Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

ĐẶT TÊN CHO TÁC PHẨM ẢNH tác giả HOÀI AN - CHƯ YANG SIN SỐ: 324 tháng 8 năm 2019

 

Trao đổi về nhiếp ảnh - bài 3


  

Với tác phẩm ảnh báo chí khi đăng báo người ta phải ghi chú thích. Chú thích ảnh nhằm cung cấp thêm các thông tin mà hình ảnh chưa thể hiện. Ví dụ bức ảnh chụp cảnh nông dân đang cấy lúa bằng máy trên đồng ruộng, thì hình ảnh chụp không thể nào thể hiện được các nội dung: Ở đâu? Thời gian nào? Giống lúa mới hay cũ? Bao nhiêu phần trăm diện tích được cấy bằng máy? Tiến độ nhanh hay chậm so với các năm trước?... Vì vậy chú thích phải làm nhiệm vụ thông tin các nội dung trên; có như vậy người xem ảnh mới nắm được đầy đủ thông tin của bức ảnh; bức ảnh mới hội đủ điều kiện của một tác phẩm báo chí độc lập.
Với tác phẩm ảnh nghệ thuật trước khi được gửi đến tòa soạn để đăng báo, hoặc gửi triển lãm, dự thi, tác giả phải đặt tên cho bức ảnh. Đấy cũng là một hình thức khai sinh cho đứa con tinh thần mà người nghệ sĩ đã ấp ủ, “mang nặng đẻ đau” (bởi quá trình đi thực tế dầm mưa, giãi nắng tìm người, cảnh vật, đón, đợi khoảnh khắc, xử lý hậu kỳ...). Điều khác biệt trong đặt tên cho tác phẩm ảnh nghệ thuật là: Yêu cầu thông tin về bức ảnh chỉ là thứ yếu, trong nhiều trường hợp là không cần thiết; yêu cầu chính là phải gợi được cảm xúc thẩm mỹ cho người thưởng ngoạn, gợi được những điều sâu sắc ẩn chứa sau màu sắc, đường nét, hành động của nhân vật trong ảnh, nếu không có tên ảnh người thưởng ngoạn sẽ khó nhận biết hơn. Do đó, đặt tên cho tác phẩm ảnh nghệ thuật phải có tính văn học, phải thoát ra khỏi nghĩa đen thông thường mà hình ảnh đã thể hiện. Cũng vì thế đặt tên cho tác phẩm ảnh nghệ thuật không hề là công việc dễ dàng, buộc tác giả phải huy động trí tưởng tượng cao, suy nghĩ thận trọng, kỹ lượng trên nền cảm xúc thực sự của tâm hồn tác giả khi bấm máy. Bởi vậy có người nói: Việc đặt tên cho bức ảnh cũng giống như nhà thơ tìm tứ thơ (đối chiếu với tên ảnh “Mặt trời của mẹ” của Vũ Khánh - giải nhất cuộc thi ảnh Trẻ em Việt Nam và mối quan tâm của chúng ta (1991), chụp một bà mẹ trẻ người dân tộc thiểu số địu trên lưng đứa con của mình, khuôn mặt cháu tròn trĩnh đầy vẻ hớn hở; người mẹ khẽ quay đầu nhìn về đứa con với ánh mắt, nụ cười thể hiện niềm vui và sự tự hào về đứa con của mình... thì cách ví von trên hoàn toàn đúng; với bức ảnh đó sẽ chẳng có cái tên nào khác hay hơn). Cũng vì thế rất nhiều người phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ nhiều ngày đêm, tham khảo ý kiến nhiều người để tìm một cái tên cho bức ảnh của mình.
Thế nhưng trong thực tế hiện nay ta thấy bên cạnh những người rất chịu “đầu tư” cho việc đặt tên đứa con tinh thần của mình, lại cũng có nhiều người quá ư dễ dãi. Những người này xuất phát từ quan niệm đơn giản “Tên ảnh thì thế nào chẳng được, điều quan trọng là chụp sao cho đẹp”, nên những người này thường không dành nhiều thời gian, công sức cho việc suy nghĩ đặt tên tác phẩm...  Chụp ảnh đàn cò đang bay, nhảy, chao lượn trên cánh đồng làng khá đẹp, một NSNA đặt tên là Đàn cò trên cánh đồng(1). Chụp ảnh cà phê đang nở trắng cả một vùng đồi, một NSNA đặt tên ảnh là Hoa cà phê (2)... Đây là những cách đặt tên theo đúng nghĩa đen mà hình ảnh đã thể hiện, không gợi, không nói thêm được điều gì cho bức ảnh, 100 % từ ngữ trong các tên ảnh trên là thừa. Với bức ảnh (1), nhìn vào người ta thấy ngay đàn cò đang ở trên cánh đồng, không cần cái tên ảnh đó người ta vẫn biết. Đặt tên như thế khiến người xem suy luận: “Ông này may mắn thấy cảnh đàn cò đèm đẹp thì chụp chứ chẳng có cảm xúc, suy nghĩ gì sâu sắc gì cả”. Giá như từ hình ảnh quần tụ đông đúc, chao lượn đùa vui trên cánh đồng của đàn cò, khi bấm máy tác giả đã có cảm xúc về  sự thanh bình của đồng quê, hoặc cảm xúc về một vùng quê có môi trường thiên nhiên tốt, sinh cảnh được chăm sóc bảo vệ, không bị săn bắn phá hoại, hoặc là cảm xúc về sự sum vầy đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc của cuộc sống... thì nhất định sẽ có những tên ảnh khác gợi được những cảm xúc nhân văn, sâu sắc cho người xem. Với bức ảnh (2) cũng vậy, nhìn vào ảnh người ta biết ngay đó là hoa cà phê mà chẳng cần tên ảnh. Người nghệ sĩ khi bấm máy nếu có cảm xúc thực sự trước màu hoa cà phê nở trắng, hương thơm ngan ngát cả một vùng, nếu có những suy nghĩ sâu sắc về sự thay đổi của một vùng đất đỏ ba dan (xưa, đây là rừng hoang, nay bát ngát cà phê); hoặc từ màu hoa đẹp, từ hương thơm quyến rũ đó, người chụp nghĩ ngay đến một sản phẩm du lịch mới của vùng đất này... thì nhất định tên ảnh sẽ phải khác hoàn toàn với nghĩa đen vốn có mà tác giả đã thừa công gắn cho nó. Từ quan niệm đặt tên ảnh dễ dãi đó đã đẻ ra hàng loạt tác phẩm có tên ảnh giống nhau, ví như Buổi sáng, Nắng chiều, Vũ Điệu, Nhịp điệu, Đôi mắt, Thời gian, Tuổi xuân... Người đầu tiên nghĩ ra những cái tên ảnh như thế có thể là hay, là phù hợp với hình ảnh đã chụp, nhưng những người đi sau cũng đặt lại tên tác phẩm của mình như thế là bắt chước, là sáo mòn, là dễ dãi với chính đứa con tinh thần của mình.
Trong quá trình biên tập ảnh để in báo chúng tôi còn bắt gặp một số cách đặt tên ảnh khác rất đại ngôn, khoa trương, hoặc tỏ ra minh triết cao siêu để gắn cho một bức ảnh tù mù về nội dung, không biết đâu là chủ đề, đâu là nội dung chính của bức ảnh (chúng tôi sẽ trao đổi về những cách đặt tên ảnh như thế trong một dịp khác).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI