NGHỀ CAO QUÍ NHẤT
TRONG CÁC NGHỀ CAO QUÍ!
Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư trọng đạo, uống nước
nhớ nguồn. Nhằm kế tục và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy, Đảng và Nhà nước
ta lấy ngày 20.11 hàng năm làm ngày Hiến chương nhà giáo. Đó là dịp để toàn xã
hội tôn vinh nghề dạy học: Nghề cao quí nhất trong các nghề cao quý, giúp
các thế hệ bày tỏ lòng tri ân đối với những người khai sáng đã dìu dắt mình xây
đắp ước mơ.
Đường lối lãnh đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng XHCN và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới đã xác định: Giáo
dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của
toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong
các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển giáo dục và đào
tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá
trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực
và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo
dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; gắn với nhu cầu
phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công
nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ
yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu
cầu số lượng.
Mục tiêu của nền giáo dục mới là tạo chuyển biến căn bản,
mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công
cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục
con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng
sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và
làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt,
học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng
xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại
hoá, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo;
giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030,
nền giáo dục Việt Nam
đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Bởi vậy đội ngũ giáo viên và nghề dạy học
có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến thực hiện thắng lợi đường lối cách
mạng của Đảng và mục tiêu giáo dục của nước nhà.
Người thầy trước hết là người tiếp thu đạo lý làm người của
những thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn
dạy người. Thiên chức của người thầy giáo là phát huy và truyền lại cho thế hệ
trẻ những tinh hoa văn hoá của dân tộc, của nhân loại. Vì vậy người thầy giáo đã
góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam ,
bản sắc dân tộc Việt Nam và
sức mạnh Việt Nam
qua các thời đại, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của dân tộc.
Đối tượng lao động của người thầy là nhân cách, tâm hồn và
thể chất con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Để góp phần tạo dựng ra
nhân cách con người, người thầy giáo có trách nhiệm làm cho nhân cách ấy ngày càng
tốt hơn. Công cụ lao động của người thầy chính là bản thân mình, là toàn bộ nhân
cách của mình, với những phẩm chất đạo đức trong sáng, với năng lực trí tuệ dồi
dào và các phương tiện lao động cần thiết. Đối với người thầy, ngoài kiến thức đã
được học ở nhà trường phải được học rất nhiều từ cuộc sống và tự học, tự làm
cho kiến thức ngày càng sâu rộng, tiếp thu những cái hay, cái đẹp, cái mới, tiến
bộ, khoa học đang thay đổi hàng ngày. Đó là trách nhiệm của người thầy. Có được
số vốn kiến thức như vậy thì người thầy mới có đủ tự tin, để có sức thuyết phục
với học trò. Phương pháp lao động chủ yếu của người thầy là phương pháp nêu gương
của bản thân, cảm hoá học trò bằng tư tưởng và tình cảm của mình, đồng thời phát
huy năng lực trí tuệ, chủ động sáng tạo của học sinh.
Từ xưa tới nay, nghề dạy học được nhân dân ta quý trọng và
đề cao Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là
thầy). Từ truyền thống của dân tộc, từ nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng tăng,
những người làm nghề dạy học càng được đào tạo và phát triển. Họ là những người
có trình độ học vấn và được rèn luyện đạo đức chuẩn mực để dạy chữ, dạy người.
Những cụ đồ, thầy đồ ngày xưa là những con người đạo cao, đức trọng, nổi tiếng
hay chữ, đặt việc dạy người cao hơn dạy chữ. Những bậc khoa bảng cao khiết thường
có rất nhiều người theo học. Tài năng và tâm huyết của họ đã đào tạo ra nhiều
thế hệ học trò yêu nước thương dân không khuất phục trước những điều bạc ác, thấp
hèn, bảo vệ đến cùng những giá trị chân lý, những điều thiện, giữ gìn bản sắc văn
hoá của dân tộc, làm rạng rỡ non sông gấm vóc như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Lê Quí Đôn, Nguyễn Đình Chiểu…
Sau cách mạng tháng 8.1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ
Chủ tịch: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Bác khẳng định:
một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Nhân dân ta đã dấy lên một phong trào
học tập sôi nổi chưa từng thấy. Sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, ngày
nay đất nước ta đã có một nền giáo dục hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học và sau
đại học, với hơn 30 triệu học sinh, sinh viên đang theo học với đội ngũ nhà giáo
ngày càng đông đảo, trình độ và phương pháp ngày một nâng lên, đáp ứng nhu cầu
của thời đại. Bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp của người thầy được khẳng định và
phát huy. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngày càng được trang bị hiện đại.
Chất lượng giáo dục được cải thiện, xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh và đề
cao, góp phần đào tạo nguồn lực to lớn cho sự nghiệp phát triển xã hội.
Mỗi con người sinh ra và trưởng thành ngoài công cha nghĩa
mẹ nuôi dưỡng chăm sóc còn có công thầy dạy chữ, dạy làm người. Công ơn của thầy
cô được sánh với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Những câu ca dao xưa
đã nói lên nghĩa tình sâu nặng ấy.
Ngày
nào em bé cỏn con
Bây
giờ em đã lớn khôn thế này
Công
cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ
sao cho bõ những ngày ước ao.
Từ khi chập chững
lên ba, bước chân vào trường mẫu giáo, các em được đón nhận tình thương trong vòng
tay âu yếm của thầy cô. Từng nét chữ, con số, những lời chỉ bảo ân cần chan chứa
tình nhân ái, đã giúp các em viết lên những dòng chữ đẹp đầu đời trên trang giấy
tâm hồn còn trắng nguyên.
Cứ mỗi mùa thu qua, các em lại được lớn lên theo nhịp trống
trường. Thầy cô như người chở khách qua sông, tiễn đưa thế hệ này đến bến bình
yên, rồi lưu luyến quay về đón thế hệ tiếp theo. Cứ thế, thời gian trôi dần
theo năm tháng. Thầy cô như gốc phượng già trước dòng đời hối hả, chứng kiến
bao lớp người qua mà lòng rộn ràng, xốn xang bên tâm hồn trẻ, lặng lẽ âm thầm,
miệt mài bên trang giáo án, dưới ánh đèn khuya, lo bài giảng ngày mai, mái tóc
phủ dần bụi phấn, chắt chiu từng giọt phù sa cho đời. Lấy cõi bình yên làm lẽ sống,
lấy việc vun chồi làm niềm vui. Dẫu có đếm các vì sao trên trời, dẫu có đếm hết
chiếc lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm sau làm sao đếm được hết công ơn người thầy.
Hình ảnh về người thầy đẹp đẽ và cao quí, ngời sáng trong ký ức của mỗi con người,
trở thành cảm xúc sâu lắng qua những lời thơ.
Mái tóc thầy như một tấm gương xanh
Cho em soi những dòng ký ức
Sợi nào bạc vì ta trốn học
Sợi nào rơi vì lỗi mấy bài văn
Và từ trong mái tóc hoa râm
Ta soi thấy bao điều chân lý
Dòng sông chảy hoài chưa kịp nghỉ
Lớn khôn rồi mới lắng vị phù sa.
Người thầy như người nhóm lửa, thổi bùng lên ngọn lửa tâm
hồn, truyền đến cho người học những rung cảm mạnh mẽ, vươn tới một lẽ sống đẹp
về nhân cách và trí tuệ. Mỗi bước đi của một đời người đều mang dấu ấn quan trọng
của người thầy. Tình thương, trách nhiệm và tâm huyết nghề nghiệp của người thầy
sẽ ghi dấu ấn vào thời đại, góp phần xây dựng các thế hệ tương lai của dân
tộc. Nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí mà xã hội đã tôn vinh cho
nghề dạy học. Điều đó vừa thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta,
vừa đề cao trách nhiệm vinh quang nhưng vô cùng nặng nề đối với sự nghiệp trồng
người của dân tộc. Các nhà giáo tiếp tục rèn luyện phấn đấu xứng đáng với niềm
tin của xã hội và danh dự cao quí của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI