BỂ HOẠN BAO GIỜ BẰNG
LẤP?
Truyện
ngắn
“Việc của mỗi người là tưởng tượng nỗi cô đơn của riêng mình
và giải nghĩa sự cô đơn đó.”
- Philippe Claudel-
I
Nguyễn Trãi cúi đầu
vốc nước rửa mặt, nước mát luồn qua kẽ tay táp lên làm bản thân tỉnh táo trở lại.
Ông ngồi xuống phiến đá phủ rêu, giống như một vị sư đang nhập thiền. Áo thô, cơm
nhạt, rau lạnh, trà thanh, chìm nổi trong bể hoạn bao năm, cuối cùng cũng đành đánh
lừa quay về núi, dắt díu theo cả một bầy đoàn thê nhi yếu đuối. Lòng người lạnh
lẽo xiết bao, chỉ duy có non sông vẫn thủy chung như thuở ban đầu.
Thông reo bên tai,
suối chảy róc rách, ánh nắng lọt qua tán lá rọi xuống mặt nước soi tỏ từng đàn
cá dầu cá bống nhỏ tí ti đang thong dong lượn lờ. Giữa cảnh lâm tuyền, con người
đều trở nên nhỏ bé. Nguyễn bỗng nhớ về ngày xa, thời tráng niên hùng khí chẳng
mòn, mong khuông phò minh chúa đuổi bọn quỷ Ngô thoát khỏi cương thổ. Với cảnh
quần tinh tụ hội lúc bấy giờ, quả thực Nguyễn đã từng cảm thấy mình kém tài. Bạn
hữu năm xưa từng cùng nâng chén dưới chân Tản Viên nay đã thay nhau xóa tên mình
khỏi sử xanh, kẻ lui về ở ẩn chẳng màng vinh hoa, người bị quyền lực dìm nịch đến
chết trong nhục nhã.
Dưới lòng suối, vài
chiếc lá xoay tròn, mấy con kiến đen ngơ ngác sang sông. Ừ thì sang sông, cuộc đời
con người ai chẳng phải sang sông một lần. Chúng đang đi tìm nhà mới, quê hương
mới. Nguyễn bỗng thấy bần thần, nhà, quê hương… Thấp thoáng trong gió mùi đất bụi
ải Nam Quan, còn vương đâu đây tiếng cha dặn dò trước lúc bị đem về phương Bắc.
Có phải cha cũng từng ngồi trong nhà tù lạnh lẽo, nom ánh sáng leo lét lọt qua
vuông cửa bé bằng lòng bàn tay mà trông về cố hương? Cha ơi… Nguyễn cúi đầu, từ
trong khóe mi rơi xuống không rõ là máu hay nước mắt? “Con ơi, sự nhạy cảm của
con là sự nhạy cảm chết người. Nếu không cẩn thận thì kẻ làm chính trị sẽ lợi dụng
con, sẽ sử dụng những suy nghĩ của con để mê hoặc người đời.”
Căn nhà góc thành Nam giờ
đang hiu hắt, có nhớ chăng bóng lưng cố hữu ngày đêm ngồi thảo sách lược? Đôi
khi Nguyễn Trãi nghĩ, nếu như khi ấy Thái Tổ không đứng lên khởi nghĩa thì ông
sẽ ra sao? Hay là mục nát trong chính nỗi khắc khoải bế tắc của mình? Vòng tròn
mê cung do ông tự vẽ ra, ông đi luẩn quẩn và không dám thoát khỏi nó. Nguyễn ngồi
buồn, thở dài, tiếng thở dài lan đi, vọng đến cả trăm năm sau.
II
Trong vở “Tiễn cha
qua ải”, Khôi được đạo diễn cử ra để tái hiện hình ảnh của Nguyễn. Điều này làm
anh trăn trở nhiều, nằm trên giường, đã quá nửa đêm mà không thể chợp mắt. Biên
kịch viết về nhân vật này quá đỗi cao xa, vĩ đại, hoa mỹ đến vô thực. Trong khi
Khôi chỉ thấy ông đáng thương. Nguyễn sinh ra để cô độc, có lẽ ông đã đi tìm mình
suốt cả cuộc đời. Vậy mà đến cuối cùng chẳng thu lại được chi.
“Bình sinh vu khoát
chân ngô bệnh,
Võ thuật năng y, lão
cánh gia.”
Bệnh viển vông theo đuổi
cả đời, càng về già càng thêm nặng, trở thành chứng nan y vô phương cứu chữa.
Nguyễn nhận ra điều đó mà bất lực.
Ngu trung. – Khôi
cay đắng. – Con người ta sao cứ hành khốn trong bể hoạn làm chi? Nếu không có Lê
Lợi, Nguyễn sẽ là ai? Hay sẽ tan biến giữa dòng thời gian vô tận? Nguyễn như cây
tầm gửi bám víu vào đấng quân vương để tìm cơ hội thực hiện lý tưởng của mình. Ông
là một kẻ bị chữ nghĩa chơi khăm, tư tưởng của ông không phù hợp với Lợi.
Đất nước nghèo mà nhỏ, nhân dân lại đáng sợ. Lợi
không tin vào lòng thiện, con người ta chỉ có sự ích kỷ là vượt trội thôi. Thế
nên, ông càng căm ghét đám quan văn đầy bụng chữ nghĩa. Nom thì nho nhã, chứ chúng
nó đâm mình lúc nào chẳng biết. Ấy vậy, Lợi vẫn phải lợi dụng văn chương, thứ văn
chính trị đáng ghê tởm để thâu tóm thiên hạ.
“Người xưa đâu? Mồ đắp
cao nay đã sâu thành hào.” – Anh khe khẽ nhẩm lời bài hát cũ ấy.
Cạnh Khôi, Lý trở mình.
- Nhà ta còn gạo không
em? – Khôi biết vợ chưa ngủ, bần thần đánh tiếng hỏi.
- Nếu đã không muốn
diễn thì cớ chi phải làm hả mình. – Lý cười buồn, ngồi dậy. Nàng vuốt ve ấn đường
đang chau chặt của chồng mình.
- Cơm áo gạo tiền đè
chết ta. – Khôi vắt tay lên trán, khép mắt thở than. – Suy cho cùng thì cuộc đời
mỗi con người đều chỉ là một vai diễn.
Khôi nghĩ đến cái kịch
bản đầy những lời thoại có cánh khốn nạn ấy. Chỉ sợ ở nơi xa kia, giả như Nguyễn
có nghe được cũng phải cười than cho phận mình. Ông đâu có muốn làm thần thánh,
ông chỉ muốn làm một kẻ sỹ bình thường làm cho tròn bổn phận trong lịch sử. Lịch
sử, hai chữ chứa đầy nghiệt ngã. Ai đó từng bảo, đã đút tay vào nó thì đừng hòng
rút ra.
Nguyễn sinh ra với
thân phận bị quỷ ám, ông sinh ra chỉ muốn mình với riêng mình thôi. Cớ sao người
ta vẫn cứ đánh động đến nỗi đau xưa, để linh hồn ông không một ngày được ngơi
nghỉ?
Thực và giả,
Giả và thực.
Ta là ai,
Ai là ta
Ta đi tìm ta
Ta đi tìm con người.
- Nguyễn Trãi không như vậy. – Khôi bảo đạo diễn.
- Nhà văn hay nhà
chính trị trong lịch sử cũng chỉ mang một khuôn mặt giống nhau thôi. – Biên kịch
chen vào. – Tin tôi đi, đây sẽ là vai diễn đột phá của cậu. Rồi mai đây cậu sẽ
phất lên như diều gặp gió, ai cần quan tâm đến chuyện người xưa ra sao.
Khôi vò đầu bứt tai. Bên cạnh, tiếng chiếc quạt máy hỏng đã
mất cả lồng chụp cứ vang lên cành cạch, quạt đấy mà muỗi vẫn cứ vo ve bên tai.
Căn nhà ẩm thấp và tối. Anh biết ơn vì điều đó, nó đã giúp anh che giấu chính mình.
Khôi như một con sâu rút vào kén, cuộn trong lòng Lý, anh nghe thấy cả tiếng
tim đập của nàng – êm như lời mẹ ru thời còn lênh đênh nơi sông nước. Mùi hương
từ Lý thấm vào lồng ngực Khôi làm anh đê mê, anh nhoài người dậy, chồm lên nàng.
Cả hai cứ thế quấn vào nhau…
Trời sáng, Lý bảo:
- Hay là về quê?
- Chúng ta còn quê không? – Khôi cay đắng.
Dưới sàn nhà, đàn kiến đen nghênh ngang diễu hành với đôi
râu vểnh cao. Nhìn chúng, khôi bỗng nhớ đến một cái chết không xa, rồi linh hồn
anh sẽ bị bâu vào, bị nghiền nát ra từng mảnh, cuối cùng đùn lên, đùn dần lên...
Ta tìm ta giữa nấm mồ.
III
Có lệnh từ Đông Kinh vời Nguyễn trở lại triều đình. Vị
vua trẻ tuổi đã nhìn thấu sai lầm của tiên đế nhưng lại không dám trách ông dù
chỉ là ở trong lòng. Các thế lực trong quan trường lẫn hoàng thất đang xâu xé lẫn
nhau, ai ngay ai gian không phải Thái Tông không hay. Đôi khi, ngài nghĩ, nếu
như người nếm mùi hoạn huống là mình thì liệu có thể không nhúng chàm hay chăng?
Nguyễn biết Thái Tông khi ngài đương còn là một cậu bé, ông
cũng chứng kiến cảnh mẹ của ngài bị dâng ra làm vật tế. Phận đàn bà. Trên đời này
lấy đâu ra thánh thần, chỉ có ma quỷ mà thôi. Lợi làm ra điều ấy, kẻ biết thì
cho rằng đó là vì đại cục, nhưng người như Nguyễn chỉ thấy đê tiện. Đê tiện đến
tột cùng.
Cả đời Nguyễn chỉ phục mỗi Quý Ly, bởi vì thấu hiểu sự cô
đơn của ông trong sự mông muội của dân tộc. Quý Ly là nhà cải cách, chứ không
phải bậc đế vương. Sai lầm dẫn đến oan nghiệt, sinh nhầm thời đã khổ, sinh nhầm
phận còn thêm nỗi bi thương. Giá như…
Nguyễn Thị Lộ châm chén trà mai, dâng cho chồng mình.
Nguyễn mỉm cười đón lấy, nhấp một ngụm nhỏ, từ trong nhà tranh trông ra thông đang
reo vui. Khoan, thông vui hay đang khóc? Nguyễn thấy buồn, có phải tuổi đã xế nên
càng dễ chạnh lòng?
Nguyễn Thị Lộ nhìn ông, người khắc khoải cả đời với chữ vậy
mà cứ mãi lận đận long đong. Nỗi buồn mênh mang trong đôi mắt Nguyễn thu hút nàng
ngay từ khi gặp mặt ngày càng rõ nét. Nàng đã từng muốn kéo ông ra khỏi mê cung
đó, nhưng Nguyễn lại càng lún sâu vào. Ông sợ hãi chính bản thân mình, bế tắc
trong chính “đạo” của mình.
Thời gian về Côn Sơn, Nguyễn ngày càng ít nói, cũng ít
quan tâm đến thê thiếp cái con. Ông đang tìm mình, mà sao càng tìm càng không
thấy lối thoát?
- Nàng còn nhớ khúc nhạc ở hồ Dâm Đàm năm ấy không? –
Nguyễn mở miệng hỏi.
Gò má Nguyễn Thị Lộ ửng hồng, nàng đáp:
- Ngón đàn nay vẫn còn.
- Vậy hãy đàn đi.
Hãy hát đi, hãy hát cho lòng ta.
Nguyễn Thị Lộ y lời chồng, lấy cây đàn đã ngủ say mấy chục
năm qua. Những ngón tay mềm chai sần vì cày cuốc, ruộng vườn lướt trên phím tơ.
Tơ chùng, lòng cũng chùng theo.
Tiếng đàn ấy theo thời gian đã trở nên lạnh lẽo, giống như
kim khí rạch thẳng vào trái tim. Nguyễn gập mình, ôm ngực thở dốc. Bước chân ông
đã mỏi mệt nhiều rồi…
Cây đàn trên tay người thiếp yêu rơi xuống, vỡ tan. Đoạn
kiều.
Trở về triều, ừ thì trở về, rồi mai sẽ ra sao? Nguyễn lại
thở dài, tiếng thở dài lan đi, loang đến cả trăm năm.
IV
Khôi đã hoàn thành xong vai diễn của mình, chỉ thấy đớn đau.
Từng câu thoại giống như lưỡi đao cùn cứa dần dần vào xác thịt anh. Khán giả
tung hô anh, trao cho anh những bó hoa thắm. Phụ nữ nói họ mê anh. Khôi tìm hình
bóng Lý trong góc khuất của khán đài, tìm nụ cười của nàng.
Anh hoang mang, nước mắt từ đâu cứ lã chã tuôn rơi. Khôi
thấy mình như kẻ tội đồ, đã giết chết một kiếp người, giết chết chính bản thân
mình.
Khôi bỗng thấy trước mắt tối sầm đi, anh như đang bước trên
mây mềm. Êm dịu. Xa xa, Nguyễn bước tới, ông khóc, ông cười, tức tưởi và chua
chát. Khôi vươn tay chạm vào hình bóng Nguyễn, Nguyễn cũng vươn tay chạm vào hình
bóng Khôi. Trong khoảnh khắc, không gian và thời gian quyện vào nhau, họ tìm thấy
hơi ấm của người tri kỷ.
Cả Nguyễn và Khôi đều thấy mơ hồ, giờ thì họ là ai?
Nguyễn thở dài, Khôi thở dài. Năm trăm năm đã trôi qua, năm
trăm năm dâu bể trong chớp mắt, có ai khóc cho người?
Đời là vậy ư??
Trả lờiXóa