Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

MƯA NẮNG CAO NGUYÊN tản văn của PHONG DƯƠNG - TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 324 THÁNG 8 NĂM 2019






Hơn hai mươi năm gắn bó, mưa nắng cao nguyên đã trở thành niềm thương sâu nặng nghĩa tình trong tôi. Vùng đất ấy đi vào lòng tôi như một bản nhạc mang âm hưởng phóng khoáng, hào hùng có thanh âm đêm đại ngàn vi vu gió, có tiếng róc rách suối reo mùa mưa về. Ai cũng có những khoảng nhớ riêng dành trong ngăn kéo kí ức mà thời gian dẫu có qua đi vẫn không phai mờ được. Với tôi, kí ức ấy có kỉ niệm dấu yêu đong đầy mưa nắng nơi quê hương cao nguyên đất đỏ.
Mùa nắng, cao nguyên khoác trên mình sắc vàng ươm màu mật ngọt. Những vườn điều đang vào vụ thu hoạch. Tùy nơi có nơi sớm nơi trễ nhưng cảm giác đi giữa vườn điều xanh mát, ngắm từng chùm từng chùm lúc lỉu trên ngọn cây như những con chim ngoan nằm im lìm trên tổ với tôi thật thú vị. Những vườn điều trải rộng từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác thấp thoáng bóng người đi thu hoạch. Không khí lao động tất bật, mùa điều cũng là mùa của những người làm thuê từ những tỉnh khác về quê tôi. Thường thì họ sẽ ở lại đến hết mùa mới về. Dưới tán điều rợp bóng, bao giọng Bắc – Trung – Nam, bao câu chuyện sẻ chia rôm rả dường như gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Hạt điều đã trở thành đặc sản gây thương nhớ cho những ai đã từng đến quê tôi. Bây giờ, càng nhiều những người được lớn lên từ chính vùng đất đỏ vận dụng khoa học kĩ thuật và truyền thông để tạo dựng cho thương hiệu hạt điều quê hương mình. Cái nắng vàng ươm cũng tôn lên màu trắng những vạt cỏ tranh bung khắp sườn đồi. Những giản đơn, mộc mạc của cao nguyên dường như trở thành nỗi nhớ quay quắt lòng cho bao người xa quê như tôi. Không hiểu sao chỉ là những giản đơn bé nhỏ nhưng lại có sức sống mãnh liệt đến thế. Cỏ tranh cũng vậy, không có ai gieo trồng, không ai chăm sóc nhưng chúng cứ thế sinh sôi và phát triển. Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ, cỏ tranh được mẹ và ba cắt về phơi khô rồi bện lại để lợp nóc nhà. Dưới cái nắng hanh hao của miền đất đỏ, cỏ tranh dần trở mình, thay sắc xanh tươi non bằng sắc vàng dịu. Mẹ chuốt mấy sợi nong bằng cây lồ ô rồi đan lại, ba đem lên lợp nhà. Mùa tranh nở hoa, bọn trẻ chúng tôi có đủ trò để chơi. Nào là đan thành những chiếc vòng tròn để đội trên đầu, chơi đánh trận bằng bông cỏ tranh. Tôi thì lãng mạn hơn ngồi bên sườn dốc, ngắt từng bông nhỏ thả trôi vào trong gió. Rễ tranh mẹ đào lên, đem về rửa sạch rồi nấu nước uống, vị ngọt nhẹ lại thanh mát cơ thể.
Nắng đó rồi mưa đó. Nắng hanh hao rồi mưa cũng về tầm tã. Những vạt đồi, nương rẫy như bừng tỉnh sau ngày nắng khát. Một màu xanh tươi non phủ khắp nương đồi. Những con đường hun hút bụi đỏ mùa nắng sẽ được thay bằng một màu đỏ sẫm hơn, có chỗ mặt đường trũng xuống đọng lại sóng sánh nước.Chuyện lũ nhỏ chúng tôi tối ngày chân tay lấm lem màu đất đỏ là rất đỗi bình thường. Bởi vậy mà mỗi lần trên chuyến xe ngược từ thành phố về nhà, cứ đến đoạn bắt đầu có màu đất đỏ hai bên đường là tôi biết đã đến quê hương. Không nhớ làm sao được khi mà từ ngày nhỏ, tôi đã chân trần chạy chơi trên những con đường đất đỏ quanh co, rượt sóc, bắt cào cào, tiếng cười tan vào muôn ngọn gió lãng du, phóng khoáng. Mùa mưa, lòng suối trơ sỏi đá sẽ được tiếp thêm nước, làn nước mát lành, trong veo uốn lượn giữa các quả đồi cao su, điều xanh tít tắp. Người đi lên rẫy một lúc, đất đỏ đã dính chặt một lớp dày dưới giày, dép, ủng,… Bây giờ đường sá đã mở rộng, khang trang hơn nhiều nên học sinh đi học cũng đã không còn vất vả như chúng tôi ngày trước. Mùa mưa, tôi da diết nhớ li cà phê ấm nồng của mẹ. Mảnh đất này đã trở thành bến đỗ bình yên cho cây cà phê tựa mình an trú. Cà phê bung hoa trắng xóa tháng chạp, tháng giêng rồi đong đủ nắng gió mà cựa mình, ươm trái. Ngày mưa dầm, khi cả nhà không đi rẫy, ba mẹ và tôi hay ngồi bên hàng hiên cùng nhau thưởng thức cà phê được rang xay từ chính những chùm quả chín trong vườn nhà. Không biết có phải bởi sự chút chăm của mẹ khi cân đo tỉ lệ bột cà phê và nước, ngâm tách cho ấm trước khi pha hay vì tình cảm gia đình mà những giọt cà phê luôn ngất ngây, mê đắm quá đỗi. Nhấp từng ngụm cà phê nâu sóng sánh, cảm giác từng giọt đắng len vào tận vị giác rồi dần dần chất ngọt tỏa ra, đọng lại dư vị đậm đà. Ngồi ngắm từng màn mưa rơi trắng xóa và nhấp tách cà phê thơm nồng cùng gia đình giữa cao nguyên luôn là nỗi nhớ siết chặt lòng tôi những đêm xa nhà, nghe mưa rơi giữa nơi đất khách.
Yêu sao những con đường chở nhớ về thương, chở mưa về gặp nắng ngập ngừng chiều cao nguyên lồng lộng gió. Bước chân thời gian chưa bao giờ dừng lại nên dẫu có da diết nhớ thương thì ta cũng bất khả để trở về những kí ức ngày xưa cũ. Nơi có bóng dáng mẹ cha ngày đêm vất vả trên lưng đồi, vạt áo nâu đôi chỗ thâm kim lấm tấm. Nhưng biết trân trọng quá khứ cũng là cách để ta sống tốt hơn trong hiện tại. Tôi thầm cảm ơn mảnh đất thân yêu đã làm nên kí ức đẹp đẽ cho những tháng ngày ấu thơ đong đầy kỉ niệm và sau này lớn lên đi làm ở phố thì quê hương cao nguyên vẫn luôn là khoảng trời thân thương, trìu mến.




1 nhận xét:

  1. Lâu ngày quá, em lại gặp bác nơi đây. Bài viết rất hay... Em có cảm tưởng như bài này trích từ tiểu thuyết nào ra ấy... nó như 1 đoạn tả cảnh trong một hành trình chưa rõ hồi kết. Đọc xong cảm thấy hụt hẫng, chông chênh giữa cái se se lạnh của những ngày mưa và tâm hồn cứ lượn lờ như bị tung hứng bởi những cơn mưa, vạt gió.

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI