(Nhân đọc tập ký : “Người Kiên Cường” - NXBQĐND-2018)
Nguyễn Liên không chỉ viết ký mà anh còn viết
tiểu thuyết, truyện ngắn thậm chí anh còn
làm họa sĩ trang trí sân khấu, viết kịch bản phim, phóng sự có thời gian làm
truyền hình nữa. Anh quả là người năng động và sung sức.
Tập ký: “Người Kiên Cường” là tập sách được
NXBQĐND ấn hành vào tháng 6 năm 2018.
Đây là tập ký thứ ba, trước đó anh đã cho ra mắt hai tập: “Xôn xao lòng rừng” do Nhà xuất bản VHDT ấn hành năm
2004 và “Cửa Hà dòng sông Gấm” do NXB Văn học ấn hành năm 2008. Vừa ra mắt, tập ký này
đã tạo được sự chú ý của bạn đọc bởi nó làm rất tốt chức năng cơ bản của văn học
nghệ thuật đó là chức năng giáo dục tư
tưởng, dựng xây phẩm chất, nhân cách con người.
Trong tập ký, Nguyễn Liên dựng lên mười bốn
bức chân dung, có bức chân dung là vị tướng,
có bức chân dung là cựu chiến binh, có bức chân dung là Anh hùng lực lượng vũ
trang, có bức chân dung là một tập thể
chiến sỹ hy sinh vì nước, có bức chân dung là cả tập thể người dân rất đỗi bình
thường. Nghĩa là đối tượng phản ánh của Nguyễn Liên đa dạng, phong phú. Mười bốn
bức chân dung ấy mỗi bức chân dung có một vẻ đẹp khác nhau nhưng đều có một vẻ
đẹp sáng nhất đó là: khát khao độc lập dân tộc, khát khao cho dân hạnh phúc, ấm
no, an lành. Mười bốn bức chân dung ấy đều có một đặc điểm chung nổi bật đó là:
dũng cảm, thông minh, mưu trí, nghị lực phi thường. Mười bốn bức chân dung ấy đều
có một trái tim lớn: nồng ấm tính nhân văn sâu sắc và tấm lòng cao cả.
Lật mở từng trang trong tập ký, người đọc
trước hết cảm phục tư cách làm người của họ.
Họ giản dị, mộc mạc, chân thành và trong sáng vô cùng. Dù là tướng, là chỉ huy,
thủ trưởng hay là lính nhưng không có lằn ranh ngăn cách. Họ tôn trọng yêu
thương cả đối thủ một mất một còn của mình khi đối thủ đã thảm bại. Còn nhớ, tác giả
trực tiếp kể tôi nghe một sự việc rất nhỏ về Trung tướng Khuất Duy Tiến khi ông chỉ huy trận đánh với Lữ đoàn dù 3 ngụy quân tại cao
điểm 1015, phía địch gọi là căn cứ Sác-ly nằm ở bờ tây sông Pô-Cô (Ngọc Hồi-Kon
Tum). Đó là vào tháng 4 năm 1972, trận đánh ấy diễn ra vô cùng ác liệt và cam go
song cuối cùng ta chiến thắng và bắt sống được tên Lữ đoàn trưởng – Đại tá Nguyễn
Văn Thọ. Khi cấp dưới giải tên Lữ đoàn trưởng lên báo cáo với tướng Khuất Duy
Tiến (khi ấy ông là Trung đoàn Trưởng trung đoàn 64). Cử chỉ đầu tiên của ông
là đỡ Thọ ngồi xuống và hỏi có đói và sợ không rồi ông lấy sữa bột pha cho Thọ
uống với vẻ mặt rất thân tình. Tôi rất tiếc khi chi tiết này lại không có trong bài ký viết
về tướng Khuất Duy Tiến – bài: “Những người một thời với Tây Nguyên”. Một chi tiết nhỏ nữa
cũng vô cùng cảm động về lòng nhân ái của Đại tá Chính ủy Đinh Hữu Tấn.
Đó là trưa ngày 18 tháng 3 năm 1975 đang trên đường làm nhiệm vụ, ở ven đường có đám đông nhốn nháo, một cụ già chừng 80 tuổi đói lả,
Chính ủy liền bảo dừng xe và lấy sữa đưa cụ uống, chính ủy còn khuyên mọi người
hãy trở về nhà làm ăn sinh sống bình thường, bộ đội cách mạng cũng là dân nên không phải sợ và ông ra lệnh cho bộ đội khuân những bao
gạo trên xe xuống phát cho dân (Ký ức tháng ba). Những chi tiết như thế tưởng
là nhỏ nhưng tôi lại đánh giá rất cao vì chính những chi tiết nhỏ ấy mới là những
chi tiết lột tả được bản chất của đối tượng cần biểu hiện.
Tập ký: “Người Kiên Cường” chỉ gói gọn chưa
đến 200 trang sách (khổ 13x19) nhưng đựng
chứa trong đó rất nhiều điều. Có thể nói rằng đối tượng đọc của tập ký rất đa dạng phù hợp cho mọi
giới, mọi thành phần. Với người nhiều tuổi sẽ đem lại niềm vui với lòng tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, với thanh thiếu niên đó là niềm
khao khát tự vươn lên để trở thành người có ích cho cuộc sống, với các em đang ngồi trên ghế nhà trường khi đọc tập ký này như là một lần
thử thách ý chí, nghị lực và hơn hết là giáo dục truyền thống cách mạng của cha
ông, giáo dục nhân cách làm người, giáo dục lý tưởng sống đúng đắn và đẹp đẽ. Mười
bốn bức chân dung trong tập ký là mười bốn tấm gương để người đọc soi vào mà ngẫm
nghĩ suy tư về cha ông, về dân tộc, về lịch sử oai hùng của quân dân ta. Tôi
tin rằng nếu ai đó đã đọc dù chỉ một lần thôi cũng tự rút ra cho mình điều gì đó bổ ích. Đó
là sự thành công của tập ký mà Nguyễn Liên đem đến cho người đọc.
Không gian-thời gian trong tập ký: “Người
Kiên Cường” là không gian thời gian thực nhưng
thay đổi liên tục theo mạch kể của từng câu chuyện. Đây cũng là một yếu tố làm
nên sự hấp dẫn của tập ký. Không gian được trải khắp các vùng của Tây Nguyên. Khi ở cao
nguyên Đắk Lắk người đọc được gặp tướng Y Blôk Êban, từ một anh lính khố xanh
đã phấn đấu không ngừng để trở thành một vị tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam với tài bắn ná có một không hai (Cây kơ-nia
vẫn thẳng). Về bản làng Đắk Nông, tác
giả cho người đọc gặp đại tá Niê Kdam Sok với những suy tư trăn trở tại
sao đồng bào của ông không thoát ra được tư tưởng cố hữu của người nông dân miền
núi, ỷ lại tiềm năng của núi rừng, làm đâu ăn đó, nhà cửa tạm bợ (Già làng bon
Blăn). Tới sông suối Kon Tum người đọc không thể quên tướng A Sang, một người
mang đậm chất của núi rừng Dăk Glei tận nơi thượng nguồn dòng Pô Cô (Lão tướng
Giẻ Triêng). Ghé thăm sông núi của Gia Lai người đọc cảm phục, tự hào mảnh đất
anh hùng Krông Pa đã sinh ra các anh hùng trong đó có một người con dân tộc
Gia Rai, thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Rơ Ô Cheo với những chiến
tích lẫy lừng trong từng trận đánh (Người cưỡi ngựa trắng). Đến
nước non Lâm Đồng tác giả cho chúng ta gặp thiếu tướng Phạm Văn Kha với sự giản
dị, mộc mạc đến không ngờ, vẫn phảng phất đâu đó nét chất phác, đôn hậu của một
ông già nông dân vùng đồng bằng sông Hồng - Bắc Bộ. Và còn nhiều, nhiều nữa…
Người đọc không thể không nghiêng mình cảm phục, yêu kính họ.
Người viết ký đi nhiều, cẩn thận từng số liệu,
tỉ mỉ từng chi tiết, sự việc bởi ký tôn trọng sự thật, không có yếu tố hư
cấu, Nguyễn Liên đã làm được điều này. Anh không làm công việc của người viết
thống kê. Anh không thuần túy đưa các số liệu, sự việc… theo kiểu liệt kê, trình bày mà anh biết cách chêm xen theo mạch
kể cho phù hợp nên tạo được giọng riêng của mình. Có người cho rằng
ký trước hết là thực tế cuộc sống. Đúng song chưa đủ,
đó mới chỉ là điều kiện cần, để đủ và hoàn chỉnh; người viết ký phải từ cái thực
tế cuộc sống ấy mà làm cho sự thật sáng lấp lánh
lên, cái sự thật ấy là cốt lõi của ký. Như vậy nhiều khi sự việc xảy ra trong thực tế cuộc sống nó vẫn chưa phải là sự thật khách quan,
nó mới chỉ là chất liệu ban đầu, tạo tiền đề cho nhà văn thâm nhập, chuyển hóa
vào đối tượng mình cần biểu hiện. Việc khai thác tâm trạng nhân vât để bật nổi
cá tính mà
vẫn
không hư cấu đó là cái khó đối với người viết ký nhưng trong một số bài ký Nguyễn Liên đã
làm được đó lại là một thành công nữa của anh trong tập ký này. Đương nhiên có
bài còn sơ lược, cần đầu tư kĩ lưỡng hơn.
Văn phong trong tập ký là văn phong của một người lính thực
thụ: giản dị, bộc trực, thẳng thắn, chân thành không ám chỉ, vòng vo. Có được
điều này hẳn Nguyễn Liên đã từng luồn rừng, mai phục, ém quân, bám địch, điều
nghiên, trinh sát… sống chết trong gang tấc với đồng đội nên văn của anh là văn
của những giọt mồ hôi đổ xuống từng quãng đường anh đã đi qua, là văn của chi
tiết, sự việc, số liệu còn tươi ròng sự sống. Mỗi trang viết của anh là một trải
nghiệm, là một nghĩa cử ân tình nồng đượm với đồng đội, thời gian sẽ qua nhưng
ân tình còn vương đọng mãi trong lòng mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI