Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

TÔI CHỌN CHỮ NÀO CHO MÌNH? truyện ngắn của NGUYÊN HƯƠNG - CHƯ YANG SIN SỐ: 331 THÁNG 3 NĂM 2020



Ban tổ chức phát cho mỗi người một túi đựng đầy mẩu nhôm hình tròn như đồng xu và có ghi mệnh giá lớn nhỏ. Người tham gia sẽ sử dụng những mẩu nhôm này như tiền để mua hàng hóa trong lễ hội.
Tôi ở gian hàng thư pháp, công việc của tôi là mời khách chọn chữ (trên những bức thư pháp có sẵn), nếu gặp khách thích có riêng một bức thư pháp không đụng hàng thì khách tự chọn chữ khác hoặc tôi gợi ý cho họ. Dĩ nhiên, ngoài mời chào khách chú ý tới gian hàng của mình, nhiệm vụ chính của tôi là nói năng sao cho khách hài lòng mà hào phóng móc túi chi trả.
Là người buôn bán thì tôi mời chọn chữ Tài chữ Lộc… Tuổi trung niên vui vẻ nhẹ nhàng thì tôi mời chọn chữ Bình chữ An… Là người tỏ ra quan tâm tới giáo dục thì tôi mời chọn chữ Trí chữ Tuệ… Lớn tuổi thì tôi mời chọn chữ Phúc chữ Thọ…
Giữa quang cảnh lễ hội, những bức thư pháp lay lay trong làn gió nhẹ bỗng đẹp đẽ một cách khó tả, những con chữ bình thường chợt trở thành điều gì đó ý nghĩa hơn chính nó. Khu ẩm thực ồn ào, khu vui chơi sôi động, khu trưng bày hoa rộn ràng rủ rê tạo dáng chụp hình… nhưng đến gian hàng thư pháp thì mọi âm thanh lắng dần. Thư pháp được treo sát bên nhau trên sợi dây mảnh, những ngón tay nhẹ vén từng bức để nhìn ngắm, và âm vang khe khẽ “Chữ này hay nè” “Chữ này được không?”… Có những người khách khiến tôi chẳng cần nói năng gì vì cách họ nhìn nhau tràn đầy nâng niu, dĩ nhiên là chữ Hạnh Phúc, còn gì khác hơn? Cặp vợ chồng đứng tuổi chọn chữ Mái Ấm…
Tôi thích nhất những vị khách là đôi lứa trẻ trung vì sự bẽn lẽn đỏ hồng đôi má của cả hai người khi cầm trên tay chữ Yêu, và vì sự hào phóng nữa! Không cần hỏi giá trước và cũng không cần đếm, cứ thò tay vô túi bốc một nắm tiền bỏ vô thùng và có người còn bốc thêm một nắm nữa. Yêu là vô giá tụi mình ơi!
Chi li nhất là khách hàng nhí. Cùng với ánh mắt tò mò rụt rè thì câu hỏi đầu tiên luôn là “Bao nhiêu một bức vậy cô?”. Ông Đồ gãi đầu tính toán sát sàn sạt giá giấy giá mực và bao công sức rồi thì thầm vô tai tôi “Với bầy nhóc này thì nói giá bằng viên kẹo cũng được, rồi ráng mời chào đám khách Yêu để bù lại”. Cả gian hàng cười rộ khiến bầy khách nhí mở to mắt ngạc nhiên lồ lộ thắc mắc người lớn mặc áo dài khăn đóng trịnh trọng vậy mà cũng biết cười ồn ào sao?
Từ sáng đến giờ tôi được khen là dẻo miệng khéo mời chào khách mà lúc này thì tôi rối vì khách nhí chọn chữ chẳng theo quy luật nào. Không, cháu không lấy chữ Cha Mẹ đâu, cháu thích một chữ Cha thôi. Miệng dẻo tôi im bặt vì sợ lỡ mình nói gì đó làm tổn thương trái tim bé bỏng không được có mẹ bên cạnh, rồi thì đôi môi nhỏ xinh phụng phịu phân bua: “Mẹ cháu hở tí là bắt quỳ úp mặt vô tường. Ghét!”. Tôi nín cười hình dung người phụ nữ khi đứa con mang bức thư pháp về nhà. Ờ, dạy dỗ con cái là điều khó nhất đời.
Tóc bím thắt nơ hồng lần lượt vén từng bức thư pháp nhìn ngó cẩn thận, trong khi lượt khách nhí tản dần đi thì cô bé vẫn đứng đó, ngần ngại nhìn tôi. Cháu muốn chữ gì để cô tìm giúp cho? Tôi nói.
Cháu muốn chữ Bà Nội.
Câu trả lời bằng giọng lí nhí.
***
Hơn một lần tôi định cầm bút viết đơn ly hôn nhưng bỗng nhớ tới cô bé, tôi ngừng lại. …
Không có sẵn chữ Bà Nội nên cô bé phải ngồi đợi khá lâu để chờ bức thư pháp mới viết xong khô mực. Lần lượt các khách nhí tung tăng chạy đi, còn lại một mình cô bé nhìn ngó mông lung đâu đó bằng đôi mắt trống trải. Tất cả đều im lặng cho đến khi Ông Đồ nói khẽ vô tai tôi: “Khô rồi, xỏ ống trúc cuộn lại đưa cho bé được rồi đó”.
Cầm bức thư pháp và nói cảm ơn cũng rất lí nhí, rồi cô bé nhét túi tiền vào tay tôi và chạy vụt đi. Tôi chẳng biết làm gì khác là bỏ túi tiền còn căng phồng vô thùng trong sự nín lặng của tất cả mọi người. Có lẽ đối với cô bé, bà nội đáng giá toàn bộ tiền có được, là tất cả trên đời. Bà nội rất cưng cháu và hẳn là khéo tay nữa, nhìn kìa, mái tóc thắt bím rất đẹp và còn được thắt nơ hồng xinh. Đâu khác gì những đứa bé được chăm sóc chu đáo!
***
Những trận to tiếng, vợ chồng đặt lên bàn cân, đong đếm, con gái sẽ ở với tôi còn con trai theo cha. Tôi cãi, anh hay đi công tác thì sao chăm sóc con được? Chồng tỉnh bơ: “Mẹ anh nuôi con được thì nuôi cháu được, không cần em phải lo”. Nghe hoài thì tôi cũng thấy tạm ổn, ờ, mẹ chồng hiền hậu tốt bụng, tôi có thể yên tâm.
Nhưng… Hình dung ngày nào đó con mình đứng trước gian hàng thư pháp, dửng dưng bỏ qua những bức viết chữ Cha Mẹ, tôi rùng mình sợ hãi. Dửng dưng? Hay mong muốn được giống các bạn mà đành? Đứa bé chăm chú tìm một chữ cho mình như tìm một điểm tựa cho nỗi trống vắng.
Ý định ly hôn vẫn còn trong tâm trí nhưng đồng thời thì nỗi sợ hãi cũng hiện ra. Cô bé đã cứu vãn cuộc hôn nhân của tôi, hay khiến tôi rối ren hơn? Chẳng thể phân định rạch ròi.
***
Lẩn quẩn với bao rối rắm trong đầu, một buổi tối chỉ có ba mẹ con ở nhà, tôi bày ra chơi trò chọn chữ, để biết hai đứa con của mình sẽ như thế nào, nếu…
Lên mạng, vô trang dạy viết thư pháp, tôi viết loằng ngoằng một hồi thì hai đứa con cũng lấy bút màu ra tô tô vẽ vẽ đủ kiểu chữ bày bừa khắp bàn. Xem ra hai đứa hào hứng với trò chơi này lắm. Con gái lém lỉnh: “Mẹ chọn toàn chữ kinh điển không à. Sao không có chữ dễ hiểu như là Ăn? Chữ đó ngon lành mà mẹ. Con thích chữ Uống nữa, mát rượi luôn”. Con trai phụ họa: “Đúng đúng. Để anh tô chữ Đá”. Con gái cười tít mắt: “Đúng rồi, đá lạnh để mình pha nước nhâm nhi sau khi no nê là tuyệt cú”. Con trai a ha ha: “Anh đâu có tâm hồn ăn uống tham lam vậy. Ý anh là bóng đá”. Con gái làm mặt xấu vì anh trai tự dưng đưa ra một chữ chẳng dính dáng gì tới ý của mình, rồi con gái bĩu môi rùn vai tư vấn: “Vậy thì anh phải viết chữ Sút mới đúng”. À há…
Đang đùa vui thì chồng về, hai đứa con ngay lập tức im bặt tiếng cười. Bấy lâu nay là vậy, cứ khi nào có mặt cả tôi và chồng thì không khí trầm xuống. Chồng vừa cởi giày vừa hỏi bâng quơ: “Mấy mẹ con đang làm gì vậy?”. “Chơi chọn chữ”, tôi đáp nhanh và đứng lên. Hoặc là tôi, hoặc là anh, hoặc là hai đứa con rút vô phòng với cái cớ chính đáng là học bài, lâu nay cả nhà tôi là vậy.
Tối nay, tôi chọn kẻ rút lui là mình. Để lại không gian cho ba cha con, tôi đi vô phòng. Sau lưng vang giọng con trai: “Ba muốn chọn một chữ không?”. Con gái phụ họa: “Chọn chữ nào vui vui nghe ba. Hay là viết chữ mà ba thích đó”.
Bất giác tôi bước chậm và ngoái đầu để biết chồng chọn hoặc viết chữ gì nhưng vừa khựng lại thì sợ chồng nhận ra sự chú ý của mình nên tôi đi nhanh vô phòng luôn. Một hồi thì tôi tìm ra cớ, dí thỏi son cho tòe đầu rồi tôi cầm thỏi son đi ra và tới chỗ con gái, tôi lấy giọng cằn nhằn: “Có phải con làm hư của mẹ không?”. Con gái tròn xoe mắ:t “Lúc mẹ mới mua về con đã nói là màu son này không đẹp rồi mà, nên con đâu có đụng vô làm chi”. Tôi thấy cây bút trong tay chồng đang viết chữ h, trước đó là T. Những ngón tay lóng ngóng tập viết theo lối thư pháp rất chậm khiến tôi không thể đứng lâu để biết chữ cái tiếp theo là gì. Nhưng cũng dễ hiểu thôi, bắt đầu là Th thì chỉ có thể là Thương, chứ chẳng lẽ đang diễn với con cái mà viết chữ Tham à?
***
Sáng hôm sau, tôi thức dậy và nhìn thấy bên gối mình là tờ giấy có chữ Tha Thứ.
Nước mắt tôi trào tuôn, đắng cay và cả nhẹ nhõm. Tôi nhận ra mình chờ mong chồng nói điều này. Nghĩa là anh đã chịu nhận lỗi, không phải tại tôi nhỏ nhen ích kỷ ghen tuông bóng gió như anh từng kết tội ngược.
Tha thứ được không? Không biết. Chưa biết. Nhưng chỉ mới tự hỏi mình thôi mà đã thấy dễ chịu hơn nhiều. Mới hay tích tụ buồn giận khiến người ta nặng lòng biết mấy.
Tha thứ được không? Nếu không, thì tôi sẽ mãi nhớ đến cô bé đó với nỗi ám ảnh về sự trống vắng sẽ đến với hai đứa con của mình.
Nhưng… Chỉ vậy thôi sao?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI