NGƯỜI CHỈ HUY DŨNG CẢM, KIÊN CƯỜNG
CỦA BỘ ĐỘI NAM TIẾN
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân
Việt Nam, tôi muốn kể về một người cán bộ quân đội rất tài giỏi và kiên cường đã
làm cho quân Pháp thời kỳ đầu năm 1946 phải “thất điên bát đảo”, còn bà con dân
tộc vùng Buôn Hồ thì rất đỗi tự hào – Đó là Hùng Việt.
Trong lịch sử của tỉnh Đắk Lắk, cuộc chiến đấu của nhân dân
ta chống thực dân Pháp cuối năm 1945 và năm 1946 đã để lại một dấu ấn lịch sử
huy hoàng, trong đó có cuộc chiến đấu giam chân địch ở Buôn Ma Thuột 6 tháng.
Trong 6 tháng đó, nhân dân trong tỉnh đã làm được nhiều việc lớn có ý nghĩa như
bầu được đại biểu của các dân tộc trong tỉnh vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà, đưa các dân tộc Tây Nguyên lên ngang tầm với các dân tộc khác trong cả
nước. Tiếp đó là chiến công trên mặt trận Buôn Hồ - Bắc Buôn Ma Thuột gắn liền
với nhiều sự tích anh hùng của những cán bộ quân đội như Minh Sơn, Hùng Việt…
Hùng Việt tên thật là Đinh Huy Phan, người làng Đồng Lư,
phủ Nam Trực, tỉnh Nam Định, sinh năm 1908, là con một của ông Phan Đức Long –
một gia đình Nho giáo. Hùng Việt trước khi vào Nam chiến đấu đã có vợ và 5 người
con.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hùng Việt được về
Thủ đô làm bảo vệ cho Hồ Chủ tịch. Khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Hùng Việt
tình nguyện vào Nam
giết giặc. Tháng 11 năm 1945, Hùng Việt vào đến Ninh Hòa, sau đó được điều lên
Buôn Ma Thuột chỉ huy phòng tuyến A ở CADA. Sau khi phòng tuyến CADA bị vỡ, Hùng
Việt cùng đơn vị chuyển sang giữ phòng tuyến Buôn Hồ - Bắc Buôn Ma Thuột. Hùng
Việt được cử làm Phó chỉ huy một đơn vị Nam Tiến.
Tuy Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 đã ký, nhưng thực dân Pháp cố
ý lấn át về mặt quân sự, chúng tập trung một số quân lớn ở Buôn ma Thuột, Buôn
Hồ, buôn Ayun đánh chiếm đường 14 để tiến quân lên Gia Lai. Chúng dồn về hướng
này 2, 3 ngàn quân gồm cả lính Pháp và lính nguỵ có xe tăng, máy bay yểm trợ.
Tại khu vực phòng tuyến, ngoài lực lượng tự vệ do Minh Sơn
chỉ huy, bộ đội Nam Tiến có một tiểu đoàn do Hùng Việt chỉ huy, nhưng hoả lực rất
kém, chỉ có súng trường và lựu đạn, lại thêm bộ đội không hợp với thuỷ thổ, một
số đau ốm không ra chiến tuyến được.
Để đánh thông đường 14, địch sử dụng máy bay ném bom mấy
ngày liền vào khu vực phòng tuyến buôn Drơng, đồng thời chúng tổ chức bộ phận
nhỏ từ hướng buôn Dăh đi thẳng vào hướng phòng tuyến của ta nhằm làm cho ta tập
trung lực lượng về hướng này. Cũng thời gian này, chúng tổ chức một lực lượng lớn
bọc về phía sau ta từ km 82 để đánh tập hậu. Hùng Việt và Minh Sơn đã đoán được
âm mưu của địch, hai ông cho tập trung hết lực lượng, kể cả ốm yếu, dậy được là
đi đánh giặc. Hùng Việt lấy tinh thần xung phong thành lập một “tổ cảm tử” chặn
đường tiến của địch từ hướng buôn Dăh sang, đồng thời cho một bộ phận chặn đường
rút lui của chúng.
Quả nhiên, quân địch ồ ạt từ buôn Dăh kéo ra đường 14, vừa
vào đúng tuyến phục kích, quân ta đồng loạt nổ súng, chiến đấu quyết liệt; quân
địch bị đánh bất ngờ, tử vong và bị thương một số, trong đó có một viên quan Ba
chỉ huy, còn lại chúng băng rừng tháo chạy một mạch, không dám dừng lại một buôn
nào. Gọng kìm từ km82 mất liên lạc với cánh quân buôn Dăh, bị cô lập, chúng bí
mật hè nhau xuyên rừng về lại vị trí cũ.
Trận phục kích buôn Dăh đã phá tan hai gọng kìm của địch,
phải hơn một tháng rưỡi sau chúng mới tổ chức lực lượng trở lại đánh chiếm.
Trận phá gọng kìm buôn Dăh đã để lại kinh nghiệm tác chiến
và nhận rõ thực chất tinh thần của địch, qua đó cũng cho thấy tài cầm quân của
Hùng Việt. Chẳng những có tài về quân sự mà ông còn là người khéo tổ chức quần
chúng, để đồng bào đã giữ bí mật, sẵn sàng giúp sức với bộ đội trong tạo thế bất
ngờ để đánh thắng địch.
Là Phó chỉ huy Mặt trận Bắc Buôn Ma Thuột nên ông rất coi
trọng việc giác ngộ đồng bào dân tộc trong vùng chống giặc. Đồng bào địa phương
thường gọi ông là “Khoa Prong” (người chỉ huy lớn), hết sức mến phục ông, phục
tùng ông và coi ông như một người anh hùng. Chỉ Trong một thời gian ngắn ông đã
tập hợp và thuyết phục được toàn dân địa phương trong vùng đi theo cách mạng, cùng
tham gia đánh địch. Trình độ giác ngộ của nhân dân ngày một cao, sự ủng hộ của
nhân dân địa phương ngày càng mạnh. Có thể nói, sở dĩ ở Mặt trận Bắc Buôn Ma
Thuột bộ đội ta đã thu được nhiều thắng lợi, cũng là nhờ một phần lớn ở công tác
chính trị, dân vận của Hùng Việt.
Hùng Việt có một lối đánh rất đặc biệt, hiểu địch cả về
quân sự và tinh thần nên có thể tạo ra những trận chiến đấu có hiệu quả, như
trong trận buôn Ayun một địa bàn nằm giữa tuyến ta và địch.
Lúc đó vào khoảng tháng 3 năm 1946, Hùng Việt cho bộ đội đến
buôn Ayun đào hào lập phòng tuyến hướng địch vào. Theo hướng dẫn của ông, bộ đội
đào rất nhiều hố tác chiến cá nhân vừa để nấp tránh máy bay, vừa để chiến đấu. Đào
xong, ông bí mật cho bộ đội về. Ngày hôm sau tình báo địch đến xem và hết sức
ngạc nhiên, nhưng sau đó thấy không có việc gì xảy ra nên địch không chú ý đến
nữa.
Cách nửa tháng sau, tức là gần cuối
tháng 3 năm 1946, địch tập trung quân chuẩn bị tấn công mạnh vào phòng tuyến, ông
Hùng Việt biết chắc địch thế nào cũng theo đường buôn Ayun, ông lập tức cho một
tiểu đội bố trí theo kế hoạch của ông, đưa quân phục kích cách nơi đã đào hầm
khoảng 30m. Trước đó, ông đã cho anh em đem chông cắm hết xuống các hố cá nhân đã
đào và cắm xung quanh, lấy lá khô phủ lên nguỵ trang kín đáo.
Đúng như dự đoán, sáng hôm sau quân địch ồ ạt đến buôn
Ayun. Khi địch đến gần khu vực đào hố cá nhân ta đào, tổ tác chiến bí mật phục
kích phía sau lưng địch lập tức dùng lựu đạn ném vào đội hình địch. Thấy lựu đạn
nổ lung tung, bọn địch gần đó liền chạy và nhảy xuống. Nào ngờ bị chông xuyên
qua mình, qua chân, qua ngực chết một cách thê thảm….
Trận này địch thiệt hại nặng mà ta không bị thương vong.
Vũ khí thô sơ và mưu kế của ông Hùng Việt đã thắng lợi.
Ông Hùng Việt còn có nhiều lối đánh khác làm cho địch khiếp
vía, đó là cách dùng địa lôi, lúc thì treo trên cây, khi nổ mảnh văng xa gây sát
thương lớn, lúc thì đánh lật xe làm thương vong nhiều tên… Địch rất sợ lối đánh
này của Hùng Việt, sợ đến nỗi trong một trận phục kích địch, khi ta lui, một
anh bộ đội để rơi cái bầu nước ở giữa đường, bọn địch khi thấy đã lấy súng liên
thanh bắn chiếc bầu đến vỡ ra từng mảnh mới thôi và phải tổ chức đi đường khác.
Hùng Việt, cái tên mỗi khi địch nhắc đến, là như một “vị
thần chết”, vì thế chúng đã treo giá lấy đầu Hùng Việt rất cao.
Sau 6 tháng ròng rã kiên cường chiến đấu giành nhiều thắng
lợi vang dội đến các tỉnh miền Trung, cuối năm 1946, theo chủ trương bảo toàn lực
lượng chiến đấu lâu dài, cấp trên quyết định rút hết các lực lượng về miền đồng
bằng.
70 năm đã qua, ôn lại một thời kỳ lịch sử hào hùng của quân
và dân Đắk Lắk, xin được nhắc đến ông Hùng Việt, người đã góp nhiều chiến công
và những kinh nghiệm chiến đấu cho lực lượng vũ trang Đắk Lắk, cho quân đội
trong kháng chiến chống Pháp và được phát triển trong cuộc chiến đấu chống Mỹ
trên chiến trường Đắk Lắk và trong toàn chiến trường miền Nam.
Một thời để con cháu nhớ nữa.
Trả lờiXóaĐúng vậy ạ!
Xóa