Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

VỘI VÀNG – NIỀM YÊU ĐỜI, HAM SỐNG CUỒNG NHIỆT CỦA XUÂN DIỆU tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ 331 THÁNG 3 NĂM 2020





Tôi có cái may mắn là nhiều lần được gặp Xuân Diệu, được nghe ông đọc thơ, bình thơ, nói chuyện thơ, chuyện đời, chuyện yêu. Có lần hồi còn là sinh viên, lớp chúng tôi ra Hà Nội đã đến thăm nhà ông theo lời mời: “Nhà tôi hai bốn Cột Cờ/ Ai vui thì đến ai hững hờ thì thôi”. Ông vui lắm, trà nước, bánh kẹo, hoa quả, có thứ gì ông đem ra hết để mời chúng tôi. Hình như gặp sinh viên khoa Văn thì Xuân Diệu đặc biệt hứng khởi và nồng nàn, lại say mê với thơ ca. Gặp gỡ ông, thấy cảm giác gần gũi, ấm áp. Tôi cảm nhận được ở con người và thơ ông một niềm mến yêu cuộc sống hết sức cuồng nhiệt, “niềm khát khao giao cảm mãnh liệt với đời” (Nguyễn Đăng mạnh). Đúng như tác giả Thi nhân Việt Nam đã nhận xét: “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết” (Hoài Thanh và Hoài Chân). Ông đọc và bình nhiều bài thơ, đặc biệt là các bài Nhị hồ, Nguyệt cầm và Vội vàng. Hồi đó, bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu còn bị phê phán là “tư tưởng sống gấp” nhưng ông vẫn thường đọc, bình và lý giải những ý nghĩa tích cực của bài thơ. Sau này Vội vàng được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 11 THPT.
Bài thơ xuất phát từ một ý tưởng mà Xuân Diệu thường trăn trở, suy tư: Đời người với thời gian có hạn và tuổi trẻ lại càng ngắn ngủi hơn mà thời gian thì trôi chảy, một đi không trở lại nên con người phải tận hưởng gấp gáp, vội vàng những hương sắc, niềm vui của cuộc sống, của đất trời. Triết lý nhân sinh đó đã hoà lẫn trong cảm xúc trữ tình nồng nàn, sôi nổi, sống động, cuốn theo bao hình ảnh thi ca.
Bốn câu đầu, mỗi câu chỉ năm tiếng với nhịp điệu hối hả, khẩn trương:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
 Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Xuân Diệu đã diễn tả cái ý muốn có vẻ kỳ lạ và ngông cuồng: “muốn tắt nắng”, “muốn buộc gió”. “Nắng” và “gió” là những hình ảnh không gian nhưng lại tồn tại trong thời gian. Như vậy, “muốn tắt nắng”, “muốn buộc gió”, thực chất là muốn níu giữ thời gian. Tác giả đã thể hiện niềm khát khao giữ lại thời gian để giữ lại “màu” và “hương” của mùa xuân, hay chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời và cuộc đời.
Xuân Diệu rất yêu mến cuộc đời, đặc biệt là tuổi trẻ gắn với mùa xuân và tình yêu. Cuộc đời tươi đẹp hiện diện trong bài thơ bởi cảnh sắc và âm thanh của mùa xuân:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,…”
Xuân Diệu đã sử dụng hàng loạt những hình ảnh mới mẻ, non tơ, sống động để diễn tả dồn dập trong những câu thơ tám chữ. Đó là “nắng”, “gió”, là “tuần tháng mật”, “hoa của đồng nội xanh rì”, “lá của cành tơ phơ phất”, là “khúc tình si”, “ánh sáng chớp hàng mi”, “cặp môi gần”. Ông đã sử dụng những hình ảnh so sánh sáng tạo, thiên về cảm giác:
“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;”
“Ánh sáng chớp hàng mi” là ánh sáng được nhìn qua đôi mắt yêu thương, tình tứ của con người, “thần Vui” là niềm vui được hình tượng hoá, hằng ngày đến với mỗi nhà, mỗi người. Câu thơ: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” là một hình ảnh so sánh thật táo bạo. Tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân – mùa đẹp nhất trong năm, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa xuân tình của con người. Nhà thơ so sánh tháng giêng với “cặp môi gần” của người tình yêu thương mời gọi đầy cảm giác ái ân, tình tự, có yếu tố nhục cảm, giàu sức quyến rũ. Hình ảnh so sánh đã làm nổi bật vẻ đẹp và sức sống, sức hấp dẫn của mùa xuân. Đây là cách so sánh rất đặc trưng trong thi pháp Xuân Diệu: Lấy cái đẹp của con người làm chuẩn mực để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên.
Nhịp điệu của đoạn thơ thay đổi đột ngột, dồn dập, từ “của” lặp lại nhiều lần cùng điệp ngữ “này đây” thay đổi vị trí liên tục trong các câu thơ tạo ra nhịp điệu khẩn trương, gấp gáp như dâng hiến, như mời gọi một cách thiết tha.
Như vậy, chúng ta thấy, nếu Thế Lữ tìm thiên đường ở cõi tiên, Huy Cận đi tìm niềm vui trong vũ trụ bao la thì Xuân Diệu tìm thấy thiên đường giữa trần gian. Với Xuân Diệu, thiên nhiên, con người như một thiên đường trên mặt đất, như một khu vườn tình ái mà vạn vật đương lúc xuân tình, quyến rũ, khêu gợi ái ân.
Tuy nhiên, khi khám phá ra vẻ đẹp đích thực kia của cuộc đời cũng là lúc nhà thơ nhận ra điều tuyệt diệu ấy có số phận ngắn ngủi, mong manh, chóng phai tàn theo thời gian:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
 Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Câu thơ ngắt làm đôi giữa dòng gợi tả được tâm trạng bàng hoàng, thoảng thốt của tác giả khi nhận ra điều ấy. Cảm hứng và tư tưởng chính của bài thơ được thể hiện tập trung ở câu thơ: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Xuân Diệu đã cảm nhận được phép biện chứng của mùa xuân: cùng một lúc, nhà thơ thấy “xuân đang tới”, “xuân đang qua”, “xuân còn non”, “xuân sẽ già”. Đây là cảm hứng về thời gian rất mới mẻ và hiện đại trong thơ Xuân Diệu. Đó là quan niệm thời gian tuyến tính (khác với thời gian tuần hoàn trong thơ cũ): thời gian là một dòng chảy, một khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn.
Từ cảm hứng về mùa xuân, về thời gian đã dẫn đến cảm hứng về cuộc đời. Nhiều người đã nói đến sự ngắn ngủi của cuộc đời: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (Mãn Giác Thiền Sư), cái mới của Xuân Diệu là nói được sự ngắn ngủi của tuổi trẻ:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
 Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!”
Thiên nhiên, vũ trụ tồn tại vĩnh hằng, vô hạn mà con người thì hữu hạn. Mùa xuân thì tuần hoàn còn tuổi trẻ thì một đi không trở lại. Xuân Diệu đã diễn tả rất hay, rất mãnh liệt vẻ đẹp của mùa xuân, của tuổi trẻ, của cuộc đời. Bước đi của thời gian âm thầm nhưng quyết liệt, không gì có thể ngăn cản được. Vì vậy, nhà thơ thấy tiếc cuộc đời, tiếc cả đất trời rộng lớn:
“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
 Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;”
Nhà thơ thật tinh tế khi cảm nhận mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ là một cuộc ra đi vĩnh viễn, một cuộc chia tay giữa thời gian với con người, với cuộc đời:
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”
Cũng từ đây, thiên nhiên chuyển hóa từ hòa hợp sang chia lìa trong cái nhìn của thi sĩ:     
“Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”
Từ cảm nhận trên về thời gian, về tuổi trẻ và cuộc đời, Xuân Diệu đi đến một thái độ sống “Vội vàng” rất đặc biệt:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,…”
Cả đoạn thơ có giọng sôi nổi, bồng bột và những hình ảnh đầy sức lôi cuốn: “sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, “mây đưa, gió lượn”, “cánh bướm với tình yêu”, “cái hôn nhiều”, “non nước, cây và cỏ rạng”. Xuân Diệu đã diễn tả được lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, niềm khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời. Tác giả đã sử dụng những từ ngữ thiên về cảm giác mạnh: “ta muốn ôm”, “ta muốn say”, “ta muốn thâu”, “ta muốn riết”, “ta muốn cắn”. Điệp ngữ “Ta muốn” cùng từ “và” lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ tạo nên giọng điệu sôi nổi, say đắm, rất đặc trưng của hồn thơ Xuân Diệu.
Tóm lại, thơ Xuân Diệu sống động như chính cuộc sống cũng như cuộc đời ông sôi nổi, nhiệt tình hết mình với nghệ thuật, với thơ ca, với tình yêu và cuộc sống. Bài thơ Vội vàng có nhiều hình ảnh và ngôn từ mới lạ, hấp dẫn, nhiều so sánh thú vị, thiên về cảm giác. Nhịp điệu thơ dồn dập, gấp gáp, khẩn trương như nhịp điệu của cuộc đời, của mùa xuân và tuổi trẻ.
Xuân Diệu chống trả lại thời gian bằng một thái độ can đảm “nhập cuộc”, dấn thân vào đời sống. Dạy học thi phẩm này, cần hướng dẫn để học sinh định hướng đúng đắn về quan niệm sống: “Vội vàng” không phải là sống buông thả, hưởng lạc mà là sống có ý thức, có trách nhiệm, biết trân quý từng phút giây, ngày tháng của đời mình, sống hết mình, tận hiến và tận hưởng. Qua bài thơ, chúng ta đồng cảm với một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống nồng nàn, sôi nổi của Xuân Diệu; từ đó, chúng ta phấn đấu cho cuộc sống và tuổi trẻ của chính mình có ý nghĩa phong phú hơn, tươi đẹp hơn.

                                              

(*) Hoài Thanh và Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam – NXB Văn học, Hà Nội, 1997, trang 106.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI