Tác giả THANH VÂN
MẤY CẢM NHÂN VỀ TIẾNG ĐÀN KHUYẾT
Tập truyện ngắn Tiếng đàn khuyết (Nhà xất bản Lao Động, năm 2015)
của Nguyễn Anh Đào đã chinh phục độc giả bằng những cốt truyện hấp dẫn, đọc
xong còn đọng mãi trong tâm thức của mỗi người. Nguyễn Anh Đào đã dành trọn tình
cảm yêu thương, hóa thân vào nhân vật, đau cùng nỗi đau của nhân vật; từ đó lan
tỏa trên trang viết một tấm lòng nhân ái của người phụ nữ cầm bút.
Tiếng đàn khuyết là tên truyện làm đầu đề của tập sách gồm 15 truyện ngắn.
Các cốt truyện đều được xây dựng chặt chẽ với sự triển khai sự kiện, tình tiết
khá logic. Ở từng tác phẩm, tác giả đã viết bằng những rung động, những cảm xúc
của trái tim trước những số phận người phụ nữ mà đâu đó chúng ta gặp trên đường
đời. Đó là hình ảnh những người phụ nữ luôn trăn trở trong sự kiếm tìm hạnh phúc,
kiếm tìm một tình yêu đích thực, một mái ấm bình yên. Nhưng cố gắng đến đâu thì
sự kiếm tìm hạnh phúc đối với họ cũng giống như vớt trăng dưới đáy ao, luôn là ảo
ảnh xa vời, nên họ luôn rơi vào bi kịch; thân phận người phụ nữ được hiện lên với
tất cả sự chông chênh mềm yếu. Những tình cảnh trái ngang của họ như tiếng nấc
ai oán dội vào tâm can độc giả. Phải chăng vì Nguyễn Anh Đào là phụ nữ thấu hiểu
hơn những thiệt thòi của người cùng giới nên trang văn của chị thấm đẫm tình người,
tình đời.
Bằng sự cảm nhận tinh tế, sự quan sát tỉ mỉ cuộc sống,với
lối khám phá hiện thực theo cách của riêng mình, chị đã tạo nên một bức tranh
nhiều màu, nhiều vẻ về thân phận người phụ nữ. Truyện “Tiếng đàn khuyết” gợi lên sự không
tròn trịa của số phận. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tác giả cho người đọc thưởng
thức bản tình ca về tình yêu. Truyện kể về một cô gái được một chàng trai yêu hết
mình nhưng cô lại dành tình cảm sâu đậm cho người con trai khác, cô luôn ôm ấp
trong mình một mối tình đơn phương, khát khao có được hạnh phúc với người mình
yêu và sẵn sàng chờ đợi. Bản tình ca này khiến ta liên tưởng đến nhân vật trữ tình
trong tác phẩm “Hình tam giác muôn đời”
của nhà văn Đan Mạch Tô-ve-đi-to-lep-ven: Trên con đường tôi đi/ Có hai người
đã tới/ Một người rất yêu tôi/ Còn tôi yêu người khác/ Người sống trong khao khát/
Trong những giấc tôi mơ/ Người kia đứng sững sờ/ Trước cửa lòng khép chặt…”.
Cốt truyện đơn giản nhưng thật sâu sắc, đó là niềm tin vào tình yêu con người.
Người phụ nữ luôn khao khát hạnh phúc nên trong cuộc sống vợ chồng, họ thường
hi sinh nhẫn nhịn như nhân vật Vợ (Nhẫn cưới), Nàng (Mơ về phía biển), bà Hai (Cội già), An (Chiếc ví bỏ quên). Họ nhẫn nhịn để
giữ gìn mái ấm gia đình, bởi trong những gia đình ấy luôn có những đợt sóng ngầm
sẵn sàng dậy sóng nhấn chìm tất cả. Đến với truyện “Nhoẻn miệng và cười”, chúng ta thật sự thương tâm trước cái chết
bi thảm của Nương khi đuổi theo bóng của chồng. Người phụ nữ bề ngoài tính cách
mạnh mẽ nhưng ẩn sâu trong tâm thức vẫn là một sự yếu đuối rất đàn bà (Trước sân tòa án). Bi kịch của người
đàn bà hiếm muộn bị chồng ruồng rẫy trong truyện Trứng khóc “Cuộc đời chị, chưa bao giờ đắng cay hơn, ông trời
bất công không cho chị một đứa con”. Chị không có con nên tình cảm chồng và
gia đình chồng dành cho chị nguội lạnh như một đống tro tàn trong đêm đông và
chị đã cố níu kéo bằng cách “Chị đã làm vợ hiền dâu thảo, chị đã cắn răng nhịn
nhục, chị đã vâng lời mọi ý muốn của chồng và cha mẹ chồng, chị làm hết rồi, chỉ
để mong giữ được tình yêu trong trái tim đã nguội lạnh của chồng”. Thế nhưng
chị chỉ nhận được sự “vứt bỏ và chà đạp suốt nhiều năm qua, người ta có hối
hận đâu”. Nên chị đã chọn cách mang thai giả “Mang thai đi đã, mặc áo bầu
đi đã, được ngang nhiên đi lại trong nhà đi đã… Ừ, tới đâu hay tới đó. Chín tháng!
Chín tháng đủ dài để nghĩ ra những gì cần phải làm tiếp theo…”. Cái kết đau
thương chị đã điên dại khi bị chồng bỏ rơi và giấc mơ làm mẹ không thành. Hình ảnh
người mẹ cô đơn vò võ khi bóng đã xế chiều mặc dù bà có tới sáu người con (Những cuộc chia ly).
Trong “Tiếng đàn khuyết”, chúng ta thấy một
điều dù sống bất hạnh, khổ đau nhưng những nhân vật nữ trong tác phẩm của Nguyễn
Anh Đào, tâm hồn luôn tỏa ánh sáng lấp lánh, trái tim đầy cao thượng, vị tha, đôn
hậu và thủy chung. Thụ chung thủy với mối tình đơn phương trong suốt mấy mươi năm
“Thụ quỳ dưới chân Chúa, xin Ngài hãy chỉ đường cho con, hãy cho con biết
Kha đang ở đâu? Chúa im lặng. Thụ tự đi tìm. Phải vậy thôi, nếu Chúa không chỉ đường
thì Thụ phải tự đi tìm, còn ai khác để chỉ đường cho Thụ? Nếu giờ còn sống, Kha
đã thành người đàn ông hơn bảy mươi tuổi” (Dưới tháp chuông nhà thờ). Bà Hai (Cội già) khoan dung khi nuôi hai đứa con riêng cho chồng “Bà
như ngọn đèn leo lét, lay lắt ngồi đợi chờ. Gần hai mươi năm, vẫn chưa đủ cho
những cuộc rong chơi của ông. Ngoài hai đứa trẻ ông mang về cho bà, còn bao nhiêu
đứa trẻ nữa mà ông đã tạo ra, ông đã làm khổ bao nhiêu đàn bà? Cái nghiệp của ông,
sao ông gánh nổi”. Qua đó ta thấy bất hạnh không chỉ đeo bám bà Hai mà cái
khổ, cái bất hạnh còn đến với những người đàn bà khác do chồng bà mang lại. Điều
đáng nói ở đây bà Hai không chỉ nghĩ đến vết thương lòng của mình mà bà còn thương
cho những người đàn bà bất hạnh khác do chồng bà tạo ra.
Mỗi truyện là một cảnh đời, một số phận, một nỗi niềm hay
là một thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc. Đó là một thông điệp mang ý
nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người đọc thấy được bản chất của hiện tượng, nguyên
nhân dẫn đến những bất hạnh của người phụ nữ.
Sau Ngày em làm người
lớn (NXB Kim Đồng – 2007), Chỉ cần em
biết khóc (NXB Văn hóa-Văn nghệ – 2012), Tiếng đàn khuyết là tập truyện thứ 3 của Nguyễn Anh Đào. Tập
truyện được NXB Lao động đầu tư toàn bộ kinh phí in ấn và bao tiêu phát hành, được
đông đảo bạn đọc đón nhận nhiệt thành. Đây là một thành công mới của Nguyễn Anh
Đào. Hy vọng với bút lực đang căng tràn, Nguyễn Anh Đào sẽ đem đến cho bạn đọc
nhiều tác phẩm hay hơn nữa và từng bước khẳng định được vị trí của mình trên văn
đàn cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI