Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết
bút ký chủ đề
“Công
an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”
Thượng tá Trọng Hiến - Phó trưởng phòng PX 03, Công an tỉnh Đắk Lắk
Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với gia đình của già
làng Aê Cheng. Những ché rượu ngon ủ lâu ngày, sáng nay được già Aê Cheng mở ra
thơm nức. Còn cụ bà Tuôl Cheng thì đưa những hạt gạo đầu mùa ra để nấu nồi cơm mới. Con,
cháu còn lại trong nhà thì lo thịt heo, rau xanh, nấu món canh cà đắng để cùng
với già
Aê Cheng và Tuôl Cheng chuẩn bị làm lễ cúng sức khỏe cho cháu Phương Nguyên - đứa
cháu gái kết nghĩa vừa ra đời được 5 tháng tuổi.
Sống trong buôn K’Nia, xã Ea Bar, huyện Buôn
Đôn này đã qua hơn 70 mùa rẫy, già làng Aê Cheng và Tuôl Cheng đã làm nhiều cái lễ cúng
sức khỏe cho các con, các cháu ruột trong gia đình dòng họ H’Mook của mình. Nhưng
chưa có lần nào già
làm to như thế này!
Kia rồi, gia đình của cháu Phương Nguyên đã đến!
Hôm nay, không chỉ có bố Quang, mẹ Phú bồng bế cháu Phương Nguyên từ Buôn Ma Thuột
vào đây cho ông bà cúng sức khỏe mà còn có cả cán bộ Hoàng - Phó Công an huyện
Buôn Đôn -
cũng đến chung vui với hai gia đình.
Rượu ngon đã cắm cần, vòng thiêng đã sẵn, cơm thịt đã
tỏa mùi thơm khắp nhà... Bây giờ là lúc già làng Aê Cheng và gia đình làm lễ
cúng cầu sức khỏe cho cháu Phương Nguyên và cả mẹ Phú của cháu theo
phong tục của người Êđê. Trước đó mấy tháng, cũng theo cách gọi của buôn làng, già làng
Aê Cheng và Tuôl Cheng đã đặt cho đứa cháu gái kết nghĩa Phương Nguyên một cái
tên nữa là cháu H’Ny, còn cán bộ Quang là con kết nghĩa trong gia đình nên được
già và buôn làng thân mật gọi là Ama Ny (tức là cha của bé Ny).
Trong lễ cúng hôm nay, ngoài những ché rượu thơm, già
làng Aê Cheng và Tuôl Cheng có chuẩn bị một con gà sống, một cái chăn thổ cẩm,
một chiếc chiếu mới và đặc biệt là hai chiếc còng. Đó là những lễ vật mà già
dâng lên trong lễ cúng cùng với những lời cầu khấn thành tâm gửi đến Thần trời,
Thần đất, Thần núi, Thần nước... để các thần linh ban cho đứa cháu H’Ny của ông
bà cùng bố mẹ nó và mọi người trong gia đình luôn mạnh khỏe, con mắt cứ tinh
sáng như con chim, con thú, cái tay dẻo dai như sợi mây, như con khỉ chuyền
cành và cái chân cứ mãi nhanh nhẹn như con nai, con báo trong rừng Yok Đôn!
Trong tâm thức của già làng Aê Cheng, sau khi cúng, sự linh nghiệm của các thần
được ứng vào hai chiếc còng này, đeo vào tay cho hai mẹ con của cháu gái H’Ny,
nó không chỉ mang đến sức khỏe, sự may mắn, mà còn có ý nghĩa rằng họ là đứa
con và đứa cháu kết nghĩa của già mãi mãi! Cũng như trước đó 3 năm, già và dòng
họ H’Mook trong buôn đã từng làm một cái lễ cúng lớn hơn thế này gấp nhiều
lần để nhận bố Quang của H’Ny làm con kết nghĩa. Các nghi lễ cúng sức khỏe cho
cháu
Phương Nguyên – H’Ny – và mẹ của cháu đã xong. Những món quà tình nghĩa cũng đã được trao, mọi người
cùng uống rượu cần và ăn một bữa cơm trưa tràn đầy tình nghĩa.
Trong bữa cơm hôm ấy, chuyện trò với cán bộ
Hoàng – Phó Công an huyện Buôn Đôn - già làng Aê Cheng cũng trải lòng: “Sau khi
Ông già và Quang kết nghĩa, có việc gì, thì Ông già giúp cho Quang. Việc của
Quang thì nhiều lắm! Ông già với Quang đến từng nhà có thanh niên quậy phá, nói
cho nó đừng đi theo, đừng
nghe bọn phản động xấu Fulro, mà phải lo học hỏi, làm ăn, làm ruộng rẫy giúp bố
mẹ… Hai cha con làm việc đó cho buôn làng yên vui…”.
Như cây k’nia ở đầu buôn, có gốc có ngọn, câu chuyện
nghĩa tình giữa gia đình cán bộ Quang và gia đình già làng Aê Cheng cũng có
thủy có chung, có đầu có cuối. Chuyện bắt đầu từ năm 2004. Lúc đó tình hình an ninh
trật tự trong buôn K’Nia và các buôn khác của xã Ea Bar rất phức tạp. Các
đối tượng phản động Fulro lưu vong từ bên ngoài liên tục gửi tài liệu, điện thoại về
kích động số đối tượng Fulro cũ còn ảo tưởng ở các buôn làng lén lút đi lôi
kéo, xúi giục những người nhẹ dạ cả tin gây rối an ninh chính trị, chống đối lại
chính quyền, âm mưu chia rẽ nghĩa tình Kinh – Thượng, phá hoại khối đại đoàn kết
các dân tộc. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an
huyện Buôn Đôn đã phân công Đại úy Đỗ Đức Quang, Đội trưởng đội An ninh xuống
phụ trách địa
bàn xã trọng điểm Ea Bar, trong đó có buôn K’Nia và 3 buôn khác. Nhiệm vụ của
cán bộ Quang và đội công tác liên ngành của huyện kể từ đó rất nặng nề, vừa phải
tập trung giải thích, tuyên truyền, vận động bà con ở các buôn làng không nghe,
không tin, không làm theo kẻ xấu vừa chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ
để phát hiện, đấu tranh xử lý các đối tượng ngoan cố hoạt động Fulro và lập hồ
sơ đưa những người vi phạm ra kiểm điểm trước dân. Công việc thì bộn bề, phức tạp,
nhưng khó khăn, trở ngại lớn nhất của cán bộ Quang và đội công tác là sự bất đồng
về ngôn ngữ. Phải nói làm sao cho cái bụng của tất cả đồng bào Êđê ở trong buôn
K’Nia và các buôn khác hiểu, đồng thuận giúp đỡ. Đó là những điều mà tập thể
lãnh đạo Công an huyện Buôn Đôn và cán bộ Quang luôn trăn trở.
Chính từ những ngày gian nan đó, cán bộ Quang
và Công huyện đã được già làng Aê Cheng và cả già làng Aê Nháp là bạn của già làng Aê
Cheng ở buôn bên cạnh giúp cho nhiều cái việc tốt. Vui hơn nữa là cán bộ Quang
còn được gia đình già làng Aê Cheng nhận làm con kết nghĩa. Cũng nhờ đó mà sau này
các ama, amí, bà
con trong dòng họ H’Mook của già làng - một dòng họ đông nhất ở các buôn trong
xã - luôn nhiệt tình giúp đỡ cán bộ Quang như giúp con cháu ruột của mình.
Trước đây, nếu như có con, cháu trong gia đình, dòng họ
hư hỏng, vi phạm hoặc mắc mưu kẻ xấu, mọi người thường lo sợ, boăn khoăn, không
muốn nói cho cán bộ chính quyền, Công an biết! Nhưng mấy năm nay, từ chỗ tin tưởng
cán bộ Quang
là con, em kết nghĩa trong nhà, nên già làng Aê Cheng, những người lớn trong dòng họ H’Mook
của buôn K’Nia và cả già làng Aê Nháp cũng như bà con ở các buôn khác cũng đều nói
cho cán bộ Quang và tổ công tác của Công an huyện biết mọi chuyện. Kể cả chuyện
những thanh niên trong buôn đã nhẹ dạ cả tin mắc mưu, nghe theo bọn phản động
Fulro lưu vong âm mưu nhiều lần định tụ tập phá hoại an ninh trật tự
trong các buôn làng. Nhờ đó mà Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an huyện Bôn Đôn đã kịp
thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, nhiều đối tượng có hành vi xấu, thu giữ
hàng chục tang vật, băng đĩa, tài liệu phản động. Thậm chí có những vụ
chúng vẽ cả cờ Fulro đem cất giấu dưới sàn nhà và ngoài rẫy cà phê.
Được mọi người đồng tình ủng hộ, nên từ năm 2004 đến
2010, cán bộ Quang và Công an huyện Buôn Đôn, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ
chức thành công rất nhiều
buổi họp dân để đưa hàng chục đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước buôn làng theo
luật tục Êđê. Buổi họp nào già làng Aê Cheng và cả già làng Aê Nháp cũng đều tham gia để
nói chuyện luật tục cho buôn làng hiểu mà giúp cán bộ giữ cho buôn làng yên
vui. Với những tình cảm, trách nhiệm gắn bó cùng nhau, bằng sự nghiêm
minh của pháp luật và sức mạnh của luật tục, cán bộ Quang cùng tổ công tác của
Công an tỉnh, Công an huyện, Công an xã và các già làng Aê Cheng, Aê Nháp đã
giúp cho những người vi phạm sớm hoàn lương. Trong đó, có những đối tượng ngoan
cố như Y Nguyên Byă, Y Theo B’krông, Y Đrung Byă, Y Lhiăm, Y Sơm, Y Bút Niê,
Ama Nhiếp, Y Thăn Byă, Y Ven Niê... thì tổ công tác phải đến tận nhà để cùng gia đình
giáo dục, cảm hóa, giúp họ nhận ra sai trái. Hôm nhóm phóng viên chúng tôi đi cùng tổ công
tác của cán bộ Quang và già làng Aê Cheng đến buôn Knia 2, nhà thăm gia
đình anh Y Ven Niê, anh cho biết: “Hồi xưa mình sống với vợ con làm rẫy, làm ruộng bình
thường. Rồi sau đó, 2008 có Y Mút, Y Doen là bọn xấu ở bên Mỹ điện thoại về lôi
kéo đi bạo loạn, biểu tình, gây chia rẽ anh em… Sau đó có ông Aê Cheng là già
làng và ông Quang là Công an huyện giáo dục em và nhiều người khác nữa hiểu.
Sau nhiều lần em và nhiều thanh niên làm sai trái đã hiểu ra sai lầm. Giờ em
làm ăn. Đến nay em với người khác làm cà phê, làm ruộng với vợ con, ở với buôn
làng, không làm gì theo bọn xấu nữa. Em cảm ơn già làng, Công an huyện, Công an
tỉnh đã giáo dục em. Từ nay em lo làm ăn để trở thành người tốt”.
Kể từ ngày cán bộ Quang và tổ công tác của Công an huyện
Buôn Đôn đến ở thường trực tại xã Ea Bar, tới nay cũng đã thấm thoắt hơn 10 mùa
rẫy. Qua bao nhiêu việc, cái bụng cùng lo, cái đầu cùng nghĩ, cái tay, cái chân
cùng làm, hai cha con già làng Aê Cheng và các cán bộ Công an cùng già làng Aê
Nháp đã trả lại sự bình yên như trước cho các buôn làng. Không chỉ an ninh trật
tự được ổn định,
mà hơn 10 năm qua, con mắt của già làng Aê Cheng, rồi già làng Aê Nháp cũng như
bà con ở các buôn trong xã Ea Bar cũng được chứng kiến, đón nhận thêm nhiều niềm
vui như bao buôn làng khác ở Tây Nguyên. Đó là những đợt cán bộ trên tỉnh, trên
huyện về giao lưu, kết nghĩa, lao động giúp dân ở buôn K’Nia và các buôn khác;
rồi các hộ nghèo được vay vốn, nhận bò theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ;
trong buôn, nhiều ngôi nhà, nhiều con đường được mở, ngôi trường mới được xây. Ngoài những
lúc đi theo tổ công tác của cán bộ Quang để lo việc chung của buôn, của xã, thời
gian còn lại thì già làng Aê Cheng lại cùng gia đình chăm lo làm
ăn. Có nhiều đất rẫy, được mùa cà phê, nên chuyện cơm áo đối với gia đình già Aê
Cheng cũng như bên gia đình già làng Aê Nháp mấy năm nay không phải lo!
Sau những vụ mùa no ấm, già Aê Nháp lại sang gặp già Aê Cheng để vít rượu cần, đánh
đàn Gong, thổi Đing năm, Đing tút, múa hát ay ray cùng con cháu. Vui hơn nữa là
trong những dịp tết gần đây, già Aê Cheng cả già Aê Nháp đã vinh dự được Đảng,
chính quyền, Công an tỉnh Đắk Lắk ghi nhận là những già làng tiêu
biểu và mời cả hai già đi dự nhiều buổi giao lưu cồng chiêng, tôn vinh, trao quà tình
nghĩa.
Chuyện chung của buôn làng, của xã, của huyện
càng vui bao nhiêu, thì chuyện riêng, chuyện tình nghĩa giữa gia đình già làng
Aê Cheng với gia đình cán bộ Quang càng thêm vui bấy nhiêu. Đó không chỉ là
chuyện cả hai vợ chồng của cán bộ Quang đều được thăng lương, nâng cấp bậc, mà vui hơn
nữa, họ đã có thêm đứa con gái thứ 2 là cháu Phương Thảo. Ông bà Aê
Cheng mừng quá, đặt thêm một cái tên buôn làng cho Phương Thảo là H’Dy. Vậy là
sau 3 năm làm lễ cúng sức
khỏe cho con gái đầu, cán bộ Quang lại đưa vợ, 2 đứa con gái và cả mẹ ruột của mình vào buôn
K’Nia để ông Bà Aê Cheng làm Lễ cúng sức khỏe cho con gái thứ 2 vừa mới sinh được
mấy tháng.
Lâu nay, mới nghe vợ chồng con trai kể chuyện,
còn hôm nay, được vào buôn K’Nia, tận mắt nhìn thấy mọi chuyện, bà Phương - mẹ ruột của
cán bộ Quang xúc động nói với ông bà Aê Cheng: “…Hôm nay tôi vào đây, thấy ông, bà,
dòng họ và buôn làng nhận Quang làm con kết nghĩa… rồi làm lễ cúng sức khỏe cho
2 đứa cháu
Phương Nguyên – H’Ny, Phương Thảo – H’Dy, tôi cảm động quá! Lâu nay, ông, bà và
mọi người trong buôn làng giúp cháu Quang nhiều việc khó, để cháu nó hoàn thành
tốt nhiệm vụ… Tôi không biết lấy chi đền đáp cho ông, bà!”.
Còn già làng Aê Cheng, vừa bế cháu H’Dy, vừa
vui vẻ đáp: “Có cả bà từ ngoài Bắc vào đây thăm… có hai con, có cả hai cháu vào đây, thì cái
bụng già này mừng lắm lắm rồi! Gia đình mình có đông vui như ngày hôm nay, để
già cúng mừng cái nhà sàn mới làm xong và cúng sức khỏe cho cả cháu H’Dy nữa, để
nó mau lớn, học giỏi… Theo cái phong tục tập quán của người dân tộc Êđê đó bà!
Con Quang và các cháu nó chưa biết thì mình phải dạy. Còn cái công việc xã hội
của con Quang nó, có gì khó trong buôn, trong xã thì mình phải giúp con… Bà đừng
lo nghĩ chuyện này chuyện khác nghe. Thôi cả nhà mình uống rượu, cúng mừng sức khỏe cho
cháu H’Dy…”
Buổi lễ cúng sức khỏe cho cháu Phương Thảo -
H’Dy hôm nay tràn ngập niềm vui. Bởi vì có cả bà nội ruột của cháu từ ngoài tỉnh
Hưng Yên vào đây! Nhờ có đứa con trai kết nghĩa với gia đình già làng Aê Cheng mà bà
Phương được vào đây, biết thêm một gia đình mới, biết về buôn K’Nia và những
con người đáng yêu, đáng quý ở đây!
Sau những nghi thức cúng nhà sàn mới và cúng sức
khỏe cho cháu H’Dy, chuyện trò thăm hỏi râm ran, mọi người trong gia đình, dòng
họ cùng nhau vít những ché rượu cần ngọt lịm do chính tay già làng Aê Cheng làm
ủ từ lâu, rồi ăn món
canh cà đắng đậm bùi, thơm ngon do chính tay Tuôl Cheng nấu. Trong men tình, men rượu lâng
lâng, mọi người còn được nghe Y Linh H’Mook, người con trai thứ 4 của già làng Aê
Cheng (làm cán bộ văn hóa trên huyện) ôm guitare say sưa truyền cảm hát bài
Chung dòng sữa mẹ (của Nhạc sỹ Y Phôn Ksor):
Một đêm trăng sáng lung linh
ngồi nghe mẹ kể chuyện
lắng nghe tiếng sáo của cha.
Đôi ta chung dòng sữa mẹ
lời ru em tiếng hát đêm đêm.
Một đêm trăng sáng xa xưa
ngồi nghe mẹ kể khan
thuở đất trời còn giao hòa
đôi ta sinh ra một thời, thương nhau tha thiết đắm
say.
Em theo mẹ lên núi
Anh theo cha xuống biển
Đôi ta không bao giờ quên, nghĩa xưa...nghĩa xưa...
Tình yêu ấy cháy mãi trong tôi, còn vang mãi
trong tim mỗi người
từ ngàn đời không bao giờ phai ơhơ...ơhơ..ơhớ.
Đôi ta từ thuở bé nhỏ, theo mẹ lên rẫy lên nương
Đôi ta chung dòng sữa mẹ, sinh ra cùng mẹ một cha…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI