Sáng ngày 01 tháng
9 năm 2015, tại hội trường Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tổ chức
Hội nghị Tổng kết năm học 2014 – 2015, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học
2015 – 2016. Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh các cơ quan ban ngành của tỉnh,
các thầy cô giáo là cán bộ quản lý và giáo viên xuất sắc của ngành.
Tại Hội nghị, các đại biểu rất thú vị khi
nhận được túi quà “đặc biệt - bất ngờ”, đó là cuốn tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông”
của tác giả Trúc Hoài, dày gần 700 trang, in giấy tốt, được Nhà xuất bản Công
an nhân dân tái bản lần thứ hai năm 2015. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về vùng
căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk
Lắk mà tác giả nguyên là một nhà giáo, một cán bộ quản lý của ngành: Thầy Nguyễn
Trúc. Nhiều đại biểu khi cầm tập tiểu thuyết trên tay, khuôn mặt rạng rỡ, reo lên:
- Sách của thầy Trúc!
- Ngày trước mình là
học trò của thầy đấy!
- Tuyệt quá, thầy mình
viết cả một cuốn tiểu thuyết dày nhé!
Nhiều người trầm trồ
thán phục và cũng nhiều người được dịp thông báo với bạn bè xung quanh, mình từng
được là học trò của thầy - tác giả của tập tiểu thuyết được dùng làm quà tặng Hội
nghị hôm nay. Tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông” được UBND tỉnh đặt mua 2000 cuốn
nhân ngày lễ 10 tháng 3 năm 2015, và Tỉnh ủy đặt mua 500 tập phục vụ Đại hội Tỉnh
đảng bộ Đăk Lắk vào tháng 10 năm 2015.
Sau đại thắng mùa
xuân 1975, nước nhà thống nhất, Nam Bắc một nhà, cả nước bắt tay xây dựng lại
non sông đất nước từ đống tro tàn của cuộc chiến tranh tàn khốc do bom đạn của đế
quốc Mĩ tàn phá. Nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh lại bị bao vây, cấm vận của
các thế lực thù địch; bọn phản động trong và ngoài nước liên tiếp gây rối, rồi
chiến tranh biên giới nổ ra… Tất cả những khó khăn ấy từng bước được hóa giải dưới
sự lãnh đạo tài tình của Đảng; nhân dân ta vừa chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn lãnh
thổ thiêng liêng của Tổ quốc vừa tiến hành xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa
giáo dục, góp phần ổn định xã hội. Trong những ngày đầu khó khăn ấy, những người
vừa bước từ trong rừng ra, trên mình còn vương mùi thuốc súng đã phải gánh trọng
trách xây dựng nền giáo dục tỉnh Đắk Lắk đi lên từ con số không. Những người được
phân công gánh vác trọng trách nặng nề này khi đó là thầy Nguyễn Ái đảm đeuơng
chức vụ Trưởng ty và thầy Nguyễn Trúc – người đồng chí từng có những năm chiến đấu
gian khổ chống Mĩ ở khu căn cứ H9 – huyện Krông Bông là một cộng sự tích cực.
Nhà giáo Nguyễn Trúc
sinh ra trên mảnh đất nổi tiếng thượng võ: Xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Năm 1955, khi chưa tròn 13 tuổi được tổ chức bố trí đưa ra miền Bắc học tại các
trường học sinh miền Nam rồi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Sau khi tốt
nghiệp đại học, chàng sinh viên trẻ Nguyễn Trúc tình nguyện vào Nam chiến đấu và
mong muốn được mang kiến thức khoa học được đào tạo chính quy ở miền Bắc xã hội
chủ nghĩa truyền lại cho đồng bào, đồng chí ở miền Nam. Sau bốn tháng mười sáu
ngày hành quân xuyên dãy Trường Sơn, Nguyễn Trúc đến mảnh đất Đắk Lắk, được tổ
chức phân công về làm phóng viên chiến trường. Trong chiến tranh ác liệt, người
phóng viên dũng cảm ấy luôn mang trong lòng ngọn lửa đam mê văn chương với trái
tim nhân hậu nồng nàn cảm xúc nên ngoài các tác phẩm báo chí, thầy còn sáng tác
thơ, truyện ngắn khắc họa con người, sự việc, cảnh vật thời chiến với cách nhìn lạc quan yêu đời thấm đẫm tình người.
Sau chiến tranh, đất
nước bước vào thời kỳ xây dựng, đây là lúc nhà quản lý giáo dục Nguyễn Trúc
mang kiến thức được đào tạo cơ bản ở trường đại học áp dụng vào thực tiễn, góp
phần đào tạo con người “Vừa hồng, vừa chuyên” trên vùng đất. Đắk Lắk lúc ấy là
một tỉnh thuần nông, mặt bằng dân trí còn rất thấp, cơ sở hạ tầng cho giáo dục
không đáng kể; lực lượng giáo viên thiếu
trầm trọng. Tuy khó khăn là vậy, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban chấp
hành Đảng bộ tỉnh và sự cố gắng quên mình vì công việc của tập thể lãnh đạo Ty
Giáo dục, ngành giáo dục Đắk Lắk từng bước khắc phục khó khăn vươn lên đáp ứng được
yêu cầu của tổ chức giao, góp phần quan trọng vào công cuộc ổn định xã hội. Đạt
được kết quả ấy là công của cả tập thể toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà, nhưng có
phần đóng góp không nhỏ của người thầy Phó trưởng Ty dày dạn kinh nghiệm Nguyễn
Trúc.
Thời gian sau đó,
theo sự phân công của tổ chức nhà giáo Nguyễn Trúc được điều động giữ các chức
vụ Hiệu Trưởng trường Cao đẳng sư phạm Buôn Ma Thuột, Giám đốc Trung tâm Giáo dục
thường xuyên tỉnh… Dù trên cương vị nào, thầy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
cho đến năm 2003 được nghỉ hưu theo chế độ. Trong những năm còn công tác trong
ngành giáo dục, dù bận nhiều việc, nhưng nhà giáo, nhà báo vẫn nặng lòng với sáng
tác văn học. Hình như sáng tác văn chương đã thành cái “nghiệp” mà người thầy
trót đam mê, theo đuổi… Các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn này của thầy đã
khắc họa khá đậm nét hình ảnh những con người bình dị, nhưng quả cảm, lạc quan,
yêu đời dù phải đối mặt với bao hiểm nguy, gian khổ, mất mát do chiến tranh. Một
thời “gian lao mà anh dũng” trong chiến đấu là nguồn cảm hứng vô tận để
tác giả đưa vào tác phẩm của mình, thể hiện qua các tập thơ: Nhân chứng
một thời (tập thơ in chung), Từ những năm tháng
(2 tập); tập truyện ngắn Y Byá, tập nhật ký chiến tranh
Vượt dải Trường Sơn và có thơ in trong tập Ngàn năm
thơ Việt do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2010. Nhà
giáo Nguyễn Trúc cũng là một trong số 45 hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật
Đắk Lắk tháng 9 năm 1990.
Sau khi được nghỉ hưu,
nhà giáo Nguyễn Trúc dành trọn thời gian và tâm huyết vào viết cuốn tiểu thuyết
“Từ sông Krông Bông” mà theo thầy là viết để trả nợ đồng đội đã
ngã xuống trong chiến tranh, trả nợ đồng bào đã cưu mang nuôi dưỡng, trả nợ dòng
sông, ngọn núi, cánh rừng… đã chở che cho hàng vạn cán bộ chiến sĩ trong suốt
cuộc trường kỳ kháng chiến… Phải qua nhiều năm trời miệt mài ngày đêm thầy đã có
tập bản thảo hơn ngàn trang A4 và thêm gần hai năm chỉnh sửa tác phẩm mới hoàn
thành. Để có tiểu thuyết “Từ sông Krông Bông”, tác giả phải cóp
nhặt tư liệu gần cả cuộc đời và hết sức kiên trì, nghiêm túc trong lao động nghệ
thuật.
Trong quá trình sáng
tác, những lúc căng thẳng tác giả Trúc Hoài lại lên Hội gặp gỡ, trao đổi với đồng
nghiệp, cùng chia sẻ những vấn đề mà mình còn băn khoăn, trăn trở. Khi nói về các
chương đã hoàn thành, đôi mắt tác giả long lanh, không giấu nỗi niềm vui xen lẫn
tự hào; còn khi đề cập đến chương tiếp theo và dự định cho số phận các nhân vật
của mình, nhiều lúc đôi mắt tác giả buồn vời vợi, khuôn mặt khắc khổ thấm đậm nỗi
trăn trở. Quanh ấm trà, anh em trong Ban Thường trực Hội chăm chú lắng nghe và
chia sẻ những trăn trở về các chi tiết tác phẩm mà tác giả tâm đắc nhất hay còn
băn khoăn. Tạp chí Chư Yang Sin cũng đã trích một số chương của tiểu thuyết giới
thiệu với bạn đọc khi tác phẩm đang ở giai đoạn bản thảo. Báo Đak Lak đã trích đăng
nhiều kỳ khi tác phẩm được ấn hành năm 2012.
Ngày tập tiểu thuyết
“Từ sông Krông Bông” in xong, tác giả lên Hội thông báo cho mọi
người biết cùng chia vui. Khuôn mặt của người thầy giáo già thật rạng rỡ, ánh mắt
như cười không giấu nỗi hạnh phúc khi đứa con tinh thần ra mắt bạn đọc. Bạn bè,
đồng nghiệp và cả cơ quan Hội xúm lại chúc mừng, nhưng hình như trong mắt của
nhiều vị lãnh đạo Hội cũng rưng rưng… khi nhìn khuôn mặt người thầy giáo – hội
viên kính yêu của mình gầy sọm đi nhiều lắm so với cái tuổi ngoài 70. Như đoán được
suy nghĩ của các vị trong Thường trực Hội – mà nhiều người nguyên là học trò cũ
của mình, nhà văn Trúc Hoài tâm sự: có tác phẩm hoàn thành và ra mắt bạn đọc thế
này là mình mãn nguyện lắm rồi, vất vả một chút cũng không sao. Sắp tới mình sẽ
viết tiếp tác phẩm mới vẫn về đề tài chiến tranh cách mạng, về mảnh đất Đắk Lắk;
các cậu biết không, quỹ thời gian của mình không còn nhiều nên phải cố gắng thôi…
Xin chúc nhà giáo,
nhà văn Trúc Hoài thực hiện được ước mơ của mình, sẽ tiếp tục cho ra mắt bạn đọc
những tác phẩm mới góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của một vùng đất, ý chí
vươn lên của con người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh để đạt được ước muốn của mình.
Chúng ta chờ và hy vọng.
Mùa mưa 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI