Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT CỦA BÀI THƠ VIỆT BẮC của NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ: 323 tháng 7 năm 2019


                    

                       
 


Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu (đoạn trích trong sách Ngữ văn 12, tập I) được sáng tác vào tháng 10 năm 1954, trong khoảng thời gian sau ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi đến khi Trung ương Đảng, Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Việt Bắc là một khúc trữ tình chính trị đặc sắc, thể hiện rõ nét đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu: “sự kết hợp hài hòa hai yếu tố cách mạng và dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo  thi ca”*. Ở bài thơ này, Tố Hữu đã có những sáng tạo nghệ thuật độc đáo để thể hiện hình ảnh Việt Bắc - quê hương cách mạng, thể hiện những tình cảm cách mạng lớn lao và những vấn đề lớn của dân tộc và thời đại như lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những ân tình thủy chung của người cách mạng đối với Việt Bắc, đối với Đảng và lãnh tụ.
1. Thể thơ lục bát.
Lục bát là một thể thơ truyền thống lâu đời của dân tộc sinh ra từ ca dao dân ca nơi ruộng đồng, gò bãi với cánh cò và người nông dân hồn hậu. Lục bát đi vào văn học viết với Truyện Kiều của Nguyễn Du, lục bát của Tản Đà, Nguyễn Bính và Tố Hữu. Chính lục bát đã góp phần tạo ra diện mạo một hồn thơ đậm đà bản sắc dân tộc của Tố Hữu dù ông viết lục bát không nhiều lắm. Lục bát là thể thơ thường dùng để thể hiện những tình cảm, những hình ảnh bình dị, thân thương. Lục bát đương nhiên không phải là sáng tạo của Tố Hữu, sáng tạo ở đây là tác giả thể hiện thành công  những tình cảm cách mạng lớn lao, những vấn đề lớn của hiện thực thời đại bằng một “giọng” lục bát giản dị, mộc mạc chứ không phải bằng “giọng” sử thi thất ngôn hoặc thơ tự do như nhiều bài khác. Sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát truyền thống để thể hiện cảm hứng trữ tình chính trị là một đóng góp và thành công của tác giả.
2. “Mình -  Ta”- một kết cấu độc đáo.
Chúng ta đều biết, trong ca dao, dân ca tâm tình có lối đối đáp xưng hô “mình - ta” rất phổ biến, đó là lối xưng hô giữa hai cá thể yêu đương, tâm tình với nhau: “Mình về có nhớ ta chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”. Mượn lối xưng hô cá nhân nói chuyện lứa đôi ấy, tạo nên kết cấu đối đáp để thể hiện những tình cảm lớn lao của dân tộc và thời đại một cách cụ thể, sinh động, bình dị và sâu lắng là một sáng tạo độc đáo của Tố Hữu. Ở đây, nhà thơ đã cá thể hóa tất cả những người cách mạng từng sống và chiến đấu ở Việt Bắc thành một nhân vật và Việt Bắc - thiên nhiên núi rừng, con người được nghệ thuật hóa thành một nhân vật để tạo nên lối xưng hô “Mình - Ta”.  “Ta” là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và “Mình” là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, hai nhân vật đối đáp tâm tình nhưng là tâm tình cách mạng.
Mở đầu là một lời đối đáp (8 dòng lục bát tạo thành hai khổ thơ) gợi lên không khí, khung cảnh của một buổi chia ly, có “mình”, có “ta” với những lớp sóng cảm xúc thể hiện qua các từ láy: “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn” và hình ảnh “Áo chàm đưa buổi phân li” rất cụ thể và sinh động.
Tiếp đến là lời nhắn gửi của Việt Bắc - người ở lại, gồm 12 dòng lục bát tạo thành 6 câu hỏi xoáy sâu vào lòng người. Việt Bắc hỏi người cán bộ về xuôi có nhớ không những kỉ niệm gắn bó với thiên nhiên, con người Việt Bắc trong cách mạng và kháng chiến với những đại danh lịch sử: Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.
Trung tâm của đoạn trích là lời đáp của người cán bộ về xuôi gồm 70 dòng lục bát. Người cán bộ khẳng định tình cảm gắn bó với Việt Bắc như lời thề thủy chung: “Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh”, đồng thời gợi lên hình ảnh Việt Bắc, những hình ảnh trong đời sống, sinh hoạt trong cách mạng và kháng chiến.
Kết cấu đối đáp với lối xưng hô “mình - ta” đã giúp tác giả thể hiện hình ảnh và ý nghĩa lịch sử của Việt Bắc - cái nôi của cách mạng Việt Nam. Qua lời đối đáp ân tình, ta thấy hiện lên hình ảnh Việt Bắc với những chi tiết rất cụ thể, những hình ảnh vô cùng sinh động, kỉ niệm gợi nhớ kỉ niệm cứ tràn mãi ra không dứt với âm điệu dồn dập của những đoạn thơ lục bát. Đồng thời, tác giả cũng thể hiện những tình cảm cách mạng của nhân dân ta. Đó là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiên gan bền chí trong cuộc đấu tranh giành độc lập, đó là tình cảm ân nghĩa thủy chung của những người cách mạng đối với Việt Bắc - quê hương cách mạng, là niềm tin chiến thắng, tình cảm biết ơn Đảng và lãnh tụ. Người đọc hình dung như có hai người đang cùng song ca một khúc trữ tình cách mạng nồng nàn và sôi nổi. Đọc kỹ bài thơ, ta thấy hai đại từ “mình”, “ta” có sự chuyển hóa đa dạng và đa nghĩa, chẳng hạn như khi tác giả viết: “Mình đi mình có nhớ mình” hoặc “Mình đi mình lại nhớ mình”. Chữ “mình” thứ ba trong hai câu này cũng chính là “ta” rồi. Tác giả còn dùng từ “ai” phiếm chỉ: “Ai về ai có nhớ không?”, thì “ai” ở đây cũng chính là “ mình” với “ta”. Như vậy, “mình” với “ta” tuy hai nhưng chỉ là một, cấu trúc hỏi đáp, đối thoại mà thực chất là độc thoại, đó là sự phân thân của cái “tôi” trữ tình nhà thơ để nói cho hết, cho kỹ, cho sâu những kỉ niệm với Việt Bắc, những ân tình cách mạng. Phần sau của bài thơ (không trích ở sách giáo khoa Ngữ văn 12), tác giả đã phá vỡ cấu trúc hỏi đáp để tạo thành một khúc đồng ca, ca ngợi cách mạng, ca ngợi Đảng và Bác Hồ.
3. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh và nhạc điệu.
Cùng với thể thơ lục bát, ngôn ngữ trong bài thơ mang đậm màu sắc ca dao, vừa giản dị, trong sáng, gần gũi, rất giàu chất liệu đời sống. Tác giả chủ yếu sử dụng từ thuần Việt (trong đoạn trích ở Sách giáo khoa với 90 dòng lục bát chỉ có trên 10 từ Hán Việt) mà đặc điểm của từ thuần Việt là bình dị, nôm na, dễ hiểu. Tác giả cũng không dùng nhiều các biện pháp tu từ nghệ thuật phức tạp mà chỉ gợi tả và liệt kê đơn giản theo mạch liên tưởng, hoài niệm. Hàng loạt những hình ảnh thiên nhiên, núi rừng, con người Việt Bắc, những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến, những địa danh lịch sử được gợi ra, nối tiếp nhau qua những lời hỏi đáp cũng như những khúc đồng ca: “mưa nguồn”, “suối lũ”, “lau xám”, “măng mai”, “trám bùi”, “miếng cơm chấm muối”, “mối thù nặng vai” “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”, “người mẹ nắng cháy lưng”, “lớp học i tờ”, “những giờ liên hoan”, “ngày tháng cơ quan”, “tiếng mõ rừng chiều”, “trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”, “ngòi Thia sông Đáy, suối Lê vơi đầy”. Nhờ gắn bó sâu sắc với thiên nhiên và con người Việt Bắc nên tác giả đã miêu tả bức tranh thiên nhiên và con người theo mùa hoa trái rất cụ thể:        
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung….”
Tác giả còn vận dụng phép song hành: bên cạnh một câu lục nhớ “hoa” là một câu bát nhớ “người”. Sự kết hợp đan xen ấy đã làm cho hình ảnh thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau, hiện lên vô cùng sinh động. Sáng tạo hình ảnh hết sức phong phú là một thành công của Tố Hữu ở bài thơ này.
Người ta nói thơ Tố Hữu kết tinh linh hồn dân tộc ở nhịp điệu thì bài thơ Việt Bắc là một sự thể hiện đậm nét nhất. Nhịp điệu của câu thơ lục bát hài hòa, trầm bổng làm cho kỷ niệm trở nên ngân nga, réo rắt, thấm vào tâm tư. Nhịp điệu đó được tạo ra nhờ điệp khúc “mình đi”, “mình về” đặt ở đầu các câu lục và các vế tiểu đối ở các câu bát: “Miếng cơm chấm muối / mối thù nặng vai”, “Hắt hiu lau xám / đậm đà lòng son”, “Nhớ khi kháng Nhật / thuở còn Việt Minh”... Những vế đối đã tạo nên nhịp điệu cân đối, hài hòa, làm cho câu thơ lục bát mang thêm vẻ đẹp cổ điển. Tác giả còn sử dụng rất nhiều từ láy vừa gợi hình ảnh vừa tạo sự trùng điệp về âm thanh: “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn”, “hắt hiu”, “đậm đà”, “thăm thẳm”, “đêm đêm”, “rầm rập”, “điệp điệp”, “trùng trùng”… Hiện tượng điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp cũng được sử dụng rộng rãi cũng góp phần tạo nhịp điệu phong phú, như việc lặp lại các từ “nhớ” ở đầu các câu bát, lặp lại các cấu trúc câu hỏi - đáp, phép lặp và liệt kê các địa danh lịch sử: Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa, sông Lô, phố Ràng, Cao - Lạng, Nhị Hà, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, đèo De, núi Hồng...
Tóm lại, Việt Bắc là một bài thơ có nghệ thuật đặc sắc, đậm đà tính dân tộc: thể thơ lục bát với âm điệu phong phú, kết cấu đầy sáng tạo, ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh và nhịp điệu. Bài thơ đã thể hiện được hình ảnh và ý nghĩa lịch sử của Việt Bắc - quê hương cách mạng, làm nổi bật những tình cảm cách mạng cao đẹp của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ hy sinh mà oanh liệt, hào hùng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI