Trong những ngày đầu xuân năm
mới, tôi theo đoàn của Hội VHNT Đắc Lắc đến thăm nhà giáo, nhà thơ Sơn Thúy.
Mùa xuân này bà đã bước sang tuổi tám hai, trên cái ngưỡng xưa nay hiếm. Căn
nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng Hòa Khánh trù phú. Trước nhà có vườn hoa khoe sắc
thơm lừng từ đầu con ngõ nhỏ, có ao cá vườn rau, phong cảnh thanh bình. Chúng
tôi đến, bà giáo được cô con con gái đỡ dậy trong dáng vẻ bơ phờ, mệt mỏi. Bà
than phiền: “Trước tết vẫn có thể dạo quanh vườn ngắm hoa, cây cảnh vậy mà chỉ
sau một đêm, bệnh tật đã bắt bà phải nằm bó gối, chưa bao giờ ốm nặng như đợt
này”. Chuyện văn, chuyện thơ khiến bà vui, ánh mắt trở nên sống động hơn, giọng
nói của bà không như người già ốm bình thường mà rõ ràng mạch lạc, pha chút
ngân nga luyến láy. Tôi có cảm giác ngày xưa có lẽ bà cũng là một người hát
chèo “có nghề” của đất Thái Bình quê bà.
Tôi trở về
với cuốn thơ Hơi thở thời gian bà tặng, cùng những chia sẻ của một con người đang
bước trên chặng cuối của cuộc đời… thật vô cùng trân trọng. Hơi thở thời gian
có 53 bài thơ, tôi đọc và thấy cả cuộc đời bà giáo hiền lành, chân chất trong
đó, cả đời hết lòng với bao lớp học trò: Học trò bao lứa/ Ngần ấy năm tận lực
tận tâm…(Nhìn Lại) nhưng bên cạnh luôn có người bạn thơ đồng hành với một
tình bạn, tình yêu tuyệt đẹp, nâng bước nhau đi suốt cuộc đời: Những vần
thơ từ tuổi dại khờ/ Con chuồn ớt, hoa mướp vàng rực rỡ/ Tâm hồn bật mở… Tôi
tìm về những trang thơ đầy ắp nắng hồng/ Thời thiếu nữ vầng trăng trong vắt/
Lại thấy vị đời có mật/ Trái tim cỏ nhàu cất tiếng hót họa mi/…/ Hòa niềm vui
vào thơ/ Để hy vọng mộng mơ/… Tôi làm thơ và tôi hạnh phúc (Tôi và thơ). Không
hạnh phúc sao được khi nhà thơ tự nhận, từ thủa tập tọe làm thơ thì tuổi
thơ, quê hương, đất nước và hình ảnh người mẹ luôn đầy ắp trong thơ của mình
với một tình yêu lớn lao và sự biết ơn sâu nặng: Tôi tập tọe làm thơ/ Ngôn
ngữ vần điệu lơ ngơ/ …/ Những bài thơ có nắng mộng trăng mơ/ Suối chảy lững lờ
trời trong hoa thắm/ Cả chiếc áo tơi và tấm lưng cong trĩu nặng/ Mẹ cõng tôi
đến trường… (Tôi làm thơ). Không chỉ dừng lại ở kí ức tuổi thơ, quê hương, đất
nước và mẹ… nhà thơ Sơn Thúy còn viết về nhiều đề tài, song ấn tượng nhất trong
tập vẫn là đề tài người phụ nữ, về người mẹ quê hương: Vô vàn giọt sao long
lanh/ Nước mắt những người đàn bà/ Trên bầu trời số phận, đó là những câu mở
đầu khá ám ảnh trong bài Giọt sao. Nhà thơ, nhà giáo thấu hiểu đến tận cùng
những gian khổ, hy sinh, mất mát thầm lặng của những người mẹ: Của đá vọng phu
là những giọt nào/ Chảy dọc chiều dài lịch sử? Bao hình hài dang dở/ Bất thành nhân
vì chất độc da cam/ Những đôi mắt nào đang giọt giọt chứa chan? Nước mắt mẹ
Việt Nam/ Đêm đêm âm thầm chảy/ Khắc khoải chờ tin… nơi con nằm lại/ Từ ngàn xưa,
tới ngàn sau/ Hằng hà sa số giọt sao/ Tụ thành mênh mông dải ngân hà/ Dòng nước
mắt đàn bà/ Đắng cay/ Soi sáng ! Những giọt
nước mắt mẹ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam trong đắng cay, đau khổ đã tích tụ
thành dải ngân hà ngự trị trên bầu trời và đêm đêm soi sáng để đức hy sinh của
những người mẹ mãi mãi trường tồn.
Còn nhiều
bất ngờ từ những bài thơ về mẹ, xuyên suốt tập thơ. Nhà thơ Sơn Thúy với lối viết
giản dị, câu chữ mộc mạc như bông lúa, củ khoai của người nông dân tạo nên hình,
nên khối, tạc vào bầu trời thi ca hình ảnh người mẹ mang phong cách rất riêng: Bầu
vú mẹ khum khum vòm trời/… Gió bấc luồn áo vá/ Cào xé thịt da/ Sữa mẹ ngọt ngào
ấm dạ (Bầu vú mẹ). Có lẽ ai cũng phải bắt đầu từ bầu vú và những dòng sữa tinh
cất từ máu thịt người mẹ để lớn khôn, nhưng ít ai lại có thể thấy sự vĩ đại và
vẽ vào thơ bầu vú mẹ là cả bầu trời ơn đức sinh thành như vậy. Ở bài Bàn chân
mẹ, nhà thơ cũng tạo nên một bất ngờ lớn
cho người đọc. Hình ảnh bàn chân mang tính đặc thù của người mẹ quê nông dân
Việt Nam, nhưng đặc biệt hơn, đó là bàn chân của một thế hệ phụ nữ miền Bắc anh
hùng, “tay cày tay súng” đảm đang để chồng, cha, anh ra chiến trường đánh giặc.
Bàn chân mẹ hiện lên trong thơ to bè, sần chai trở nên phi thường, vô cùng nhân
văn: Bàn chân mẹ to bè/ Năm ngón xòe hình chổi… Như Cửu Long giang xòe chín
nhánh/ Mở xóm làng ra biển khơi/ Bàn chân mẹ xòe ra chìm xuống/ Để chúng con
thẳng bước giữa đời.
Không biết bài thơ được nhà thơ
Sơn Thúy viết vào thời điểm nào nhưng đã có tầm nhìn vượt thời gian và không
gian để khẳng định vị thế to lớn của người mẹ, người phụ nữ Việt Nam hôm nay đã
thực sự vượt lên không chỉ trong nước mà ngang tầm phụ nữ thế giới, đóng đinh
hình ảnh Bàn chân mẹ như một hình tượng trong thơ ca, mang tính nhân văn cao
cả...
Để có những vần thơ vụt sáng ấy,
nhà giáo, nhà thơ Sơn Thúy đã phải lao động miệt mài, không ngừng tìm kiếm, có
lúc “không nhớ mình là ai”: Khi làm thơ/ Ta như người đói cồn cào/ Thấy trái
chín mà không hái được/ Như người đi trên sa mạc/ Gặp hồ nước thỏa thuê cơn
khát/ Không nhớ mình là ai (Khi làm thơ). Trong bài thơ Nhìn Lại cũng là
bài cuối trong tập thơ nhân sinh nhật lần thứ 70 nhà thơ viết: Thế sự trắng
đen đã rõ/ Lưng còng mà lòng ngay/ Mắt mờ mà tâm sáng/ Đường đời khúc khuỷu cứ
đi/ Thập thõm theo văn chương…Con cái chẳng hơn người/ Hai vai một đời ráng
sức/ Học trò bao lứa/ Ngần ấy năm tận lực, tận tâm/ Bạn bè đồng nghiệp xa gần/
Vẫn còn kẻ thương người đợi/…/ Chỉ canh cánh bên lòng một nỗi/ Mẹ già vời vợi
xa xăm/ Báo đền chưa được bao lăm/ Ừ thì sương treo đầu ngọn cỏ/ Sẽ bay về
trời/ Vấp váp lỗi lầm không tránh khỏi/ Biết mình: Người tử tế/ Vẫn có thể mỉm
cười.
Nhà giáo, nhà thơ Sơn Thúy thật
sự là người tử tế, một đứa con hiếu thảo. Bà đã đi gần hết cuộc người mà vẫn
canh cánh lo cho người mẹ ở quê xa, vẫn day dứt như chưa làm tròn bổn phận của
một đứa con là luôn bên cạnh, chăm sóc đỡ đần cho mẹ lúc tuổi già… Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh nhà thơ Sơn Thúy và
4 câu thơ bà đọc và cho rằng có lẽ là những câu thơ cuối của bà: Ờ đã 80 rồi
đấy nhỉ?/ Sự nghiệp sau lưng chẳng đáng gì/ May còn vài vần thơ mộc mạc/ Làm
hành trang cho lúc ra đi… Bà giáo Sơn Thúy đã chọn thơ làm bạn, làm hành trang
vạn lý… thật xúc động! Tôi cầu chúc bà sẽ khỏe lại để tiếp tục viết tiếp
những bài thơ hay về mẹ, về người phụ nữ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI