Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

NHÀ KHOA HỌC TRẺ truyện ngắn của BÍCH THIÊM - CHƯ YANG SIN SỐ 322 THÁNG 6 NĂM 2019




  


Quê nội của bé Hoa ở ngoài Bắc, bố mẹ Hoa là công nhân nông trường Ea Kpam từ lâu lắm rồi. Mấy nhà quanh nhà Hoa cũng là ở ngoài đó vào. Cả xóm có đến hơn chục đứa bằng tuổi nhau và cùng học lớp 4 trường Tiểu học ngay trung tâm xã.
Nhà Hoa chỉ có bốn người. Bố mẹ, anh Bình và Hoa. Anh Bình đang học lớp 10 của Trường Cao nguyên trên phố nên thường ngày chỉ có Hoa và bố mẹ ở nhà. Lũ trẻ ở đây hầu như đứa nào cũng có cái tên gọi ở nhà. Nào là Chuột, Sóc, Cốm, Tép… Riêng Hoa, cả nhà đều gọi nó là “Tại sao”. Gọi vậy, bởi vì một ngày, hễ cái gì lọt vô tầm ngắm của nó là nó lại hỏi “tại sao như vậy…”
Như sáng nay, lúc ra cổng, chờ mẹ chở đi học, thấy bố nhắc mẹ: “ Em nhớ nói cậu Dương coi dùm xe máy có vấn đề gì không nhé.”. Nó hỏi ngay: “Vấn đề gì là cái gì hả mẹ? Sao bố lại nhắc vậy?”.
Mẹ nó đang vội, nên trả lời qua loa: “Thì là xem các ốc vít, có cái nào lỏng không, đi dễ gặp tai nạn chứ sao…”.
Nó yên lặng, nhưng có vẻ chưa thuyết phục mấy. Mãi đến khi xe qua chỗ đông người, nó mới bảo: “Thế sao bố không tự xem mà phải nhờ cậu Dương ạ?”.
Mẹ nó kiên nhẫn giảng giải:
- Cậu Dương đã học trường sửa chữa xe máy,ô tô. Còn bố, bố học kế toán, rồi bố lại bận nên bố nhắc mẹ nhờ cậu chứ sao.
Tối đó, học bài xong, nó ra phòng khách. Trên tivi đang chiếu một bộ phim thịnh hành. Nhìn nhân vật nữ ho khan rồi nôn ọe, nghe mẹ lẩm bẩm:
- Rồi, có bầu rồi.
Nó giật tay áo mẹ:
- Nôn là có bầu ạ? Có em bé là phải nôn à, mẹ? Ngày trước có con mẹ cũng nôn vậy sao?
Nó hỏi dồn dập. Mẹ nó mỉm cười:
- Ừ, khi có em bé, người mẹ có thể chóng mặt, muốn ói và có thể sợ một số mùi.
- Hèn chi bữa trước con thấy cô giúp việc nhà bạn Bảo bị nôn rồi cứ sợ mùi cơm mới nấu xong. Mà mẹ bạn Bảo cho cô ấy về quê rồi…
Mẹ nó định nói gì đó, nhưng bố nó khẽ nháy mắt, mẹ nó nói qua chuyện khác:
- Mấy hôm nữa bà nội vào chơi, con nhớ ngoan và không hỏi bà nhiều, bà mệt nghe chưa?
- Dạ, con nhớ rồi.
Nói vậy nhưng đến hôm bà nội vào chơi, nó tíu tít hỏi bà bao nhiêu thứ.
- Bà ơi! Sao bà gọi quả bầu là quả bù ạ?
- Bà ơi! Bà nói em bé nhà cô Hiền nó “mợn” lắm, mợn là gì ạ?
- Bà ơi! Mắm tép này làm như thế nào ạ?
Bà nội nó kiên nhẫn trả lời. Nhưng có nhiều câu bà bật cười rồi không biết nói sao cho nó hiểu. Chả là bà quen nói như ở quê. Qủa bầu cứ gọi quả bù, trẻ con hay quấy khóc, làm nũng thì gọi là mợn, hay mắm tép làm bằng con tép…Đến chỗ này nó cứ khăng khăng gọi đó là con tôm nhỏ. Bà đành cười xòa và đẩy cho bố nó: “ Để lúc nào bố cháu trả lời cho mà nghe. Bà chịu.” Được cái nó hỏi vậy thôi, đến lúc bà chưng mắm tép với thịt ba chỉ thì nó hình như quên mất cái vụ tên gọi của con tép ấy rồi. Nhìn chén mắm tép màu nâu đỏ, chen những miếng thịt ba chỉ  điểm thêm mấy lát ớt…Nó cũng hít hà, xuýt xoa ăn và khen ngon.
Giữa chừng bữa ăn, bà nội chậm rãi nói:
- Mắm tép ngon vậy, nhưng chả biết vài năm nữa có còn hay không?
- Sao vậy bà? Nó ngẩng lên, hỏi nhanh.
- Bây giờ đồng ruộng bón nhiều phân hóa học quá, tôm tép chết hết rồi còn đâu. Ngày xưa, cánh đồng quê mình bao nhiêu tôm tép, cua cá. Đi xúc một trưa là có một giỏ cá. Còn mùa tháng 7, tháng 8, đi một buổi cũng được mấy cân tép. Bây giờ đâu còn mấy…
- Thế mình đừng dùng phân hóa học được không bà?
Bố lên tiếng:
- Nhiều người lo làm lợi cho họ nên bón phân vô tội vạ. Sau này phải dùng ít hoặc thay bằng các loại phân không ảnh hưởng môi trường. Việc ấy là ở lớp trẻ bây giờ. Cô bé “Tại sao” của bố cố học mà nghĩ ra cách nào giải quyết đi nhé.
- Y ỳ…Bố lại trêu con! Nó lườm bố nó rồi cúi xuống. Cả nhà cười rộ lên. Nó thấy hai má nóng lên, bất chợt nó nghĩ:
- Cả nhà cứ đợi đấy. Mình phải học thật giỏi. Biết đâu nay mai mình sẽ nghĩ  ra cách không phải dùng chất hóa học mà vẫn bảo vệ được đồng ruộng, và con tép của ông bà thì sao?
Và nó mủm mỉm cười, mắt lấp lánh niềm vui bởi suy nghĩ bí mật đó.
Mấy ngày rồi, cứ bữa trưa xong là bà nội thấy nó lỉnh ra sau nhà mà không chịu ngủ. Trưa đó, nó cũng chạy ra sau vườn, tay thu thu một vật gì sau vạt áo. Bà vờ như không thấy. Rồi bà lẳng lặng ra vườn. Nó đang lúi húi vò một nắm lá gì trong tay. Bà bước lại gần mà nó vẫn không hay biết. Chợt bà giẫm vào cành củi khô kêu “rắc” một cái, nó ngẩng lên và không kịp thu lại nắm lá tươi trên tay. Nhìn ánh mắt ngạc nhiên của bà nội, nó ngượng ngùng:
- Cháu…Cháu định thử…
- Cháu định làm gì mà lấy lá xoan thế kia?
- Lá xoan? Nó ngơ ngác nhìn quanh.
- Lá cháu đang cầm ấy. Ngoài quê gọi là lá xoan mà.
- À, lá sầu đâu mà bà gọi là lá xoan. Nó cười hồn nhiên. Và nói nhanh:
- Cháu thấy mẹ nói lá sầu đâu có vị đắng và độc, nên cháu đang định thử vò rồi ngâm nước, xong rồi tưới nước đó để trừ lũ sâu đang cắn vườn rau xem sao.
Bà nội cười. Thì ra bữa qua bà phàn nàn vườn rau cải đang lên xanh mà bị lũ sâu ăn lỗ chỗ hết cả lá nên hôm nay nó nghĩ ra cách làm thuốc diệt sâu. Bà bước lại gần, khẽ thu nắm lá từ tay nó, và nhẹ nhàng:
- Cháu bà định “nghiên cứu khoa học” làm thuốc trừ sâu bằng lá xoan à? Thôi, để sau này đi. Lát nữa bà sang nhà bà Nga xin ít tro bếp, rắc lên là tụi sâu sẽ đi hết ngay thôi mà.
- Tro bếp…Nó định hỏi tiếp nhưng nghĩ ra ngay: Tro bếp dính trên lá rau, bọn sâu sẽ không ăn được vì toàn bụi tro mà. Nó cười và bỏ nắm lá sầu đâu xuống gốc cây chuối. Ngửi thấy mùi lá đắng đắng hắc hắc, nó bất giác hơi nhăn mặt.
- Vào rửa tay cho sạch để chuẩn bị ăn cơm thôi cháu! Bà nội vừa quơ gọn mấy tàu lá chuối khô sang bên vừa nói.
- Vâng ạ!
Nó trả lời rất ngoan rồi cùng bà đi vào nhà trong ánh chiều đang dâng lên và làn khói bếp yên bình hờ hững vắt ngang mái nhà nhỏ um tùm bóng cây.
5.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI