Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

NGHỆ THUẬT LÀM NÊU CỦA NGƯỜI M’NÔNG TRONG SỬ THI “LÊNG ĐI LÀM NÊU” tác giả TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ: 324 tháng 8 năm 2019





Sử thi “Lêng đi làm nêu” là một trong những sử thi độc đáo nằm trong bộ sử thi liên hoàn đồ sộ của người M’nông. Sử thi kể rằng: Bon Tiăng con Kop cùng chung bà tổ với bon Tiăng con Rõng, là một bon giàu có nhất vùng. Một hôm, Tiăng con Kop gọi hai em Ting, Mbong đến và bảo: Đàn ếch ta nuôi đã lớn, suối cá ta nuôi đã nhiều, đàn trâu bò ta nuôi đã to béo, nó sinh con đẻ cháu đầy bãi trước, chật bãi sau, nay ta phải làm lễ cúng thần để tạ ơn. Một con cá, một con ếch ta muốn đãi nhiều người. Một nồi cơm ta muốn mời trăm khách. Một con trâu ta muốn mời ngàn khách. Do vậy ta muốn làm lễ ăn trâu để cúng sức khỏe. Ta giao cho hai em đi đến bon Tiăng con Rõng mời anh em họ hàng đến đây dự lễ ăn trâu. Nghe anh Tiăng con Kop nói vậy, hai chàng Ting và Mbong lên đường đi ngay.
Ở nhà, Tiăng con Kop giao cho cậu bé Lêng con Rung mới được năm mùa rẫy đi vào rừng chặt đá làm cây nêu. Lêng tha chiếc rìu lớn hơn đầu mình đi vào rừng. Lêng đi đến suối Klong Srung, Klong Bông rồi cầm rìu chặt đá. Lêng cố gắng vung rìu lên chặt đá, nhưng đá vẫn trơ như không. Lêng vung rìu lần thứ hai, rồi lần thứ ba, nhưng đá vẫn không hề gì. Lúc này mồ hôi Lêng vã ra như tắm. Lêng vừa đói vừa khát, vừa mệt, vừa kiệt sức. Cậu ta thở hổn hển như heo bị chọc tiết, cố sức bò lại gốc cây đa dựa lưng vào thân cây rồi lịm dần.
Ba ngày sau, hai nữ thần Bing, Jông con Vach đi ra suối tắm. Vừa đến bờ suối, hai thần đã thấy một cậu bé chết còng queo bên gốc đa. Hai thần hoảng hốt chạy về báo cho hai anh mình biết. Hai thần Yung, Jrêng vội vàng chạy ra bờ suối thì thấy một cậu bé nằm còng queo bên gốc cây đa. Thần Yung liền lấy củ ngải thần ra nhai kỹ rồi thổi vào người Lêng. Một lúc sau Lêng đã cử động chân tay và từ từ mở mắt ra. Cậu bé ngồi dậy nhìn mọi người thấy toàn là người lạ định bỏ chạy. Nhưng thần Yung nhanh tay giữ lại và hỏi: Em là ai, từ bon nào đến đây? Tại sao chết ở nơi này?
Lêng liền nói: Các anh hãy nói tên tuổi, bon làng trước thì em mới nói sau!
Thần Yung nói: Anh là thần Yung con Vach. Còn đây là thần Jrêng, thần Bing, Jong con Vach, cùng họ với Ting con Bong và Tiăng con Rõng.
Nghe thần Yung con Vach nói vậy, Lêng liền thưa: Em là Lêng con Rung, là em của Tiăng, và Yang con Rõng, con cháu mẹ Bong, cùng dòng họ với các  anh. Đầu mùa rẫy năm ngoái, Tiăng con Kop đến nhà anh Tiăng con Rõng xin em về để làm cây nêu cho lễ ăn trâu cúng sức khỏe. Em mới năm mùa rẫy, nhưng anh Tiăng con Kop vẫn bắt em tha chiếc rìu to và nặng đi vào suối Klong Srung, Klong Bong chặt đá làm cây nêu. Đến đây em vung rìu chặt đá rồi kiệt sức và nằm ngủ luôn. Bây giờ em không làm được nêu, em về nhà Tiăng con Kop sẽ đánh em. Em nhờ các anh giúp em làm nêu có được không?
Thần Yung nghe Lêng nói vậy liền nói: Các anh cũng chưa làm nêu bao giờ, nhưng thử làm giúp em. Rồi tự nhiên những cái rìu hiện ra, các thần Yung, Jrêng, Bing, Jông cầm rìu đẽo đá làm nêu. Một lúc sau cây nêu đá đã được làm xong. Cây nêu cao tận trời tỏa ánh sáng cả một vùng. Cây nêu có khắc hình người ở giữa. Hình người giống nàng Bing con Kop.
Bên trái hình người có khắc hoa
Bên phải hình người có khắc hoa
Tiếng nhạc nêu vang khắp rừng núi
Tiếng nhạc nêu vang khắp mọi vùng.
Làm nêu xong thần Yung, thần Jrêng giao cho Lêng. Lêng nhận nêu vui sướng, cúi đầu cảm tạ các thần. Một lúc sau Lêng nói: Em còn nhỏ không mang nổi cây nêu này, nhờ các thần thổi cho em to lớn, khỏe mạnh để mang nêu về. Thần Yung nghe Lêng nói liền lấy củ ngải thần giã nát cho Lêng uống. Vừa uống xong Lêng đã trở thành một dũng sĩ cao lớn như người khổng lồ. Hai thần còn truyền cho Lêng có phép thần để thu cây nêu lại nhỏ bằng nắm tay và giấu trong bụng. Lêng thu người nhỏ lại như cũ. Làm xong mọi việc, Lêng chia tay các thần rồi chặt một cây gòn trơn kéo về nhà.
Về đến nhà, Tiăng con Kop hỏi Lêng cây nêu đâu rồi. Lêng trả lời: em chặt đá không vỡ, nên không làm nêu được. Em đành chặt cây gòn gai mang về cho các anh làm nêu vậy. Tiăng tức giận quắc mắt nhìn Lêng, chửi mắng Lêng thậm tệ. Đến ngày lễ, anh em Tiăng con Kop đành chôn cây gòn gai của Lêng mang về làm nêu. Rồi họ làm lễ buộc trâu vào gốc nêu:
Bên ba, bên ba họ cột trâu mẹ
Bên ba, bên năm trâu đực ở giữa
Bên năm, bên mười trâu Dăm Bri ở giữa.
Sau đó họ bưng ra hàng trăm ché rượu ngon để cúng yàng. Lúc này các đoàn khách bon con Rõng, bon Bu M’Biat, Bu R’Đê, Bu R’Ông, Bu Siêng… lần lượt mang rượu, mang heo, mang trâu đến mừng lễ hội của bon con Kop. Chủ nhà và các đoàn khách cùng nhau diễn tấu cồng chiêng, vừa đi vừa múa hát xung quanh cây nêu. Một lúc sau họ cùng nhau ăn uống vui vẻ cho đến khuya.
Lúc này, Lêng nhớ lời dặn của thần Yung: “Chờ đêm tối, mọi người ngủ say thì em mới ra sân dựng nêu thần.” Thế rồi Lêng lấy củ ngải ra nhai kỹ và phun khắp nhà. Lúc này mọi người đã ngủ lại càng ngủ say hơn. Làm xong Lêng bước ra sân đập tay vào đùi mình, bỗng nhiên cây nêu thần mọc lên ngay giữa sân tỏa ánh sáng rực rỡ: “Tiếng nhạc nêu vang lên từ đồng cỏ. Tiếng nhạc nêu vang lên từ cánh đồng. Nêu tượng người dựng ngay trước nhà. Nêu cao vút tỏa sáng cả vùng trời. Nêu dựng lên sáng hơn ban ngày. Nêu khắc hoa văn không thể nào chê. Khắc hình tép, đàn tép biết bò. Khắc hình cua, đàn cua biết đi. Khắc hình chim, đàn chim biết hót. Khắc hình người giống hệt nàng Bing con Kop. Đôi chân nàng như có ai đẽo. Mái tóc nàng như có ai cắt. Nàng đeo xâu cườm uốn cong như cần rượu. Tượng gỗ hình người có thể nói được. Tượng gỗ hình người có thể cười được. Tượng gỗ tình người có thể hát được.
                Gió thổi nhẹ cành nêu đã rung
               Những hoa bạc, hoa vàng cây nêu ngân vang.”
Nhạc cây nêu vang khắp núi rừng, nó vang đến các bon làng gần xa làm cho người dân các bon này không ngủ được. Họ trèo lên ngọn đa xem thì thấy bon con Kop có cây nêu sáng rực, tiếng nhạc nêu ngân vang nghe thật vui tai. Họ thán phục bon con Kop làm được cây nêu này và khao khát có được cây nêu như bon con Kop.
Lúc này Tiăng, Ting, Mbong con Kop thức dậy, họ bước ra ngoài sân và thấy cây nêu đá thần kỳ đã dựng sừng sững giữa sân, tỏa ánh sáng rực rỡ đủ màu sắc, tiếng nhạc nêu du dương trầm bổng ngân vang khắp núi rừng. Họ gọi Lêng dậy xin lỗi vì đã mắng oan em. Rồi Tiăng con Kop sai con cháu mang ra hàng trăm ché rượu, thui con bò to béo làm lễ cúng thần linh đã phù hộ cho bon con Kop làm được cây nêu thần bằng đá, có nhạc, có ánh sáng, có chim hót, có hình người biết nói mà xưa nay chưa bon nào có được.
Sử thi “Lêng đi làm nêu” là một sử thi đẹp. Nó phản ánh nghệ thuật làm nêu của người M’nông cổ đại; đồng thời ca ngợi những con người có bàn tay vàng đã làm nên cây nêu thần kỳ. Bên cạnh đó sử thi còn ca ngợi tình yêu thương, đùm bọc của con người. Đó là hình tượng các vị thần Yung, Jrêng con Vach. Họ đã cứu sống em Lêng và giúp Lêng làm cây nêu đá thần kỳ cho bon con Kop mà không bon làng nào sánh được. Ngôn ngữ sử thi theo dòng thơ dân gian, gần gũi với nhịp điệu dân ca của người M’nông, như Nau Mpring (hát giao duyên), Ốt M’pơ (hát đối đáp), Jo nau Nheng (hát vui), Tăm hôr (hát đố)… giàu hình tượng, giàu chất huyền thoại làm cho người nghe bị lôi cuốn, dễ nhớ, dễ lưu truyền. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của văn hóa đương đại, ảnh hưởng mặt trái kinh tế thị trường, ảnh hưởng của đô thị hóa nông thôn, nên sử thi M’nông nói riêng và sử thi các tộc người bản địa ở Tây Nguyên nói chung đang đứng trước nguy cơ mai một. Tuy vậy những giá trị đích thực của nó vẫn sống mãi trong đời sống cộng đồng.


1 nhận xét:

  1. Xin phép được đăng lại một số bài viết anh đã đăng trên M21love. Không bao gồm các hình ảnh. Cụ thể đăng bài nào em sẽ trích dẫn và đính kèm Link.
    Lý do: Có những bài viết cực kỳ hay về văn hóa và em muốn bạn đọc của M21love biết đến các bài viết này nhiều hơn, cũng như biết đến con người Tây Nguyên chúng ta.
    Nếu anh đồng ý, vui lòng thông báo cho em qua địa chỉ email: alivaut@gmail.com

    Trân trọng,

    Trả lờiXóa

NHẬN XÉT MỚI