CHỢ BẮP QUÊ TÔI
Bút ký
Ai có dịp theo Quốc
lộ 26 từ phía đông lên thành phố Buôn Ma Thuột hoặc ngược lại, chắc chắn sẽ không
quên dừng chân ở chợ Bắp 47, một địa danh cách thành phố Buôn Ma Thuột 47 km về
phía đông để thưởng thức bắp luộc, đặc sản làm nên thương hiệu một cái chợ nổi
tiếng trong cả vùng.
Cái tên “Chợ Bắp
47” có từ bao giờ, cũng không ai nhớ cả; những du khách lưu thông trên Quốc lộ
26 có dịp đi qua thường dừng lại bên gốc cây đa cổ thụ mọc bên đường nghỉ ngơi,
thưởng thức vài quả bắp luộc được đun trong những chiếc nồi lớn lúc nào cũng bốc
hơi nghi ngút. Người bán hàng nhẹ nhàng mở nắp, gắp ra rổ dăm quả bắp nước còn
chảy tong tong, rơi xuống mặt đất tạo nên những đám khói nho nhỏ; người thưởng
thức cứ vừa lột vỏ vừa xuýt xoa vì nóng. Quả bắp được lột hết vỏ để lộ ra những
hạt trắng ngần, đều đặn chen nhau như được một bàn tay tài hoa gắn vào từ đầu đến
cuối không còn một chỗ trống. Đưa lên miệng gặm, ta thấy những hạt bắp mềm và dẻo
như tự nó chạy vào trong lưỡi; vị ngọt bùi, mùi thơm của quả bắp tươi vừa chín đến
lan dần trên mặt lưỡi, tỏa hương lên mũi làm người thưởng thức lâng lâng, ăn mãi
không chán. Bắp luộc nơi đây cách ăn ngon nhất là cầm nguyên cả quả để gặm dăm
bảy hạt một lần, còn dùng tay bóc từng hạt ra ăn sẽ giảm ngon. Ăn bắp xong, du
khách thưởng thức thêm ly nước bắp luộc vừa thơm, vừa ngọt, một vị ngọt đặc trưng
của bắp nếp ở vùng Ea Kly mới bẻ về luộc ngay, làm con người sảng khoái, quên đi
cả một chặng đường dài vừa phải vượt qua và sẵn sàng đi tiếp chặng đường mới. Bắp
ở chợ Bắp 47 là vậy!
Những năm đầu sau
giải phóng 1975, cách “Chợ Bắp 47” bây giờ gần 5 km cũng có một cây đa to mọc ở
phía đông Quốc lộ 21A – sau này đổi tên thành Quốc lộ 26, người dân bản địa buổi
sáng thường tập trung trao đổi hàng hóa, lâu dần thành chợ và không biết từ khi
nào cái tên “Chợ 52” được xướng lên để khách thập phương qua lại biết tại km 52
(theo quốc lộ 21A cách thành phố Buôn Ma Thuột 52 km về phía đông) có một cái
chợ. Lâu dần do đất đai trong vùng màu mỡ, người dân tứ phương đến sinh cơ lập
nghiệp và đặc biệt sự có mặt của Sư đoàn 333 về đóng quân trên địa bàn làm nhiệm
vụ xây dựng kinh tế đã góp phần biến vùng đất hoang vu thành những cánh đồng trù
phú; chợ 52 dần dần trở thành trung tâm giao lưu của cả vùng. Năm 1985, huyện
Ea Kar được thành lập, chợ 52 trở thành thị trấn của huyện mới, tốc độ đô thị hóa
thật là nhanh. Theo thời gian chợ 52 với những lều quán tạm bợ, hình ảnh các chị,
các mẹ mặc m’yêng còng lưng gùi những chiếc gùi hoa quả chất cao hơn cả đầu người
- sản phẩm của gia đình ra chợ đứng bán bên đường không còn nữa; dần đần thay bằng
những ngôi nhà kiên cố, cửa hiệu sang trọng… và chủ của nó đa phần là người các
dân tộc từ nơi khác đến.
Khoảng đầu năm
1986, gốc cây đa to mọc phía tây Quốc lộ 26 gần km 47 bỗng nhiên được nhiều người
qua lại dừng chân vì xuất hiện vài bà mẹ người dân tộc bản địa ngực địu con, lưng
gùi hoa quả vườn nhà như sầu riêng, mãng cầu, chuối… đứng núp bóng mát cây đa bán
cho du khách đi qua. Người này bán được, người kia bắt chước làm theo, thế là cái
chợ manh mún bắt đầu hình thành như một sự tất yếu để kế thừa chợ 52 trước đây.
Có lẽ nhờ bóng cây đa to, du khách thích dừng chân nghỉ ngơi và đặc biệt được
mua đặc sản của vùng đất Tây Nguyên do chính những người dân bản địa hiền từ,
chất phác, thật thà đứng bán cuốn hút nhiều người. Lúc đầu chợ chỉ bán rau quả đựng
trong gùi, người mua phải mua cả gùi mới bán; sau này theo thời gian, người ta
biết bán rau quả theo chục, theo mớ, theo bó… Chợ họp cả ngày từ mờ sáng cho đến
lúc người bán bán hết hàng hoặc khi ông mặt trời đi ngủ, người bán mới thu dọn đồ
về. Theo vòng quay của năm tháng, Chợ 47 ngày một đông thêm và vài năm lại đây đã
có gần 40 quán mọc lên, kéo dài từ gốc đa đến ngã ba đường vào Công ty cà phê
719. Các quán ở đây được dựng tạm bợ bằng bốn cây gỗ nhỏ đứng bốn góc, phủ tấm
bạt lên trên, núp dưới bóng hàng cây trứng cá, cây muồng… xanh tốt tạo được không
gian vừa thoáng mát lại thơ mộng. Trong quán, ngoài kê bàn ghế bình thường còn
có thêm những chiếc võng mắc quanh để du khách ngả lưng thư giãn và thưởng thức
bắp luộc.
Trong các quán bán
bắp luộc ở chợ Bắp 47, chỉ riêng quán nằm vị trí ngay bên gốc cây có đa diện tích
lớn nhất, bao gồm gần hết diện tích bóng mát của cây đa lúc trưa đến; cô chủ quán
ngoài 30 tuổi, có khuôn mặt trái xoan, nước da màu mật ong rừng để lâu ngày, đôi
mắt sắc và nụ cười rất tươi khoe những chiếc răng trắng, đều như hạt bắp nếp niềm
nở đón khách. Tranh thủ khi ăn bắp, tôi hỏi cô chủ quán:
- Em tên gì?
- Anh cứ gọi em là
Cô bán bắp cho dễ nhớ.
- Nhà em có gần đây
không?
- Dạ, ở trong buôn
phía bên kia đường đấy.
- Em bán ở đây lâu
chưa?
- Quán này ngày trước
của mẹ em, sau mẹ già giao lại cho em. Mẹ em là người đầu tiên bán bắp luộc ở đây
đấy.
Vui chuyện, cô cho
biết thêm: Trước đây chỉ có mình mẹ cô bán bắp luộc, nhiều người thích ăn, mỗi
ngày bán hết hai nồi to thì nghỉ không bán nữa, sáng mai mới luộc và bán tiếp.
Mọi người thích ăn bắp ở đây là vì bắp được trồng trên đất đỏ ba zan ở phía đông
của cao nguyên Đắk Lắk, ảnh hưởng khí hậu miền biển Khánh Hòa. Trước đây người
Pháp lấy suối Ea Knốp làm ranh giới phân định hai tỉnh Đắk Lắk – Khánh Hòa mà
suối Ea Knốp chỉ cách km 47, xã Ea Kly theo đường chim bay khoảng 10 km; sau năm
1975 địa giới tỉnh mới được phân định lại, nhưng khí hậu thì vẫn thế. Người ta
thấy nhà em bán bắp luộc đông khách nên bắt chước ra làm chòi luộc bắp bán. Quán
nọ giáp quán kia, nay đã thành hai dãy quán chạy dọc hai bên quốc lộ, vui lắm.
Cô chủ quán nói với vẻ hãnh diện.
Chợ Bắp 47 hình thành
và phát triển như vậy đấy, nhưng tôi vẫn băn khoăn một điều: Tây Nguyên có hai
mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa đương nhiên có nhiều bắp tươi để luộc bán
cho du khách, nhưng còn mùa khô cả 6 tháng trời nắng chang chang như vậy lấy đâu
ra bắp tươi mà luộc, bán cho du khách? Trong một lần đến làm việc với Công ty Cà
phê 719 đóng trên địa bàn xã Ea Kly, gần Chợ Bắp 47; tôi trao đổi với ông Nguyễn
Huy Bá – Phó giám đốc Công ty nỗi băn khoăn của mình về quả bắp tươi mà mùa khô
vẫn có để bán ở đây. Ông cho biết: Vùng này có nhiều hồ nước, mùa khô người ta
gieo bắp ở vùng đất thấp gần với hồ nước và bơm nước tưới thường xuyên; bắp có
nước phát triển tốt lắm. Tôi buột miệng thốt lên: À ra thế! Theo ước tính, để có
bắp tươi phục vụ cho gần 40 quán bán quanh năm phải có hơn một trăm hộ chuyên
canh bắp cung cấp và như thế đã có trên một trăm hộ thoát nghèo, vươn lên làm
giàu vì có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng làm vùng đất nơi đây thêm trù
phú.
Chợ Bắp 47 giờ đây đã
được rất nhiều người biết đến với đặc sản bắp luộc được bày bán quanh năm phục vụ du khách không phải vùng nào cũng có.
Người chưa biết muốn một lần thưởng thức cho biết, người thử một lần rồi lần
sau có dịp đi qua nhất định sẽ dừng lại ăn cho đỡ nhớ và mua luôn vài vài chục
mang về tặng anh em bạn bè, đặc sản của một vùng đất đỏ ba zan ở phía đông cao
nguyên Đắk Lắk. Nói như thế, Chợ Bắp 47 không chỉ có bắp luộc mà còn có nhiều nông
sản do chính tay những người dân bản địa trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch để
trong những chiếc gùi xinh xinh chào mời du khách. Phía tây nam gốc đa thuộc
khu vực Chợ Bắp 47 còn có một khoảnh đất không lớn lắm, chạy dài theo Quốc lộ
26 là khu vực dành riêng cho các chị, các mẹ bán rau quả. Những người bán hàng
hoa quả ở đây đa số đều là những người phụ nữ cao tuổi, vui tính, niềm nở với
khách hàng nhưng rất ít khi chào mời và không bao giờ níu kéo khách. Khách cứ
xem thoải mái, mua cũng được mà không mua cũng không sao, trên môi những người
bán hàng bao giờ cũng nở một nụ cười thân thiện. Người bán hàng tạo cảm giác
cho người mua họ không quan tâm lắm đến việc bán được nhiều hàng hay ít hàng, mà
hình như họ bán chỉ là cái cớ để được giao lưu với những người qua lại. Có lẽ
chính thái độ này của những người bán hàng đã làm đẹp thêm lên hình ảnh về một
vùng đất, cuốn hút được nhiều du khách dừng chân nơi đây và hình thành nên một
cái chợ đặc biệt… CHỢ BẮP 47.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI