Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

TỪ NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT bút ký của VÂN TRANG - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019




Trời về khuya, Quốc lộ 14 đoạn chạy qua xã Pơng Drang, huyện Krông Búk tỉnh Đắk Lắk, hình như lượng xe lưu thông tăng vọt, tiếng gầm rú của ô tô nối tiếp nhau không ngớt. Những ngọn đèn cao áp hai bên đường soi xuống những ngôi nhà cửa đóng im ỉm, không còn thấy chút ánh sáng nào phát ra. Trong dòng xe đang hối hả ngược xuôi ấy, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe máy lướt vội trước khi rẽ vào đường ngang không ánh đèn. Xã Pơng Drang trước năm 2015 là thế.
          Thượng úy Nguyễn Thanh Sửu chạy xe máy vào sân, thấy đèn trong phòng ăn còn sáng. Người vợ trẻ tần tảo cả ngày lo công việc kinh doanh, vẫn thức đợi chồng bên mâm cơm nguội lạnh. Thấy chồng về, chị vội đi hâm lại đồ ăn cho nóng để vợ chồng cùng ăn. Yêu chồng, hiểu công việc của chồng nên phải chấp nhận vậy. Như để thanh minh cho việc về muộn của mình, Thanh Sửu nói với vợ: “Khi chiều, thôn dưới lại có vụ tai nạn giao thông do mấy đứa choai choai đua xe”. “Có ai bị nặng không anh?” “Bốn người đều nhập viện cấp cứu, hai xe máy bị hỏng”. Trả lời vợ mà lòng Thanh Sửu thấy nặng triễu khi tận mắt hàng ngày phải chứng kiến, điều tra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày một tăng trên địa bàn.
Hai vợ chồng mới nâng chén cơm lên chưa kịp ăn, lại nghe tiếng bà hàng xóm đến cổng gọi vào: “Chú Sửu về chưa cô?” Đặt chén cơm xuống bàn, bước vội ra mở cổng. Chưa thấy người đã nghe tiếng: “Khổ thân tôi quá chú ơi, đi chợ về muộn có chút xíu thôi mà chúng bắt mất con cún của tôi rồi, hu, hu, hu…!” “Cô báo cho Công an viên xóm ta chưa?” “Khổ lắm, vừa mới cho nó ăn lúc chiều, vậy mà… hở ra cái gì mất cái đó. Chú là Công an phải giúp dân chúng tôi với chứ, còn cứ như thế này làm sao sống được?” “Chồng cháu làm bên giao thông cô ạ. Mời cô vào nhà”. “Tôi xin lỗi, hức, hức, hức…” Bà hàng xóm quay về luôn, những giọt nước mắt lã chã lăn trên má. Hai vợ chồng Thanh Sửu đứng nhìn theo một lúc rồi đóng cổng.
          “Anh ăn đi cho nóng. Khổ thân thím ấy, sống một mình có mỗi con cún làm bạn thế mà lúc chập tối bị kẻ gian bắt mất, khóc than từ chiều đến giờ”. Câu nói của vợ, những giọt nước mắt của bà hàng xóm làm Thanh Sửu thấy miếng cơm trong miệng chát đắng. Dân họ chỉ biết mình là Công an, đâu có phân biệt làm ở bộ phận nào; lúc khó khăn, hoạn nạn, uất ức, có việc không bằng lòng thì tìm đến Công an nhờ giúp đỡ. Vì sao  một xã đông dân cư, kinh tế phát triển nhất huyện như xã Pơng Drang lại để tình trạng mất an ninh kéo dài, nếu cứ thế này thì ai còn tâm trí đâu mà lo lao động, sản xuất nữa? Vậy phải làm gì đây để giúp người dân nơi đây an tâm sinh sống, hạn chế tệ nạn xã hội? Gia đình mình, con cái mình ở đây rồi sẽ ra sao nếu tình trạng này kéo dài…
Thanh Sửu bồi hồi nhớ lại ngày ấy, khi mới về nhận công tác tại Công an huyện, được bố trí làm bên đội cảnh sát hình sự. Một buổi chiều đi xe máy xuống thôn 3, xã này công tác; thấy có hai thanh niên đi xe máy, nẹt bô vượt qua, đánh võng trước mặt; bực qua mới kêu lên: Các cậu đi kiểu gì lạ vậy? Hai thanh niên tăng ga vọt đi. Một lát đến ngã tư giữa thôn đã thấy cả ba phía đều có xe máy dựng chắn đường, mười hai thanh niên trên tay cầm gậy, côn… dàn hàng ngang đứng đợi. Thanh Sửu thắng xe dừng lại khi chỉ cách đám thanh niên khoảng hai chục mét, trong đầu thoáng nghĩ: Phải đánh nhau rồi, không thể quay xe bỏ chạy được. Nhưng một mình làm sao đánh nổi cả lũ thế kia; đành liều. Dựng xe bên đường rồi từ từ tiến lên chấp nhận “chơi” tay bo. Đám thanh niên lăm lăm vũ khí, mắt trợn ngược chỉ đợi đối thủ đến để ăn tươi nuốt sống. Vừa lúc ấy có một phụ nữ đứng tuổi đi xe qua, thấy vậy dừng xe nói: “Chúng mày định làm gì, chú ấy là Công an huyện đấy”. Cả đám thanh niên như gặp ma, vội vàng lao lại lấy xe, quay đầu  chạy chí chết. Bà cán bộ thôn này chắc có lần lên Ủy ban xã họp thấy mình đến làm việc nên nhớ. Còn đám thanh niên chúng không sợ mình mà sợ cái danh – Công an, biết sợ như vậy nếu ta vận động tốt họ sẽ chung tay để xây dựng một cuộc sống ứng xử có văn hóa nơi sinh sống sẽ bớt đi tội phạm xã hội.
Lại một lần khác, khi mới về đây ở được mấy ngày, trong thôn xảy ra mâu thuẩn tranh chấp đất đai; hai gia đình cùng chung bờ rào hô hào anh em, con cháu mấy chục người mang gậy gộc, dao rựa định “nói chuyện” phải trái với nhau. Thay bộ đồ xơ vin chuẩn bị ra quán đón vợ, nghe thấy vậy anh vội chạy đến vừa khi hai bên vung vũ khi định lăn xả vào ăn thua với nhau. Thanh Sửu chạy vào đứng giữa hai bên, giơ tay, kêu lên: “Các bác bình tĩnh nghe cháu nói đã”! “Mày là thằng nào mà xen vào chuyện chúng tao?” Chưa biết xử thế nào, đã nghe ông Trưởng thôn nói: “Chú ấy là Công an huyện mới chuyển về xóm ta ở đấy”, nghe đến tiếng “Công an” mọi người hình như có cơn gió mát thổi qua, hạ hỏa; chịu nghe lời anh nói rồi giải tán, không xông vào đâm chém nhau nữa.
Những chuyện đã qua được mắt thấy, tai nghe, chứng kiến, khẳng định một điều: dân tin Công an, nghe Công an như vậy thì Công an phải làm gì cho xứng đáng với niềm tin yêu ấy và xa hơn phải để dân nể, dân phục; có thế người Công an mới hoàn thành nhiệm vụ và người dân mới có cuộc sống bình yên. Để địa bàn trong sạch, cần phải có người chỉ huy có tâm và có tầm lãnh đạo, tập hợp được nhân dân... ta có làm được không? Trăn trở với bao suy nghĩ trước thực trạng đang xảy ra trên địa phương, người sỹ quan trẻ quyết định ra bàn lấy bút viết đơn tình nguyện.
Sáng hôm sau, Đại tá Đỗ Văn Xuyền – Trưởng Công an huyện Krông Búk nhận được lá đơn của Đội phó Cảnh sát Giao thông xin tình nguyện về làm Trưởng Công an xã Pơng Drang và cả bản trình bày dự thảo kế hoạch công tác của mình nếu được bổ nhiệm. Lãnh đạo cơ quan họp, cân nhắc và chấp thuận với lá đơn tình nguyện của Thượng úy Nguyễn Thanh Sửu. Nhiều anh em cùng cơ quan cũng có người thắc mắc: tại sao cái “ghế” Đội phó cảnh sát Giao thông “thơm” như thế lại bỏ đi xuống xã làm đầu sai, trăm thứ chuyện đều phải nhúng tay vào, không có giờ giấc làm việc thể... Về đâu không về lại xin về cái xã phức tạp nhất huyện. Trong khi ấy, Trưởng Công an xã Pơng Drang do vợ bị tai nạn chết gần năm nay, bận lo việc nhà nên lơ là công việc cơ quan; gần 50 công an viên của xã như rắn mất đầu, vì thế các tệ nạn nổi lên như nấm sau mưa đầu mùa…
Đã quyết là phải làm, và làm bằng được; từ suy nghĩ ấy, người Trưởng Công an xã Pơng Drang mới về nhận chức mời tất cả công an viên về họp để chấn chỉnh lại đội ngũ. Tranh thủ xin ý kiến của Đảng ủy và Ủy ban xã rồi đề ra một số biện pháp cấp thiết để ổn định địa bàn như: Thành lập các tổ tự quản tại các thôn, buôn theo nhóm các hộ gia đình trên cùng một trục đường; mời Bí thư chi bộ hoặc cán bộ thôn trực tiếp làm tổ trưởng. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cấp thôn vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, cam kết không vi phạm luật giao thông, thành lập nhóm liên gia an ninh… Đêm đêm các đội Dân phòng cùng Công an phối hợp tuần tra trên các đường giao thông chính của xã từ hai hai giờ đêm đến năm giờ sáng, kịp thời xử lý các vụ vi phạm.
Sau một thời gian ngắn số vụ đua xe, ăn cắp vặt, tệ nạn xã hội… ban đêm bị phát giác, ngăn chặn kịp thời đã lấy lại lòng tin cho nhân dân. Để nâng cao thêm một bước trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự xã hội trên địa bàn và phối hợp với Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, Công an xã vận động nhân dân từng khu vực tự nguyện góp tiền kéo điện, mắc đèn đường. Từ một cụm dân cư thôn Một có đèn đường cho con cháu đi lại thuận lợi ban đêm mà kẻ gian không có chỗ ẩn nấp, gây án; thành mô hình nhân rộng để nhiều thôn, buôn làm theo. “Con gà tức nhau tiếng gáy” tổ này làm được, tổ khác không làm được, người dân tự ái thế là thành phong trào tự quản: “thắp sáng đường quê”. Đường thôn, buôn điện sáng như đại lộ ngoài thành phố; trẻ em có chỗ vui chơi ban đêm, cảnh tối tăm trên các con đường ngang không còn, cùng với đó tình hình an ninh được cải thiện rõ rệt, bọn tội phạm ban đêm giảm hẳn.
Tiến thêm một bước nữa, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn, Công an xã đã vận động các quán bán hàng ở ngã ba, ngã tư lắp camera an ninh bảo vệ. Từ nguồn cung cấp của nhân dân, một số vụ mất cắp xe máy, trộm vặt ban ngày xảy ra trong thôn, buôn được khám phá chỉ sau vài giờ gây án nhờ trích xuất từ camera gia đình. Thực tế cuộc sống là lời tuyên truyền hiệu quả nhất, phong trào lắp camera an ninh hiện nay đã được nhân rộng trên gần khắp địa bàn trọng điểm xã Pơng Drang, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự, mang lại lại niềm tin cho nhân dân đối với Công an nói riêng và chính quyền nói chung.
Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; nhớ Bác, học theo lời dạy của Người, đem áp dụng vào công việc tại địa bàn xã Pơng Drang thấy ngay hiệu quả. Đúng là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân tự quản”, mọi khó khăn đã được giải quyết nhanh chóng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đêm đêm các trục đường trong thôn, buôn có đèn điện chiếu sáng; tiếng kẻng an ninh từ các tổ liên gia gióng lên khi có việc bất thường xảy ra, các tổ dân phòng chốt chặn các ngã đường, kẻ gian hết đường lẫn trốn. Cuộc sống bình yên trở lại với một vùng đất đã từng được xem là điểm nóng của huyện Krông Búk trước đây.
Ngày 11 tháng 4 năm 2019, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại úy Nguyễn Thanh Sửu – Trưởng Công an xã Pơng Drang tại phòng làm việc được anh cho biết: Khi mới về nhận công tác trên một địa bàn phức tạp, nhờ biết dựa vào dân, kết hợp với các cơ quan đoàn thể ở các thôn buôn, phát động phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh trật tự xã hội”. Chúng ta đều biết các tệ nạn xã hội thường bắt nguồn từ: gia đình, khu dân cư, tổ, thôn, buôn… nếu phát hiện sớm, có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu sẽ giảm được đến 90% các loại tội phạm. Hiện nay các thôn, buôn đều có tổ chức các hội như: Nông dân, Phụ nữ, người cao tuổi… rồi các tổ chức xã hội khác như: Đoàn thanh niên, chi bộ… Công an phải mời thành viên lãnh đạo trong các tổ chức ấy tham gia ban tự quản vì tiếng nói của họ có trọng lượng với dân nơi họ sinh sống. Tạo được khối đoàn kết trong vùng dân cư theo truyền thống của cha ông truyền lại: “Vắng anh em xa có láng giềng gần” đã góp phần quyết định mang lại bình yên cho miền quê. Kết quả đạt được như hôm nay ở xã Pơng Drang chính là nhờ Đảng bộ, chính quyền các cấp chung tay, chung sức, đồng lòng cùng với Công an và sự ủng hộ của nhân dân mới được như vậy.
Hiện nay Bộ Công an đang thực hiện Đề án đưa Công an chính quy về làm Trưởng Công an xã được cán bộ và đa số nhân dân đồng tình, dư luận xã hội ủng hộ vì các đồng chí ấy được đào tạo chính quy, nắm chắc luật pháp, xử lý công việc khoa học… chắc chắn sẽ mang lại bình yên cho xã hội. Tại xã Pơng Drang nơi chúng tôi đến công tác trong tháng 4 năm 2019 vừa qua đã cho thấy kết quả rất đáng phấn khởi; đây là mô hình cần được nhân rộng trong thời gian sắp tới không chỉ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.   
Tháng 4 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI