Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SÔ 279 - tác giả PHAN VŨ



MỘT GIỌT HƯƠNG NHIỀU LAN TỎA
(Mấy cảm nhận về tập thơ Một giọt hương
của Phan Hồng, NXB Hội Nhà văn - 2015)

Khoảng 30 năm trước, cái tên Phan Hồng đã xuất hiện, cùng thời với Phạm Tư Hương, Nguyễn Phi Trinh, Trần Văn Hội… để làm nên một “vùng thơ Buôn Hồ” (có thể tạm gọi như thế); và những ai thích sưu tập thơ của các tác giả địa phương bấy giờ đã có thể có trong sổ tay những câu thơ khá mượt mà của Phan Hồng: Biển dào lên từng đợt sóng trắng ngần/ xao xuyến quá lòng ta ngày trở lại/ Dẫu biết biển tự bao đời vỗ mãi/ vẫn tin rằng sóng hát để riêng ta...
Sau đó, dẫu đảm đương nhiều chức vụ, từ Hiệu trưởng trường THPT, Chủ tịch  UBND huyện, Chánh Văn  phòng UBND nhân dân tỉnh, rồi Giám đốc Sở GD & ĐT, rất bận bịu, nhưng thỉnh thoảng ta vẫn thấy Phan Hồng dan díu với Nàng Thơ, thể hiện qua các thi phẩm in trên tập san của ngành Giáo & Đào tạo, báo Dak Lak và cả trên tờ báo văn học danh tiếng của Hội Nhà văn Việt Nam: vanvn.net. Hầu hết những bài thơ in trên trang vanvn.net anh viết ngắn gọn, chỉ 4 câu, nhưng có tứ thơ khá độc đáo, cho ta nhiều ngẫm ngợi, đồng thời qua đó ta cũng có thể rút ra được những triết lý sống cho mình. Ví dụ bài “Bên thành cổ Rom”: “Đền đài đổ trước thời gian/ uy quyền bạo chúa hoang tàn rêu phong/ dập dìu tài tử giai nhân/ niềm đau xưa có vơi dần thành Rom”…
Thế nhưng mãi đến nay anh mới cho ra mắt tập thơ đầu tay Một giọt hương. Điều này cho thấy sự chắt lọc và thận trọng của anh đối với thơ. Cũng nhờ vậy, mặc dù anh rất khiêm tốn đặt tên tập thơ là Một giọt hương, nhưng ta có thể cảm nhận được “cả một trời hương” với tràn ngập những giọt tình khi đọc tập thơ của anh. Thực sự, Một giọt hương đã cho ta nhiều cảm xúc, nhiều thông điệp để chúng ta tin hơn, yêu hơn cuộc đời và cả những ngẫm ngợi thấm thía về thế thái nhân tình. 
Ta nhớ những năm đầu của thập niên 80, đất nước còn trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống của mọi người dân (dĩ nhiên trong đó có tác giả) còn hết sức khó khăn gian khổ, thế mà buối chiều của tháng 2 năm 1981 đến thăm Nông trường cà phê Đoàn Kết anh đã tự thanh lọc hồn mình để cho ra đời những câu thơ đầy lạc quan: Chiều nay đi giữa nông trường/ cà phê trải ngút ngàn hoa trắng/ ngào ngạt hương thơm trong gió chiều và nắng/mình ngỡ ai mang quê kiểng lại gần”. Có yêu cuộc đời, yêu mảnh đất nơi mình đang sinh sống, Phan Hồng mới có thể ấp ủ cảm xúc để cho ra đời những câu thơ đầy lãng mạn và ý vị về mảnh đất Buôn Hồ - nơi anh đã gắn bó và trưởng thành: Ở đây mùa đi rất khẽ/ bazan khao khát nồng nàn…/ Ở đây mắt người sơn nữ/ lung linh mặt nước hồ đầy/ để hồn ai bơi đắm đuối/ rượu cần chưa uống đã say…  
Là người trưởng thành từ ngành Giáo dục & Đào tạo, hiểu sâu sắc và mang ơn sâu, nghĩa nặng với ngành, nên Phan Hồng có nhiều bài thơ viết về ngành thấm đẫm cảm xúc. Trong bài “Ký ức tuổi học trò” anh viết: “Có chút gì như thể xốn xang/ giữa sân trường chiều nay im ắng quá”… Hoặc trong bài “Thương nhớ thời đã xa”: “Bàn tay gieo hạt ươm mầm/ bàn tay phấn trắng chuyên cần chăm lo/ chín năm chèo lái con đò/ đưa đàn em bước sang bờ tương lai”. Có yêu mái trường, yêu học trò của mình, có hòa đồng tình cảm với các em, anh mới có được những phút giây lắng lòng mình lại để bật ra những câu thơ như thế.
Bên cạnh mảng thơ về tình đời, tình nghề nghiệp, tình quê hương, đất nước… trong Một giọt hương còn có mảng thơ viết tình yêu rất thiết tha đằm thắm. Trong mảng thơ này, tôi rất có cảm tình với bài thơ ngắn “Người đàn bà đẹp uống rượu”: “Mang tên loài chim quý/ tên em đẹp vô chừng/ nâng ly không có rượu/ mà má em đỏ bừng”. Hai câu đầu chỉ là kể, cũng chỉ kể lấp lửng để ta phải tò mò: Phải chăng tên em là Oanh? phải chăng tên em là Yến?... Em có mặt phải chăng chỉ để “trang điểm” cho cuộc vui? hay để “trang điểm” cho ai đó? bởi em không uống rượu, em “nâng ly không có rượu” mà. Nhưng em là người đàn bà đẹp, “má em đỏ hồng” khiến anh phải chú ý. Nhưng “má em hồng” còn phải chăng do em đang có một chút thẹn thùng với ai đó trong cuộc rượu? Mà trong cuộc sống như ta đã thấy “thẹn thùng má đỏ hây hây”, có khi cũng là tín hiệu của tình yêu không lời… Không được tham dự cuộc rượu đó, nhưng đọc bài thơ, tôi cứ tưởng tượng cuộc rượu ấy thú vị biết bao! 
Có thể nói anh Phan Hồng là một người giàu cảm xúc. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để thơ cất cánh. Nhà thơ Tố Hữu, ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng nước ta, từng nói “Thơ là tiếng nói của trái tim”. Trái tim không rung động trước cuộc đời, không yêu thương, không căm giận trước các sự vật hiện tượng của cuộc sống, tức là không cảm xúc thì không thể làm được thơ. Vì vậy điểm mạnh đầu tiên trong Một giọt hương đấy là cảm xúc của người viết. Điểm mạnh thứ hai là sự chân thực của tấm lòng tác giả. Sự chân thực đó tạo cho người đọc niềm tin. Niềm tin đó càng được nhân lên khi người đọc nhận ra sự trải nghiệm của tác giả trong đời sống. 
Về những hạn chế của tập thơ, theo tôi có thể nêu ba “vấn đề”. Thứ nhất: Ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ trong Một giọt hương chân thực, mộc mạc. Điều này vừa là ưu điểm, đồng thời là nhược điểm. Nếu lối viết mộc mạc quá “rậm” dễ gây cho người đọc cảm giác xưa cũ. Người đọc có trình độ cao hiện nay đòi hỏi người viết phải sáng tạo trong bút pháp, cách nói, cách dùng từ cần mới, lạ, mờ ảo, có như vậy mới đưa đến cho người đọc nhiều cảm xúc, nhiều gợi mở thú vị. Thứ hai: Về kỹ thuật. Trong tập Một giọt hương có nhiều bài tác giả viết theo thể thơ lục bát nhưng bị “thất vận”. Ngay cả mấy câu ở bìa cuối tập thơ tác giả chọn đăng như một lời bạt thì hai câu “Để mai dẫu có xa rồi/ Cũng xin đọng giữa đời nhau chút tình” là một cặp lục bát phạm lỗi kỹ thuật, chữ cuối của câu 6, không vần với chữ thứ 6 của câu 8 (trong khi luật thơ bắt buộc phải vần). Điều thứ 3: Một số bài tác giả tham đưa vào nhiều ý, nhưng ý không được tắm gội trong cảm xúc, nên mất chất thơ. Ví dụ trong bài “Chia sẻ tháng ba”, tác giả viết: “Từ mười tỉnh duyên hải miền Trung – Tây Nguyên/ và các thầy đầu ngành / về đây sẻ chia việc bồi dưỡng nhân tài/ bằng tâm huyết của người thầy”…. Những câu như thế không có chất thơ. Đây là những điều đáng tiếc, nếu được biên tập kỹ hơn trước khi in.
Dù vậy Một giọt hương vẫn là một tập thơ có nhiều ưu điểm, rất đáng ghi nhận những cố gắng của tác giả, xứng đáng để “góp mặt với đời” như lời đề từ đầu tập thơ.

























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI