Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

SỨC SỐNG NƠI PHÊN GIẬU TỔ QUỐC bút ký của NGUYỄN LIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ: 325 THÁNG 9 NĂM 2019

 
 



Năm đó tôi có chuyến cùng một số nhà văn, nhà báo Đắk Lắk lên các đồn biên giới thâm nhập lấy tài liệu viết bài nhân dịp ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng. Chiếc xe U-oát của Bộ Chỉ huy Biên phòng Đắk Lắk chở chúng tôi khởi hành rời thành phố Buôn Ma Thuột từ sáng sớm đến chiều mới xuyên rừng vùng biên khi mặt trời đỏ như chiếc mâm lửa đang hạ dần xuống phía Tây sau những thân cây khộp thật thơ mộng. Tôi được gửi lại đồn 737 để xe tiếp tục chở những người còn lại đến các đồn khác kịp trước khi trời tối. Theo yêu cầu của tôi, sau khi tranh thủ làm việc với chỉ huy đồn, một sĩ quan được Đồn trưởng phân công dùng chiếc xe máy Min-xcơ chở tôi xuống Đội công tác cơ sở cách đồn chừng bốn mươi cây số. Ngồi sau xe, tôi cứ phải ôm chặt lấy người sĩ quan biên phòng đang cầm tay lái nhảy chồm chồm như phi ngựa giữa hai bên rừng khộp khi trời đã chập choạng tối, đèn xe bật lên soi rõ con đường đất dốc bị mưa xói lở từng rãnh nham nhở kèm theo mùn đất cuộn lên bụi mù, con đường rừng này chỉ có loại xe Min-xcơ mới chịu nổi. Người sĩ quan vừa lái vừa giới thiệu với tôi về những cây khộp bị máy ủi dồn đống thành từng khoảng rộng do Binh đoàn 16 làm kinh tế đang mở đất để lập làng kinh tế quốc phòng, nơi kia là số dân Thanh Hóa di dời vào cho quê hương xây dựng lòng hồ thủy điện, dãy nhà mới xây dựng xong xếp thành từng hàng có dãy cột điện trước nhà để chuẩn bị đón đồng bào Bến Tre lên xây dựng kinh tế theo chủ trương xây dựng làng xã biên giới củng cố phên giậu Tổ quốc. Tôi miên man nghĩ đến công việc của cán bộ chiến sĩ đồn đang đảm nhiệm, với chiều dài hơn mười lăm cây số đường biên mênh mông rừng khộp, cách dòng suối bên kia là huyện Koh Nhéc và Cô-bai-don-ray, chốt số 6 cảnh sát Hoàng gia Căm-phu-chia, thuộc địa phận tỉnh Mun-dun-ki-ri. Bên phía bạn đơn giản bao nhiêu thì nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ biên phòng mình càng nặng nề bấy nhiêu. Đồn cảnh sát của bạn chỉ có ba người, ở trong một dãy nhà gỗ, căn nhà của biên phòng Việt Nam dựng cho. Có lần anh em biên phòng lấy thuyền chở chúng tôi “vượt biên” sang thăm, căn nhà trống vắng, màn buông thõng trống trơ, súng dựng trên giá không một bóng người; ngắm trước ngắm sau, không hề có dấu hiệu tăng gia sản xuất, cây rừng chen chân vào đến sát thềm nhà, thăm thú khắp nơi…, chừng mười lăm phút sau nghe tiếng xe máy khục khặc trong rừng, hai thanh niên lưng trần, quần quân phục bốn túi màu xanh, đeo giày vải cao cổ hì hục đẩy chiếc xe máy hết xăng trần trụi không chắn xích, chắn bùn... không khác gì xe của người đi rừng chở gỗ. Thì ra các chiến sĩ cảnh sát Hoàng gia bỏ nhiệm sở vào trong làng cách đó cả giờ chạy xe để uống rượu. Đừng tưởng họ như vậy mà mất cảnh giác, bài học kinh nghiệm năm 1978 còn đó, lính Pôn Pốt tràn qua cướp phá, giết người đốt nhà, cả tuyến biên giới Tây Nam rực lửa, bạn trở thành giặc đốt thiêu tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Ngay sau đó thực hiện chủ trương của nhà nước, các tuyến biên giới chúng ta đã có thêm các Binh đoàn quốc phòng làm kinh tế và sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đồng bào Thanh Hóa, Bến Tre theo kế hoạch di dân đã có mặt cùng Binh đoàn 16, lấy vùng đất biên giới để gắn bó, dải đất đồi trơ trụi chịu đựng ảnh hưởng khí hậu nóng rát nghiệt ngã của biên giới Việt Nam - Căm Pu Chia đã có thêm sức sống; bỗng tôi thấy chạnh lòng, đối với đồng bào dân tộc Thái huyện Thường Xuân, Thanh Hóa từng gắn bó với rừng thì không có gì ái ngại, nhưng đồng bào Bến Tre quen lối sống vùng sông nước Nam bộ, miền biển lên rừng sẽ sống thế nào đây? Binh đoàn 16 (Công ty) thành lập từng đội sản xuất theo khu dân cư, chia cho mỗi hộ 2 hecta đất canh tác, đất công ty trồng điều giao cho dân nhận chăm sóc, mỗi đội có một cái giếng dùng nước cho sinh hoạt. Người đồng bằng lên rừng gặp không ít khó khăn, những hộ xa quê đi xây dựng kinh tế là những hộ không khá giả gì, thậm chí nhiều hộ thuộc diện nghèo, đã khó càng thêm khó. Bộ đội Biên phòng có dự án giúp dân ổn định cuộc sống trước mắt, cấp cho những hộ đói nghèo một cặp bò chăn nuôi phát triển kinh tế, các anh đến từng hộ khảo sát giúp dân đưa các loại gia súc gia cầm vào chăn nuôi, trong đó có cả các loại thú hoang dã đem về thuần dưỡng. Năm 2006 căn cứ vào dân cư và điều kiện cuộc sống, chủ trương của tỉnh, huyện đã thành lập đơn vị hành chính khu dân cư thuộc Binh đoàn quốc phòng trên địa bàn thành xã Ia R’vê; theo tiếng Ja Rai thì “Ia” nghĩa là suối, cái địa danh Ia Rvê là con suối Rvê, tiếng là thế nhưng cả một dải đất khô cằn có con suối chỉ chứa nước vào mùa mưa, mùa khô đến cây khộp quen khí hậu cũng khô lá trơ cành, dấu tích dòng suối chỉ còn là những vũng nước đọng ít ỏi. Đất Ea Súp nói chung, xã Ia Rvê nói riêng chỉ trồng được cây điều, cây mì, cây bắp là loại chịu hạn.
Dịp này tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ Bến Tre đi thực tế thâm nhập đời sống đồng bào nơi phên giậu phía Tây Đắk Lắk một ngày trung tuần tháng Bảy, may sao vào đúng ngày trời vật vã chuyển mùa, mây vần vũ làm dịu bớt cái nắng nóng thường ngày của khí hậu biên giới Campuchia. Đường giao thông lên tới xã biên giới đã được trải nhựa, đổ bê tông, dù từ huyện lên xã Ia Rvê do xe quá tải, xe máy cày chạy nhiều có những đoạn bong tróc trũng xuống thành những ổ voi, nhưng so với trước kia đã thuận lợi hơn rất nhiều. Xe chúng tôi khởi hành từ Buôn Ma Thuột khi ăn sáng uống cà phê xong, đến quá 11 giờ trưa đã đến xã biên giới. Anh Lương Văn Trung, người con dân tộc Thái ở Thường Xuân, Thanh Hóa theo gia đình di dân vào lập nghiệp xây dựng kinh tế vùng biên nay là công an huyện nằm địa bàn xã Ia R’vê được lãnh đạo Đội An ninh huyện báo trước, Trung săn đón điện thoại chỉ đường cho tôi. Chị Trần Thị Loan Bí thư Chi bộ thôn 7 quê huyện Ba Tri, Bến Tre được nhà văn Hồ Trường, Trưởng đoàn đi thực tế từng quen biết trước điện thoại liên lạc, nên chiếc xe chở chúng tôi vào đến sân trụ sở xã Ia Rvê đã thấy chị Loan cùng anh Đoàn Minh Thuận, Phó chủ tịch xã đón đợi. Thì ra anh Thuận là người huyện Mỏ Cày, nên người Bến Tre gặp nhau trong không khí thân tình người nhà; chị Trần Lệ Thủy - Bí thư Đảng ủy - cũng là người Bình Trị, Bến Tre hôm nay có cuộc họp huyện nên không có mặt ở nhà khi đoàn quê hương đến thăm. Phó chủ tịch xã Đoàn Minh Thuận cho biết khái quát tình hình đời sống kinh tế xã hội của xã vùng biên Ia RVê, toàn xã có 7 ngàn khẩu gồm 20 thành phần dân tộc sinh sống, người Bến Tre chiếm 80%; tôi mừng cho đồng bào Bến Tre xa đồng bằng lên lập nghiệp trên rừng năm 2002 có nhiều bỡ ngỡ khó khăn, sau 17 năm  vừa làm quen vừa ra sức khai sơn…, đến nay cuộc sống đã ổn định, có 20% trong số đó có thu nhập từ 100 triệu/ năm trở lên. Nguồn thu chủ yếu cây ngắn ngày là đậu, bắp và chăn nuôi, đây là loại canh tác của người Thái có kinh nghiệm trên đất đồi được anh cán bộ công an địa bàn Lương Văn Trung hướng dẫn; để ổn định cuộc sống, yên lòng dân vùng biên là nhiệm vụ cốt yếu được cán bộ chiến sĩ an ninh địa bàn quan tâm. Khi cuộc sống đã có thể tự lập, đồng bào Bến Tre mang truyền thống canh tác cây trồng của quê hương thử nghiệm trên đất rừng đã cho hiệu quả bước đầu. Theo chỉ dẫn của Bí thư chi bộ thôn 7 Trần Thị Loan, chúng tôi đến thăm trang trại cây ăn trái của người có thu nhập vụ vừa qua đem về tiền tỷ. 
Chị Nguyễn Thị Y quê huyện Châu Thành, hai vợ chồng thuộc diện nghèo ở quê, đi xây dựng kinh tế đợt đầu năm 2002, cũng như mọi người, anh chị được Binh đoàn 16 phân cho một căn nhà xây sẵn chừng 20m2 và 2 hecta đất canh tác; thời gian đầu cũng nhận một số diện tích điều của công ty chăm sóc, thu hoạch. Được chừng 3 năm thu hoạch điều nhập cho công ty cũng đủ chi phí cho ăn uống sinh họat hàng ngày. Lúc ấy tư thương tìm đến thu mua điều với giá cao hơn, nhiều hộ dân đã bán phần lớn ra ngoài; công ty thấy vậy liền thanh lý hợp đồng, người dân đứt ruột thương tiếc cho chính mình vừa đổ hết công của vào việc đầu tư chăm bón cây điều. Thôi thì giấy trắng mực đen đã đánh dấu sự kết thúc cuộc sống làm công cho công ty, kéo họ về với tư duy tự thân vận động, tự bươn chải; mọi người tính bước đi trên 2 hecta từ cây đậu ngắn ngày chịu hạn. Để chủ động lương thực phục vụ đời sống ở vùng đất xa chợ, mọi người trồng thêm bắp, lúa rẫy; đường lên biên giới thuận tiện, ô tô, xe máy tư thương giao lưu trao đổi nông sản, thực phẩm, thế là cây đậu nhanh chóng trở thành hàng hóa, lại có thêm thu nhập từ chăn nuôi, cuộc sống tương đối ổn định thì ai nấy muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng những mong làm giàu. Vậy là vợ chồng chị Nguyễn Thị Y nghĩ ngay đến những giống cây ăn trái ở quê hương: mít, dừa, xoài, bưởi Năm Roi…, đưa lên đất rừng biên giới, để đảm bảo cây phát triển ra trái cần có nước, từ 2 hecta đất được chia, vợ chồng chị Y mua mở rộng thêm 3 hecta đất rẫy liền kề con suối, gọi là suối cho mát lòng, khi chúng tôi đến nhìn con suối chỉ còn là một vũng nước tù, như thế cũng đủ đem lại sự sống cho cả một dải đất nắng nóng khô hạn. 1.800 cây mít Thái xếp hàng tăm tắp xanh tươi đang ra những trái non bám từ gốc lên đến cành, 50 cây dừa Xiêm đứng trên bờ con suối, nằm cuối rẫy còn có những cây xoài, những bụi chuối… Ngắm nhìn trang trại cây ăn trái trải dài, chiếc xe máy cày chở máy nổ cùng những ống tưới đứng đó, tôi hiểu rằng công sức hai vợ chồng chị đổ vào chăm bón là tất cả niềm hy vọng cho tương lai. Được biết những cây mít Thái thân mảnh mai thế nhưng đứng vững cho những trái mít loại cỡ nhỏ cũng tới 7 kg, loại to có trái tới 15 kg, mùa thu hoạch mít từ tháng 9 năm này đến tháng 5 năm sau, 10 ngày thu hoạch một lần, chuẩn bị đến vụ thu hoạch thương lái đã vào thăm đặt cọc, đánh ô tô vào tận rẫy thu về. Vụ vừa qua nhà chị Y riêng thu từ mít được 50 tấn, theo giá thu mua thời điểm là 25 ngàn đồng một kg, vậy là thu từ những cây mít trong một vụ gia đình chị đã có tiền tỷ, mọi người nhẩm tính xuýt xoa, căn nhà được binh đoàn chia cho, anh chị đã đầu tư vào đó 400 triệu cải tạo xây dựng khang trang vào năm 2016; nhưng anh chị chủ yếu bám lấy căn nhà gỗ trong rẫy trông coi mùa trái, chăm sóc tưới tiêu, kết hợp chăn nuôi gà vịt… tài sản trên đất như thế làm sao không thu hút những người có chí lên biên giới tìm đất làm giàu, mấy năm trước anh chị quyết định mở rộng rẫy, giá trị lúc đó chỉ mấy chục triệu một hecta, bây giờ mỗi hecta đã mấy trăm triệu. Trở về gia đình chị Trần Thị Loan, Bí thư chi bộ thôn 7 chúng tôi vững tâm hơn, chồng chị Loan là anh Cao Hoài Trung từng làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã khi thành lập xã Ia R’vê, hiện nay làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, con đầu anh chị là Cao Thanh Luân học cao đẳng quản lý văn hóa tốt nghiệp ra trường, không muốn rời xa vùng đất đã xanh tươi bén rễ, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn, lãnh đạo một lực lượng tuổi trẻ gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Chị Nguyễn Thị Y vẫn phong thái của người phụ nữ Bến Tre, khăn rằn vắt vai, tươi cười tiễn chúng tôi như gửi gắm một thông điệp với những người con quê hương hãy yên tâm về những người xa quê vùng sông nước đi lập nghiệp trên cao nguyên, vùng đất biên giới nắng hạn, sẽ vẫn luôn làm rạng danh truyền thống người Bến Tre anh hùng trong chiến tranh cũng như trong xây dựng đất nước thời bình. Cả tuyến biên giới khô cằn trống trơ ngày nào nay xanh tươi sức sống, trong đó có sự đóng góp của người đồng bằng Nam bộ quê hương đồng khởi Bến Tre.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI