Đã hơn mấy mùa trăng trôi qua, ngôi nhà dài của mí Loan
như có đám, bếp lửa giữa nhà cứ im ỉm không muốn hừng cháy, củ khoai to bằng bắp
tay không thèm vùi vào đống tro nóng. Chiếc gùi mây nằm lăn lóc trong góc nhà.
Cầu thang bảy bậc vững chắc được đẽo gọt công phu từ cây gỗ cà chít vừa bằng một
vòng tay ôm không có ai bước lên.
Mí
Kanh ngày nào cũng ngồi ở bậc cửa, nơi đầu cầu thang. Mí chờ thằng con trai lớn.
Nó bỏ nhà đi đâu biệt tích. Mí còn chẳng nhớ nó đi từ khi nào. Mí nghĩ đi chán rồi
nó sẽ về. Nó là con trai lớn của nhà mí còn gì.
Y’Kanh
là đứa con lớn nhất ấy, nó không phải là con do mí Loan rứt ruột đẻ ra. Cách đây
đã nhiều năm, trong một lần đi chợ về, ngang qua gốc cây sung ven đường thì
nghe tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt trong túm chăn nhàu nhĩ. Mí buông gùi, lội
qua mương đến bên gốc cây muồng già. Đứa bé vừa được bế lên thì nó nín khóc, hai
bàn tay nhỏ xíu huơ huơ. Đàn bà trong làng cùng đi chợ thấy thế thì bảo:
-
Đem nó về nuôi thôi H’Ban à, tội nó quá.
Đôi
mắt thằng bé đen láy, long lanh cứ tròn xoe làm lòng mí thấy ấm áp lạ lùng. Không
cần người làng nói mí cũng đang có ý định mang thằng bé về nuôi. Bắt chồng đã hơn
năm mùa rẫy rồi nhưng nhà vẫn chưa có tiếng trẻ con bi bô.( Không phải mí
không có con mà là đứa con gái đầu lòng vừa tròn một năm tuổi thì bị sốt cao, sốt
ba ngày thì mất). Nhà vắng tiếng trẻ con cứ buồn buồn thế nào ấy. Âu cũng
là Yàng gửi nó xuống cho hai vợ chồng mí.
Thế
là Mí Loan được người làng gọi là Mí Kanh, từ khi cả nhà gọi tên thằng bé là Y’Kanh.
Thằng bé khó nuôi, cứ khóc ngằn ngặt. Hai vợ chồng mí thay nhau ôm nó vào lòng,
ru hờ hờ cả đêm. Sáng sớm đã cặm cụi thức dậy giã gạo nấu cháo. Vất vả mà lúc
nào nhìn mí Kanh cũng tươi cười.
Nhà
có trẻ con khác hẳn, lúc nào cũng rộn ràng. Không lâu sau khi mang Y’Kanh về nhà,
mí Kanh mang thai, lần lượt đẻ ra hai thằng con trai kháu khỉnh. Ba đứa con
trai xấp xỉ tuổi nhau, nhà lúc nào cũng ồn ào. Người Ê Đê vốn quý con gái nhưng
hai vợ chồng mí Kanh chỉ có ba thằng con trai thì không lấy thế làm buồn lòng.
Những đứa con mí có khuôn mặt sáng sủa, bắp tay bắp chân cuồn cuộn vạm vỡ khoẻ
khoắn. Ngày hội nào của buôn con gái cũng ngắm nhìn không chán. Khi Y’Kanh đến
tuổi trưởng thành, đã nhiều cô gái nhờ người đến nhà muốn hỏi làm chồng lắm.
Ông
trời lúc nào cũng gây những chuyện trớ trêu. Vì người Y’Kanh ưng nắm tay, mỗi buổi
sáng sóng bước nhau lên rẫy chỉ chăm chăm nhìn vào vồng ngực săn chắc của
Y’Long, đứa em trai lúc nào cũng như hình với bóng của Y’Kanh.
Y’Long thấy ánh mắt láp lánh của anh trai dành cho
H’Dương. Hiểu hết. Rồi cũng hiểu cả ánh mắt dịu dàng, tha thiết của cô gái mắt
nâu cùng buôn dành cho mình. Chao ôi là mất ngủ. Chỉ thao thức vì cái điều là
làm thế nào để H’Dương đừng nhìn mình nữa, chịu thôi.
Vậy
mà sáng qua H’Dương chặn hai anh em ở bờ suối, nơi đầu rẫy.
-
Y’’Long à, tôi muốn nói chuyện với Y’Long.
Y’Long
cười bối rối:
-
Con gái mà chặn đường con trai thế này à. Dạn thế. Không sợ tôi chạy như hươu
như nai sao Dương ơi.
-
Tôi không sợ Y’Long cười. Có chuyện thì tôi nói chuyện. Phải không anh Y’Kanh?
Y’Kanh
cười gượng. Bảo mình đi trước. Rồi cắm đầu cắm cổ đi như chạy dù rẫy nhà mình
ngay trước mặt. Y’Kanh không biết họ nói với nhau chuyện gì, chỉ thấy lòng mình
như có kiến đốt, nhói bên phải, buốt bên trái. H’Dương có hiểu lòng mình không
khi hôm trước gặp nhau giữa đường, Y’Long bảo muốn giống người Kinh, ưng con
gái nhà ai là đến nhà hỏi cưới, không chờ người ta mời cậu đến nhà hỏi cưới làm
chồng như người Ê Đê mình. Vì sao. Vì nóng ruột quá. Vì sợ người con gái mình
yêu chỉ để mắt đến người khác. Đường gần không đi cứ vòng qua đường đồi, đi mải
miết mà không thấy đoạn bằng phẳng mà thôi.
H’Dương
có hiểu điều Y’Kanh muốn nói không? Hiểu chứ. Con gái là tinh ý lắm. Chỉ nhìn
thoáng qua là biết ngay đứa con trai nào mê mình rồi. Nhất là khi viêc rẫy nhà mình
đứa ấy hăm hở chặt cây đốt lá quần quật cả buổi trưa không than mệt. Nhất là
khi cá đơm được nó xỏ cây lạt bỏ luôn vào gùi bảo đem về nướng liền đi vì ngọt
lắm đấy. Nhất là khi đột ngột đi rẫy về trời đổ mưa nó nằng nặc nhường cho mình
cái áo duy nhất rồi chịu ướt phăm phăm chạy về.
Nhưng
H’Dương lại đem lòng thương Y’Long.
Sao
lại thế. Chả hiểu lòng mình nữa. Dù Y’Long tránh nhìn thẳng vào mắt H’Dương mỗi
khi gặp mặt. Mặc kệ khi nhà nào trong buôn có việc, thanh niên túm tụm lại giúp
đỡ là H’Dương lại kiếm cớ bảo Y’Long làm cùng mình việc nọ việc kia. Mà H’Dương
nghĩ, thương thì phải nói, cũng đến tuổi bắt được chồng rồi, nhà chẳng có ai, bắt
chồng về cho tiếng nói tiếng cười. Nghĩ là làm thôi.
***
Tối
hôm ấy. Khi hai anh em ra chòi canh rẫy. Y’Long mang theo ống lồ ô treo trên vách.
Lồ ô treo ở đấy đã nửa năm. Rượu ngâm trong ống chỉ dành cho dịp đặc biệt của
nhà. Thế mà hôm nay đi canh rẫy thôi, Y’Long mang theo làm gì. Y’Kanh cũng biết.
Cá
suối nướng. Rượu đổ ra ly. Một ly, hai ly. Rồi không nhớ là hai anh em uống hết
ống lồ ô rượu thì được mấy ly. Y’Kanh hỏi em trai bằng giọng nhẹ bẫng:
-
Có chuyện gì muốn nói phải không Long?
-
H’Dương muốn bắt em về làm chồng. Anh thấy thế nào?
-
Ừ.
Ừ
thế nào mà ừ. Y’Kanh thấy lồng ngực mình nhói lên như mũi tên xuyên qua. Dù biết
mười mươi cũng có ngày Y’Long nói ra điều đó. Anh trai mà giành người yêu với em
thì trời phạt cho à. Mà giành giật thế nào khi mà H’Dương chỉ thấy mỗi Y’Long.
-
Rồi hạnh phúc Y’Long nhé. Mày sang nhà vợ, chẳng mấy mà thành người đàn ông trưởng
thành.
Y’Kanh
cứ thầm thì. Chắc gì thằng em trai đã nghe. Nó say, nằm vật ra sàn nhà, tiếng ngáy
đều đều vang lên. Trời ạ. Đi rừng mà ngáy thế này thì cọp nó vồ chứ chẳng đùa.
Y’Kanh cười khẽ. Anh chàng bó gối nhìn thấu ra phía ngoài chòi canh.
Trời
đổ gió, buốt sao là buốt.
***
Y’Long về nhà vợ. Nhà chỉ còn hai ông bà già và Y’Kanh.
Chờ ngày cuối tháng đứa em trai út đi học về thì nhà cửa rộn ràng. Người ra người
vào, có thêm mấy đứa thanh niên trong làng sang uống rượu. Thịt trâu gác bếp,
canh cà đắng. Lá bép xào. Rượu cần trong ché được hút ra chai. Rút ra can nhựa.
Đứa nào cũng ngật ngưỡng. Tiếng đàn bập bùng cả đêm.
Y’Kanh
ngày nào cũng uống rượu.
Không
phải như ngày xưa, uống rượu chỉ là cái cớ. Ôm đàn hát hò cả đêm. Hát suốt nên
hơi rượu phả đâu mất, chẳng bao giờ say. Còn bây giờ, đêm nào cũng say. Hễ say
vào là lại khóc, khóc kiểu người ta oán trời đất. Có đêm nằm còng queo trên chiếc
chiếu giữa nhà, ôm khư khư chai rượu, ngáy um cả nhà. Chỉ lạ là say thế nhưng
sáng dậy sớm lắm, đi phăm phăm ra rẫy mà không cần chờ mí nấu cơm ăn sáng.
Mí
Kanh ghét mùi rượu. Cứ hễ thấy Y’Kanh uống lại cằn nhằn. Thanh niên trai tráng mà
cứ ngập ngụa trong rượu thì sớm muộn gì cũng thành ma men. Da vàng. Chân run.
Đàn ông trong làng bảy người thì ba người thích uống rượu. Y’Long sang nhà vợ rồi,
nhà còn hai người đàn ông mà ngày nào cũng uống. Chẳng ai nói chuyện với mí
Kanh nữa rồi. Người bạn già mách mí Kanh chỉ muốn Y’Kanh bớt rượu thì phải
siêng năng ra ngoài đường. Hẹn hò hay gặp gỡ con gái trong buôn. Mà gặp con gái
nhà ai đó buôn bên cạnh cũng được. Rồi con người ta sang nhà mí bắt chồng. Kéo
nó ra khỏi chai rượu ngầy ngật. Nhưng làm thế nào khi mờ sáng Y’Kanh đã lên rẫy,
chập tối lại tụ tập với đám thanh niên rượu chè.
Ừ
thì thôi mặc kệ.
Những
chẳng mặc kệ được.
Hôm
mí Kanh ngã ốm. Người nóng như chảo lửa. Con dâu nghe tin thì sấp ngửa chạy về.
Con dâu đi một mình. Mí nhìn cái bụng phẳng lì của con dâu, hơi hụt hẫng. Con
gái ở buôn, bắt chồng ngày hôm trước, hôm sau bụng đã lùm lùm. Có đứa mới lấy
chồng ba năm mà đứa dắt bên hông, đứa địu trên lưng rồi. Vậy mà hai đứa nó đeo
vòng, đạp rìu làm lễ cưới cả hai, ba năm nay vẫn chưa có tin vui.
Mí
không hay đến nhà chúng nó. Chỉ biết hai đứa được nhà vợ cho mảnh đất, dựng nhà.
Nhưng được chừng năm thì Y’Long đi theo người ta xuống thành phố làm công nhân.
Mí nghĩ mãi sao Y’Long nó không làm rẫy, làm rẫy cực thì có cực nhưng vợ chồng
như bồ câu có đôi có cặp. Nhà tách khẩu, hai vợ chồng ở riêng rồi mà nó đi biền
biệt như thế, bao giờ mới có cháu gọi mí là bà nội đây. Nghĩ mà ruột gan héo quắt.
Con dâu vốn tháo vát. Vừa leo lên cầu thang vào đến nhà
đã tay sấp tay ngửa làm luôn tay luôn chân, vào dọn dẹp quần áo, nào sắp xếp bếp
núc. Nó nấu cho mí nồi cháo cá thơm phức. Khi ăn xong, uống thuốc rồi, mí thấy
đầu nhẹ hơn, giấc ngủ cũng chập chờn đến.
Chẳng
biết mí Kanh ngủ bao lâu. Chỉ biết khi nghe tiếng thì thào nhỏ nhỏ thì mơ hồ tỉnh
dậy.
Lắng
nghe kỹ thì tiếng con dâu. Tiếng nó thỏ thẻ và buồn buồn đến lạ.
-
Anh uống rượu suốt hả Y’Kanh?
-
Ai nói thế?
-
Cần gì ai nói. Em biết hết. Anh lấy vợ đi. Không lấy con gái buôn mình thì con
gái người Kinh cũng được. Con gái người Kinh làm dâu. Ở nhà mình chăm sóc ama,
amí. Cha mẹ già rồi. Mà anh cũng lớn rồi còn gì.
-
Ừ. Biết.
-
Anh đừng trả lời suông. Đừng nghĩ đến em nữa. Nhiều năm rồi mà anh chẳng khác đi
được. Em thấy buồn quá.
H’Dương
bật khóc. Y’Kanh ngồi thẫn cả người.
Khác
thế nào được. Bao nhiêu năm, kể cả khi H’Dương làm em dâu mình rồi nhưng chưa
bao giờ Y’Kanh thấy quên H’Dương cả. Nhất là Y’Kanh biết chuyện Y’Long đi làm
công nhân ở thành phố rồi sống như vợ chồng với cô gái cùng xưởng, suốt mấy năm
nay nó không chịu về nhà. Y’Kanh thấy mắt cay quá: Thằng em trai mình - Nó nằng
nặc đòi chia tay vợ. Cái thằng hèn nhát. Nó chẳng bao giờ làm nổi cái cây cho
người ta tựa. Người ta muốn là nó xuôi theo. Người ta ưng là nó ưng. Y’Long nó
ưa cái mới. Nhưng vợ thì muốn mới cũng không được chứ.
Y’Long
nhìn H’Dương đang gục đầu giữa hai đầu gối, cố nén tiếng khóc trong cổ họng mà
thấy miệng mình đắng ngắt. Trời ơi, nếu H’Dương với Y’Long có chia tay thì Y’Kanh
cũng chẳng biết làm thế nào. Vì Y’Kanh bây giờ vẫn thương H’Dương. Chỉ nghĩ đến
em dâu thôi là ruột gan như đứt từng khúc mất rồi.
Bàn
tay Y’Long đặt lên bờ vai đang run bần bật của H’Dương tự lúc nào. Thốt nhiên, H’Dương
thấy mình yếu đuối quá đỗi. Cô tựa vào bờ vai ấy. Ấm quá. Vững quá. Cái hồi nào
đó sao mình không cảm nhận được hơi ấm này, từ bàn tay đang siết chặt lấy tay Dương,
chai sần và run rẩy.
-
Ôi chúng mày, ai cho chúng mày ôm nhau thế này. Ớ Y’Kanh, Ớ H’Dương ơi!
Mí Kanh gào lên, mắt mở trừng trừng. Lồng ngực phồng lên
nhưng hơi thở thì uất nghẹn. Hai đứa con của mí. Đứa con trai. Đứa con dâu.
Chúng nó vụt đứng dậy, sững sờ nhìn mí. Chúng cứ nhìn mà không thốt được lời
nào. Thoắt cái Y’Kanh vụt chạy khỏi cửa, bước chân rầm rập của nó vừa xuống cầu
thang cũng là lúc mí Kanh đổ sụp xuống sàn nhà.
…
Lúc
nào thì thôi buồn khi nghe chuyện của những đứa con trong nhà mí Kanh. H’Dương vẫn
là con dâu của mí. Nhưng chẳng mấy khi nó về. Nghe đâu bây giờ nó còn bận làm
kinh tế.
Mỗi
chiều. Mí vẫn cứ ngồi yên lặng ở đầu bậc thang một mình.
Mí
chờ thằng Y’Kanh về dù mí có ba thằng con trai. Chắc tại mí thương Y’Kanh nhất.
Mặc kệ đôi khi ama Kanh cằn nhằn rằng giờ này ngồi ngoài hiên là muỗi đốt.
Chờ
hoài. Kể cả những hôm trời trở lạnh, sương đêm giăng đầy trời cũng thế…
Tháng 02/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI