Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

GIỚI THIỆU CHƯ YANG SIN SÔ 279 - tác giả NGUYỄN THỊ KHÁNH HẠ





NGHỆ THUẬT TRÀO PHÚNG TRONG CHƯƠNG
“HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA”
Trích tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng
           


Nhắc đến Vũ Trọng Phụng, người đọc nghĩ ngay đến một nhà văn với thái độ phê phán trực diện, không khoan nhượng đối với hiện thực. Với bút lực dồi dào, ông và các nhà văn cùng chí hướng đã tạo nên một dòng văn học hiện thực phê phán với những thành tựu rực rỡ, cắm một mốc son chói lọi trong tiến trình văn học dân tộc.
Trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, có một thứ vũ khí vô cùng sắc bén được ông phát huy tối đa công lực, đó là bút pháp trào phúng. Trào phúng là một nghệ thuật, trong đó, nhà văn sử dụng tiếng cười, khả năng gây cười, để đạt được mục đích giễu nhại, phê phán, đả kích.
Trong toàn bộ tiểu thuyết “Số đỏ”, bạn đọc thấy, hầu như tất cả các trang sách đều văng vẳng tiếng cười. Riêng trong chương XV, “Hạnh phúc của một tang gia”, là một màn hài kịch lố lăng kệch cỡm.
Trước hết, tác giả đã phát hiện và khoét sâu vào mâu thuẫn gây cười: Tang gia và hạnh phúc! Tang gia, tức gia đình có người chết, thói thường, phải đau khổ, xót xa chia lìa, đằng này, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi không giấu được, và cũng không thèm che đậy! Niềm hạnh phúc của đám con cháu khốn nạn, chỉ vì mỗi lý do đơn giản, đơn giản đến trần trụi: Người chết, cụ Cố Tổ, có một gia sản kếch xù để lại cho con cháu chia chác! Chuyện như đùa mà lại có thật, thật đến nỗi, độc giả không hề nghi ngờ câu chuyện mà tác giả đang kể. Vừa tin, vừa cười, cười mà trào nước mắt!
Hóa ra, cụ Cố Tổ đã rất già, đám con cháu bất hiếu đã mong cụ chết từ lâu, thậm chí họ còn định lợi dụng các phương thuốc thất đức của các lang băm để hạ độc cụ, nhưng cụ vẫn sống. Thành ra, cụ sống ngày nào, con cháu sốt ruột ngày đó. Và cụ chết, tâm trạng sốt ruột chuyển sang sốt sắng, rồi náo nức. Họ tổ chức một đám ma thật to, linh đình và hết sức vui vẻ! Có lẽ, nhà văn đã không phải tưởng tượng nhiều, chỉ ngồi đâu đó ở Hà thành, và quan sát đời sống thị dân nhố nhăng đương thời, “ông vua phóng sự Bắc kỳ” đã bắt ngay được bản chất của “những đám ma to tát” khoe mẽ nhưng thiếu đạo đức của những đám con cháu bất hiếu. Và với tài năng của mình, tác giả tô đậm lên bức tranh kệch cỡm ấy. Có cảm giác nhà văn như một nghệ sĩ đạo diễn truyền hình đang chỉ đạo các máy quay hoạt động hết công suất, lúc thì cận cảnh, lúc thì lùi xa ra để “lấy nét” hết tất cả các chân dung, những bức chân dung méo mó, gây cười.
Tác giả đã khá tỉ mỉ công sức khi cố gắng tô đậm những gương mặt, trang phục của đám nhân vật đông đúc.
Trước hết là cụ cố Hồng với câu nói cửa miệng: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Xưa nay cụ mới chỉ được diễn trò già yếu ở nhà, giờ cụ được trình diễn trước đám đông: “Cụ cố Hồng đã nhắm nghiền mắt lại mơ màng đến lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: úi giời ơi, trai lớn đã già đến thế kia kìa…”.
Cô Tuyết, cháu gái của người quá cố thì sung sướng được mặc bộ y phục “ngây thơ” - cái áo voan mỏng “hở cả nách và nửa vú” với cái tráp trầu cau và thuốc lá mời khách với vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt.
Ông Phán mọc sừng, chàng con rể quý hóa của cụ Cố Hồng, ông là kẻ vớ bở nhờ cái chết của cụ Tổ. Nhờ “đôi sừng vô hình trên đầu”, ông được gia đình bên vợ hứa chia thêm một số tiền, coi như đền bù sự thiệt thòi. Có vẻ như nhờ thế mà ông bộc lộ nỗi đau xót cùa mình một cách ồn ào hơn ai hết: ông oặt người khi khóc mãi không thôi: “Hứt! Hứt!”. Nhưng trào phúng thay khi ông Phán dúi vào tay Xuân tờ bạc năm đồng để trả ơn Xuân. Ông ta khóc y như thật để che đậy hành động thật của mình!
Đây cũng là dịp may hiếm có để tiệm may Âu hóa và ông Typn có thể lăng xê những mốt trang phục mà có thể ban cho những ai có tang thương đau đớn vì kẻ chết cũng được chút ít hạnh phúc ở đời.
Cậu tú Tân thì mừng quá và đang điên người lên vì đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mãi mà không được dùng đến. Đám ma là dịp cậu trổ tài chụp ảnh, cậu bắt người này đứng thế này, khóc thế kia, để chụp ảnh cho sinh động! Trong khi, lẽ ra, là cháu chắt của người chết, cậu phải xót thương, đau khổ!
Còn Xuân tóc đỏ càng vênh váo vì nhờ hắn mà cụ Tổ lăn đùng ra chết. Cái niềm tự hào của người có công lớn, “gây ra cái chết cho cụ già đáng chết”!
Hạnh phúc lan tràn cả ra ngoài gia đình người chết: Hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang thất nghiệp bỗng được thuê giữ trật tự... Bạn bè cụ cố Hồng có điều kiện khoe khoang sự oai vệ của mình...
Một trong những nét đặc sắc của ngòi bút trào phúng Vũ Trọng Phụng là sự thể hiện đám đông. Tác giả lùi ống kính thật xa quay toàn cảnh đám tang với điệp khúc đám cứ đi. Có khi tác giả lại quay cận cảnh để vạch trần bản chất nhố nhăng giả tạo của đám tang này. Vũ Trọng Phụng đã thể hiện ngôn ngữ trào phúng khi miêu tả một số kiểu râu ria của các cụ: Có cụ râu lún phún rầm rậm, có vị râu hung hung, lại có vị râu loăn xoăn... Các cụ ấy đã thực sự cảm động vì làn da trắng nơi ngực và cánh tay cô Tuyết. Đến đưa ma cụ Tổ phần đông là trai thanh gái lịch đất Hà thành ngàn năm văn hiến, đến với đám cốt để chim nhau, hò hẹn nhau... nói với nhau đủ chuyện hàng ngày, cho nên đám ma đông là thế, ồn ào náo nhiệt là vậy.
Với “Số đỏ”, Vũ Trọng Phụng tạo ra một giọng văn riêng, chưa hề gặp trong nền văn xuôi đương thời, và có lẽ đến sau này cũng chưa mấy ai bắt kịp: giọng điệu hài hước, ác khẩu, giễu cợt, lạnh lùng, dửng dưng, chả còn phân biệt bịa hay thật! Luôn luôn có sự khập khiễng giữa sự vật được nói tới với giọng điệu câu văn, khập khiễng giữa các con chữ trong cùng một câu văn: “Ông già hơn tám mươi tuổi phải chết một cách bĩnh tĩnh”, “Bầy con cháu chí hiếu chỉ nóng ruột đem chôn cho chóng cái xác chết”, tiếng khóc cũng nhại lại đầy sự châm biếm: Hứt!.. Hứt... Hứt!
Trong cuộc bút chiến với các nhà văn thuộc trường phái lãng mạn cùng thời, Vũ Trọng Phụng tuyên bố: Các ông muốn tiểu thuyết là tiểu thuyết, còn tôi và các nhà văn cùng chí hướng, thì tiểu thuyết là sự thực ở đời! Tác phẩm của ông góp phần khắc họa bức tranh hiện thực thối nát đương thời. Ông viết “Số đỏ” khi tuổi đời còn rất trẻ, song đã thể hiện được là một tiểu thuyết gia bậc thầy, một ngòi bút lạnh lùng tỉnh táo, đủ để làm chủ mọi tình thế. Nghệ thuật trào phúng của ông là tiếng cười trực diện, phê phán không nương tay những lố lăng kệch cỡm ở đời.
Sử dụng nghệ thuật trào phúng một cách đắc địa, đó là thành công nổi bật của tiểu thuyết “Số đỏ”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI