Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SÔ 279 - VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

NHỮNG TIẾNG NÓI TỪ CHERNOBYL
Của Svetlana Alexievich
(Tác giả được giải Nobel Văn chương năm 2015)

Belarussian writer Svetlana Alexievich.          
(Nhà văn Svetlana Alexievich – tác giả được tặng giải Nobel văn chương năm 2015)

Vào ngày 26 tháng tư năm 1986, lò phản ứng hạt nhân số 4 ở Chernobyl nổ tung. Đối diện với thảm họa hạt nhân ở mức độ không xác định rõ, nhà cầm quyền Xô viết cố kiểm soát tình huống bằng cách gửi hàng ngàn người được trang bị thiếu thốn vào khu vực phóng xạ. Trong một trích đoạn từ một quyển sách mới của nhà báo Nga (Belarus) Svetlana Alexievich, những người tận mắt chứng kiến nhớ lại một thảm họa khủng khiếp cho đến ngày nay vẫn chưa bạch hóa.
Khi một cuộc kiểm tra hàng ngày được tiến hành sai lầm nghiêm trọng, một phản ứng dây chuyền vượt khỏi tầm kiểm soát ở lò phản ứng số 4 ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine, tạo nên một quả cầu lửa khổng lồ thổi tung nắp lò làm bằng xi măng và thép nặng 1000 tấn của lò phản ứng. Than chì cháy và vật liệu lõi phản ứng nóng bắn ra bởi vụ nổ tạo nên vô số vụ cháy khác, trong đó có mái nhựa đường dễ cháy của lò phản ứng kế cận. Hậu quả trực tiếp của vụ nổ có 31 người chết và nhiễm phóng xạ nghiêm trọng trong khi chống cháy, và hơn 200 trường hợp nhiễm phóng xạ nghiêm trọng trong những ngày tiếp theo.
Sự di tản cư dân bị trì hoãn vì chính quyền Xô viết không sẵn sàng thừa nhận tầm quan trọng của tai nạn. Cuối cùng, hơn 100.000 người được di tản từ khu vực chung quanh UkraineBelarus.
Trong tuần lễ sau khi tai nạn xảy ra chính quyền Xô viết đổ hàng ngàn người không được bảo vệ thỏa đáng, chưa được huấn luyện đến khu vực thảm họa. Những túi cát được thả lên đám cháy ở lò phản ứng từ những khung cửa mở của những chiếc trực thăng (các nhà phân tích bây giờ nghĩ việc làm này có hại hơn là có lợi). Khi đám cháy cuối cùng được dập tắt, những người đàn ông leo lên mái lò để dọn những mảnh phóng xạ. Các thứ máy đem đến đó không xài được vì bị phóng xạ. Những người đến đó chỉ làm hơn vài tuần, là những người chết đau đớn kéo dài.
Nhưng nếu nỗ lực này đã không được thực hiện, thì thảm họa có thể đã xấu hơn nhiều. Những quan tài, được thiết kế bởi những kỹ sư từ Lenigrad, được sản xuất cẩu thả - những tấm kim loại lắp ráp với sự trợ giúp của những người máy và máy bay trực thăng – và như một hệ quả chúng có những vết nứt. Bây giờ nó được gọi là Vỏ Bọc, lò phản ứng số 4 vẫn còn gần xấp xỉ 20 tấn nhiên liệu hạt nhân trong lõi chì và kim loại của nó. Không ai biết những gì đang xảy ra với nó.
Về nước Belarus kế cận, có dân số chỉ 10 triệu người, vụ nổ hạt nhân là một thảm họa ở cấp quốc gia: 70% nuclit phóng xạ phóng thích trong tai nạn rơi xuống Belarus. Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Phát xít hủy diệt 619 ngôi làng ở Belarus cùng với cư dân của chúng. Hậu quả từ phóng xạ của Chernobyl, quốc gia mất 485 làng và khu định cư. Trong số này, 70 làng bị chôn vùi xuống đất bởi những nhóm dọn dẹp gọi là những nhóm thanh lý.
Ngày nay, cứ năm người Belarus thì có một người sống trên đất bị nhiễm độc. Tức là 2,1 triệu người sống trên đất nhiễm độc, trong số đó có 700.000 trẻ em. Vì hầu như lúc nào cũng có những liều nhỏ phóng xạ chung quanh “Khu vực”, con số người bị ung thư, rối loạn thần kinh và biến đổi gien gia tăng mỗi năm.
Lyudmilla Ignatenko - vợ lính cứu hỏa Vasily Ignatenko.
Chúng tôi mới kết hôn. Chúng tôi vẫn còn đi dạo tay trong tay, kể cả khi chúng tôi chỉ đi tới cửa hàng. Tôi sẽ nói với anh ấy, “Em yêu anh”.
Chúng tôi sống trong cư xá của trạm cứu hỏa nơi anh ấy làm việc. Ở đó có ba cặp trẻ tuổi khác; chúng tôi cùng dùng chung nhà bếp. Những người chồng trẻ lái những chiếc xe tải và xe cứu hỏa màu đỏ.
Một đêm bỗng tôi nghe có tiếng động. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Anh ấy thấy tôi như thế bèn nói, “Đóng cửa sổ và ngủ lại đi. Có một đám cháy ở lò phản ứng. Anh sẽ trở về sớm”.
Tôi không chứng kiến chính vụ nổ. Chỉ thấy lửa. Mọi thứ phát sáng. Cả bầu trời. Một cột lửa cao. Và khói. Sức nóng thì kinh khủng. Và anh ấy không trở lại. Khói là từ nhựa rải đường đang cháy, là thứ phủ trên mái lò. Sau này anh ấy nói nó giống như đi trên hắc ín.
Họ cố dập lửa. Họ đá vào than chì bằng chân… Họ không đang mặc quần áo bằng vải bạt. Họ đi như lúc bình thường, mặc áo sơ mi. Không ai bảo họ gì cả.
Lúc bảy giờ sáng người ta cho tôi biết anh đã vào bệnh viện. Tôi chạy đến đó nhưng ở đó cảnh sát đã vây quanh, và họ không cho ai vào, chỉ xe cứu thương mà thôi. Nhân viên cảnh sát quát: “Xe cứu thương nhiễm phóng xạ, tránh xa!”
Tôi thấy anh. Anh sưng phồng cả người. Chỉ có thể thấy mắt của anh.
“Anh ấy cần sữa. Nhiều sữa,” người bạn tôi nói. “Họ nên uống ít nhất mỗi người ba lít.”
“Nhưng anh ấy không thích sữa.”
“Bây giờ anh ấy sẽ uống.”
Nhiều bác sĩ và y tá trong bệnh viện đó và đặc biệt là những hộ lý, sẽ bị ngã bệnh và chết. Nhưng lúc ấy chúng tôi không biết điều đó.
Tối hôm đó tôi không vào được trong bệnh viện. Người bác sĩ ra ngoài nói, vâng, họ sẽ được máy bay đưa đi Moscow, nhưng chúng tôi cần đem quần áo lại cho họ. Quần áo mà họ mặc ở trạm đã bị cháy. Lúc ấy những chuyến xe buýt đã ngừng chạy rồi và chúng tôi chạy băng qua thành phố. Chúng tôi chạy trở lại với các túi xách của họ, nhưng máy bay đã cất cánh. Họ đã gạt chúng tôi.
Đó là một bệnh viện chuyên khoa X quang, và bạn không thể vào được nếu không có giấy phép. Tôi cho người đàn bà giữ cửa một ít tiền, và bà ấy nói, “Vào đi.” Rồi tôi phải hỏi một người khác, cầu xin. Cuối cùng tôi ngồi trong văn phòng của trưởng khoa X quang. Ngay lập tức bà ấy hỏi tôi: “Chị có con chưa?” Tôi nên nói gì với bà ấy đây? Tôi thấy rằng tôi cần phải giấu việc tôi đang có mang. Nếu biết, họ sẽ không cho tôi gặp anh ấy. May là tôi gầy.
“Dạ có,” tôi nói.
“Bao nhiêu đứa?” Tôi suy nghĩ, tôi cần nói với bà ấy là hai đứa. Nếu chỉ nói một, bà ấy sẽ không cho tôi vào.
“Một trai một gái.”
“Chị không cần có thêm con nữa. Được rồi, nghe đây: hệ thần kinh trung ương của anh ấy bị tổn thương hoàn toàn, sọ anh ấy bị tổn thương hoàn toàn. Nếu chị khóc, tôi sẽ đuổi chị ra ngay. Không được ôm cũng không được hôn. Thậm chí không được đến gần anh ấy. Chị có được nửa giờ.”
Anh trông khá buồn cười, cỡ pyjamas của anh số 48, bây giờ cỡ của anh là 52. Tay áo trở nên quá ngắn, quần dài trở nên quá ngắn. Nhưng mặt anh không sưng thêm nữa. Họ đã cho một loại chất lỏng nào đó. Tôi nói, “Anh đã chạy đến đâu?” Anh muốn ôm tôi. Bác sĩ không cho phép. “Ngồi xuống, ngồi xuống,” bà nói. “Không được ôm nhau ở đây.”
Ngay ngày đầu tiên ở cư xá họ đã đo tôi bằng một dụng cụ đo lường bức xạ. Quần áo, túi xách, ví, giày – tất cả đều “nóng”. Và họ lấy đi tất cả đồ đạc của tôi ngay tại đó. Thậm chí cả đồ lót của tôi. Thứ duy nhất họ để lại cho tôi là tiền của tôi.
Anh bắt đầu thay đổi; gần như mỗi ngày tôi gặp một người mới. Những vết bỏng bắt đầu lan lên bề mặt. Trong miệng, trên lưỡi, trên gò má của anh – mới đầu là những chỗ da nhiễm trùng nhỏ, và rồi chúng phát triển. Chúng trở thành từng lớp – như lớp màng trắng… màu da mặt anh… thân anh… xanh, đỏ, nâu nhạt.
Điều duy nhất cứu tôi là sự việc diễn ra khá nhanh; không có thời gian để suy nghĩ, không có thời gian để khóc. Đó là một bệnh viện dành cho những người bị nhiễm xạ nghiêm trọng. Mười bốn ngày. Trong vòng 14 ngày thì người ta chết.
Anh đi đại tiện từ 25 đến 30 lần một ngày, có máu và chất nhầy. Da anh bắt đầu nứt trên tay và chân. Người anh đầy những vết sưng tấy mủ. Khi anh quay đầu, cả một cụm tóc rớt nằm trên gối. Tôi cố đùa: “Vậy càng thuận tiện, anh khỏi cần xài lược.” Sau đó họ cạo trọc anh.
Tôi nói với cô y tá: “Anh ấy đang chết.” Và chị ấy nói với tôi: “Chứ chị còn mong đợi gì nữa? Anh ấy nhiễm đến 1600 đơn vị rơn ghen. Bốn trăm đơn vị là đủ để chết người. Chị đang ngồi bên một lò phản ứng hạt nhân đấy.”
Khi tất cả những người nhiễm phóng xạ chết, người ta tân trang lại bệnh viện. Họ đập bể các bức tường và đào xới nền nhà. Khi anh chết, họ mặc cho anh quần áo khi công tác, với nón cứu hỏa. Họ không thể mang giầy cho anh vì chân anh sưng phồng. Họ chôn anh chân trần. Đó là tình yêu của tôi.
Sergei Vasilyevich Sobolev - Phó Ban quản lý bộ phận Bảo vệ Chernobyl.
Có một khoảng thời gian ngắn khi có nguy cơ về một vụ nổ hạt nhân, và người ta phải rút nước từ dưới lò phản ứng ra, để hợp chất uranium và than chì sẽ không lọt vào đó – với nước, chúng sẽ tạo thành một khối lượng lớn. Vụ nổ sẽ mạnh cỡ ba đến năm megatons. Điều này sẽ có nghĩa là không chỉ KievMinsk, mà một phần lớn châu Âu sẽ không thể cư trú. Bạn có thể tưởng tượng được không? Một thảm họa châu Âu.
Vì thế đây là nhiệm vụ: ai là người sẽ lặn xuống đó và tháo chốt van an toàn. Người ta hứa hẹn cho những ai dám lặn xuống đó một chiếc ô tô, một căn hộ, một ngôi nhà ở miền quê, trợ cấp cho gia đình họ đến hết đời. Họ đã tìm được những người tình nguyện. Những chàng trai lặn xuống, nhiều lần, và họ tháo được cái chốt đó, và số tiền được cho là 7000 rúp. Người ta đã quên đi lời hứa về những chiếc xe những căn hộ - đó không phải là lý do để họ lặn. Những người lặn xuống này xuất thân từ một nền văn hóa, nền văn hóa của thành tựu lớn. Họ là sự hy sinh.
Và về những người lính làm việc trên nóc lò phản ứng thì sao? Hai trăm mười đơn vị quân đội được ném vào khu vực phóng xạ, tương đương với 340.000 quân nhân. Những người dọn dẹp nóc lò bị nặng nhất. Họ mặc áo chì, nhưng phóng xạ bốc lên từ bên dưới, và ở đó thì họ không được bảo hộ. Họ đi những đôi ủng giả da rẻ tiền, bình thường. Họ trải qua khoảng một phút rưỡi đến hai phút trên nóc lò mỗi ngày, rồi được bãi nhiệm, được cho một giấy chứng nhận và một khoản tiền thưởng – 100 rúp. Rồi họ biến mất trong vùng đất mẹ mênh mông. Trên nóc lò họ thu nhặt nhiên liệu và than chì từ lò phản ứng, những mảnh vỡ vụn bê tông và kim khí.
Mất khoảng từ 20 – 30 giây để nhặt đầy một xe cút kít và thêm 30 giây khác để ném “rác” khỏi nóc. Những xe cút kít đặc biệt này nặng 40 ký lô. Vì vậy bạn có thể hình dung: một chiếc áo chì, mặt nạ, xe cút kít và tốc độ làm việc điên cuồng.
Trong bảo tàng ở Kiev họ có một khuôn đúc chì cỡ chiếc mũ của người lính; người ta nói rằng nếu chiếc mũ đó là thật thì nó nặng cỡ 16 ký lô, mật độ chì nặng như thế. Những máy kiểm soát vô tuyến họ dùng thường không thể sử dụng được hay là thực hiện ngược lại những gì họ định làm, bởi vì điện tử bị nhiễu bởi độ phóng xạ cao. Những “người máy” đáng tin cậy nhất là những người lính. Họ được đặt tên là “những người máy xanh” (do màu quân phục của họ). Khoảng 3600 người lính làm việc trên mái lò phản ứng đã bị hư. Họ ngủ trên đất trong những chiếc lều. Họ là những chàng trai trẻ.
Những người này nay không còn nữa, chỉ còn những tài liệu trong viện bảo tàng, có tên của họ.
Eduard Borisovich Kortkov - phi công trực thăng.
Tôi sợ trước khi tôi đến đó. Nhưng khi tôi đến đó thì nỗi sợ không còn. Tất cả chỉ là mệnh lệnh, công việc, nhiệm vụ. Tôi muốn nhìn lò phản ứng từ trên cao, từ một trực thăng – để thấy những gì đã thực sự xảy ra ở đó. Tuy nhiên điều đó bị cấm. Trên thẻ y tế của tôi người ta ghi tôi ở mức 21 đơn vị Rơn ghen, nhưng tôi không tin điều đó là đúng. Có một số ngày con số là 80 Rơn ghen, một số ngày con số là 120. Thỉnh thoảng vào ban đêm tôi bay vòng trên lò phản ứng khoảng hai giờ đồng hồ.
Tôi nói chuyện với một số nhà khoa học. Một người bảo tôi: “Tôi có thể liếm trực thăng của anh bằng lưỡi và sẽ không có gì xảy ra cho tôi.” Một người khác nói: “Anh bay mà không có bảo hộ à? Anh không muốn sống thọ hả? Sai lầm lớn! Anh phải che kín toàn thân!” Chúng tôi ngăn các ghế trên trực thăng bằng chì, tự làm cho mình những chiếc áo chì, nhưng hóa ra những công cụ đó bảo vệ bạn từ một loại tia phóng xạ này, nhưng lại không bảo vệ được từ loại tia khác. Chúng tôi bay từ sáng đến tối. Vào ban đêm chúng tôi xem truyền hình – Bóng đá thế giới đang diễn ra, vì thế chúng tôi nói chuyện nhiều về bóng đá.
Tôi cho rằng phải chừng ba năm sau. Một trong những chàng trai bị bệnh, rồi thêm người khác. Có người chết. Có người phát điên và tự tử. Đó là khi chúng tôi bắt đầu suy nghĩ.
Tôi đã không kể với cha mẹ tôi là tôi được phái đến Chernobyl. Một hôm anh tôi tình cờ đọc tờ Izvestia và thấy ảnh tôi. Anh cầm tờ báo đến cho mẹ tôi. “Mẹ xem này,” anh nói, “nó là một anh hùng!”. Mẹ tôi bắt đầu khóc.
Aleksandr Kudryagin - người thanh lý
Chúng tôi có những trò đùa. Đây là một: một người máy Mỹ ở được trên nóc lò năm phút, rồi nó bị hỏng. Người máy Nhật ở trên nóc được năm phút, rồi bị hỏng.
Người máy Nga ở trên đó được hai giờ! Rồi một mệnh lệnh phát ra từ loa phóng thanh: “Bình nhì Ivanov! Trong hai giờ, anh được mời xuống nghỉ và giải lao một điếu thuốc lá.”
Ha ha!
Nikolai Fomich Kalugin - người cha.
Chúng tôi không chỉ mất một thành phố, chúng tôi mất toàn bộ cuộc sống. Chúng tôi rời thành phố vào ngày thứ ba. Lò phản ứng đang cháy. Tôi nhớ một trong những người bạn tôi nói, “Có mùi của lò phản ứng.” Đó là một mùi không thể diễn tả.
Họ thông báo qua ra-đi-ô rằng không ai được đem theo gì! Được thôi, tôi sẽ không đem theo những tài sản của tôi, tôi chỉ đem theo một món. Tôi cần gỡ cánh cửa căn hộ và đem nó theo với tôi. Tôi không thể để cánh cửa lại. Nó là bùa hộ mệnh của tôi, là di tích của gia đình tôi. Cha tôi nằm trên cánh cửa này. Tôi không biết tục lệ này là của ai đặt ra, nhưng mẹ tôi bảo tôi rằng người chết phải được đặt nằm trên cánh cửa nhà mình.
Tôi đem cánh cửa ấy theo tôi – vào ban đêm, trên một chiếc xe gắn máy, xuyên qua rừng. Đó là hai năm sau, khi căn hộ của chúng tôi đã bị cướp phá trống rỗng. Cảnh sát đang theo đuổi tôi. “Chúng tôi sẽ bắn! Chúng tôi sẽ bắn!” Họ nghĩ tôi là một tên trộm. Đó là cách tôi đã đánh cắp cánh cửa của chính nhà mình.
Tôi đưa con gái và vợ tôi đến bệnh viện. Họ có những đốm đen khắp toàn thân. Những đốm này hiện ra, rồi biến mất. Cỡ của chúng bằng một đồng năm cô pếch. Nhưng không đau. Họ đã làm vài xét nghiệm về chúng. Con gái tôi sáu tuổi. Khi tôi bế nó đến giường, nó thì thầm vào tai tôi: “Bố ơi, con muốn sống, con vẫn còn nhỏ.” Và tôi đã nghĩ nó không hiểu gì.
Bạn có thể hình dung bảy cô bé đầu cạo trọc trong một gian phòng không? Có bảy em như thế trong gian phòng của bệnh viện… Vợ tôi không thể chịu nổi. “Con bé chết đi thì tốt hơn phải chịu như thế này. Hay cho em chết đi, để em khỏi phải nhìn cảnh này nữa.”
Chúng tôi đặt nó lên cánh cửa… lên cánh cửa mà cha tôi nằm. Cho tới khi họ đưa vào một cái quan tài nhỏ. Cái quan tài nhỏ, như một chiếc hộp để đựng một con búp bê lớn.
Tôi muốn xác nhận: Con gái tôi chết vì Chernobyl. Và người ta muốn chúng tôi quên chuyện đó đi.
Arkady Filin - người thanh lý.
Ngay tức khắc bạn thấy mình ở trong một thế giới ngoài sức tưởng tượng, ở đó một cuộc tận thế thời kỳ đồ đá. Chúng tôi sống trong rừng, trong những chiếc lều, cách lò phản ứng 200 km, giống như những dân quân du kích.
Chúng tôi trong khoảng từ 25 đến 40 tuổi; một số chúng tôi có bằng đại học hay bằng tốt nghiệp phổ thông. Ví dụ như tôi là một giáo viên sử. Thay vì súng máy họ cho chúng tôi những chiếc xẻng. Chúng tôi chôn những đống rác và những khu vườn. Phụ nữ trong các làng nhìn chúng tôi và làm dấu thập giá. Chúng tôi có găng tay, máy thở, và quần áo y tế. Mặt trời chiếu xuống chúng tôi. Chúng tôi xuất hiện trong những sân vườn của họ giống như những con quỷ. Họ không hiểu tại sao chúng tôi phải chôn lấp khu vườn của họ, xé tỏi và cải bắp của họ khi chúng trông như tỏi và cải bắp bình thường. Những bà già sẽ làm dấu thập giá và nói, “Các chàng trai, chuyện này là gì – là ngày tận thế hả?”.
Trong nhà, bếp lò đang cháy, mỡ lợn đang rán. Bạn đặt một dụng cụ đo phóng xạ vào đó, và bạn thấy đó không phải là một cái lò, mà là một lò phản ứng hạt nhân nhỏ.
Tôi thấy một người đàn ông nhìn nhà của ông ta bị chôn vùi. Chúng tôi chôn những ngôi nhà, giếng nước, cây. Chúng tôi chôn đất. Chúng tôi cắt sập các thứ, lăn chúng vào những tấm vải nhựa lớn. Chúng tôi chôn cánh rừng. Chúng tôi cưa cây thành từng khúc 1,5 mét và bọc chúng trong giấy bóng kính và ném chúng vào những hầm chôn.
Vào ban đêm tôi không thể ngủ. Tôi nhắm mắt và thấy vật gì đó đen đen đang chuyển động, lật qua – như thể nó sống – những dãi đất sống, với côn trùng, nhện, sâu bọ. Tôi không biết chúng là gì, tên của chúng, chỉ biết là côn trùng, nhện, kiến. Và chúng thì nhỏ và lớn, màu vàng và đen, tất cả những màu khác.
Một trong những nhà thơ nói ở đâu đó rằng những con thú là những con người khác. Tôi giết chúng từng mười, từng trăm, từng ngàn con, mà thậm chí không biết chúng được gọi là gì. Tôi hủy diệt nhà của chúng, bí mật của chúng. Và chôn chúng. Chôn chúng.
Vanya Kovarov.
Tôi 12 tuổi và bệnh tật. Người phát thư mang đến nhà tôi hai tấm séc tiền trợ cấp – cho tôi và cho ông tôi.
Khi những đứa con gái trong lớp tôi biết rằng tôi bị ung thư máu, chúng sợ phải ngồi gần tôi. Chúng không muốn đụng vào tôi.
Các bác sĩ nói tôi mắc bệnh vì cha tôi làm việc ở Chernobyl. Và tôi sinh ra sau vụ nổ. Tôi yêu cha tôi.
Ivan Nikolaevich Zhykhov - kỹ sư hóa.
Chúng tôi đào lên lớp đất chết trên cùng, chất chúng lên những chiếc xe và đưa chúng đến khu chôn rác. Tôi nghĩ rằng khu chôn rác là một kiến trúc được thiết kế phức tạp, nhưng hóa ra đó chỉ là một cái hầm bình thường. Chúng tôi lật đất lên và lăn nó, giống như những tấm thảm lớn. Chúng tôi lật lên toàn bộ cây xanh cùng đất, với cỏ, hoa, rễ. Đó là công việc dành cho những người điên.
Nếu chúng tôi không uống ào ào hàng đêm, tôi cho rằng chúng tôi sẽ có thể điên mất. Tinh thần của chúng tôi hẳn sẽ suy sụp. Chúng tôi đã cày tung lên hàng trăm km2 đất bỏ hoang.
Có một điều nhấn mạnh về những vị anh hùng của chúng ta. Mỗi tuần một lần, người nào đào đất thực sự giỏi sẽ nhận một giấy khen trước mặt những người khác. Đó là người đào huyệt giỏi nhất Liên bang Xô viết. Thật là điên khùng.


                                                VÕ HOÀNG MINH dịch




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI