Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

SỨC SỐNG NƠI PHÊN GIẬU TỔ QUỐC bút ký của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ: 325 THÁNG 9 NĂM 2019

 
 



Năm đó tôi có chuyến cùng một số nhà văn, nhà báo Đắk Lắk lên các đồn biên giới thâm nhập lấy tài liệu viết bài nhân dịp ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng. Chiếc xe U-oát của Bộ Chỉ huy Biên phòng Đắk Lắk chở chúng tôi khởi hành rời thành phố Buôn Ma Thuột từ sáng sớm đến chiều mới xuyên rừng vùng biên khi mặt trời đỏ như chiếc mâm lửa đang hạ dần xuống phía Tây sau những thân cây khộp thật thơ mộng. Tôi được gửi lại đồn 737 để xe tiếp tục chở những người còn lại đến các đồn khác kịp trước khi trời tối. Theo yêu cầu của tôi, sau khi tranh thủ làm việc với chỉ huy đồn, một sĩ quan được Đồn trưởng phân công dùng chiếc xe máy Min-xcơ chở tôi xuống Đội công tác cơ sở cách đồn chừng bốn mươi cây số. Ngồi sau xe, tôi cứ phải ôm chặt lấy người sĩ quan biên phòng đang cầm tay lái nhảy chồm chồm như phi ngựa giữa hai bên rừng khộp khi trời đã chập choạng tối, đèn xe bật lên soi rõ con đường đất dốc bị mưa xói lở từng rãnh nham nhở kèm theo mùn đất cuộn lên bụi mù, con đường rừng này chỉ có loại xe Min-xcơ mới chịu nổi. Người sĩ quan vừa lái vừa giới thiệu với tôi về những cây khộp bị máy ủi dồn đống thành từng khoảng rộng do Binh đoàn 16 làm kinh tế đang mở đất để lập làng kinh tế quốc phòng, nơi kia là số dân Thanh Hóa di dời vào cho quê hương xây dựng lòng hồ thủy điện, dãy nhà mới xây dựng xong xếp thành từng hàng có dãy cột điện trước nhà để chuẩn bị đón đồng bào Bến Tre lên xây dựng kinh tế theo chủ trương xây dựng làng xã biên giới củng cố phên giậu Tổ quốc. Tôi miên man nghĩ đến công việc của cán bộ chiến sĩ đồn đang đảm nhiệm, với chiều dài hơn mười lăm cây số đường biên mênh mông rừng khộp, cách dòng suối bên kia là huyện Koh Nhéc và Cô-bai-don-ray, chốt số 6 cảnh sát Hoàng gia Căm-phu-chia, thuộc địa phận tỉnh Mun-dun-ki-ri. Bên phía bạn đơn giản bao nhiêu thì nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ biên phòng mình càng nặng nề bấy nhiêu. Đồn cảnh sát của bạn chỉ có ba người, ở trong một dãy nhà gỗ, căn nhà của biên phòng Việt Nam dựng cho. Có lần anh em biên phòng lấy thuyền chở chúng tôi “vượt biên” sang thăm, căn nhà trống vắng, màn buông thõng trống trơ, súng dựng trên giá không một bóng người; ngắm trước ngắm sau, không hề có dấu hiệu tăng gia sản xuất, cây rừng chen chân vào đến sát thềm nhà, thăm thú khắp nơi…, chừng mười lăm phút sau nghe tiếng xe máy khục khặc trong rừng, hai thanh niên lưng trần, quần quân phục bốn túi màu xanh, đeo giày vải cao cổ hì hục đẩy chiếc xe máy hết xăng trần trụi không chắn xích, chắn bùn... không khác gì xe của người đi rừng chở gỗ. Thì ra các chiến sĩ cảnh sát Hoàng gia bỏ nhiệm sở vào trong làng cách đó cả giờ chạy xe để uống rượu. Đừng tưởng họ như vậy mà mất cảnh giác, bài học kinh nghiệm năm 1978 còn đó, lính Pôn Pốt tràn qua cướp phá, giết người đốt nhà, cả tuyến biên giới Tây Nam rực lửa, bạn trở thành giặc đốt thiêu tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Ngay sau đó thực hiện chủ trương của nhà nước, các tuyến biên giới chúng ta đã có thêm các Binh đoàn quốc phòng làm kinh tế và sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào Thanh Hóa, Bến Tre theo kế hoạch di dân đã có mặt cùng Binh đoàn 16, lấy vùng đất biên giới để gắn bó, dải đất đồi trơ trụi chịu đựng ảnh hưởng khí hậu nóng rát nghiệt ngã của biên giới Việt Nam - Căm Pu Chia đã có thêm sức sống; bỗng tôi thấy chạnh lòng, đối với đồng bào dân tộc Thái huyện Thường Xuân, Thanh Hóa từng gắn bó với rừng thì không có gì ái ngại, nhưng đồng bào Bến Tre quen lối sống vùng sông nước Nam bộ, miền biển lên rừng sẽ sống thế nào đây? Binh đoàn 16 (Công ty) thành lập từng đội sản xuất theo khu dân cư, chia cho mỗi hộ 2 hecta đất canh tác, đất công ty trồng điều giao cho dân nhận chăm sóc, mỗi đội có một cái giếng dùng nước cho sinh hoạt. Người đồng bằng lên rừng gặp không ít khó khăn, những hộ xa quê đi xây dựng kinh tế là những hộ không khá giả gì, thậm chí nhiều hộ thuộc diện nghèo, đã khó càng thêm khó. Bộ đội Biên phòng có dự án giúp dân ổn định cuộc sống trước mắt, cấp cho những hộ đói nghèo một cặp bò chăn nuôi phát triển kinh tế, các anh đến từng hộ khảo sát giúp dân đưa các loại gia súc gia cầm vào chăn nuôi, trong đó có cả các loại thú hoang dã đem về thuần dưỡng. Năm 2006 căn cứ vào dân cư và điều kiện cuộc sống, chủ trương của tỉnh, huyện đã thành lập đơn vị hành chính khu dân cư thuộc Binh đoàn quốc phòng trên địa bàn thành xã Ia R’vê; theo tiếng Ja Rai thì “Ia” nghĩa là suối, cái địa danh Ia Rvê là con suối Rvê, tiếng là thế nhưng cả một dải đất khô cằn có con suối chỉ chứa nước vào mùa mưa, mùa khô đến cây khộp quen khí hậu cũng khô lá trơ cành, dấu tích dòng suối chỉ còn là những vũng nước đọng ít ỏi. Đất Ea Súp nói chung, xã Ia Rvê nói riêng chỉ trồng được cây điều, cây mì, cây bắp là loại chịu hạn.
Dịp này tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Bến Tre đi thực tế thâm nhập đời sống đồng bào nơi phên giậu phía Tây Đắk Lắk một ngày trung tuần tháng Bảy, may sao vào đúng ngày trời vật vã chuyển mùa, mây vần vũ làm dịu bớt cái nắng nóng thường ngày của khí hậu biên giới Campuchia. Đường giao thông lên tới xã biên giới đã được trải nhựa, đổ bê tông, dù từ huyện lên xã Ia Rvê do xe quá tải, xe máy cày chạy nhiều có những đoạn bong tróc trũng xuống thành những ổ voi, nhưng so với trước kia đã thuận lợi hơn rất nhiều. Xe chúng tôi khởi hành từ Buôn Ma Thuột khi ăn sáng uống cà phê xong, đến quá 11 giờ trưa đã đến xã biên giới. Anh Lương Văn Trung, người con dân tộc Thái ở Thường Xuân, Thanh Hóa theo gia đình di dân vào lập nghiệp xây dựng kinh tế vùng biên nay là công an huyện nằm địa bàn xã Ia R’vê được lãnh đạo Đội An ninh huyện báo trước, Trung săn đón điện thoại chỉ đường cho tôi. Chị Trần Thị Loan Bí thư Chi bộ thôn 7 quê huyện Ba Tri, Bến Tre được nhà văn Hồ Trường, Trưởng đoàn đi thực tế từng quen biết trước điện thoại liên lạc, nên chiếc xe chở chúng tôi vào đến sân trụ sở xã Ia Rvê đã thấy chị Loan cùng anh Đoàn Minh Thuận, Phó chủ tịch xã đón đợi. Thì ra anh Thuận là người huyện Mỏ Cày, nên người Bến Tre gặp nhau trong không khí thân tình người nhà; chị Trần Lệ Thủy - Bí thư Đảng ủy - cũng là người Bình Trị, Bến Tre hôm nay có cuộc họp huyện nên không có mặt ở nhà khi đoàn quê hương đến thăm. Phó chủ tịch xã Đoàn Minh Thuận cho biết khái quát tình hình đời sống kinh tế xã hội của xã vùng biên Ia RVê, toàn xã có 7 ngàn khẩu gồm 20 thành phần dân tộc sinh sống, người Bến Tre chiếm 80%; tôi mừng cho đồng bào Bến Tre xa đồng bằng lên lập nghiệp trên rừng năm 2002 có nhiều bỡ ngỡ khó khăn, sau 17 năm  vừa làm quen vừa ra sức khai sơn…, đến nay cuộc sống đã ổn định, có 20% trong số đó có thu nhập từ 100 triệu/ năm trở lên. Nguồn thu chủ yếu cây ngắn ngày là đậu, bắp và chăn nuôi, đây là loại canh tác của người Thái có kinh nghiệm trên đất đồi được anh cán bộ công an địa bàn Lương Văn Trung hướng dẫn; để ổn định cuộc sống, yên lòng dân vùng biên là nhiệm vụ cốt yếu được cán bộ chiến sĩ an ninh địa bàn quan tâm. Khi cuộc sống đã có thể tự lập, đồng bào Bến Tre mang truyền thống canh tác cây trồng của quê hương thử nghiệm trên đất rừng đã cho hiệu quả bước đầu. Theo chỉ dẫn của Bí thư chi bộ thôn 7 Trần Thị Loan, chúng tôi đến thăm trang trại cây ăn trái của người có thu nhập vụ vừa qua đem về tiền tỷ. 
Chị Nguyễn Thị Y quê huyện Châu Thành, hai vợ chồng thuộc diện nghèo ở quê, đi xây dựng kinh tế đợt đầu năm 2002, cũng như mọi người, anh chị được Binh đoàn 16 phân cho một căn nhà xây sẵn chừng 20m2 và 2 hecta đất canh tác; thời gian đầu cũng nhận một số diện tích điều của công ty chăm sóc, thu hoạch. Được chừng 3 năm thu hoạch điều nhập cho công ty cũng đủ chi phí cho ăn uống sinh họat hàng ngày. Lúc ấy tư thương tìm đến thu mua điều với giá cao hơn, nhiều hộ dân đã bán phần lớn ra ngoài; công ty thấy vậy liền thanh lý hợp đồng, người dân đứt ruột thương tiếc cho chính mình vừa đổ hết công của vào việc đầu tư chăm bón cây điều. Thôi thì giấy trắng mực đen đã đánh dấu sự kết thúc cuộc sống làm công cho công ty, kéo họ về với tư duy tự thân vận động, tự bươn chải; mọi người tính bước đi trên 2 hecta từ cây đậu ngắn ngày chịu hạn. Để chủ động lương thực phục vụ đời sống ở vùng đất xa chợ, mọi người trồng thêm bắp, lúa rẫy; đường lên biên giới thuận tiện, ô tô, xe máy tư thương giao lưu trao đổi nông sản, thực phẩm, thế là cây đậu nhanh chóng trở thành hàng hóa, lại có thêm thu nhập từ chăn nuôi, cuộc sống tương đối ổn định thì ai nấy muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng những mong làm giàu. Vậy là vợ chồng chị Nguyễn Thị Y nghĩ ngay đến những giống cây ăn trái ở quê hương: mít, dừa, xoài, bưởi Năm Roi…, đưa lên đất rừng biên giới, để đảm bảo cây phát triển ra trái cần có nước, từ 2 hecta đất được chia, vợ chồng chị Y mua mở rộng thêm 3 hecta đất rẫy liền kề con suối, gọi là suối cho mát lòng, khi chúng tôi đến nhìn con suối chỉ còn là một vũng nước tù, như thế cũng đủ đem lại sự sống cho cả một dải đất nắng nóng khô hạn. 1.800 cây mít Thái xếp hàng tăm tắp xanh tươi đang ra những trái non bám từ gốc lên đến cành, 50 cây dừa Xiêm đứng trên bờ con suối, nằm cuối rẫy còn có những cây xoài, những bụi chuối… Ngắm nhìn trang trại cây ăn trái trải dài, chiếc xe máy cày chở máy nổ cùng những ống tưới đứng đó, tôi hiểu rằng công sức hai vợ chồng chị đổ vào chăm bón là tất cả niềm hy vọng cho tương lai. Được biết những cây mít Thái thân mảnh mai thế nhưng đứng vững cho những trái mít loại cỡ nhỏ cũng tới 7 kg, loại to có trái tới 15 kg, mùa thu hoạch mít từ tháng 9 năm này đến tháng 5 năm sau, 10 ngày thu hoạch một lần, chuẩn bị đến vụ thu hoạch thương lái đã vào thăm đặt cọc, đánh ô tô vào tận rẫy thu về. Vụ vừa qua nhà chị Y riêng thu từ mít được 50 tấn, theo giá thu mua thời điểm là 25 ngàn đồng một kg, vậy là thu từ những cây mít trong một vụ gia đình chị đã có tiền tỷ, mọi người nhẩm tính xuýt xoa, căn nhà được binh đoàn chia cho, anh chị đã đầu tư vào đó 400 triệu cải tạo xây dựng khang trang vào năm 2016; nhưng anh chị chủ yếu bám lấy căn nhà gỗ trong rẫy trông coi mùa trái, chăm sóc tưới tiêu, kết hợp chăn nuôi gà vịt… tài sản trên đất như thế làm sao không thu hút những người có chí lên biên giới tìm đất làm giàu, mấy năm trước anh chị quyết định mở rộng rẫy, giá trị lúc đó chỉ mấy chục triệu một hecta, bây giờ mỗi hecta đã mấy trăm triệu. Trở về gia đình chị Trần Thị Loan, Bí thư chi bộ thôn 7 chúng tôi vững tâm hơn, chồng chị Loan là anh Cao Hoài Trung từng làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã khi thành lập xã Ia R’vê, hiện nay làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, con đầu anh chị là Cao Thanh Luân học cao đẳng quản lý văn hóa tốt nghiệp ra trường, không muốn rời xa vùng đất đã xanh tươi bén rễ, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn, lãnh đạo một lực lượng tuổi trẻ gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Chị Nguyễn Thị Y vẫn phong thái của người phụ nữ Bến Tre, khăn rằn vắt vai, tươi cười tiễn chúng tôi như gửi gắm một thông điệp với những người con quê hương hãy yên tâm về những người xa quê vùng sông nước đi lập nghiệp trên cao nguyên, vùng đất biên giới nắng hạn, sẽ vẫn luôn làm rạng danh truyền thống người Bến Tre anh hùng trong chiến tranh cũng như trong xây dựng đất nước thời bình. Cả tuyến biên giới khô cằn trống trơ ngày nào nay xanh tươi sức sống, trong đó có sự đóng góp của người đồng bằng Nam bộ quê hương đồng khởi Bến Tre.


Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ NGƯỜI THAM GIA KHÁM NGHIỆM HƠN 4.000 TỬ THI bút ký của SĨ ĐỨC – VĂN THÀNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 325 THÁNG 9 NĂM 2019



Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”








Hơn 30 năm “bén duyên” với nghề, Thượng tá Đặng Sơn Đáng từng giải phẫu hơn 4.000 tử thi, góp phần làm sáng tỏ hàng nghìn vụ trọng án và giải oan cho nhiều người vô tội. Cũng như nhiều bác sỹ pháp y khác, ám ảnh với Thượng tá Đáng không phải là sự ghê rợn của những tử thi đang phân hủy mà là cảm xúc thương tâm khi luôn phải chứng kiến những phận người bất hạnh…
Nghề chọn người
Hơn 30 năm theo đuổi nghiệp bác sỹ pháp y, Thượng tá Đặng Sơn Đáng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã trực tiếp khám nghiệm, giải phẫu hơn 4.000 tử thi. Cho đến nay, khi đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng những “ca khó” của ngành pháp y tỉnh Đắk Lắk, người ta vẫn phải nhờ tới tay nghề của vị Thượng tá cao tuổi này. Đơn giản là bởi kinh nghiệm và bản lĩnh trong cái nghề pháp y để bắt “bệnh” của Thượng tá Đáng hiện trong lực lượng Công an Đắk Lắk khó có ai có thể sánh bằng.
Sau nhiều lần hẹn, tôi cũng được Thượng tá Đáng cho gặp mặt. Với dáng người hao gầy, đen nhẻm cộng chút khắc khổ và đôi mắt hằn sâu… là những gì tôi nhận thấy khi tiếp xúc với ông. Mở đầu câu chuyện, Thượng tá Đáng chậm rãi chia sẻ: “Nhiều vụ án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt, nhưng người giải phẫu pháp y giỏi có thể tìm ra được cả mớ chứng cứ từ một thi thể. Ngược lại, pháp y tồi có khi lại làm sai lệch chứng cứ, bỏ lọt tội phạm hoặc bắt nhầm người vô tội không chừng. Bởi vậy, làm nghề này là phải hết sức cẩn thận và chu đáo...”
Khi trò chuyện, Thượng tá Đáng không kể nhiều, nhưng tôi biết chính bản thân ông cũng từng là “siêu vũ khí” giúp lực lượng Công an Đắk Lắk khám phá ra nhiều vụ án, trong có có những vụ trọng án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt. Khi được hỏi vì sao lại chọn cái nghề mới nghe đến đã cảm thấy rùng rợn này, Thượng tá cười nói: “Thú thực mình cũng chẳng biết đó là cái duyên hay cái nghiệp vận vào mình mà theo cái nghề “bắt bệnh cho tử thi” này. Ngày bé, nhìn thấy ai đứt tay, đứt chân chảy máu đã sợ run người. Nhưng nếu được lựa chọn lại, mình vẫn sẽ chọn con đường mình đang đi. Dù có gian khổ, thậm chí đôi lúc là sự ám ảnh, nhưng mình vẫn chọn, chọn là vì nghĩ rằng mình còn có thể giúp được những người tốt không vướng phải cảnh oan trái, người xấu phải trả giá cho những việc mình làm”.
Rồi ông kể, vốn sinh ra từ vùng đất quê lúa Thái Bình. Từ nhỏ, ông đã ước mơ sau này trở thành một chiến sỹ được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân. Năm 1978, khi vừa tròn 17 tuổi, cậu học trò nghèo Đặng Sơn Đáng đã quyết tâm và thi đậu vào Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh) tại Hà Nội. Và cũng từ đây, cái nghề “bắt bệnh cho tử thi” đã “bén duyên” với ông. “Khi mới vào trường, mình cứ ngỡ sau này tốt nghiệp sẽ trở thành một chiến sỹ An ninh. Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị bước vào giữa năm học thứ nhất thì mình cùng với 20 sinh viên khác trong trường được chọn sang Học viện Quân y để đào tạo chuyên khoa Pháp y. Trong suốt thời gian đó, mình đã phải thường xuyên đến các bệnh viện nghiên cứu giải phẫu học, xem xét kỹ từng bộ phận trên cơ thể con người và cũng nhờ đó, những kiến thức bổ ích học được ở đây đã phục vụ đắc lực cho thực tế công tác sau này”, Thượng tá Đáng nhớ lại. 
Sau khi tốt nghiệp đại học, tháng 9.1985, ông được phân công về công tác tại Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cho đến nay. Là một “bác sỹ của người chết”, Thượng tá Đáng phải chịu nhiều sự hy sinh, không có thời gian chăm lo cho gia đình. Do đặc thù công việc nên ông phải ra khỏi nhà để mổ tử thi bất cứ lúc nào, có nhiều vụ khó phải đi biền biệt cả tuần mới tìm ra được câu trả lời. Không chỉ vậy, trong cuộc sống, ông cũng chịu nhiều thiệt thòi vì đặc thù công việc của mình. Ông kể, vào những ngày Tết, ông không dám tới nhà ai thăm hỏi vì sợ người ta kiêng kỵ, chỉ trừ những người rất thân trong gia đình. “Mình là bác sỹ chưa bao giờ đụng tới bệnh nhân sống, chỉ toàn xác chết thôi… Cái mà mình đi tìm là nguyên nhân dẫn đến cái chết để giải quyết 2 vấn đề, cung cấp bằng chứng phá án và giải phẫu bệnh lý”, Thượng tá Đáng nói.
Góp phần gỡ nút thắt những vụ trọng án
Nói về công việc, Thượng tá Đáng chia sẻ: “Kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân chính là cơ sở khoa học góp phần giúp cơ quan điều tra xác định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Nếu khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra sẽ nhận định hướng điều tra, truy tìm hung thủ, hung khí gây án được sát hơn. Đó cũng là một trong những căn cứ vững chắc để các cơ quan chức năng xử lý vụ án chính xác, đúng pháp luật. Xác định được nguyên nhân chết cũng có nghĩa là mình và đồng đội không để cho nạn nhân phải chết oan ức. Hiểu rõ tầm quan trọng của công việc đang làm nên bao năm qua, mình luôn cẩn trọng khi khám nghiệm các tử thi. Dẫu là một tử thi đã thối rữa hay chỉ còn một bộ xương, mẩu xương thì mình vẫn phải tỉ mẩn tìm tòi dấu vết liên quan”.
Rồi ông nhớ lại, vào khoảng đầu tháng 11.2011, Cơ quan điều tra Công an Đắk Lắk nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện xác chết của một bé gái dưới giếng sâu. Là người trực tiếp tham gia khám nghiệm tử thi, Thượng tá Đáng nhận định bé gái đã tử vong khoảng hơn 6 tháng trước. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân tử vong hết sức khó khăn bởi hầu như thi thể nạn nhân đã bị phân hủy gần hết. “Bằng kiến thức và kinh nghiệm, mình đã chọn dạ dày làm điểm đột phá bởi đó là bộ phận bị phân hủy rất chậm so với các cơ quan mềm của cơ thể. Phát hiện trong dạ dày bé gái có ít dịch mật còn sót lại, mình nhận định nạn nhân bị bóp cổ chết trước khi bị ném xuống giếng bởi đây là một cơ chế phản xạ của cơ thể khi bị nghẽn đường thở”, Thượng tá Đáng nói.
Và cũng từ nhận định của ông, các điều tra viên đã tập trung lực lượng đấu tranh với hàng trăm đối tượng trên địa bàn có mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Một nguồn tin cho biết, trong ngày 19.5.2011, một người bạn của nạn nhân là Nguyễn Quốc Diễn (19 tuổi), đã cho một thanh niên mượn điện thoại di động để liên lạc, hẹn gặp nạn nhân với mục đích đòi số tiền đã cho vay khoảng 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, Diễn nhà ở thị xã Buôn Hồ nhưng khi đó đã vào Nha Trang làm thuê. Lập tức, một tổ công tác đã lên đường phối hợp cùng Công an tỉnh Khánh Hòa để xác minh, truy tìm Nguyễn Quốc Diễn. Sau nhiều nỗ lực, lực lượng công an tìm được Diễn đang phục vụ cho một quán nhậu ở đường Võ Thị Sáu, TP Nha Trang. Sau một hồi loanh quanh, Diễn chợt “nhớ ra” hôm 19.5 có cho bạn là Nguyễn Hoài Thương (17 tuổi, trú ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) mượn điện thoại di động để gọi cho nạn nhân. Thông tin này được báo trở lại ban chuyên án, và một tổ công tác đã tìm đến nhà của Nguyễn Hoài Thương. Vừa trông thấy bóng dáng lực lượng công an vào nhà, gã trai 17 tuổi ấy chợt khuỵu xuống, thú nhận chính y đã ra tay bóp cổ nạn nhân đến chết rồi thực hiện hành vi đồi bại. Sau đó y cùng với một người bạn khác khiêng xác nạn nhân ném xuống giếng để phi tang.
Nỗi niềm trăn trở với nghề
Không chỉ là người góp phần tích cực trong việc giúp cơ quan điều tra gỡ nút thắt, khám phá ra những vụ trọng án, bắt hung thủ phải đền tội trước pháp luật mà trong những năm công tác, Thượng tá Đáng còn giúp giải án oan cho nhiều người vô tội.
Điển hình như trong vụ việc đau lòng xảy ra tại xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar vào giữa năm 2012. Theo đó, một đôi vợ chồng trẻ mới cưới nhau được gần một năm thì cô vợ giận hờn chồng treo cổ tự tử khi đang mang thai đứa con đầu lòng.  Sau khi cô vợ mất gần 3 tháng, người nhà cho rằng cô bị chính người chồng đánh đập hoặc đầu độc chết rồi dựng hiện trường giả. Người chồng đau đớn vì nỗi đau mất vợ nay lại mang tiếng vũ phu giết vợ.
Đau đáu trước nỗi oan của người chồng, Thượng tá Đáng là người trực tiếp đề xuất các cơ quan chức năng được khai quật tử thi để khám nghiệm. Ông cũng chính là người trực tiếp khám nghiệm, lấy mẫu vật nội tạng đưa đi giám định. Kết quả sau đó cho thấy, không có tác động ngoại lực hoặc chất độc nào gây nên cái chết của người vợ trẻ ấy và người chồng khi đó mới được giải oan.
Hay như trong vụ án chồng giết vợ rồi nhảy giếng tự tử ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột xảy ra vào cuối năm 2013. Nạn nhân là chị Trần Thị Mỹ Trang (35 tuổi) và nghi can là Nguyễn Văn Hùng (48 tuổi, chồng của nạn nhân). Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định Hùng đã dùng búa, dao sát hại vợ rồi nhảy xuống giếng trước nhà tự tử. Vụ án khép lại, nhưng Thượng tá Đáng vẫn luôn cảm thấy có điều gì đó bất thường ở những vết máu tại hiện trường. “Hùng cố ý hay không cố ý giết vợ? Ánh mắt bơ vơ cùng tiếng khóc gào đòi mẹ của hai đứa bé sinh đôi cứ ám ảnh, thôi thúc mình phải tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của người mẹ”, Thượng tá Đáng nhớ lại.
Tiến hành rà soát lại tất cả các chi tiết, nhất là sau khi hỏi thêm thông tin từ người thân và của người dân sống xung quanh về nghi can Hùng, thì có một chi tiết đáng lưu tâm. Đó là cách đây 2 năm, Hùng bị tai nạn giao thông, chấn thương liên quan đến não. Thượng tá Đáng quyết định tìm hiểu sâu hơn về tiền sử bệnh tật của Hùng và phát hiện nghi can có các triệu chứng về bệnh tâm thần. Trước khi xảy ra án mạng, vợ chồng Hùng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên chị Trang đã làm đơn ly dị nhưng chưa được giải quyết. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của nghi can. “Giá như gia đình phát hiện sớm bệnh tật và đưa Hùng đi điều trị kịp thời thì có lẽ không dẫn đến kết cục thương tâm này”, Thượng tá Đáng nói.
Trên đây chỉ là những vụ án mà trong số hàng nghìn vụ án mà Thượng tá Đáng trực tiếp tham gia. Còn nhớ, trong những năm 1985-1995, khi tỉnh Đắk Lắk chưa chia tách, địa hình bị chia cắt, giao thông còn rất nhiều khó khăn trong khi quân số ít, phương tiện, trang thiết bị thiếu thốn trăm bề, ông và đồng đội phải nỗ lực rất nhiều mới hoàn thành được các yêu cầu nhiệm vụ. Có nhiều vụ tử thi phát hiện ở nơi hẻo lánh, hiểm trở, buộc phải đi bộ, có khi mất cả ngày đường. Cũng có những chuyến, sau khi khám nghiệm tử thi ở vùng sâu, ông bị muỗi rừng đốt và mắc bệnh sốt rét. Cứ miệt mài như thế, đến nay Thượng tá Đặng Sơn Đáng đã khám nghiệm hơn 4.000 tử thi. Những lúc rảnh rỗi, ông tập trung nghiên cứu hồ sơ, kết hợp giữa lý thuyết và thực tế rồi suy luận, trao đổi với đồng nghiệp ở Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an - nhằm tự nâng cao kiến thức, trình độ.
Mặc dù lập nhiều chiến công nhưng đến nay, Thượng tá Đặng Sơn Đáng vẫn có nỗi niềm canh cánh với nghề. Hiện nay điều kiện làm việc đã được cải thiện hơn trước song khám nghiệm tử thi vẫn là công việc không được nhiều người ưa thích và lựa chọn. Thượng tá Đặng Sơn Đáng hiện vẫn là bác sỹ pháp y duy nhất ở Công an tỉnh Đắk Lắk. Vì thế, niềm mong mỏi của ông là làm sao tìm được người có trình độ chuyên môn sâu, có năng lực và tâm huyết với nghề... để kế nghiệp.
Với những đóng góp của Thượng tá Đặng Sơn Đáng qua gần 40 năm công tác, ông đã được Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng 4 Bằng khen, Bộ Tư pháp trao tặng 2 Bằng khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác. Ngoài ra, UBND tỉnh, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao tặng hàng trăm Giấy khen các loại. Cá nhân của Thượng tá Đáng từ năm 2003 đến nay, đều được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở…

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

NGHĨA TÌNH Ở BUÔN K’NIA bút ký của TRỌNG HIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 325 THÁNG 9 NĂM 2019


Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
  
Thượng tá Trọng Hiến - Phó trưởng phòng PX 03, Công an tỉnh Đắk Lắk



Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với gia đình của già làng Aê Cheng. Những ché rượu ngon ủ lâu ngày, sáng nay được già Aê Cheng mở ra thơm nức. Còn cụ bà Tuôl Cheng thì đưa những hạt gạo đầu mùa ra để nấu nồi cơm mới. Con, cháu còn lại trong nhà thì lo thịt heo, rau xanh, nấu món canh cà đắng để cùng với già Aê Cheng và Tuôl Cheng chuẩn bị làm lễ cúng sức khỏe cho cháu Phương Nguyên - đứa cháu gái kết nghĩa vừa ra đời được 5 tháng tuổi.
Sống trong buôn K’Nia, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn này đã qua hơn 70 mùa rẫy, già làng Aê Cheng và Tuôl Cheng đã làm nhiều cái lễ cúng sức khỏe cho các con, các cháu ruột trong gia đình dòng họ H’Mook của mình. Nhưng chưa có lần nào già làm to như thế này!
Kia rồi, gia đình của cháu Phương Nguyên đã đến! Hôm nay, không chỉ có bố Quang, mẹ Phú bồng bế cháu Phương Nguyên từ Buôn Ma Thuột vào đây cho ông bà cúng sức khỏe mà còn có cả cán bộ Hoàng - Phó Công an huyện Buôn Đôn - cũng đến chung vui với hai gia đình.
Rượu ngon đã cắm cần, vòng thiêng đã sẵn, cơm thịt đã tỏa mùi thơm khắp nhà... Bây giờ là lúc già làng Aê Cheng và gia đình làm lễ cúng cầu sức khỏe cho cháu Phương Nguyên và cả mẹ Phú của cháu theo phong tục của người Êđê. Trước đó mấy tháng, cũng theo cách gọi của buôn làng, già làng Aê Cheng và Tuôl Cheng đã đặt cho đứa cháu gái kết nghĩa Phương Nguyên một cái tên nữa là cháu H’Ny, còn cán bộ Quang là con kết nghĩa trong gia đình nên được già và buôn làng thân mật gọi là Ama Ny (tức là cha của bé Ny).
Trong lễ cúng hôm nay, ngoài những ché rượu thơm, già làng Aê Cheng và Tuôl Cheng có chuẩn bị một con gà sống, một cái chăn thổ cẩm, một chiếc chiếu mới và đặc biệt là hai chiếc còng. Đó là những lễ vật mà già dâng lên trong lễ cúng cùng với những lời cầu khấn thành tâm gửi đến Thần trời, Thần đất, Thần núi, Thần nước... để các thần linh ban cho đứa cháu H’Ny của ông bà cùng bố mẹ nó và mọi người trong gia đình luôn mạnh khỏe, con mắt cứ tinh sáng như con chim, con thú, cái tay dẻo dai như sợi mây, như con khỉ chuyền cành và cái chân cứ mãi nhanh nhẹn như con nai, con báo trong rừng Yok Đôn! Trong tâm thức của già làng Aê Cheng, sau khi cúng, sự linh nghiệm của các thần được ứng vào hai chiếc còng này, đeo vào tay cho hai mẹ con của cháu gái H’Ny, nó không chỉ mang đến sức khỏe, sự may mắn, mà còn có ý nghĩa rằng họ là đứa con và đứa cháu kết nghĩa của già mãi mãi! Cũng như trước đó 3 năm, già và dòng họ H’Mook trong buôn đã từng làm một cái lễ cúng lớn hơn thế này gấp nhiều lần để nhận bố Quang của H’Ny làm con kết nghĩa. Các nghi lễ cúng sức khỏe cho cháu Phương Nguyên – H’Ny – và mẹ của cháu đã xong. Những món quà tình nghĩa cũng đã được trao, mọi người cùng uống rượu cần và ăn một bữa cơm trưa tràn đầy tình nghĩa.
Trong bữa cơm hôm ấy, chuyện trò với cán bộ Hoàng – Phó Công an huyện Buôn Đôn - già làng Aê Cheng cũng trải lòng: “Sau khi Ông già và Quang kết nghĩa, có việc gì, thì Ông già giúp cho Quang. Việc của Quang thì nhiều lắm! Ông già với Quang đến từng nhà có thanh niên quậy phá, nói cho nó đừng đi theo, đừng nghe bọn phản động xấu Fulro, mà phải lo học hỏi, làm ăn, làm ruộng rẫy giúp bố mẹ… Hai cha con làm việc đó cho buôn làng yên vui…”.
Như cây k’nia ở đầu buôn, có gốc có ngọn, câu chuyện nghĩa tình giữa gia đình cán bộ Quang và gia đình già làng Aê Cheng cũng có thủy có chung, có đầu có cuối. Chuyện bắt đầu từ năm 2004. Lúc đó tình hình an ninh trật tự trong buôn K’Nia và các buôn khác của xã Ea Bar rất phức tạp. Các đối tượng phản động Fulro lưu vong từ bên ngoài liên tục gửi tài liệu, điện thoại về kích động số đối tượng Fulro cũ còn ảo tưởng ở các buôn làng lén lút đi lôi kéo, xúi giục những người nhẹ dạ cả tin gây rối an ninh chính trị, chống đối lại chính quyền, âm mưu chia rẽ nghĩa tình Kinh – Thượng, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an huyện Buôn Đôn đã phân công Đại úy Đỗ Đức Quang, Đội trưởng đội An ninh xuống phụ trách địa bàn xã trọng điểm Ea Bar, trong đó có buôn K’Nia và 3 buôn khác. Nhiệm vụ của cán bộ Quang và đội công tác liên ngành của huyện kể từ đó rất nặng nề, vừa phải tập trung giải thích, tuyên truyền, vận động bà con ở các buôn làng không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu vừa chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh xử lý các đối tượng ngoan cố hoạt động Fulro và lập hồ sơ đưa những người vi phạm ra kiểm điểm trước dân. Công việc thì bộn bề, phức tạp, nhưng khó khăn, trở ngại lớn nhất của cán bộ Quang và đội công tác là sự bất đồng về ngôn ngữ. Phải nói làm sao cho cái bụng của tất cả đồng bào Êđê ở trong buôn K’Nia và các buôn khác hiểu, đồng thuận giúp đỡ. Đó là những điều mà tập thể lãnh đạo Công an huyện Buôn Đôn và cán bộ Quang luôn trăn trở.
Chính từ những ngày gian nan đó, cán bộ Quang và Công huyện đã được già làng Aê Cheng và cả già làng Aê Nháp là bạn của già làng Aê Cheng ở buôn bên cạnh giúp cho nhiều cái việc tốt. Vui hơn nữa là cán bộ Quang còn được gia đình già làng Aê Cheng nhận làm con kết nghĩa. Cũng nhờ đó mà sau này các ama, amí, bà con trong dòng họ H’Mook của già làng - một dòng họ đông nhất ở các buôn trong xã - luôn nhiệt tình giúp đỡ cán bộ Quang như giúp con cháu ruột của mình.
Trước đây, nếu như có con, cháu trong gia đình, dòng họ hư hỏng, vi phạm hoặc mắc mưu kẻ xấu, mọi người thường lo sợ, boăn khoăn, không muốn nói cho cán bộ chính quyền, Công an biết! Nhưng mấy năm nay, từ chỗ tin tưởng cán bộ Quang là con, em kết nghĩa trong nhà, nên già làng Aê Cheng, những người lớn trong dòng họ H’Mook của buôn K’Nia và cả già làng Aê Nháp cũng như bà con ở các buôn khác cũng đều nói cho cán bộ Quang và tổ công tác của Công an huyện biết mọi chuyện. Kể cả chuyện những thanh niên trong buôn đã nhẹ dạ cả tin mắc mưu, nghe theo bọn phản động Fulro lưu vong âm mưu nhiều lần định tụ tập phá hoại an ninh trật tự trong các buôn làng. Nhờ đó mà Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an huyện Bôn Đôn đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, nhiều đối tượng có hành vi xấu, thu giữ hàng chục tang vật, băng đĩa, tài liệu phản động. Thậm chí có những vụ chúng vẽ cả cờ Fulro đem cất giấu dưới sàn nhà và ngoài rẫy cà phê.
Được mọi người đồng tình ủng hộ, nên từ năm 2004 đến 2010, cán bộ Quang và Công an huyện Buôn Đôn, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức thành công rất nhiều buổi họp dân để đưa hàng chục đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước buôn làng theo luật tục Êđê. Buổi họp nào già làng Aê Cheng và cả già làng Aê Nháp cũng đều tham gia để nói chuyện luật tục cho buôn làng hiểu mà giúp cán bộ giữ cho buôn làng yên vui. Với những tình cảm, trách nhiệm gắn bó cùng nhau, bằng sự nghiêm minh của pháp luật và sức mạnh của luật tục, cán bộ Quang cùng tổ công tác của Công an tỉnh, Công an huyện, Công an xã và các già làng Aê Cheng, Aê Nháp đã giúp cho những người vi phạm sớm hoàn lương. Trong đó, có những đối tượng ngoan cố như Y Nguyên Byă, Y Theo B’krông, Y Đrung Byă, Y Lhiăm, Y Sơm, Y Bút Niê, Ama Nhiếp, Y Thăn Byă, Y Ven Niê... thì tổ công tác phải đến tận nhà để cùng gia đình giáo dục, cảm hóa, giúp họ nhận ra sai trái. Hôm nhóm phóng viên chúng tôi đi cùng tổ công tác của cán bộ Quang và già làng Aê Cheng đến buôn Knia 2, nhà thăm gia đình anh Y Ven Niê, anh cho biết: “Hồi xưa mình sống với vợ con làm rẫy, làm ruộng bình thường. Rồi sau đó, 2008 có Y Mút, Y Doen là bọn xấu ở bên Mỹ điện thoại về lôi kéo đi bạo loạn, biểu tình, gây chia rẽ anh em… Sau đó có ông Aê Cheng là già làng và ông Quang là Công an huyện giáo dục em và nhiều người khác nữa hiểu. Sau nhiều lần em và nhiều thanh niên làm sai trái đã hiểu ra sai lầm. Giờ em làm ăn. Đến nay em với người khác làm cà phê, làm ruộng với vợ con, ở với buôn làng, không làm gì theo bọn xấu nữa. Em cảm ơn già làng, Công an huyện, Công an tỉnh đã giáo dục em. Từ nay em lo làm ăn để trở thành người tốt”.
Kể từ ngày cán bộ Quang và tổ công tác của Công an huyện Buôn Đôn đến ở thường trực tại xã Ea Bar, tới nay cũng đã thấm thoắt hơn 10 mùa rẫy. Qua bao nhiêu việc, cái bụng cùng lo, cái đầu cùng nghĩ, cái tay, cái chân cùng làm, hai cha con già làng Aê Cheng và các cán bộ Công an cùng già làng Aê Nháp đã trả lại sự bình yên như trước cho các buôn làng. Không chỉ an ninh trật tự được ổn định, mà hơn 10 năm qua, con mắt của già làng Aê Cheng, rồi già làng Aê Nháp cũng như bà con ở các buôn trong xã Ea Bar cũng được chứng kiến, đón nhận thêm nhiều niềm vui như bao buôn làng khác ở Tây Nguyên. Đó là những đợt cán bộ trên tỉnh, trên huyện về giao lưu, kết nghĩa, lao động giúp dân ở buôn K’Nia và các buôn khác; rồi các hộ nghèo được vay vốn, nhận bò theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ; trong buôn, nhiều ngôi nhà, nhiều con đường được mở, ngôi trường mới được xây. Ngoài những lúc đi theo tổ công tác của cán bộ Quang để lo việc chung của buôn, của xã, thời gian còn lại thì già làng Aê Cheng lại cùng gia đình chăm lo làm ăn. Có nhiều đất rẫy, được mùa cà phê, nên chuyện cơm áo đối với gia đình già Aê Cheng cũng như bên gia đình già làng Aê Nháp mấy năm nay không phải lo! Sau những vụ mùa no ấm, già Aê Nháp lại sang gặp già Aê Cheng để vít rượu cần, đánh đàn Gong, thổi Đing năm, Đing tút, múa hát ay ray cùng con cháu. Vui hơn nữa là trong những dịp tết gần đây, già Aê Cheng cả già Aê Nháp đã vinh dự được Đảng, chính quyền, Công an tỉnh Đắk Lắk ghi nhận là những già làng tiêu biểu và mời cả hai già đi dự nhiều buổi giao lưu cồng chiêng, tôn vinh, trao quà tình nghĩa.
Chuyện chung của buôn làng, của xã, của huyện càng vui bao nhiêu, thì chuyện riêng, chuyện tình nghĩa giữa gia đình già làng Aê Cheng với gia đình cán bộ Quang càng thêm vui bấy nhiêu. Đó không chỉ là chuyện cả hai vợ chồng của cán bộ Quang đều được thăng lương, nâng cấp bậc, mà vui hơn nữa, họ đã có thêm đứa con gái thứ 2 là cháu Phương Thảo. Ông bà Aê Cheng mừng quá, đặt thêm một cái tên buôn làng cho Phương Thảo là H’Dy. Vậy là sau 3 năm làm lễ cúng sức khỏe cho con gái đầu, cán bộ Quang lại đưa vợ, 2 đứa con gái và cả mẹ ruột của mình vào buôn K’Nia để ông Bà Aê Cheng làm Lễ cúng sức khỏe cho con gái thứ 2 vừa mới sinh được mấy tháng.
Lâu nay, mới nghe vợ chồng con trai kể chuyện, còn hôm nay, được vào buôn K’Nia, tận mắt nhìn thấy mọi chuyện, bà Phương - mẹ ruột của cán bộ Quang xúc động nói với ông bà Aê Cheng: “…Hôm nay tôi vào đây, thấy ông, bà, dòng họ và buôn làng nhận Quang làm con kết nghĩa… rồi làm lễ cúng sức khỏe cho 2 đứa cháu Phương Nguyên – H’Ny, Phương Thảo – H’Dy, tôi cảm động quá! Lâu nay, ông, bà và mọi người trong buôn làng giúp cháu Quang nhiều việc khó, để cháu nó hoàn thành tốt nhiệm vụ… Tôi không biết lấy chi đền đáp cho ông, bà!”.
Còn già làng Aê Cheng, vừa bế cháu H’Dy, vừa vui vẻ đáp: “Có cả bà từ ngoài Bắc vào đây thăm… có hai con, có cả hai cháu vào đây, thì cái bụng già này mừng lắm lắm rồi! Gia đình mình có đông vui như ngày hôm nay, để già cúng mừng cái nhà sàn mới làm xong và cúng sức khỏe cho cả cháu H’Dy nữa, để nó mau lớn, học giỏi… Theo cái phong tục tập quán của người dân tộc Êđê đó bà! Con Quang và các cháu nó chưa biết thì mình phải dạy. Còn cái công việc xã hội của con Quang nó, có gì khó trong buôn, trong xã thì mình phải giúp con… Bà đừng lo nghĩ chuyện này chuyện khác nghe. Thôi cả nhà mình uống rượu, cúng mừng sức khỏe cho cháu H’Dy…”
Buổi lễ cúng sức khỏe cho cháu Phương Thảo - H’Dy hôm nay tràn ngập niềm vui. Bởi vì có cả bà nội ruột của cháu từ ngoài tỉnh Hưng Yên vào đây! Nhờ có đứa con trai kết nghĩa với gia đình già làng Aê Cheng mà bà Phương được vào đây, biết thêm một gia đình mới, biết về buôn K’Nia và những con người đáng yêu, đáng quý ở đây!
Sau những nghi thức cúng nhà sàn mới và cúng sức khỏe cho cháu H’Dy, chuyện trò thăm hỏi râm ran, mọi người trong gia đình, dòng họ cùng nhau vít những ché rượu cần ngọt lịm do chính tay già làng Aê Cheng làm ủ từ lâu, rồi ăn món canh cà đắng đậm bùi, thơm ngon do chính tay Tuôl Cheng nấu. Trong men tình, men rượu lâng lâng, mọi người còn được nghe Y Linh H’Mook, người con trai thứ 4 của già làng Aê Cheng (làm cán bộ văn hóa trên huyện) ôm guitare say sưa truyền cảm hát bài Chung dòng sữa mẹ (của Nhạc sỹ Y Phôn Ksor):
Một đêm trăng sáng lung linh
ngồi nghe mẹ kể chuyện
lắng nghe tiếng sáo của cha.
Đôi ta chung dòng sữa mẹ
lời ru em tiếng hát đêm đêm. 
Một đêm trăng sáng xa xưa
ngồi nghe mẹ kể khan
thuở đất trời còn giao hòa
đôi ta sinh ra một thời, thương nhau tha thiết đắm say. 
Em theo mẹ lên núi
Anh theo cha xuống biển
Đôi ta không bao giờ quên, nghĩa xưa...nghĩa xưa...
Tình yêu ấy cháy mãi trong tôi, còn vang mãi trong tim mỗi người
từ ngàn đời không bao giờ phai ơhơ...ơhơ..ơhớ.
Đôi ta từ thuở bé nhỏ, theo mẹ lên rẫy lên nương
Đôi ta chung dòng sữa mẹ, sinh ra cùng mẹ một cha…



Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

ĐỌC LẠI TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA HỒ CHÍ MINH tác giả NGUYỄN DUY XUÂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 325 THÁNG 9 NĂM 2019











Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng vạn người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Ra đời trong hoàn cảnh đó, “Tuyên ngôn Độc lập” được đánh giá là áng văn lịch sử tiêu biểu, là thiên cổ hùng văn. “Tuyên ngôn Độc lập” là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên).
Mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh nêu “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Bất ngờ nhất là “những lẽ phải” ấy lại được Hồ Chí Minh  rút ra từ hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của nước Pháp và nước Mĩ. Không chỉ người Việt Nam, mà ngay cả người Mĩ cũng bàng hoàng khi nghe lời mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một “lời bất hủ” trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Để làm nổi bật tính phổ biến của những lẽ phải, Hồ Chí Minh còn dẫn một câu trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Sở dĩ Hồ Chí Minh mở đầu bản Tuyên ngôn như vậy là vì mấy lẽ:
Thứ nhất, bản “Tuyên ngôn Độc lập” không phải nói với đồng bào trong nước mà còn tuyên bố trước nhân dân thế giới, tuyên bố cho bọn đế quốc thực dân đang lăm le cướp nước ta một lần nữa.
Thứ hai, Hồ Chí Minh muốn cho nhân dân ta và nhân dân thế giới biết là dân tộc Việt Nam đứng về phía “lẽ phải”, về phía văn minh của nhân loại.
Cách lập luận đó còn là tiền đề cho việc kết tội thực dân Pháp.
Những “lời bất hủ” trong bản tuyên ngôn của Mĩ và Pháp đã trở thành cơ sở pháp lí để Hồ Chí Minh kết tội thực dân, đế quốc: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Sau khi kết tội thực dân Pháp một cách khái quát, Hồ Chí Minh nêu những dẫn chứng cụ thể, lột cái mặt nạ bảo hộ của thực dân Pháp trước toàn thể nhân loại.
“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”. Lối kể tội của tác giả hùng hồn và đanh thép. Cách lập luận trùng điệp như: “Chúng thi hành…”, “Chúng lập ra…”, “Chúng thẳng tay chém giết…” thể hiện được tội ác chồng chất của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Cách dùng hình ảnh của tác giả làm nổi bật sự tàn bạo của thực dân Pháp. “Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.
Về kinh tế, Hồ Chí Minh cũng kết tội thực dân Pháp từ khái quát đến cụ thể: “Chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. Hồ Chí Minh quan tâm đến tất cả các hạng người như “dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng”, “chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”. Lập luận như thế là Hồ Chí Minh muốn tranh thủ sự ủng hộ của khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc bảo vệ nền độc lập.
Tội ác lớn nhất của thực dân Pháp là đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kì, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.
Tác giả cũng không bỏ sót những tội ác khác của bọn thực dân Pháp như “trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”, tội “thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa”, tội “giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.
Kết tội thực dân Pháp một cách hùng hồn và đanh thép như vậy, tác giả nhằm đạt được mấy ý nghĩa sau đây:
- Phơi bày bản chất tàn bạo, dã man của thực dân Pháp, lột mặt nạ “khai hoá”, “bảo hộ” của chúng trước nhân dân toàn thế giới.
- Khơi dậy lòng căm thù của nhân dân ta đối với thực dân Pháp để nhân dân ta quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.
- Biểu dương sức mạnh của nhân dân ta trong công cuộc chống thực dân phong kiến để giành lấy nền độc lập “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà”.
- Biểu dương truyền thống bất khuất của dân tộc, nhằm kích thích tinh thần tự hào dân tộc, kích thích ý chí đấu tranh để nhân dân ta quyết tâm chống lại âm mưu của thực dân Pháp. Mặt khác, nhằm cảnh cáo những kẻ thù ngoại bang mà nguy hiểm nhất là thực dân Pháp lúc bấy giờ vẫn chưa từ bỏ mộng “bảo hộ” nước ta một lần nữa.
Đoạn văn trên được tác giả diễn tả đầy hào khí. Chỉ có 9 chữ (“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”) mà Hồ Chí Minh dựng lại cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động và cực kì oanh liệt của dân tộc ta.
Hồ Chí Minh cũng khéo léo tranh thủ sự ủng hộ của Đồng minh đối với nền độc lập mà dân tộc ta đã đổ xương máu để giành lại: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
Sau khi trình bày những lí lẽ hùng hồn và đanh thép, thấu lí, đạt tình, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Với lời tuyên bố hùng hồn và đanh thép đó, một lần nữa, Hồ Chí Minh dẹp tan mối hoài nghi của một số người trong nước và nhân dân thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Người cũng nêu lên nhiệm vụ trọng đại của dân tộc ta trong giai đoạn này là “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
“Tuyên ngôn Độc lập” là kiệt tác của Hồ Chí Minh. Bằng tâm huyết và tài hoa, Người đã thể hiện được khí phách của cả một dân tộc từ nô lệ bùn đen vùng dậy chống đế quốc, thực dân phong kiến, giành độc lập tự do cho nước nhà.
Với “Tuyên ngôn Độc lập”, lần đầu tiên nước Việt Nam hiện diện trên trường quốc tế với tư cách là một nước tự do và độc lập và nhân dân thế giới cũng thấy được tinh thần quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Tầm vóc của dân tộc có thể nói lớn dần lên từ đó trong con mắt nhân loại.
Kỉ niệm Ngày Quốc khánh, đọc lại “Tuyên ngôn Độc lập” – áng văn bất hủ của Hồ Chí Minh – lòng ta càng thêm tự hào về truyền thống anh dũng bất khuất của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha; càng thêm tự hào về vị lãnh tụ kính yêu, đã hi sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
“Tuyên ngôn Độc lập” mãi mãi ngân vang trong tim mỗi người dân Việt Nam về hào khí một thời của cha anh. Nó tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ chúng ta trên con đường đi tới tương lai vì một nước Việt Nam hùng cường, độc lập, tự do, hạnh phúc!