Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

NGƯỜI GIÁM THỊ CÓ TRÁCH NHIỆM CAO, TÌNH THƯƠNG SÂU ky của TRẦN ĐÌNH HẰNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 324 THÁNG 8 NĂM 2019



Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”








Văn Ngọc Thi –khắc tinh của những tội phạm hình sự! Nhiều người biết vậy, nhưng đã mấy ai biết rằng trong con người ấy vẫn luôn tiềm ẩn một nghĩa cử nhân đạo cao đẹp, một bản tính nhân văn.
Qua sự điều động, luân chuyển công tác cán bộ đã đưa Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (TPCSHS), Trung tá Văn Ngọc Thi đến với cương vị Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh.
Tại đây vị Giám thị này triển khai công vụ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất mực đạo lý, thắm đượm tình người.
Năm 2006, đơn vị này có hơn 20 phạm nhân được đặc xá, trong đó có một phạm nhân là cựu bí thư đảng ủy một xã thuộc đảng bộ huyện Đắk R’lấp bị kết án tù giam (khi Đắk Lắk chưa chia tách thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; xin ẩn danh xã và cựu bí thư này, mà gọi tắt là X, P).
P là đối tượng bị bắt sớm nhất và sau đó là cả băng (nếu không muốn nói là cả hệ thống chính trị X.), và do chính Văn Ngọc Thi nhận nhiệm vụ trực tiếp với trọng trách là “tướng ngoài mặt trận” từ Bí thư tỉnh ủy Y Luyện Niê Kdăm, khi ấy Thi đang là TPCSHS đã cùng Giám đốc Công an tỉnh thân hành đến trình bày, báo cáo trực tiếp với đồng chí Bí thư. 
Qua sự chỉ đạo của người lãnh đạo cao nhất tỉnh, một số cơ quan hành pháp tỉnh đã cử những cán bộ công tâm, có năng lực cùng tham gia với mục đích giúp Văn Ngọc Thi “cất mẻ vó” nhanh, gọn, chuẩn xác, không có vùng cấm và không để mất thời gian báo cáo, chờ ý kiến.
Gặp lại “người xưa”, nhớ lại khi triển khai thực hiện chuyên án này, Văn Ngọc Thi thấy nỗi xót xa vẫn còn hằn sâu trong ký ức. 
Khi ấy, Văn Ngọc Thi giận sôi người, như thể đang chất vấn: 
… Sao lại để xảy ra tình trạng cả “ê kíp” lộng hành như vậy được, hả anh P? Anh là lãnh đạo cao nhất ở X. cơ mà! Cả một mớ cán bộ ngang tàng phá phách, coi khinh dư luận, coi thường kỷ cương phép nước. Thậm chí đạo lý làm người các anh cũng không nghĩ đến. Dân bầu ra các anh, Đảng cử các anh ra là để làm việc cho dân, cho Đảng cho lợi ích giang sơn và dân tộc chứ! Sao các người lại tự phong cho mình quyền hành của một ông trời, muốn sao được vậy. Dưới sự điều hành của các người mà ở X. đã hiện hình một bộ máy kìm kẹp, hãm hại dân. Mô típ chế độ ấy đã bị xóa bỏ hơn hai thập kỷ nay rồi. Cả dân tộc này đã đem “tất cả tinh thần và nghị lực, tính mạng và của cải” mới có được thành công ấy cho cách mạng thì các người đã đều biết cả.  
Thế nhưng hầu hết người dân X. đã không có được “quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc”; các người đã tha hóa, biến chất, tự cho mình quyền sinh, quyền sát. 
Bao nhiêu năm nay, dân X. đã phải im hơi lặng tiếng, không dám mở miệng kêu ca chứ đừng nói đến việc tố giác bởi các người muốn phá nhà ai, muốn bắt nhốt, đánh đập và lấy tiền của bất cứ ai thì tất cả đều phải cúi đầu nhịn nhục mà cung phụng bộ máy ở X. như một băng đảng mafia lại dung nạp thêm những phần tử lưu manh, côn đồ; đã trùm lên đầu dân xã này một tấm màn đen tang tóc ai oán. Người dân chỉ biết tức tưởi ôm hận mà không thể tức nước vỡ bờ. 
... Chính các người đã rất biết: Cái mà kẻ thù luôn tìm cách lợi dụng sự bất bình của nhân dân đối với chế độ để xuyên tạc, nói xấu đồng thời khoét sâu vào mối đại đoàn kết dân tộc. Không hiếm những chính quyền “chúp bu” chỉ tồn tại được một thời gian ngắn vài ba tháng, thậm chí vài ba ngày đã bị lật đổ. Một trong những nguyên nhân chính yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân ấy là: Chính quyền đó không được lòng dân. 
Sự thoái hóa, biến chất của các người đã biến bộ máy ở X. thành cục ung nhọt. Nhất định cái ung nhọt ấy phải bị cắt bỏ.  
Đau lắm. Từ Bí thư tỉnh ủy, Giám đốc và đến cả anh em đây đều rất đau lòng, nhưng không thể nào khác được. 
Các người đã giả ngô, giả ngọng cố tình không biết tội trạng của mình mà lại cho rằng đã bịt được miệng người dân sở tại thì cũng là che mắt được tất cả. Bức bình phong hào nhoáng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; Chính quyền hiếu nghĩa với dân ở X. chính là cái vỏ bọc, là cái mo cau cuốn ngoài chùy sắt để các người thả sức hoành hành. Các người sẽ phải chịu luật đời nhân quả.
Dù bận bịu với hàng núi công việc mỗi ngày, nhưng với cặp mắt tinh tường và giác quan thứ 6 nhanh nhạy nên vị Giám thị thấy dưới mái đầu bạc thếch nhom nhem của P. là khuôn mặt già trước tuổi, héo hắt đến độ thất kinh.
Thông qua các cán bộ quản giáo, Giám thị biết: phạm nhân P. chỉ được thân nhân thăm duy nhất một lần ngay sau khi “mẻ vó được cất gọn”. Vậy là có uẩn khúc gì chăng? 
Để giúp các phạm nhân xóa đi mặc cảm “thân phận của một thằng tù” nên các cán bộ quản giáo đã cố gắng gần gũi với tất cả các phạm nhân. Hầu hết các phạm nhân thuộc diện tạm giam khi giãi bày tâm sự thường không cầm được những giọt nước mắt hối hận. Vậy mà với P. thì khác. Tuy là một phạm nhân rất chuyên tâm học tập và thực hiện tốt mọi nội quy của trại, nhưng “cạy miệng” cũng không nói một lời mà thay vào đó là hai hàng nước mắt lã chã. Vậy là có uẩn khúc gì rồi? Phải tìm cho ra cốt lõi của vấn đề. 
Văn Ngọc Thi rút thuốc ra khỏi vỏ bao, châm lửa, anh rít mạnh một hơi nhưng phải phả ra liền. Thi nghiện thuốc từ rất lâu, bởi những lần “đánh án” thâu đêm luồn rừng dưới mưa, những khi náu mình trong khe đá lạnh, lội sông dọc v.v. tuy vẫn chung thủy một loại thuốc mà sao bữa nay hút không thấy vô.
Xét thấy, nghe báo cáo cũng chỉ là “nghe một tai”. Tìm hiểu qua các thân nhân tại X. khi họ đến thăm người nhà, đối chiếu ý kiến của nhiều người, vị Giám thị thực sự xót xa khi biết gia cảnh P. 
Nhận được công văn có chữ ký của Giám thị Văn Ngọc Thi, ban công an X. không do dự, phúc đáp cặn kẽ, bởi họ biết: một khi Văn Ngọc Thi đã “gõ tới” thì không thể giấu giếm điều gì. Càng quanh co thì lại chứng tỏ “lạy ông tôi ở bụi này”.
Vậy là nguyên nhân chủ yếu dẫn gia đình P. tới thảm cảnh có thể biện dẫn như sau:
- Do sự nghi ngờ của các đối tượng khác cho rằng P. đã tố cáo chúng, nên bọn chúng nhẫn tâm trả thù (thực chất hoàn toàn không phải vậy).
- Không ít kẻ trút nỗi hận vô cớ vì cho rằng P. thiếu trách nhiệm nên để chồng, cha, con em họ sa đọa, phải lâm vòng lao lý.
- Do sự miệt thị, phỉ báng quá khích của dân.
Vung tay, đập mạnh xuống bàn đánh “rầm”, Thi nói như quát: 
- Sao lại tắc trách đến mức này?
Thi giật thột, trong phòng làm việc chỉ một mình chứ nào có ai đâu. 
Đúng là chỉ có một mình và trước mặt là bản phúc đáp của Ban Công an X., thế mà tưởng như Thi đang tỏ thái độ bất bình với người ngồi đối diện: “Khi chưa biết cặn kẽ về hoàn cảnh nhà P., tôi đã thấy trong dạ bất an. Khi nhận được phúc đáp từ các anh thì tôi càng thấy giận các anh ghê gớm”. 
Thi ngồi bất động trên ghế cả tiếng đồng hồ, đầu buốt nhói tưởng như bị tiếng kêu ai oán xót xa từ đâu đó xoáy vào làm cho nước mắt cứ trào ra. 
Lấy lại bình tâm, ngó đến phần cuối bản phúc đáp của Ban công an X. đang bị bóp dúm dó trong tay, Thi nặng nhọc phả một hơi một thở mạnh, rồi hạ giọng: “Đã nhận ra thiếu sót và có biện pháp khắc phục tức thời là các anh đã giám nhìn thẳng vào sự thật thì phải xắn tay làm liền đi. Đảng và nhân dân đều rất trông chờ điều ấy”. 
Như thường lệ, Giám thị đi kiểm tra các phân trại. Sau khi đưa ra những nhận xét sát thực và những lời góp ý với tính chất xây dựng làm cho ai nấy đều vui vẻ tiếp thu. Giám thị vỗ vai một phạm nhân, nói:
- Trại cần một người trông coi chăm sóc một số vật nuôi, có lẽ anh làm sẽ phù hợp.
Đó là việc chăm sóc mấy con chim và thú nuôi nhốt, một công việc tao nhã, một thú vui của tuổi già. Phạm nhân được chỉ định ấy chính là P. Ai cũng tưởng như đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên, nhưng lại hoàn toàn có chủ ý.
...
Phiên họp của hội đồng xét duyệt đặc xá của Sở Công an không trải qua nhiều bàn thảo mà sớm đi đến kết luận với bản danh sách những phạm nhân được đề nghị đặc xá, nhưng riêng Văn Ngọc Thi vẫn một mực bảo lưu ý kiến: “Tôi đề nghị đưa phạm nhân P. vào danh sách được đặc xá lần này. Nếu bỏ qua đối tượng P. thì chính sách nhân đạo của chúng ta không tránh khỏi tính chiếu lệ, hình thức”.      
Tuy chứng lý có sức thuyết phục, nhưng đề xuất của Thi vẫn phải chờ ý kiến Hội đồng đặc xá tỉnh.
Cuối phần trình bày của mình trước phiên họp toàn thể Hội đồng, Văn Ngọc Thi nói:
- Nếu trước đây truy bắt bọn tội phạm, phải đối mặt với những tên côn đồ hung hãn, tên nào cũng có nhiều vũ khí nóng, với kỹ năng sử dụng súng đạn điêu luyện, sẵn sàng bắn giết, tôi không hề chùn bước vì luôn nhớ tới lời dạy của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân thì ta phải hết sức làm”. 
Văn Ngọc Thi dừng lời, giơ bản phúc đáp của ban công an X. cùng phần giải trình của mình lên và tiếp:
- Còn hôm nay đề nghị đặc xá cho một phạm nhân cải tạo tốt, có hoàn cảnh đặc biệt mà các đại biểu ngồi đây đã nghe và một số người rơi nước mắt, cũng là tôi thực hiện lời Bác dạy.
Văn Ngọc Thi đưa mắt nhìn khắp lượt nghị trường, giọng trầm hẳn xuống:
- Thưa các vị! Trong số các vị ngồi đây, có ai đặt câu hỏi: vợ con P. có tội tình gì mà phải chịu thảm cảnh thê lương, tan đàn sẻ nghé không ạ? Có. Tôi tin là có khá nhiều. Các vị hãy hình dung: Sáng ngày 23 Tết, ngày Ông Táo về trời, ngay trong bếp lù lù một mớ “băng vệ sinh” đỏ lòm, thộc lên mùi ô uế. Sáng 30 Tết, chuẩn bị sắm mâm cúng tất niên, thả gầu xuống giếng, múc lên thì kín miệng gầu toàn là cứt. Thỉnh thoảng vào những đêm tối bất thường lại bị những hòn đá lớn cỡ chén ăn cơm, cỡ ấm pha trà dội cho một trận như mưa, cả nhà phải kéo nhau chạy ra ngoài, mức độ xập xệ tan hoang của căn nhà thê thảm chẳng khác nào cái chòi ngoài rẫy bị lốc xoáy.
Cả nghị trường lặng đi, một số người rút khăn chấm nước mắt, trong khi Văn Ngọc Thi vẫn tiếp tục:
- Chưa hết đâu ạ! Cây cối trồng tỉa nơi ruộng, rẫy, vườn tược thì tàn lụi do bị xịt lén thuốc diệt cỏ. 
Văn Ngọc Thi dừng lời, chậm rãi đưa tay vuốt ngực rồi quay sang hai người ngồi hai bên:
- Thưa anh! Thưa chị! Đau lòng hơn cả là trong cảnh nhà tan, cửa nát, đường mưu sinh bị triệt hại như thế nên con cái P. phải ly tán, thậm chí có đứa phải bỏ xứ đi ăn mày.
Thi đưa cặp mắt đỏ hoe nhìn khắp lượt nghị trường:
- Thưa cùng các vị! Tôi hoàn toàn không có họ hàng, không hề thân quen, không dây mơ rễ má gì với P. và trong hoàn cảnh ấy, nhà P. có gì lo lót để tôi xin đặc xá cho P. không thì các vị cứ việc phán xét. Phần tôi thì luôn đau đáu một nỗi niềm: cả khi bắt và xin đặc xá cho P. chỉ với động cơ duy nhất: “Vì cuộc sống bình yên” với lương tâm và trách nhiệm…
Ông Cao Đức khiêm chủ tọa phiên họp lên tiếng để đưa nghị trường trở lại trật tự bởi râm ran tiếng luận bàn:
 - Đề nghị anh Thi tạm dừng lời vì tất cả đều đã nghe và thấu hiểu. Xin các đại biểu cho biểu quyết.
Tuy vượt qua “vòng” biểu quyết, nhất trí cao của Hội đồng đặc xá tỉnh. Nhưng phạm nhân P. là trường hợp cá biệt, nên Văn Ngọc Thi lại trực tiếp giải trình trước Hội đồng đặc xá của Bộ công an. 
Tại đây Văn Ngọc Thi vẫn đưa ra những biện chứng như đã trình bày tại Hội đồng đặc xá tỉnh và nói thêm:
- Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi là người trực tiếp quản lý và giáo dục, phạm nhân. Còn P. có thuộc diện được đặc xá hay không là tùy thuộc quyết định của Hội đồng. 
Khuôn viên trại tạm giam sáng láng trong ánh nắng ban mai. Các loại hoa hai bên lối đi, trong các bồn, chậu hình như hôm nay thi nhau khoe sắc, tỏa hương. Hàng đàn Bồ câu nối cánh lượn kín một khoảng không gian sân trại rồi yên ả soi mình trên mặt nước hồ bơi.
Những ánh mắt nụ cười tươi vui chứa chan hạnh phúc. Những cái ôm hôn, bắt tay đón nhận và chia ly dào dạt nghĩa tình, rưng rưng, ngấn lệ. 
Sau khi nhận Quyết định đặc xá, thay trả đồ xong và chỉ ít phút nữa ra khỏi cổng trại là cuộc sống đời thường đang chào đón.
Ông P. là người duy nhất không có thân nhân đến đón về. Nhưng ngoài phần quà của trại tặng như tất cả những người được đặc xá thì ông còn được nhận quà tặng của cá nhân Giám thị, gồm: hai bộ quần áo dài, một đôi dép, tất cả đều mới toanh, cùng một phong bao lì xì. Không nhiều, tầm nửa tháng lương của một Trung tá công an, nhưng với ông P. sao mà lớn quá, ngoài sức tưởng tượng và ngoài tầm ước vọng của một con người đã lãnh án tù giam. Ông ôm khư khư món quà của người có tấm lòng đức độ trước ngực mà nước mắt cứ chảy thành hàng.
Ông P. cứ đi loanh quanh, dớn dác có ý tìm kiếm thì bất chợt có bàn tay vỗ nhẹ bên hông cùng giọng nói thân tình: 
- Anh Thi đang đợi bác ở ngoài cổng trại ạ!
Văn Ngọc Thi trong bộ đồ thường phục mỉm cười, vẫy tay, vỗ lên yên chiếc xe 67. Xe nổ máy, nhằm hướng bến xe liên tỉnh.
Thoáng chốc cũng đã hơn một thập kỷ, nhưng tới giờ này ông P. và gia đình ông vẫn chưa biết: chính TPCSHS Văn Ngọc Thi đã trực tiếp bắt ông bí mật đến nỗi cả X. không một ai hay biết và ba lần Giám thị Văn Ngọc Thi đã dồn hết tình cảm lương tâm thuyết phục cả ba hội đồng xét đặc xã để ông P được ra tù sớm.
... 
Xin được lấy lời nhận xét chân tình của nguyên Phó chủ tịch tỉnh Cao Đức Khiêm làm phần kết cho bài viết:
Mong tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, trên mọi lĩnh vực của cuộc sống muôn màu muôn vẻ này luôn làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu như các đồng chí công an đã và đang làm, thì “Cả dân tộc ta sẽ là một vườn hoa đẹp!". Tôi, bạn và tất thảy mọi người dân đều tự hào vì chúng ta có cả một đội ngũ Công an nhân dân luôn là những người “vì nước quên thân; vì dân phục vụ”, họ luôn xứng đáng với tên gọi bình dị, thân thương và cao quý ấy! Văn Ngọc Thi là một bông hoa đẹp trong vườn hoa tươi thắm “người tốt việc tốt của Công an tỉnh nhà”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI