Không biết ở thời nào và trong
hoàn cảnh nào mà người đời có câu nói “Vua chơi lan, quan chơi trà”. Tôi đã
nghe nhiều vị cao niên chơi lan ở Đắk Lắk giải thích câu nói trên, nhưng không
có cách giải thích nào để tôi thỏa mãn. Người giải thích rằng: Chỉ có bậc vua
chúa mới đủ điều kiện chơi lan, vì lan là loài có “hồn vía”, sang trọng, đắt
tiền, kẻ bình dân không đủ “duyên”, không đủ điều kiện để chơi. Hạng các quan
chỉ “đủ sức” “chơi trà”, tức hoa trà mà thôi. Lại có người giải thích: Câu nói
đó chỉ phản ánh thú chơi, sở thích của vua, quan ở một thời nào đó... Là người
yêu lan, tôi muốn hiểu thấu đáo câu nói trên, nên đã cố công truy tìm nguồn
gốc, nào nhờ “thầy” google, nào tìm trong các tài liệu cổ, kim nói về nghề
trồng lan, chơi lan, nhưng cũng chỉ thấy những cách giải thích tương tự như trên,
hoặc là những cách giải thích tầm phào, chẳng có cơ sở, luận cứ cụ thể nào.
Nhưng nếu đem câu nói trên vận
vào thời nay, vận vào mảnh đất Đắk Lắk - nơi tôi đang sống thì chẳng đúng chút
nào. Thời nay quan, dân, già, trẻ, đàn ông, đàn bà, bất cứ ai cũng có thể chơi
lan, mê lan. (Xin mở ngoặc là lan rừng mới đáng chơi, đáng mê, vì nó vừa có sắc
đẹp vừa có hương thơm, mắt được nhìn, mũi được ngửi, phổi được hít không khí
chứa đầy hương, nên cả cơ thể được đắm mình vào hoa. Lan ngoại có sắc đẹp,
nhưng ít có giống thơm, chủ yếu để chưng cho vui mắt và phục vụ những chị em
thích seo-phì mà thôi - Đấy là cách nói vui của “dân” chơi lan rừng). Vì những
lẽ đó mà ở Đắk Lắk có cả một phong trào chơi lan rừng có thể nói là “rầm rộ”,
từ con số trăm người chơi ở dăm bảy năm trước, nay đã lên con số ngàn và đang
phát triển nhiều nhiều nữa... Người chơi đông, nhu cầu mua bán giống lan, các
vật tư, trang thiết bị phục vụ cho trồng, chăm sóc lan cũng phát sinh, thế là
hình thành chợ lan Phan Đình Giót ở thành phố Buôn Ma Thuột với hàng trăm người
mua bán mỗi ngày; hình thành các cửa hàng mua bán lan, mua bán chậu đất, chậu
gỗ, giá thể, các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lan ở đường Phan
Đình Giót, đường Phan Chu Trinh và một số đường phố khác; hình thành nên những
vườn lan, vựa lan tiền tỷ. Cách đây vài năm, người viết bài này cũng bị cuốn
theo phong trào đó, rồi mê tự lúc nào không hay.
Mê lan
Tôi đến với lan cũng giống như
nhiều người khác bắt đầu từ việc nhận thấy chơi lan là thú chơi tao nhã, nhẹ
nhàng, không phải đổ mồ hôi nhiều, nhưng lại có tác dụng rèn luyện sức khỏe,
thông qua việc đi lại để chăm sóc lan, rất hợp với những người cao tuổi. Với
người cao tuổi, nếu hàng ngày cứ rủ nhau xúm xít bên bàn cờ, ngồi bó gối, đầu
óc phải tập trung cao độ vào việc tính toán nước đi của mình của đối phương;
rồi thì đốt thuốc lá, thuốc lào mù mịt; cứ chiều chiều lại rủ nhau làm vài lon,
vài xị cho cái gọi là “quên sự đời”... sẽ là tai hại vô cùng. Chơi lan, làm một
giàn nho nhỏ, khoảng dăm chục dò, mùa khô hàng ngày mang bình phun nước tưới
vài lần, mỗi lần khoảng 30 phút đến một tiếng, đi lại quan sát kỹ từng dò lan
xem có sâu bệnh gì không, xem cây lan mới
trồng đã ló mầm, nhú rễ chưa; rồi gia nhập hội lan, đi thăm thú giàn lan của
người này người kia, rồi cùng trao đổi kinh nghiệm bón phân gì, bón như thế
nào, dùng giá thể gì thì lan mau rễ, mau hoa... sẽ là rất tốt cho sức khỏe. Anh
bạn tôi, một họa sĩ cao niên, có tâm hồn lãng mạn thì bảo: Anh đến với lan còn
vì những tên lan quá đẹp, khiến anh tò mò, không hiểu giống lan đó như thế nào?
hoa nó ra sao? mà tên đẹp thế, nào là Giáng Hương, Thủy Tiên, Tam Bảo Sắc, Cẩm
Báo, Bạch Ngọc, Kim Điệp, Thiên Nga, Ý Thảo... Rồi thì mùi hương thanh tao,
quyến rũ của lan Nghinh Xuân, Quế Tím, Hoàng Nhạn... gợi thật nhiều cảm xúc,
mộng mơ. Còn gì thú hơn trong đêm trăng sáng, năm, bảy bạn bè yêu thơ cùng ngồi
dưới giàn lan tỏa hương ngan ngát (nhất là hương Hoàng Nhạn) nhấm nháp “danh
tửu”, đọc thơ cho nhau nghe, rồi bình phẩm, tán dương, vỗ đùi, cười rôm rả;
hương lan như góp phần để tâm hồn mỗi người dễ rung cảm, thăng hoa hơn, cảm
nhận về thơ cũng tinh tế, sâu sắc hơn... Rồi thì cách dùng từ, chơi chữ để mô
tả đặc điểm cây lan của “dân lan” cũng lạ và gợi lắm. Ví như người ta khen
“Giống Giả Hạc này hoa tốc váy” , nghĩa là giống Giả Hạc ấy có các cánh hoa nở
xòe ưỡn cong ra phía sau. Nói “cây Nghinh Xuân đã mặc quần đùi”, nghĩa là cây
Nghinh Xuân ấy đã bị rụng lá mất nửa thân cây. Nói “cây Hoàng Nhạn ở truồng”,
tức là cây Hoàng Nhạn đã bị rụng gần hết lá, chỉ còn vài cặp lá trên ngọn.
Những cây như thế do không đủ dinh dưỡng, chăm sóc kém, nên bị rụng lá, tính
thẩm mỹ thấp, giá trị không cao.
Có lẽ vì những điều tốt lành, vui
vẻ kể trên mà rất nhiều bà xã ủng hộ chồng chơi lan, dù biết chi phí cho chơi
lan, từ làm giàn treo, mua giống, để có dăm chục dò lan cũng mất tới hàng mấy
chục triệu đồng. Bên cạnh đa số người chơi lan với mục đích “chơi” thực sự, thì
hiện nay cũng có không ít người vừa chơi, vừa để kinh doanh, có người hoàn toàn
vì mục đích kinh doanh. Vì thế mới có những vườn lan tiền tỷ, họ trồng chủ yếu
giống lan Giả Hạc (tức Phi Điệp) và một số giống đắt tiền khác; họ sưu tầm hàng
“var” (tức các giống lan đột biến), mỗi mầm giống từ vài triệu tới vài ba chục
triệu đồng; và khi nở có mặt hoa đẹp, đạt các tiêu chuẩn mà cộng đồng chơi lan
thừa nhận về màu sắc, về cánh vai, cánh đài, lưỡi, mắt, mũi, đường phân thùy..
của hoa thì họ có thể kiếm tiền tỷ chỉ từ một dò lan. (Trong phạm vi bài viết
này chúng tôi xin chưa đề cập đến những người chơi lan vì mục đích kinh doanh).
Hẳn vì xuất phát từ những điều có
ý nghĩa, thú vui tao nhã, tinh tế như đã kể trên, nên nhiều người chơi lan đến
mức say lan, mê lan như thể “kết duyên” cùng nó, lúc nào cũng nghĩ về nó, trong
giấc mơ cũng thấy nó hiện hình. Chính tôi và nhiều người người bạn chơi lan đã
từng mơ thấy cây lan giống của mình mới mua chỉ vài ngày đã mọc rễ xanh biếc,
trổ hoa rực rỡ, hương thơm ngây ngất cả một vùng... Cũng vì mê lan nên sáng
sáng tôi không còn đến quán cà phê quen thuộc ở đường Trần Phú, gần nơi làm
việc mà đi xa thêm mấy cây số, ngồi quán cà phê vỉa hè cạnh chợ lan Phan Đình
Giót với mấy anh bạn chơi lan, chỉ để được nói chuyện với nhau về lan, khoe cây
lan tôi cùng mua, cùng trồng với ông/ với bạn đã bật vòi hoa tím biếc... và
ngắm những sạp lan rừng bày trên vỉa hè, nhìn cảnh người ta mua bán, xúm xít
giành hàng mỗi khi có người từ các huyện xa như Krông Bông, Lắc, Buôn Đôn, Ea
Súp... mang lan về chợ. Cũng vì mê lan, anh bạn của tôi làm nghề hạ cây, xẻ gỗ,
công việc chẳng thể nói là nhàn hạ, thu nhập chẳng dư dả là bao, nhưng sáng nào
cũng chạy đến chợ lan ngồi cà phê với chúng tôi khoảng một tiếng, rồi thì móc
hầu bao hôm ít cũng năm, bảy chục ngàn, có hôm tới năm, bảy trăm ngàn để mua
lan, dù trước đó đã nhiều lần anh tuyên bố “Đầy giàn rồi, từ nay không mua
nữa”. Cũng vì mê lan một anh bạn khác lương hưu bảy triệu đồng, anh cưa đôi,
đưa vợ ba triệu rưỡi, ba triệu rưỡi để mua lan. Vợ anh cằn nhằn. Anh bảo: Tôi
chỉ mua tháng này nữa thôi, tháng sau tôi đưa đủ cho bà. Vậy mà rồi mấy lần
tháng sau, tháng sau nữa, anh vẫn cưa đôi lương để mua lan. Một hôm tôi đến nhà
chơi, vợ anh mắng lây cả tôi: -Các ông thời trẻ thì mê gái, bây giờ già rồi lại
đổ đốn mê lan... Mắng vậy, nhưng tôi thấy mắt vợ bạn tôi vui, chẳng buồn tí tẹo
nào.
Chơi lan phải “trả học phí” cao
nếu không chịu làm “học trò”!
Nhiều người chơi lan ban đầu cứ
tưởng là trồng lan, chăm lan cũng đơn giản, vì nghĩ: Ở rừng nó vắt vẻo trên
cành cao, phân nước gì đâu mà vẫn sống, về tay mình phân tro đủ loại không
thiếu thứ gì, nước nôi thoải mái, một ngày tưới mấy lần chả được, vài ba tháng
sau sẽ xanh tốt vù vù... và cứ thế ra chợ mua cây này, giống kia về trồng.
Nhưng rồi ba, bốn tháng sau thì phải tìm đến những người chơi lan có kinh
nghiệm than thở, rằng lan của tôi chẳng hiểu vì sao nó thối lá, nhũn thân...
chết sạch? Đây là khoản “học phí” đầu tiên không nhỏ của khá nhiều người chơi
lan quá tự tin đến mức chủ quan, không chịu làm “học trò”, vì “tao đã làm lãnh
đạo cả đời rồi”, “tao từng này tuổi, bạc đầu rồi”, “tao vốn là con nhà nông dân
đã quen cấy cày trồng trọt”... nên chẳng cần phải làm học trò ai (!). Họ đâu
hiểu hoặc cố tình không hiểu một điều: Lĩnh vực nào cần kinh nghiệm, kiến thức
riêng của lĩnh vực đó, dù kiến thức, kinh nghiệm đó rất đơn giản, đơn giản
nhưng không biết thì cũng cần phải học hỏi, phải làm “học trò” , dù “ông thầy”
có thể là lão bảo vệ, từng giúp họ lau giày, rửa xe khi họ còn làm sếp, nhưng
có kinh nghiệm chơi lan hơn họ. Nhiều vị quan chức nghỉ hưu bắt đầu chơi lan
đâu biết: Cây lan đưa từ rừng về bị thay đổi môi trường, điều kiện sống, phải
có thời gian để nó làm quen với môi trường mới, người chơi lan gọi là “thuần”.
Có thứ lan mua về có thể trồng ngay vào chậu, nhưng có thứ sau khi mua về phải
ngâm trong nước pha thuốc kích thích ra rễ vài, ba chục phút, sau đó vớt ra
treo vào chỗ râm hàng chục ngày, ngọn chúc xuống đất, gốc ngửa lên trời, bao
giờ thấy nhú rễ non mới cho vào chậu, hoặc gắn lên giá thể. Không làm vậy, với
cây Nghinh Xuân chẳng hạn, trồng trong mùa mưa trên 70% số cây sẽ bị thối đọt;
mà cây giống Nghinh Xuân rừng bây giờ đâu rẻ, loại đẹp mỗi kg cũng xấp xỉ triệu
đồng. Rồi kỹ thuật trồng, nhiều vị không biết lấp giá thể (than, vỏ thông, rêu
rừng, xơ dừa...) kín cả rễ, lấp càng sâu cây chết càng nhanh. Rồi tưới nước,
càng siêng năng, cây càng mau nhũn thân, nhũn lá... Ấy là chưa nói đến kỹ thuật
bón phân cho lan, loại nào nên dùng hữu cơ, loại nào thì dùng vô cơ, mùa cây
sinh trưởng thì dùng phân gì, chuẩn bị vào mùa hoa thì đổi sang phân nào, mùa
nào thì “cắt nước” (không tưới nữa) để tạo ức chế cho cây bật mầm hoa... Rồi
khi cây bị bệnh, hiện tượng, triệu chứng bệnh ra sao, dùng thuốc gì để diệt
khuẩn, diệt nấm... Nhiều vị chủ quan, không chịu học hỏi, không biết chăm sóc,
mua bao nhiêu về trồng chết bấy nhiêu, hàng chục triệu đồng đi toi, bị bà xã
mắng te tát: -Ông thấy người ta làm “đĩ” cũng xách váy chạy theo, nhưng làm
“đĩ” đâu có dễ... cứ tưởng chơi lan mà bở lắm à(!). Nhiều vị từ đó mới chịu đi
học hỏi. Tôi nhớ có một vị từng là phó giám đốc của một sở, giờ nghỉ hưu cũng
tập chơi lan, một một hôm đến nhà tôi, thấy hộp “đồ nghề” chơi lan của tôi có
đủ dao, kéo, bơm tiêm, khoan, rồi thì keo liền da, các loại thuốc, chế phẩm để
bón lá, như Vitamin B-1, Hùng Nguyễn, NPK 30-10-10, NPK 20-20-20, Physan, Super
thrive, Ô xy già 3%, thuốc xịt kiến và côn trùng ... mới thốt lên: - Hóa ra
chơi lan cũng cần nhiều hiểu biết và cũng phức tạp thật (?!)
Chơi lan rừng có góp phần phá
rừng?
Trước phong trào chơi lan rừng rầm
rộ, một số người không thích chơi lan lên tiếng phản đối , rằng: Chơi lan rừng
là góp phần phá rừng, làm tổn hại cảnh quan của rừng, mất nguồn gen các loài
lan quý, cần phải ngăn chặn...
Nhưng người chơi lan lại có cách
lý giải khác: Chơi lan rừng là một sinh hoạt lành mạnh, một sinh hoạt có văn
hóa, thể hiện tình yêu với thiên nhiên, với cái đẹp. Những người “có gen lan”
thực sự yêu lan, mê lan, cũng là những người có tâm hồn tinh tế, giàu lòng yêu
thương, trầm tĩnh, nhẹ nhàng trong ứng xử, chăm chỉ, cần cù trong cuộc sống.
Nóng nảy, hồ đồ trong ứng xử, qua quýt trong làm việc, thiếu niềm tin, thiếu ý
chí sẽ không thể chơi lan thành công; nhưng những người có tính cách như thế
đến với lan, biết kết bạn với những người “có gen lan” chơi với nhau một thời gian
thì tính cách có thể được thay đổi. Bà xã của một người bạn chơi lan nhận xét
về chồng, rằng: “Từ ngày ông ấy chơi lan thì ít ngồi lân la hết bàn cờ này sang
bàn cờ khác, ông ở nhà nhiều hơn, cứ lúi húi với mấy dò lan; trước đây hễ thấy
cháu con làm việc gì phật ý ông thường to tiếng chửi mắng, nhưng bây giờ giảm
hẳn”. Khách quan mà nói, chơi lan đúng là có làm ảnh hưởng đến cảnh quan tự
nhiên của rừng, do nhiều dò phong lan đẹp trong rừng bị khai thác đưa về buôn
làng, phố xá. Nhưng giảm vẻ đẹp của cảnh quan rừng thì cuộc sống nơi làng quê,
phố xá lại có thêm vẻ đẹp của những dò phong lan muôn sắc, muôn hương; đấy cũng
là một sự bù trừ tương ứng, hợp lý, tất cả nhằm phục vụ con người... Nguồn gen
các loài lan quý, nào có mất đi đâu, vẫn được người ta chăm trồng gìn giữ, thậm
chí còn được nhân, cấy nhiều hơn.
Việc cần ngăn chặn của các cơ
quan chức năng như kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng, đấy là ngăn chặn những người
khai thác lan theo hình thức “thui chó để giết rận”, tức là người ta không trèo
cây để gỡ lan bám trên cành, mà chặt cả cây gỗ lớn cho đổ xuống chỉ để lấy một
vài dò lan. Đó là sự phá hoại tài nguyên rừng cần được bắt giữ, xử lý. Đây cũng
là điều đòi hỏi các ngành có chức năng quản lý, bảo vệ rừng phải sâu sát hơn
với rừng, phải có biện pháp “bảo vệ từ gốc”. Việc lâu nay có một số kiểm lâm
thỉnh thoảng ra chợ bắt giữ lan rừng, xua đuổi người bán lan là biện pháp bảo
vệ “trên ngọn” và tính pháp lý không cao, bởi có nhiều người mua giống lan về
trồng đã mấy năm, nay họ đưa ra bán, sao có thể bắt họ được (?!)
Những cách lý giải nói trên của
người chơi lan không phải là không có lý. Bởi vậy, dù bị một bộ phận trong cộng
đồng phản ứng, nhưng phong trào chơi lan ở Đắk Lắk vẫn “đang lên”, vẫn “liên
tục phát triển”, thu hút người chơi càng ngày càng đông, trong đó có nhiều vị
từng là cán bộ đầu ngành của tỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI