Sổ tay Thơ:
Trời
Điện Biên mây trắng
Trắng
như màu hoa ban
Màu áo
cô gái Thái
Khuy bạc
sáng hai hàng
Trời
Điện Biên mây trắng
Trắng
như màu cơm lam
Màu lững
lờ khói bếp
Bay
trên mái nhà sàn
Trời
Điện Biên mây trắng
Trắng
màu khói na-pan
Màu
khói bom, khói đạn
Đọng đến
giờ chưa tan
Trời
Điện Biên mây trắng
Màu những
lá cờ hàng
Một
chiều bay trắng đất
Trắng
trời như khăn tang
Trời
Điện Biên mây trắng
Màu mộ
chí hàng hàng
Màu bạc
đầu bạn cũ
Tìm
nhau trong nghĩa trang
Trời
Điện Biên mây trắng
Màu
xương trắng đồi hoang
Trời
Điện Biên mây trắng
Trắng
hoa lau bạt ngàn ...
Trời
Điện Biên mây trắng
Trời
Điện Biên mây trắng
Trời
Điện Biên mây trắng ...
Anh
Ngọc
Lời bình:
Chiến thắng Điện Biên Phủ cách
đây 65 năm nhưng dư âm những ngày đạn bom khói lửa vẫn còn lưu giữ trong ký ức,
trong các tác phẩm: Văn, thơ, nhạc, họa, điện ảnh…Ta vẫn còn nghe âm vang tiếng
hò reo hồ hởi từ lồng ngực không thể kìm
nén nổi: “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” trong thơ Tố Hữu hay điệu “Hò dô ta
nào .. ”trong nhạc Hoàng Vân. Cuộc chiến đã đi qua, nhưng vẫn còn lắng lại trong
cảm xúc hồi tưởng của mọi người. Lắng để
hiểu thêm về “Giá từng thước đất” trong thơ Chính Hữu. Lắng để biết ơn sự hy
sinh của các chiến sĩ Điện Biên…
Nhà thơ quân đội Anh Ngọc trở
lại Điện Biên sau 50 chiến thắng Điện
Biên Phủ. Ấn tượng ám ảnh với ông nhất là màu mây trắng Điện Biên, từ đó lan tỏa
bao thao thức, ngẫm ngợi nghĩ suy khi cuộc chiến đã lùi vào quá khứ. Vẫn còn đó
những hiện vật trong bảo tàng, những địa danh lịch sử. Còn đó những rung động ở
bề sâu tâm thức mà chỉ có thi sỹ với
ăng-ten nhạy cảm của mình mới nắm bắt được. Nhịp điệu của tứ thơ được láy lại
“Trời Điện Biên mây trắng” như là một thổn thức của bao cựu chiến binh trở về
thăm lại chiến trường xưa. Có thể nói bài thơ như một bức tranh tâm trạng giàu
nhạc tính và sắc màu hội họa. Bắt đầu là màu trắng hoa ban và “Khuy bạc sáng
hai hàng” trên “Màu áo cô gái Thái”. Đây cũng là những gam màu biểu tượng sức sống
của miền Tây Bắc của Điện Biên. Thi sĩ Anh Ngọc thật có lý và đậm tình trắc ẩn
khi chọn những sắc trắng Điện Biên để dệt vào đó những “Thổ cẩm tâm trạng” của
mình đan cài bao nỗi niềm. Đó áo trắng
màu cơm lam, màu khói bếp. Ta như được thấm đậm cả hương vị, hương rừng, tình
người của Điện Biên. Từ thị giác, vị giác tạo ra một cảm giác thân thiện của
vùng đất năm xưa là chiến trường ác liệt. Tôi có cảm giác hai khổ thơ đầu là
“gam sáng” điệu thức trưởng để nhảy quãng vận động cảm xúc vào “gam trầm” điệu
thức thứ. Đó làm màu khói bom na-pan “Đọng đến giờ chưa tan”. Sự liên tưởng của trời mây trắng với khói
bom rồi màu lá cờ hàng “Một chiều bay trắng đất / Trắng trời như khăn tang”
xen lẫn thực và ảo, không gian và thời gian. Thi pháp đó tạo ra cái thế
chênh chao mà chỉ có thơ với số đơn vị ngôn từ ít nhất, nhưng tiếng vọng dư
âm lại da diết nhất, nói được những điều
sâu thẳm tâm linh nhất. Nhà thơ Anh Ngọc với sự ân tình chia sẻ đồng cảm khi
ông bắt gặp: “Màu bạc đầu bạn cũ /- Tìm nhau trong nghĩa trang” giữa “Màu mộ
chí hàng hàng”. Ông không nói sắc màu những nấm mộ chí mà ta cứ thấy hiện
lên màu trắng qua từ láy “hàng hàng”. Và cứ ngỡ như đội ngũ các liệt sỹ Điện
Biên vẫn còn trong đội hình hành quân ngày ấy.
Viết về một đề tài trực diện
chiến tranh dù là quá khứ không thể
không nói đến những mất mát, hy sinh là có thật. Như: “Màu xương trắng đồi
hoang”. Nhưng ở đây từ cung trầm lắng đọng
đến rụng rời ấy bất ngờ tứ thơ được bay lên bằng hình ảnh: “Trắng hoa lau bạt
ngàn”. Đất đai Tổ quốc đã hóa thân một phần sự hy sinh của các liệt sỹ để thành bát ngàn lau trắng lay động. Lau trắng
cũng chính là một phần vẻ đẹp thiên nhiên tượng trưng cho sự sống. Mây trắng Điện
Biên trên cao và lau trắng Điện Biên dưới đất như đối ảnh, trường tồn mãi một
hình ảnh Điện Biên Phủ không thể nào phai mờ trong ký ức. Tôi hình dung sự láy
lại: “Trời Điện Biên mây trắng” là một sự chủ ý của nhà thơ tạo ra hợp âm của
một cung đàn da diết, của những đàn chim tung cánh bay, của những lớp sóng tâm tư lan tỏa. Đó cũng chính là sự ngân
vang của một tứ thơ xúc động khi viết về Điện Biên Phủ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI