Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ TRONG “HƠI THỞ THỜI GIAN” tác giả TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ 331 THÁNG 3 NĂM 2020




Trong những ngày đầu xuân năm mới, tôi theo đoàn của Hội VHNT Đắc Lắc đến thăm nhà giáo, nhà thơ Sơn Thúy. Mùa xuân này bà đã bước sang tuổi tám hai, trên cái ngưỡng xưa nay hiếm. Căn nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng Hòa Khánh trù phú. Trước nhà có vườn hoa khoe sắc thơm lừng từ đầu con ngõ nhỏ, có ao cá vườn rau, phong cảnh thanh bình. Chúng tôi đến, bà giáo được cô con con gái đỡ dậy trong dáng vẻ bơ phờ, mệt mỏi. Bà than phiền: “Trước tết vẫn có thể dạo quanh vườn ngắm hoa, cây cảnh vậy mà chỉ sau một đêm, bệnh tật đã bắt bà phải nằm bó gối, chưa bao giờ ốm nặng như đợt này”. Chuyện văn, chuyện thơ khiến bà vui, ánh mắt trở nên sống động hơn, giọng nói của bà không như người già ốm bình thường mà rõ ràng mạch lạc, pha chút ngân nga luyến láy. Tôi có cảm giác ngày xưa có lẽ bà cũng là một người hát chèo “có nghề” của đất Thái Bình quê bà.
Tôi trở về với cuốn thơ Hơi thở thời gian bà tặng, cùng những chia sẻ của một con người đang bước trên chặng cuối của cuộc đời… thật vô cùng trân trọng. Hơi thở thời gian có 53 bài thơ, tôi đọc và thấy cả cuộc đời bà giáo hiền lành, chân chất trong đó, cả đời hết lòng với bao lớp học trò: Học trò bao lứa/ Ngần ấy năm tận lực tận tâm…(Nhìn Lại) nhưng bên cạnh luôn có người bạn thơ đồng hành với một tình bạn, tình yêu tuyệt đẹp, nâng bước nhau đi suốt cuộc đời: Những vần thơ từ tuổi dại khờ/ Con chuồn ớt, hoa mướp vàng rực rỡ/ Tâm hồn bật mở… Tôi tìm về những trang thơ đầy ắp nắng hồng/ Thời thiếu nữ vầng trăng trong vắt/ Lại thấy vị đời có mật/ Trái tim cỏ nhàu cất tiếng hót họa mi/…/ Hòa niềm vui vào thơ/ Để hy vọng mộng mơ/… Tôi làm thơ và tôi hạnh phúc (Tôi và thơ). Không hạnh phúc sao được khi nhà thơ tự nhận, từ thủa tập tọe làm thơ thì tuổi thơ, quê hương, đất nước và hình ảnh người mẹ luôn đầy ắp trong thơ của mình với một tình yêu lớn lao và sự biết ơn sâu nặng: Tôi tập tọe làm thơ/ Ngôn ngữ vần điệu lơ ngơ/ …/ Những bài thơ có nắng mộng trăng mơ/ Suối chảy lững lờ trời trong hoa thắm/ Cả chiếc áo tơi và tấm lưng cong trĩu nặng/ Mẹ cõng tôi đến trường… (Tôi làm thơ). Không chỉ dừng lại ở kí ức tuổi thơ, quê hương, đất nước và mẹ… nhà thơ Sơn Thúy còn viết về nhiều đề tài, song ấn tượng nhất trong tập vẫn là đề tài người phụ nữ, về người mẹ quê hương: Vô vàn giọt sao long lanh/ Nước mắt những người đàn bà/ Trên bầu trời số phận, đó là những câu mở đầu khá ám ảnh trong bài Giọt sao. Nhà thơ, nhà giáo thấu hiểu đến tận cùng những gian khổ, hy sinh, mất mát thầm lặng của những người mẹ: Của đá vọng phu là những giọt nào/ Chảy dọc chiều dài lịch sử? Bao hình hài dang dở/ Bất thành nhân vì chất độc da cam/ Những đôi mắt nào đang giọt giọt chứa chan? Nước mắt mẹ Việt Nam/ Đêm đêm âm thầm chảy/ Khắc khoải chờ tin… nơi con nằm lại/ Từ ngàn xưa, tới ngàn sau/ Hằng hà sa số giọt sao/ Tụ thành mênh mông dải ngân hà/ Dòng nước mắt đàn bà/ Đắng cay/ Soi sáng !  Những giọt nước mắt mẹ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam trong đắng cay, đau khổ đã tích tụ thành dải ngân hà ngự trị trên bầu trời và đêm đêm soi sáng để đức hy sinh của những người mẹ mãi mãi trường tồn.
Còn nhiều bất ngờ từ những bài thơ về mẹ, xuyên suốt tập thơ. Nhà thơ Sơn Thúy với lối viết giản dị, câu chữ mộc mạc như bông lúa, củ khoai của người nông dân tạo nên hình, nên khối, tạc vào bầu trời thi ca hình ảnh người mẹ mang phong cách rất riêng: Bầu vú mẹ khum khum vòm trời/… Gió bấc luồn áo vá/ Cào xé thịt da/ Sữa mẹ ngọt ngào ấm dạ (Bầu vú mẹ). Có lẽ ai cũng phải bắt đầu từ bầu vú và những dòng sữa tinh cất từ máu thịt người mẹ để lớn khôn, nhưng ít ai lại có thể thấy sự vĩ đại và vẽ vào thơ bầu vú mẹ là cả bầu trời ơn đức sinh thành như vậy. Ở bài Bàn chân mẹ, nhà thơ cũng  tạo nên một bất ngờ lớn cho người đọc. Hình ảnh bàn chân mang tính đặc thù của người mẹ quê nông dân Việt Nam, nhưng đặc biệt hơn, đó là bàn chân của một thế hệ phụ nữ miền Bắc anh hùng, “tay cày tay súng” đảm đang để chồng, cha, anh ra chiến trường đánh giặc. Bàn chân mẹ hiện lên trong thơ to bè, sần chai trở nên phi thường, vô cùng nhân văn: Bàn chân mẹ to bè/ Năm ngón xòe hình chổi… Như Cửu Long giang xòe chín nhánh/ Mở xóm làng ra biển khơi/ Bàn chân mẹ xòe ra chìm xuống/ Để chúng con thẳng bước giữa đời.
Không biết bài thơ được nhà thơ Sơn Thúy viết vào thời điểm nào nhưng đã có tầm nhìn vượt thời gian và không gian để khẳng định vị thế to lớn của người mẹ, người phụ nữ Việt Nam hôm nay đã thực sự vượt lên không chỉ trong nước mà ngang tầm phụ nữ thế giới, đóng đinh hình ảnh Bàn chân mẹ như một hình tượng trong thơ ca, mang tính nhân văn cao cả...
Để có những vần thơ vụt sáng ấy, nhà giáo, nhà thơ Sơn Thúy đã phải lao động miệt mài, không ngừng tìm kiếm, có lúc “không nhớ mình là ai”: Khi làm thơ/ Ta như người đói cồn cào/ Thấy trái chín mà không hái được/ Như người đi trên sa mạc/ Gặp hồ nước thỏa thuê cơn khát/ Không nhớ mình là ai (Khi làm thơ). Trong bài thơ Nhìn Lại cũng là bài cuối trong tập thơ nhân sinh nhật lần thứ 70 nhà thơ viết: Thế sự trắng đen đã rõ/ Lưng còng mà lòng ngay/ Mắt mờ mà tâm sáng/ Đường đời khúc khuỷu cứ đi/ Thập thõm theo văn chương…Con cái chẳng hơn người/ Hai vai một đời ráng sức/ Học trò bao lứa/ Ngần ấy năm tận lực, tận tâm/ Bạn bè đồng nghiệp xa gần/ Vẫn còn kẻ thương người đợi/…/ Chỉ canh cánh bên lòng một nỗi/ Mẹ già vời vợi xa xăm/ Báo đền chưa được bao lăm/ Ừ thì sương treo đầu ngọn cỏ/ Sẽ bay về trời/ Vấp váp lỗi lầm không tránh khỏi/ Biết mình: Người tử tế/ Vẫn có thể mỉm cười.
Nhà giáo, nhà thơ Sơn Thúy thật sự là người tử tế, một đứa con hiếu thảo. Bà đã đi gần hết cuộc người mà vẫn canh cánh lo cho người mẹ ở quê xa, vẫn day dứt như chưa làm tròn bổn phận của một đứa con là luôn bên cạnh, chăm sóc đỡ đần cho mẹ lúc tuổi già…  Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh nhà thơ Sơn Thúy và 4 câu thơ bà đọc và cho rằng có lẽ là những câu thơ cuối của bà: Ờ đã 80 rồi đấy nhỉ?/ Sự nghiệp sau lưng chẳng đáng gì/ May còn vài vần thơ mộc mạc/ Làm hành trang cho lúc ra đi… Bà giáo Sơn Thúy đã chọn thơ làm bạn, làm hành trang vạn lý… thật xúc động! Tôi cầu chúc bà sẽ khỏe lại để tiếp tục viết tiếp những bài thơ hay về mẹ, về người phụ nữ Việt Nam.

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

THƠ NGUYỆT ÁNH - NIỀM YÊU MƠ VĨNH CỬU tác giả LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 331 THÁNG 3 NĂM 2020






(Đọc “Gọi về miền nhớ” của Nguyệt Ánh, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019) 
  
Cầm bản thảo tập thơ Gọi về miền nhớ của tác giả Nguyệt Ánh, một giáo viên dạy môn Ngữ văn ở thị xã Buôn Hồ, tôi đắn đo và suy nghĩ nhiều để viết mấy dòng cho đứa con tinh thần đầu lòng của chị. Không suy nghĩ, đắn đo sao được, khi xuyên suốt tập thơ là cả một thế giới thơ tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc nhớ thương, hờn giận, muộn phiền… trào dâng từ trái tim của một niềm yêu mơ vĩnh cửu. Hóa ra, chính cái chữ “Tình” rộng rinh mênh mông kia nên thơ ca viết ra tưởng dễ, song đọng lại hồn người một bài hoặc đôi câu thơ hay quả là khó vô cùng. Thấu hiểu điều đó, nên việc làm “bà mối” bắt nhịp cầu duyên giữa tác giả với trăm ngàn trái tim độc giả đã và đang yêu giữa cõi người thật khó lắm thay.
Xuyên suốt 54 bài thơ trong thi tập Gọi về miền nhớ của tác giả Nguyệt Ánh bao trùm một cung điệu tình yêu chứa chan vạn thuở. Trạng thái cảm xúc tình yêu trong thơ Nguyệt Ánh phần lớn là nỗi buồn vỡ tan không gì che chắn nổi. Dù không gian nghệ thuật phong phú, xê dịch đến đâu vẫn không ngăn được “niềm đau giông bão”. Một góc phố, một con đường, một biển lớn, một buồng riêng… hiện ra trong hiện thực hay huyễn mộng chập chờn vẫn không xua tan nỗi cô đơn, sầu thương khắc khoải. Ví như cái thi tứ gặp người yêu cũ đi với người khác đã được nhiều nhà thơ khai thác, nhất là các nữ sĩ: “Nếu anh đi với người yêu/ Xin anh hãy nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em” (Con đường - Phan Thị Thanh Nhàn). Đến tác giả Nguyệt Ánh, không quá tài hoa và sắc nét như thơ Phan Thị Thanh Nhàn, song cảm xúc thơ chị thành thật lắm, thành thật đến đáng thương; nó đau đớn, phũ phàng quá khiến ta dễ dàng sẻ chia và đồng cảm: “Em vùi mình giấu nước mắt trong mưa/ Xóa tan hết những điều vừa trông thấy/ Anh với người ta đẹp đôi đến vậy/ Em nhận về mình giông bão, người ơi!” (Lối riêng). Cũng chính từ khi thấu hiểu cái “lối riêng” nghiệt ngã ấy, Nguyệt Ánh nhận về mình là người “gánh đa đoan”, muốn bán nhưng lại “sợ trời trêu ngươi” nên đành vác lên thân phận cuộc đời mình nỗi buồn của tình yêu với khối u tình muôn thuở: “Nợ duyên một gánh tròng trành/ Trần gian còn lắm lênh đênh kiếp người” (Gánh đa đoan).
 Thơ Nguyệt Ánh thi thoảng cũng lấp lánh cái nhìn lạc quan, yêu đời nhưng dường như tác giả cố dỗ mình nhiều hơn thì phải. Vẻ đẹp của khu vườn mộng kia có lẽ cũng chỉ nằm trong cõi yêu mơ, nó dệt bằng ánh sáng của niềm khát khao đến cháy bỏng từ một nỗi lòng mơ tưởng: “Dát trăng vào những đêm trường/ Ru bờ vai lạnh, riết tương tư sầu/ Dìu vào giấc mộng tìm nhau/ Vườn yêu tràn ngập sắc màu ái ân” (Vườn mộng). Thảng hoặc, có được nụ cười trên mỗi bước đi giữa cõi đời, tô điểm cho cuộc đời niềm vui sống cũng đã ẩn giấu biết bao nỗi niềm yêu mơ trắc ẩn, nhọc nhằn: “Thêm một chút nụ cười/ Cho đời luôn tươi sáng/ Thêm một chút lãng mạn/ Cho vơi bớt nhọc nhằn” (Một chút cho đời). Có thế, Nguyệt Ánh mới tâm sự cùng người em sớm trở thành góa phụ bằng những câu thơ gan ruột, giàu lòng yêu thương, động viên: “Nếu mệt rồi hãy ngủ đi em/ Yêu dấu con thơ dù khuyết người chia sẻ/ Dù duyên nợ cuộc đời em trắc trở/ Hãy mở lòng đón nhận nửa về sau” (Gửi em).
Về nghệ thuật, qua thi tập Gọi về miền nhớ, phải công bằng thấy rằng, thơ Nguyệt Ánh chưa có nhiều bứt phá và sáng tạo. Phần lớn thơ chị được viết bằng các thể thơ truyền thống gần gũi: 5 chữ, 7 chữ, lục bát, nhất là thơ 8 chữ (chiếm số lượng nhiều nhất) đã phần nào chuyên chở được các trạng thái và cảm xúc trong tình yêu đến với độc giả. Ngôn ngữ thơ trong thi tập Gọi về miền nhớ mang trọn vẹn ý tình như chính tâm hồn tác giả muốn khơi tỏa, thành ra không xa lạ với người tiếp nhận. Dù vậy, chính cách biểu đạt trực tiếp cảm xúc qua ngôn ngữ đủ để cho trái tim người đọc bâng khuâng, nhất là những bài thơ có được ý tứ vững vàng: “Có thử thách nào nghiệt ngã thế không anh?/ Sao phải bắt em rạch ròi quên - nhớ/ Giữa nhớ và quên trong em điều không thể/ Càng cố quên người, nỗi nhớ lại đầy thêm…” (Thử thách). Nguyệt Ánh cũng có những câu thơ lục bát khá chững chạc, đáng khen: “Chị ngồi hong tóc mơ phai/ Nhặt hoa xoan rụng trải dài ngõ quê/ Đan tay chị vét lời thề/ Trăng vàng rớt đáy sông quê thuở nào” (Chờ)
Thơ Nguyệt Ánh đang ở giai đoạn bắt đầu. Cấu tứ, ngôn ngữ, giọng điệu nhìn chung hãy còn chịu ảnh hưởng của các lớp nhà thơ đi trước. Vẻ đẹp dấu ấn cá nhân trong thơ chị vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong từng “bóng mây thơ” nơi chân trời thi ca phía trước. Hi vọng rằng, sự trải nghiệm cuộc đời và thi ca sẽ  giúp cho Nguyệt Ánh có được những bài thơ mới lắng sâu thi tứ và cảm xúc nồng đượm hơn.                                                                                      

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

VỘI VÀNG – NIỀM YÊU ĐỜI, HAM SỐNG CUỒNG NHIỆT CỦA XUÂN DIỆU tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ 331 THÁNG 3 NĂM 2020





Tôi có cái may mắn là nhiều lần được gặp Xuân Diệu, được nghe ông đọc thơ, bình thơ, nói chuyện thơ, chuyện đời, chuyện yêu. Có lần hồi còn là sinh viên, lớp chúng tôi ra Hà Nội đã đến thăm nhà ông theo lời mời: “Nhà tôi hai bốn Cột Cờ/ Ai vui thì đến ai hững hờ thì thôi”. Ông vui lắm, trà nước, bánh kẹo, hoa quả, có thứ gì ông đem ra hết để mời chúng tôi. Hình như gặp sinh viên khoa Văn thì Xuân Diệu đặc biệt hứng khởi và nồng nàn, lại say mê với thơ ca. Gặp gỡ ông, thấy cảm giác gần gũi, ấm áp. Tôi cảm nhận được ở con người và thơ ông một niềm mến yêu cuộc sống hết sức cuồng nhiệt, “niềm khát khao giao cảm mãnh liệt với đời” (Nguyễn Đăng mạnh). Đúng như tác giả Thi nhân Việt Nam đã nhận xét: “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết” (Hoài Thanh và Hoài Chân). Ông đọc và bình nhiều bài thơ, đặc biệt là các bài Nhị hồ, Nguyệt cầm và Vội vàng. Hồi đó, bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu còn bị phê phán là “tư tưởng sống gấp” nhưng ông vẫn thường đọc, bình và lý giải những ý nghĩa tích cực của bài thơ. Sau này Vội vàng được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 11 THPT.
Bài thơ xuất phát từ một ý tưởng mà Xuân Diệu thường trăn trở, suy tư: Đời người với thời gian có hạn và tuổi trẻ lại càng ngắn ngủi hơn mà thời gian thì trôi chảy, một đi không trở lại nên con người phải tận hưởng gấp gáp, vội vàng những hương sắc, niềm vui của cuộc sống, của đất trời. Triết lý nhân sinh đó đã hoà lẫn trong cảm xúc trữ tình nồng nàn, sôi nổi, sống động, cuốn theo bao hình ảnh thi ca.
Bốn câu đầu, mỗi câu chỉ năm tiếng với nhịp điệu hối hả, khẩn trương:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
 Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Xuân Diệu đã diễn tả cái ý muốn có vẻ kỳ lạ và ngông cuồng: “muốn tắt nắng”, “muốn buộc gió”. “Nắng” và “gió” là những hình ảnh không gian nhưng lại tồn tại trong thời gian. Như vậy, “muốn tắt nắng”, “muốn buộc gió”, thực chất là muốn níu giữ thời gian. Tác giả đã thể hiện niềm khát khao giữ lại thời gian để giữ lại “màu” và “hương” của mùa xuân, hay chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời và cuộc đời.
Xuân Diệu rất yêu mến cuộc đời, đặc biệt là tuổi trẻ gắn với mùa xuân và tình yêu. Cuộc đời tươi đẹp hiện diện trong bài thơ bởi cảnh sắc và âm thanh của mùa xuân:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,…”
Xuân Diệu đã sử dụng hàng loạt những hình ảnh mới mẻ, non tơ, sống động để diễn tả dồn dập trong những câu thơ tám chữ. Đó là “nắng”, “gió”, là “tuần tháng mật”, “hoa của đồng nội xanh rì”, “lá của cành tơ phơ phất”, là “khúc tình si”, “ánh sáng chớp hàng mi”, “cặp môi gần”. Ông đã sử dụng những hình ảnh so sánh sáng tạo, thiên về cảm giác:
“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”
“Ánh sáng chớp hàng mi” là ánh sáng được nhìn qua đôi mắt yêu thương, tình tứ của con người, “thần Vui” là niềm vui được hình tượng hoá, hằng ngày đến với mỗi nhà, mỗi người. Câu thơ: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” là một hình ảnh so sánh thật táo bạo. Tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân – mùa đẹp nhất trong năm, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa xuân tình của con người. Nhà thơ so sánh tháng giêng với “cặp môi gần” của người tình yêu thương mời gọi đầy cảm giác ái ân, tình tự, có yếu tố nhục cảm, giàu sức quyến rũ. Hình ảnh so sánh đã làm nổi bật vẻ đẹp và sức sống, sức hấp dẫn của mùa xuân. Đây là cách so sánh rất đặc trưng trong thi pháp Xuân Diệu: Lấy cái đẹp của con người làm chuẩn mực để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên.
Nhịp điệu của đoạn thơ thay đổi đột ngột, dồn dập, từ “của” lặp lại nhiều lần cùng điệp ngữ “này đây” thay đổi vị trí liên tục trong các câu thơ tạo ra nhịp điệu khẩn trương, gấp gáp như dâng hiến, như mời gọi một cách thiết tha.
Như vậy, chúng ta thấy, nếu Thế Lữ tìm thiên đường ở cõi tiên, Huy Cận đi tìm niềm vui trong vũ trụ bao la thì Xuân Diệu tìm thấy thiên đường giữa trần gian. Với Xuân Diệu, thiên nhiên, con người như một thiên đường trên mặt đất, như một khu vườn tình ái mà vạn vật đương lúc xuân tình, quyến rũ, khêu gợi ái ân.
Tuy nhiên, khi khám phá ra vẻ đẹp đích thực kia của cuộc đời cũng là lúc nhà thơ nhận ra điều tuyệt diệu ấy có số phận ngắn ngủi, mong manh, chóng phai tàn theo thời gian:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
 Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Câu thơ ngắt làm đôi giữa dòng gợi tả được tâm trạng bàng hoàng, thoảng thốt của tác giả khi nhận ra điều ấy. Cảm hứng và tư tưởng chính của bài thơ được thể hiện tập trung ở câu thơ: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Xuân Diệu đã cảm nhận được phép biện chứng của mùa xuân: cùng một lúc, nhà thơ thấy “xuân đang tới”, “xuân đang qua”, “xuân còn non”, “xuân sẽ già”. Đây là cảm hứng về thời gian rất mới mẻ và hiện đại trong thơ Xuân Diệu. Đó là quan niệm thời gian tuyến tính (khác với thời gian tuần hoàn trong thơ cũ): thời gian là một dòng chảy, một khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn.
Từ cảm hứng về mùa xuân, về thời gian đã dẫn đến cảm hứng về cuộc đời. Nhiều người đã nói đến sự ngắn ngủi của cuộc đời: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (Mãn Giác Thiền Sư), cái mới của Xuân Diệu là nói được sự ngắn ngủi của tuổi trẻ:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
 Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!”
Thiên nhiên, vũ trụ tồn tại vĩnh hằng, vô hạn mà con người thì hữu hạn. Mùa xuân thì tuần hoàn còn tuổi trẻ thì một đi không trở lại. Xuân Diệu đã diễn tả rất hay, rất mãnh liệt vẻ đẹp của mùa xuân, của tuổi trẻ, của cuộc đời. Bước đi của thời gian âm thầm nhưng quyết liệt, không gì có thể ngăn cản được. Vì vậy, nhà thơ thấy tiếc cuộc đời, tiếc cả đất trời rộng lớn:
“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
 Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;”
Nhà thơ thật tinh tế khi cảm nhận mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ là một cuộc ra đi vĩnh viễn, một cuộc chia tay giữa thời gian với con người, với cuộc đời:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”
Cũng từ đây, thiên nhiên chuyển hóa từ hòa hợp sang chia lìa trong cái nhìn của thi sĩ:     
“Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”
Từ cảm nhận trên về thời gian, về tuổi trẻ và cuộc đời, Xuân Diệu đi đến một thái độ sống “Vội vàng” rất đặc biệt:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,…”
Cả đoạn thơ có giọng sôi nổi, bồng bột và những hình ảnh đầy sức lôi cuốn: “sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, “mây đưa, gió lượn”, “cánh bướm với tình yêu”, “cái hôn nhiều”, “non nước, cây và cỏ rạng”. Xuân Diệu đã diễn tả được lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, niềm khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời. Tác giả đã sử dụng những từ ngữ thiên về cảm giác mạnh: “ta muốn ôm”, “ta muốn say”, “ta muốn thâu”, “ta muốn riết”, “ta muốn cắn”. Điệp ngữ “Ta muốn” cùng từ “và” lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ tạo nên giọng điệu sôi nổi, say đắm, rất đặc trưng của hồn thơ Xuân Diệu.
Tóm lại, thơ Xuân Diệu sống động như chính cuộc sống cũng như cuộc đời ông sôi nổi, nhiệt tình hết mình với nghệ thuật, với thơ ca, với tình yêu và cuộc sống. Bài thơ Vội vàng có nhiều hình ảnh và ngôn từ mới lạ, hấp dẫn, nhiều so sánh thú vị, thiên về cảm giác. Nhịp điệu thơ dồn dập, gấp gáp, khẩn trương như nhịp điệu của cuộc đời, của mùa xuân và tuổi trẻ.
Xuân Diệu chống trả lại thời gian bằng một thái độ can đảm “nhập cuộc”, dấn thân vào đời sống. Dạy học thi phẩm này, cần hướng dẫn để học sinh định hướng đúng đắn về quan niệm sống: “Vội vàng” không phải là sống buông thả, hưởng lạc mà là sống có ý thức, có trách nhiệm, biết trân quý từng phút giây, ngày tháng của đời mình, sống hết mình, tận hiến và tận hưởng. Qua bài thơ, chúng ta đồng cảm với một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống nồng nàn, sôi nổi của Xuân Diệu; từ đó, chúng ta phấn đấu cho cuộc sống và tuổi trẻ của chính mình có ý nghĩa phong phú hơn, tươi đẹp hơn.

                                              

(*) Hoài Thanh và Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam – NXB Văn học, Hà Nội, 1997, trang 106.

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

XUÂN LẠI VỀ TRONG NGÔI NHÀ NHỎ truyện ngắn của TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT - CHƯ YANG SIN SỐ 331 THÁNG 3 NĂM 2020






Hạnh chìa hai cánh tay ra ngoài ô cửa sổ, mười ngón tay cô lạnh buốt bởi những cơn gió bấc kéo tới. Đôi mắt vời vợi chan chứa đêm dõi theo ngôi sao lẻ loi đang cố bùng cháy trên nền trời thăm thẳm.
Hạnh trầm tư, ngả người xuống ghế. Căn nhà vắng lạnh, hai đứa con đã về ngoại chơi từ hôm qua. Minh - chồng cô giờ này đang ôm ấp người đàn bà khác. Chỉ còn mình cô lặng lẽ với những chông chênh, cô đơn trong ngờm ngợp sắc đêm. Những nỗi niềm đang làm trái tim cô nhói buốt, đêm đặc quánh lại trong tiếng thở dài của Hạnh. Cuộc trò chuyện của chồng và nhân tình được con chip mà cô đã bí mật cài vào điện thoại để theo dõi chồng như những mũi tên sắc lạnh cứ hiển hiện quay tít, rồi xoáy vào tim cô nhức nhối.
“Anh yêu! Em cứ tưởng mình sẽ không sống nổi vì nhớ anh?”.
“Anh cũng vậy, mong thời gian trôi thật nhanh để đến giờ hẹn gặp em”.
“Chúng mình đều yêu nhau say đắm. Vậy sao anh không muốn cùng em chung sống mãi bên nhau. Em không muốn gặp nhau trong sự lén lút thế này nữa. Chẳng lẽ cả đời này em làm người đàn bà trong bóng tối. Nếu yêu em anh phải dứt khoát với chị ấy đi”.
“Nhưng anh…”.
Cô ta nức nở trong tiếng khóc.
“Sao mỗi lần nhắc đến chuyện này, anh lại ngập ngừng, chẳng lẽ anh không thật lòng với em? Em không thể sống thiếu anh. Em còn phải chờ đợi bao lâu nữa mới được đàng hoàng sánh vai bên anh”.
“Đừng nhắc chuyện này nữa, để anh suy nghĩ đã”.
Hạnh tắt máy, cô không muốn nghe những lời cứa lòng mình đứt đoạn. Những câu hỏi như đang cứa lên trái tim cô. Đó là tình yêu thật sao? Hay chỉ là một cơn say nắng, mê muội nhất thời của chồng cô? Bằng sự nhạy cảm của một người vợ, từ lâu Hạnh biết chồng mình có người đàn bà khác. “Ớt nào mà ớt chẳng cay”, cô không gào la ghen tuông ầm ĩ. Hạnh thủ thỉ vào tai chồng những lời thiệt hơn. Nhưng lời của cô chỉ như cơn gió thoảng, chồng cô như con ong say mật quên luôn lối về với những cuộc viễn du say sưa bên nhân tình. Chỉ còn mình cô nhẫn nại nhóm lên ngọn lửa trong cuộc sống vợ chồng. Nhưng tàn tro vẫn lạnh ngắt, ánh mắt anh vẫn lạnh lẽo giăng đầy trong mắt khi nhìn cô. Trong đầu Hạnh đang bùng cháy dữ dội, buông bỏ hay nắm giữ đều do cô quyết định. Thà một lần đau còn hơn cứ mãi trôi dần với cảm giác chới với, hụt hẫng, đau khổ khi cuộc sống vợ chồng  bên bồi bên lở. Liên, cô bạn thân của Hạnh xót xa khi thấy gương mặt Hạnh lúc nào cũng phờ phạc, đôi mắt thâm quầng vì những đêm mất ngủ triền miên đã bảo rằng với Hạnh rằng: “Đời người ngắn ngủi lắm, tuổi xuân của người phụ nữ còn ngắn hơn, hãy buông bỏ khi mình không nắm chặt được tình yêu trong tay". Hạnh không níu giữ nữa, cô sẽ buông bỏ, trả tự do cho Minh để hai người đến với nhau. Dòng nước mắt rơi xuống bờ môi mặn chát. Tay cô run rẩy gõ vào máy dòng chữ: “ Đơn xin ly hôn”.
“Tít,tít, tít”.
 Tiếng chuông réo rắt, cuộc gọi messenger từ nick của mẹ cô. Lau vội nước mắt, Hạnh mở video, cố cười thật tươi. Trong màn hình, ba mái đầu đang chụm vào nhau. Hạnh chỉ kịp chào mẹ chưa hỏi thăm được câu nào, con gái cô đã nhanh nhẩu:
- Mẹ ơi! Chị em con chơi nhà ngoại rất vui. Nhưng chúng con nhớ mẹ lắm luôn. À, ba về chưa mẹ? Con cũng nhớ ba nữa, mẹ cho con gặp ba.
- Ba chưa về con à!
- Ba chưa về luôn ạ, sao ba làm việc khuya vậy?
Nghe con nhắc đến ba, cô bần thần. Lâu nay, chồng về khuya, Hạnh vẫn thường nói với con, ba bận việc nên về trễ. Cô không muốn con biết những trắc ẩn trong chuyện tình cảm của ba mẹ, chúng còn quá nhỏ để hiểu những nút thắt của cuộc đời.
- Có việc gì vậy con, sao lại thẫn thờ thế kia?
Hạnh chống chế.
- Dạ, không có gì mẹ ạ, hai đứa nhỏ đang ở dưới đó con nhớ quá ạ.
- Mẹ cố gắng, con ở ngoại ít hôm rồi con về. Con sẽ gọi ba về với mẹ liền.
Hạnh chào mẹ, dặn con ngủ sớm rồi tắt máy. Tim cô thắt lại, tâm trạng ngổn ngang trăm mối, dòng chữ đơn xin ly hôn trên màn hình máy tính cứ nhòe đi trong nước mắt. Hai đứa con cô đứa lên bảy, đứa lên ba, chúng có tội tình chi mà phải sống cảnh thiếu cha, vắng mẹ. Cha mẹ cô sẽ ra sao khi hạnh phúc của  con gái không được vuông tròn? Lời mẹ thủ thỉ trước đêm xuất giá còn văng vẳng bên tai: Về bên ấy, con nhớ “nhập gia tùy tục, đáo sông tùy khúc”. Khéo léo ứng xử để vợ chồng êm ấm thuận hòa, con cái có mái nhà bình yên. Làm trọn đạo vợ hiền dâu thảo, gái có công chồng sẽ không phụ đâu con. Lời mẹ dạy con gái bằng tất cả tấm lòng, bằng sự đúc rút kinh nghiệm từ cuộc đời của người đàn bà  từng trải. Hạnh khao khát gì nhất, đó là mái ấm gia đình. Ngôi nhà này trước kia cũng đầy ắp tiếng cười khi Minh còn là một công chức của một phòng ban. Nhưng anh không chịu được sự bó buộc của cơ chế nên đã bỏ việc để mở công ty kinh doanh bất động sản. Nhờ sự nhanh nhạy của anh nên việc kinh doanh phất lên như diều gặp gió. Rồi anh ngã vào cạm bẫy tình ái ngọt ngào của cô đối tác xinh đẹp. Mười năm tình nghĩa vợ chồng đâu dễ gì buông bỏ, Hạnh như con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Cô phải làm gì đây để Minh nhận ra, gia đình là tất cả? Hạnh thất thểu bước vào phòng, lôi từ ngăn kéo những viên thuốc màu hồng và lần lượt cho vào miệng. Tai cô ù đi, trước mắt cô như có hàng trăm con đom đóm đang nhảy múa, toàn thân lạnh toát. Hạnh trôi dần vào miên man …
***
Minh đang say trong ánh mắt giọng cười ngọt ngào của Linh. Nhạc chuông điện thoại vang lên: Mẹ là cành hồng dành riêng cho ba, ba là mái nhà che con và má… Linh nũng nịu: “Tắt đi anh, em không muốn bất kỳ ai quấy rầy những giây phút chúng mình bên nhau”. Minh nhẹ nhàng: “Anh phải nghe, vì con gái anh gọi”. Đầu dây bên kia, con gái anh thỏ thẻ:
- Con chào ba! Ba ơi, khuya rồi, ba đừng làm việc nữa mà ảnh hưởng sức khỏe, ba về nhà nghỉ ngơi. Hai chị em con về ngoại rồi, mẹ ở nhà một mình buồn lắm, ba nhanh về với mẹ đi ba, mẹ chờ ba về ăn cơm nhưng chờ hoài không thấy nên mẹ  buồn rồi khóc đó ba”.
Nghe đứa con lên bảy khẩn thiết gọi mình về, Minh giật mình bừng tỉnh, anh nhìn lại bản thân. Lâu nay, Minh đã quên trách nhiệm và bổn phận với vợ con. Tự nhiên, trong lòng Minh thấy bồn chồn, cảm giác mình sắp mất một thứ gì đó rất quý giá. Hình ảnh Hạnh mỗi đêm dù có khuya đến mấy vẫn ngồi bên cửa sổ đợi chồng về hiện lên trong tâm trí anh. Minh vội vã ra về dù giọng Linh ngon ngọt níu kéo. Anh thúc giục tài xế taxi tăng tốc. Đến cổng, Minh không thấy hình ảnh quen thuộc của Hạnh ngồi bên cửa sổ, căn nhà đón Minh bằng sự im lặng. Anh khẽ gọi: “Hạnh ơi!”. Không một tiếng trả lời, Minh bước vội vào phòng, anh hoảng hốt khi thấy vợ mình nằm sóng sượt bên những vĩ thuốc ngủ Gacdenal. Minh lay gọi vợ, bàn tay run rẩy lần lên khuôn mặt nhợt nhạt của Hạnh. Phải môt lúc, Minh nhớ ra phải gọi Liên, cô bạn thân của Hạnh đang là trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Sao Mai.
Tiếng xe cấp cứu gào xé trong đêm. Cánh cửa phòng cấp cứu lạnh lùng đóng chặt. Từng phút trôi qua, Minh cảm giác như ngồi trên đống lửa, tim đập liên hồi, mồ hôi vã ra. Minh day dứt ân hận, tự trách bản thân mình bạc tình và quá ích kỷ? Chỉ vì không không thể kiểm soát được những ham muốn của bản thân mà anh đã gây ra nỗi đau lớn khiến cho trái tim người bạn đời vụn vỡ phải tìm đến cái chết. Giờ đây, khi Hạnh cận kề cái chết, anh mới thấy cô quan trọng đến nhường nào. Minh thèm lắm những cảnh thân thuộc trước kia, mỗi lần đi chợ mua được con cá tươi, miếng thịt ngon là cô đã liến thoắng khoe với chồng từ đầu ngõ. Mỗi bữa cơm, cô say sưa ngắm chồng con ăn những món mình nấu, thấy cả nhà ngon miệng là mắt cô long lanh hạnh phúc. Hạnh ơi! Em hãy tỉnh lại để anh có cơ hội chuộc lỗi với em? Nếu em có mệnh hệ nào thì một bản án lương tâm anh sẽ đeo nặng suốt đời. Anh sẽ làm tất cả để chuộc lại những lỗi lầm để tổ ấm của mình tràn ngập những yêu thương như trước đây. Cánh cửa phòng cấp cứu mở, Minh lao đến: “Vợ anh sao rồi?”.  Giọng Liên lạnh lùng: 
- Hạnh đang hôn mê sâu, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tình trạng rất xấu. nguy cơ tử vong rất cao.
Nói rồi, Liên nhìn vào mắt Minh: “Anh vừa lòng chưa? Nếu bạn tôi có mệnh hệ nào, tôi sẽ không tha thứ cho anh”.
Minh sợ hãi khi nghe những tiên lượng xấu về tình trạng của vợ mình. Mặt tái nhợt, chân Minh khuỵu xuống giọng van lơn: “Liên ơi! Bằng mọi giá, xin em hãy cứu Hạnh, cô ấy là tất cả với anh…
***
Trời hửng sáng, ráng hồng hiện lên phía chân trời, một ngày mới lại bắt đầu. Những thanh âm quen thuộc và gần gũi của cuộc sống vang lên làm Hạnh tỉnh giấc, cô nghe tiếng chồng khe khẽ: “Hai đứa nói nhỏ thôi để mẹ nghỉ ngơi, ba đang nấu bữa sáng cho cả nhà”. Từ hôm, Hạnh nằm viện đến nay, Minh luôn túc trực chăm sóc cô từng miếng ăn giấc ngủ. Hạnh nhìn những tia nắng mặt trời nhẹ nhàng vươn mình chiếu qua làn sương sớm, cô thấy lòng mình rộn rã.
Tiếng mở cổng lạch cạch, Liên xách hộp nước yến bước vào. Minh đon đả:
- Em đến rồi à, anh chuẩn bị bữa sáng sắp xong, ở đây ăn sáng với vợ chồng anh luôn.
- Cảm ơn, tôi ăn rồi, tôi đến xem Hạnh thế nào rồi vào bệnh viện cho kịp giờ.
Biết Liên vẫn còn giận, Minh năn nỉ: “Vợ anh đã tha thứ cho anh, mong em đừng để bụng chuyện cũ nữa, anh hứa sẽ không bao giờ làm gì có lỗi với vợ mình nữa đâu”. Liên gay gắt: “Hạnh là đứa hiền lành, bao dung gặp tôi đã cho anh ra đi từ lâu rồi”.
 Mấy ngày qua, Minh lo lắng túc trực cả ngày và đêm bên Hạnh trong bệnh viện, Liên biết Minh đã thật dạ ăn năn. Nhưng trong lòng Liên vẫn cảm thấy ấm ức thay cho Hạnh. Liên đo huyết áp và đưa thêm mấy vỉ thuốc bổ cho Hạnh. Hạnh nắm chặt tay Liên, ánh mắt đầy hàm ơn. Liên hiểu những lời Hạnh sắp nói ra. Liên nhẹ nhàng: “Chỉ cần bồ hạnh phúc là tớ vui rồi, giữa chúng mình không cần nói nhiều đâu nhé. Nghỉ ngơi nha, tớ đi đây”. Hạnh nhìn Liên đi với những bước chân mạnh mẽ và dứt khoát, cô thấy thật may mắn khi có một người bạn như Liên. Hai đứa thân thiết với nhau từ hồi học vỡ lòng. Tính cách khác biệt, Liên thông minh, cá tính còn Hạnh nhu mì, hiền lành. Từ nhỏ đến lớn, Liên luôn là người bảo vệ Hạnh khi cô bị ai đó bắt nạt. Việc gắn con chíp vào điện thoại để theo dõi Minh với nhân tình và kế hoạch cho Hạnh uống một loại thuốc mà triệu chứng tương tự như uống thuốc ngủ để quyên sinh nhưng không nguy hại đến tính mạng đều do Liên nghĩ ra. Hạnh lấy điện thoại, vội vã tháo con chíp ra và ném đi thật xa, từ nay cô không cần dùng con chíp này để theo dõi chồng nữa. Mấy ngày nay, cô ta gọi cho Minh với giọng ngọt lịm đầy mê dụ, nhưng Minh dứt khóat không vướng vào lưới tình ấy nữa, trái tim anh đã quay về bên Hạnh.
 Ngoài sân, nắng dịu nhẹ như chiếc khăn voan màu vàng dịu dàng sưởi ấm ngôi nhà nhỏ của Hạnh. Minh và hai đứa con đang líu lo cùng nhau tưới giàn hồng leo đang khoe sắc. Những làn gió nhẹ nhàng lan tỏa vào không gian một mùi hương thoang thoảng. Hạnh đã kéo mùa xuân về với ngôi nhà của mình bằng sự nhẫn nại và bao dung.