Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SÔ 279 - tác giả LÊ THÀNH VĂN


Sổ tay thơ:

CẦM CHÂN EM, CẦM CHÂN HOA


Em đến xin hồng, hồng mới nụ
Hôm nay hồng nở, bóng em xa
Cầm em bữa trước, em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?
                                          Yến Lan
       (Tuyển tập thơ Yến Lan, NXB Văn học, Hà Nội, 2006)
                       

LỜI BÌNH
                       
GIỜ BIẾT LÀM SAO CẦM ĐƯỢC HOA?


Nhà thơ Yến Lan là một trong số không nhiều tác giả thơ lớn của phong trào Thơ mới. Ông nổi tiếng với thi phẩm Bến My Lăng từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Là người trong nhóm Bàn thành tứ hữu gồm Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử, thơ Yến Lan không sắc cạnh như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, không cổ kính và hào hoa như Quách Tấn, song sự nhỏ nhẹ tâm tình của thơ ông cũng tạo nên một phong cách riêng, điểm một chấm son trong lich sử văn học nước nhà. Bài thơ Cầm chân em, cầm chân hoa viết năm 1974 là một thi phẩm tứ tuyệt hay vào bậc nhất trong những bài thơ viết về tình yêu của ông.
Bài thơ là một câu chuyện tình đầy trắc ẩn, giống như một cuộc đuổi bắt kì lạ. Sự trắc ẩn ấy bắt đầu bằng sự tương phản thời gian, khiến cho nỗi mất mát cứ cứa lòng cứa dạ. Ngày em đến xin hồng, hồng chỉ mới chớm nụ, biết làm sao mà hái tặng người đẹp đây? Người đọc bắt gặp một chút bâng khuâng, lúng túng ở cái anh chàng trồng hồng ra hoa không đúng dịp này: "Em đến xin hồng, hồng mới nụ". "Hồng mới nụ" nghĩa là chưa thể dùng được. Đóa hồng mới chớm đang e ấp giữa vườn. Một chút tiếc nuối, nhưng dù sao vẫn còn đầy hi vọng, biết là không thuận buồm xuôi gió, chàng trai cố nài nỉ người con gái đến xin hồng nán lại để đợi chờ ngày hồng nở hoa. Bữa trước với hôm nay nào có xa lắm đâu, gần thì độ một ngày, lâu thì vài ba bữa là cùng. Nhưng rồi không thể đợi chờ lâu được, cô gái bước đi xa hút mãi khiến cho bao nỗi tiếc nuối ngập tràn trong lòng thi nhân. Tất cả hóa ra nhỡ nhàng hết rồi! Cái hay của bài thơ là dựng lên một câu chuyện xin hồng, từ đó làm nổi bật tấm lòng xót xa, luyến tiếc về một cuộc tình duyên không trọn vẹn:
Hôm nay hồng nở, bóng em xa
Câu thơ xé làm hai vế, hồng nở đằng hồng, em đi đằng em. Chia biệt. Đoạn tuyệt. Bất giác buổi em đến xin hồng đã hóa thành quá khứ buồn vương vấn trong lòng người ở lại - chủ nhân của vườn hồng xinh đẹp. Bây giờ hình ảnh người con gái xin hồng và đóa hồng đang nở lại đồng hiện trong tâm hồn tác giả, nhớ tiếc ngẩn ngơ:
Cầm em bữa trước, em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?
Chữ "cầm" ở đây được tác giả dùng rất đắc địa. Cầm là giữ lại, mời lại một cách thân tình. Hình như người miền Trung ở Quảng Ngãi và Bình Định mới hay dùng chữ cầm khi thể hiện tình cảm muốn níu kéo ai đó nán lại. "Cầm em" hôm em đến xin hồng sao em không chịu khó ở lại, để bây giờ hoa nở rồi em lại không có đây. Sự boăn khoăn của tác giả ở câu thơ cuối bài thật tội nghiệp. Ta như hình dung nhà thơ đang ve vuốt những bông hồng tươi thắm, đồng thời như vừa van xin nài nỉ và mong mỏi hoa chớ vội tàn. Người xa mà hoa nở, giờ có gọi ngàn lần người cũng không thể tìm về. Câu thơ tưởng thoáng nhẹ nhàng mà ẩn chứa một bi kịch lớn về tình yêu không trọn vẹn: "Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ em có chồng anh tiếc lắm thay". Đó là sự nghiệt ngã của thời gian hay là sự trớ trêu của định mệnh? Một tình yêu không thành là sự bất hạnh của cả hai. Đọc đến đây, ta bất giác nhớ đến câu ca dao quen thuộc cũng gợi lên sự trễ tràng nên đến nỗi dở dang tình cảm:
Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở
Anh đến tìm đò thì đò đã sang sông
Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng
Em yêu anh như rứa có mặn nồng chi mô?
Trong bài Đề đô thành nam trang của nhà thơ Thôi Hộ, hình ảnh hoa đào và khuôn mặt người đẹp sóng sánh tương hồng trong mùa hoa năm ngoái thật đẹp, giờ nhà thơ quay về, cánh hoa đào năm nay vẫn nở hoa mà người đẹp thì khuất xa vạn dặm. Thật não nùng và chua xót. Bài thơ của Yến Lan có cảnh, có người, có diễn biến sự việc nhờ thế trở nên sinh động hơn nhiều, chứ không đến nỗi não nề, chua chát. Cấu tứ bài thơ được xây dựng bằng thủ pháp đối lập, tương phản. Đối lập hôm nay với bữa trước, hồng mới nụ với hồng đã nở, cầm em với em không ở để rồi em cách xa biền biệt biết sao tìm.
Cầm chân em, cầm chân hoa có cấu tứ vừa phảng phất ý ca dao, vừa tiếp thu thơ cổ điển nước ngoài, song lại được chưng cất từ một tâm hồn hết sức đa cảm và nhân bản trong tình yêu đôi lứa, nhờ đó hàm lượng trữ tình tăng lên rất rõ rệt, đánh động nhiều tâm hồn, nhiều khát vọng cháy bỏng về một tình yêu bền chặt, thủy chung.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI