu heo con ra khỏi hầm bẫy, rút mũi chông ra khỏi chân và đặt nó lên bãi cỏ gần đó. Heo con nhúc nhắc bước bằng ba chân rồi lăn uỳnh ra.
-  Cố gắng đi đi nào - Thợ mộc nói - Kẻo thợ săn tới thì ta không cứu được mi nữa đâu.
-  Cháu muốn đi nhưng mà đau chân quá - Heo con mếu máo - Hôm bữa con nai bị thương, có người hái lá thuốc đắp cho nó. Xin bác hái lá thuốc đắp cho cháu với.
Thợ mộc nhìn quanh những bụi cây và làu bàu:
-  Nghe nói trong rừng này có nhiều cây thuốc quý nhưng ta không phải là thầy thuốc, lỡ hái trúng lá độc thì sao? Tốt nhất là về nhà ta rồi nhờ thầy thuốc chữa trị cho.
Vậy là thợ mộc bế heo con về nhà và mời thầy thuốc đến đắp lá cho heo con.
Sau bảy ngày thì heo con chạy nhảy khỏe khoắn.
-  Bây giờ trở về rừng được rồi đó heo con à - Thợ mộc nói.
Suốt một tuần được chăm sóc chu đáo, heo con sinh lòng thương mến thợ mộc cho nên khi nghe vậy thì nó năn nỉ:
-  Hãy cho cháu ở lại rồi cháu sẽ phụ việc cho bác.
Thợ mộc bật cười:
-  Mi thì làm gì được chứ?
Buổi sáng, heo con chạy theo thợ mộc vô rừng và dùng miệng cắn cán rìu hoặc cán đục đem tới, khi thợ mộc đo đạc thì heo con cắn một đầu thước dây... Đến chiều, heo con chạy theo sau thợ mộc một quãng, thấy có khúc cây nào hoặc món đồ nghề nào bị rơi rớt thì heo con kêu toáng lên để thợ mộc nghe mà quay lại lượm lên.
-  Cháu là thợ phụ của bác thợ mộc.
Heo con ưỡn ngực nói vậy khi hàng xóm tò mò nhìn qua.
Người hàng xóm cười ồ:
-  Mày chỉ là nhóc heo ngốc nghếch. May cho mày gặp được bác thợ mộc tốt bụng, bác ấy cố tình làm rơi rớt đồ đạc để mày được có dịp chứng tỏ mình có ích, chứ đồ nghề mà ngày nào cũng rơi rớt thì lấy gì mà làm việc chứ.
Heo con nghe vậy thì cảm kích lắm, chiều tối về đến nhà heo con giành phần dọn dẹp để thợ mộc được nghỉ ngơi. Đáp lại, thợ mộc cho heo nhiều món ăn ngon. Heo lớn nhanh, mập mạp khỏe khoắn, những cái nanh nhọn cong vút.
Một ngày kia, thợ mộc nghe hai người hàng xóm thì thào với nhau “Con heo rừng của thợ mộc lớn nhanh chưa kìa.” Người kia đáp lời, “Ừ, tôi muốn có cái nanh của nó để làm dây chuyền đeo chơi.”
Thợ mộc bèn nói:
-  Heo à, đã đến lúc chúng ta phải chia tay rồi.
-  Bác đuổi cháu đi ư? Cháu có lỗi gì đâu? - Heo ngạc nhiên.
-  Cháu không còn là heo con nhỏ bé nữa, tiếp tục sống ở đây cháu sẽ bị giết chết để lấy thịt. Hãy về rừng và sống chung với đồng loại của cháu.
Sáng hôm sau, thợ mộc đưa heo vào rừng sâu và cả hai lưu luyến chia tay.
-  Ta sẽ rất nhớ cháu đó - Thợ mộc nói - Từ nay không có cháu một mình ta phải làm lấy mọi việc, chà chà chà.
Heo chớp mắt:
-  Cháu sẽ yêu cầu muôn thú trong rừng gọi cháu là Heo Của Thợ Mộc.
*
Heo Của Thợ Mộc đi lang thang từ sáng tới tối thì gặp một cái hang rộng nằm bên sườn núi, quanh đó cây cối xanh tươi và nhiều trái chín tỏa mùi thơm.
Và Heo Của Thợ Mộc nhìn thấy một đàn những con vật giống hệt mình, chỉ có điều là chúng gầy gò và đầy sợ hãi.
-  Xin chào - Heo nói - Các bạn là heo rừng phải không? Tôi là Heo Của Thợ Mộc, cho tôi gia nhập đàn với.
Những con heo rừng ngập ngừng:
-  Bạn đúng là có nanh như chúng tôi nhưng nhìn bạn mập mạp láng mướt như heo nhà. Lại còn tên gọi Heo Của Thợ Mộc nữa chứ.
Heo Của Thợ Mộc mỉm cười:
-  Hãy biết là tôi cũng có nanh để chiến đấu là được rồi. Này, tại sao ở một nơi xanh tươi trù phú thế này mà các bạn gầy gò xanh xao vậy?
-  Vẻ xanh tươi trù phú này che giấu một điều đáng sợ - Một con heo rừng rầu rĩ nói.
-  Là gì?
-  Có một con hổ. Cứ buổi sáng là nó đến đây và nhìn thấy ai thì nó vồ ngay rồi mang đi.
-  Việc ấy xảy ra luôn luôn hay thỉnh thoảng mới xảy ra?
-  Luôn luôn.
-  Có cả thảy bao nhiêu con hổ?
Heo rừng trố mắt:
-  Bạn muốn có nhiều con hổ sao? Chỉ một con thôi cũng khiến chúng ta điêu đứng rồi đó.
Heo Của Thợ Mộc cũng trố mắt:
-  Sao? Chỉ có một con mà cả đàn chúng ta sợ hãi à?
Bầy heo rừng xấu hổ không nói nên lời. Cuối cùng thì một con rụt rè lên tiếng:
-  Quả là chúng tôi rất sợ và chẳng biết làm gì.
Heo Của Thợ Mộc cả quyết:
-  Ta sẽ bắt nó miễn là các bạn làm theo lời ta. Các bạn sẽ không phải sợ hãi nữa.
Đàn heo rừng vui mừng:
-  Được. Hãy nói bạn muốn chúng tôi làm gì?
-  Con hổ ấy sống ở đâu? - Heo Của Thợ Mộc hỏi
-  Trên ngọn đồi kia kìa.
*
Đêm xuống, Heo Của Thợ Mộc luyện tập đàn heo chuẩn bị chiến đấu.
Các heo mẹ và heo con đang bú được xếp chính giữa, quanh đó là heo cái không có con thơ, vòng kế nữa là tụi heo nhỏ, rồi vòng tiếp theo là nhóm heo trẻ và vòng bảo vệ ngoài cùng là heo đã trưởng thành sẵn sàng chiến đấu.
Heo Của Thợ Mộc sắp đặt từng đội theo nhóm từng chục hay từng hai chục. Phía trước vị trí chính là một cái hố tròn, phía sau là một cái hố thoai thoải sâu dần có cắm chông, đây là bài học mà Heo Của Thợ Mộc nhớ lại khi mình còn là chú heo con bị rớt hầm bẫy. Heo Của Thợ Mộc đứng giữa hai cái hố, gần đó là bảy chục con heo già dặn nhất đàn.
Sắp xếp đội hình xong thì trời vừa ửng sáng.
-  Chúng ta bên nhau thế này thì không có gì phải sợ hãi - Heo Của Thợ Mộc khích lệ - Hãy can đảm lên.
Con hổ xuất hiện. Nó ngạc nhiên vì cả đàn heo đứng yên đó chứ không chạy tán loạn như thường lệ. Theo thói quen, nó trừng mắt thị uy.
Heo Của Thợ Mộc la lớn:
-  Hãy trừng lại nó.
Tất cả đều trừng mắt nhìn lại hổ.
Quá ngạc nhiên, con hổ gầm một tiếng thật to.
Heo Của Thợ Mộc la lớn:
-  Hãy gầm lại nó.
Tiếng gầm của heo không vang to như hổ nhưng cả đàn hợp lại thì cũng thành âm thanh ê ẩm tai nghe. Đến nỗi con hổ há hốc miệng vì kinh ngạc.
Thế là cả đàn heo cũng há rộng miệng nhe mấy cái nanh lớm chởm.
 Sao, việc này là sao? Con hổ tự hỏi, mọi ngày nhìn thấy ta thì chúng nó vắt giò lên cổ mà chạy, nhiều đứa quá khiếp sợ đến nỗi không chạy được. Còn hôm nay chẳng những chúng không tỏ vẻ sợ hãi mà còn dám chống lại ta nữa. Ta làm gì chúng đều nhại lại. À, có con heo mập mạp kia đang đứng ở vị trí chỉ huy. Chính nó tổ chức cho bọn hỗn độn này biết quy củ. Thôi được, ta sẽ tính sau, tạm thời tha chết cho lũ nó hôm nay.
Con hổ quay đi và trở về hang.
Bên cạnh hang hổ có một ẩn sĩ giả hiệu, ông ta mặc áo thầy tu nhưng lòng dạ gian tham. Ông thường nói những lời tâng bốc ngọt ngào để không phải làm gì mà cũng được chia cho một phần mồi, còn được con hổ bảo vệ nữa.
Hôm nay, thấy con hổ về mà không đem theo gì, ông ta liền ngâm nga:
Mồi ngon nhất bạn luôn luôn được
Mỗi khi đi săn rượt heo rừng.
Hôm nay phiền muộn, tay không,
Nào đâu sức mạnh hào hùng trước đây?
Hổ bực bội đáp lời:
Trước đây bọn chúng tháo chạy
Tả tơi khiếp hoảng kinh hoàng
Nay thành hàng ngũ nhịp nhàng
Tự tin vững chải trừng trừng lại ta.
Khoe nanh há rộng miệng ra
Chúng gầm eng éc thật là ê tai.
-  Ồ ồ ồ - Ẩn sĩ giả hiệu cả cười - Chưa nghe nói heo gầm bao giờ. Ngài hãy gầm lên tiếng gầm quyền uy của loài hổ rồi nhảy đến vồ ngay là chúng kinh hãi mất trí khôn và trở nên hỗn loạn.
Con hổ định có thời gian suy nghĩ mưu kế, nhưng nghe ẩn sĩ giả hiệu nói thì xiêu lòng, ừ, sao ta lại nao núng trước tiếng eng éc inh tai của bọn heo chứ.
Hổ tức tốc quay trở lại. Bọn heo la lên:
-  Tên gian ác kia đến nữa kìa.
Heo Của Thợ Mộc liền đi tới đứng giữa cái hố thứ nhất và cái hố có cắm chông ở phía sau.
-  Không sợ - Heo Của Thợ Mộc la lên - Chúng ta không sợ. Chúng ta sẽ tóm được con hổ ngu ngốc này thôi.
Tấn công con heo chỉ huy kia là cả đàn tan tác ngay, con hổ nghĩ vậy và gầm một tiếng rung chuyển cây cối rồi phóng tới vồ lấy chú Heo Của Thợ Mộc. Chàng heo né mình và nhảy xuống cái hố thứ nhất. Con hổ theo đà rơi xuống cái hố ở phía sau và thân hình nó cắm xuống những mũi chông tua tủa, mũi chông dài nhất xuyên qua trái tim nó.
Cả đàn heo reo vang và ùa tới cái hố nhìn xuống con hổ đã chết mà chưa kịp hiểu tại sao.
Dứt cơn hò reo mừng vui, đàn heo rừng lại rầu rĩ.
Heo Của Thợ Mộc ngạc nhiên:
-  Còn gì khiến các bạn sợ hãi hơn con hổ?
Heo rừng già nhất đàn thở dài:
-  Giết con hổ này thì tên ẩn sĩ kia sẽ đem con hổ khác tới nhanh thôi.
-  Đúng đúng đúng - Đàn heo rừng nhao nhao - Trước đây nơi này không có hổ. Lão ẩn sĩ tới đây, bọn mình chia sẻ trái cây chín với ông ta. Nhưng ông ta thèm thịt nên mới rủ rê hổ về đây...
Heo Của Thợ Mộc giậm mạnh chân:
-  Vậy thì hãy đi đến đó và chúng ta sẽ khiến hắn không bao giờ dám quay lại đây nữa.
*
Ẩn sĩ giả hiệu đang sốt ruột vì lâu quá mà chưa thấy hổ về. Lười biếng muốn đi ngủ nhưng vì bụng đã đói nên ông ta quyết định sẽ đi đón hổ. Biết đâu hổ đang tha mồi về và dừng lại giữa đường ăn trước phần ngon nhất.
Nghĩ vậy nên ẩn sĩ giả hiệu khoác áo thầy tu vào người và chuẩn bị đi đón hổ, chợt nhìn thấy đàn heo rừng kéo tới, ông ta vội quơ đồ đạc rồi phóng chạy. Đàn heo đuổi riết theo. Ông ta lần lượt quăng bỏ từng thứ cho nhẹ người rồi quăng luôn món cuối cùng là cái khăn quàng cho khỏi vướng víu. Đang phóng chạy thì đụng dòng suối, không biết bơi nên ông ta cuống cuồng trèo lên một cây sung.
Đàn heo rừng chạy quanh gốc sung và la lên:
-  Ôi ôi vậy là xong.
-  Tên kia quỷ quyệt ranh ma.
-  Hắn leo lên cây rồi thì chúng ta làm được gì chứ.
Heo Của Thợ Mộc ngước nhìn lên ẩn sĩ giả hiệu đang vắt vẻo trên cành cao và nhìn xuống giễu cợt.
-  Bọn heo ngốc kia cứ ở dưới đó mà chờ ta nhé - Ẩn sĩ giả hiệu cười vang.
-  Các bạn heo nái mang nước lại đây cho chúng tôi uống đỡ khát mà làm việc nào - Heo Của Thợ Mộc hét to - Các bạn heo trẻ bới đất quanh gốc cây, các bạn khỏe hơn thì hãy gặm đứt những sợi rễ, còn lại thì hãy đưa heo nhỏ ra xa kẻo cây đổ xuống bị đụng nhé.
Từng nhóm làm theo nhiệm vụ được giao phó, còn Heo Của Thợ Mộc thì lao vào cái rễ chính và húc mạnh như những nhát rìu bổ. Phựt phựt phựt... rễ phụ rễ chính đua nhau đứt phựt và cây sung ngã nhào về phía dòng sông.
Ẩn sĩ giả hiệu văng ra khỏi đám cành lá um tùm và rơi xuống nước.
Chấm dứt nỗi sợ hãi, đàn heo rừng thở phào mừng vui. Chúng đồng lòng mời Heo Của Thợ Mộc lên làm chúa đàn.
Ngày lễ lên ngôi thật là tưng bừng mà tưng bừng nhất là cuộc thi chọn cô nàng heo dễ thương nhất để mời làm hoàng hậu.
*
Vị Thần Cây tàng hình trong đám lá rậm ngắm nhìn Heo Của Thợ Mộc oai phong đứng giữa đàn heo.
Thần Cây khẽ cười, à há, không uổng công ta lắc đầu làm rụng trái xoài xanh.
Rồi Thần Cây ngâm nga:
Đàn heo rừng gầy ốm xanh xao
Hợp nhất lại giúp chúng mạnh mẽ biết bao.