Giờ
kiểm tra toán, học trò lặng im chăm chú vào bài vở của mình. Cô
giáo H’Xíu ngồi quan sát học sinh làm bài lòng vui vui. Cuối tháng tư
rồi, chẳng còn mấy tuần nữa năm học sẽ kết thúc, lớp 2A của cô được
nghỉ hè trước khi bước vào năm học mới và chắc chắn có thêm tấm
giấy khen treo lên tường lớp học ghi nhận công lao của cô và trò sau
một năm phấn đấu. Những gương mặt thơ ngây, thông minh và dễ thương
ngày hai buổi đến trường đã trở thành niềm vui, niềm tự hào của
chính cô – người mẹ thứ hai của các em.
Lớp
2A có 35 em là 35 mảng đời khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều
có chung một điều quý giá là hết sức chăm học. Cô bé ngồi đầu bàn ngay
sát bàn giáo viên người dân tộc Mường có cái tên rất hay: Bùi Tuyết
Mai, con một gia đình di cư tự do quê tận tỉnh Hòa Bình; điều kiện
kinh tế chưa phải giàu có nhưng cũng đủ ăn, bố mẹ gửi gắm cho cô,
muốn con học giỏi mai mốt thoát ly khỏi ruộng rẫy. Tuy sống trên miến
đất Tây Nguyên đầy nắng gió nhưng nước da trắng như bột lọc kia không
hề bị ảnh hưởng; em có nét đẹp của một cô gái Tây, khác hẳn các
bạn cùng lớp. Còn em Trần Hùng ngồi đầu bàn thứ hai, ba má đi làm tận
thành phố Hồ Chí Minh chỉ những ngày lễ tết mới về thăm, em ở nhà
với bà nội, ngày hai buổi đi học khi về phải phụ với bà công việc
gia đình; tính nóng nhưng thẳng thắn và nhiều lúc xử sự thiếu tế
nhị; con cái xa ba má, thiếu sự uốn nắn nên rất cần những lời khuyên
nhẹ nhàng để phát triển toàn diện. Bàn cuối phòng học là hai khuôn
mặt trái ngược nhau hoàn toàn; Y Suk khỏe mạnh, nước da đen như đồng
hun, tóc xoăn tít có vài sợi xỏa xuống mắt trông rất nam tính. Hoàn
cảnh Y Suk rất tội, má mất sớm, ba yêu người phụ nữ khác không chịu nối dây nên bị đuổi khỏi nhà, không
được mang theo tài sản gì; ngay cả đứa con trai duy nhất cũng bị bà
ngoại giữ lại nuôi (luật tục của người Êđê là vậy!). Đã mất má lại
mất luôn cả ba là cú xốc quá lớn, em cục tính, học hơi yếu nhưng bù
lại rất khỏe mạnh. Vì hoàn cảnh như vậy nên cuộc sống vật chất của
Y Suk rất khó khăn, nhà trường và lớp thường xuyên phải tổ chức hỗ
trợ thêm để em có đủ điều kiện tối thiểu theo học. Ngồi cạnh Y Suk, bé
H’Loan con của một gia đình tương đối thành đạt, ba công tác trong
ngành Công an, mẹ làm Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng, hàng ngày đi
học có ô tô đưa đón; em học giỏi vào hàng nhất nhì trường, chữ viết
đẹp, được cử làm lớp trưởng và giao luôn việc kèm Y Suk học tập. Nhìn
cả lớp chăm chú làm bài, lòng cô giáo như vui hơn, ấm áp hơn.
Bốp!
Bỗng nhiên tiếng một cái tát khá mạnh vang lên, Y Suk và H’Loan lao
vào ẩu đã nhau. Cái tát của H’Loan
hằn lên vết đỏ trên khuôn mặt Y Suk, Y Suk cũng không vừa khi ghì đầu H’Loan
xuống bàn. Cả lớp ồn ào như chợ vỡ, các em nhốn nháo đứng cả lên
xuyết xoa. H’Xíu đứng bật dậy quát:
- Tất
cả về chỗ, ngồi xuống. Y Suk, em bỏ bạn ra.
- Thưa cô nhưng...
Y Suk không nói hết câu, hai tay vẫn nhận đầu Thu
Loan xuống mặt bàn, còn hai tay H’Loan vẫn nắm lấy cổ áo Y Suk.
-
Cả hai em bỏ tay ra.
Đến
lúc này bốn bàn tay mới từ từ buông ra, khuôn mặt H’Loan đầm đìa
nước mắt đứng dậy nức nở:
- Thưa
cô…!
- Tại
sao vậy?
Y
Suk lặng im, môi mím chặt không trả lời, đầu cúi gằm xuống.
-
Hai em đứng dậy
Trật tự lớp được ổn định, cô giáo thu
bài kiểm tra và truy tìm nguyên nhân vụ xô xát. Theo khai báo của H’Loan,
nguyên nhân dẫn đến vụ ẩu đã trên là do bạn Y Suk đòi xem bài của em,
em không cho nên bạn giật vở làm bẩn mất bài kiểm tra. Y Suk mặt đanh
lại không nói gì, cô hỏi mãi mới lúng búng trả lời: em chỉ định xem
kết quả bài toán có giống nhau không, nhưng bạn không cho nên em kéo
nhẹ cuốn vở, không may đúng lúc H’Loan vừa chấm hết dòng nên trang
giấy bị gạch một đoạn. Sau một hồi “lên lớp” hai cô cậu học trò làm
mất trật tự vi phạm nội quy lớp học, đồng thời để cả lớp rút kinh
nghiệm; H’Xíu cho học trò về, còn hai em vi phạm phải ở lại viết
kiểm điểm. Y Suk viết xong nộp cho cô về trước, còn H’Loan vẫn nức nở
khóc không viết nổi bản kiểm điểm. Cô H’Xíu có lẽ cũng mủi lòng nên
nhẹ nhàng hơn:
- Bạn
sai, em là lớp trưởng, lại là con gái sao lại tát vào mặt bạn như
thế!
- Thưa
cô nhưng…
H’Loan
vẫn nức nở khóc. Sau gần hai năm chủ nhiệm chưa bao giờ H’Xíu thấy cô
học trò cưng của mình xữ sự mất bình tỉnh như thế này và cũng chưa
bao giờ thấy em khóc; vậy mà hôm nay lại xảy ra chuyện thế này, chắc
có nguyên nhân gì đây, phải tìm xem đó là cái gì? Lớp tiên tiến của
cả trường không thể chấp nhận như thế này! Đặt tay lên đôi vai đang run
lên vì khóc, cô giáo chủ nhiệm ân cần:
- Nín
đi, có chuyện gì em kể cho cô nghe nào!
- Thưa
cô, bài của em bị lem mất rồi làm sao được điểm mười nữa ạ.
H’Loan
nghẹn ngào nói rồi lại nức nở khóc. Cô giáo như chợt hiểu ra điều
gì làm cô học trò khóc mãi nên nói:
- Hôm
nay bài làm không sạch chắc chắn sẽ bị trừ điểm rồi, lần sau kiểm
tra phải cẩn thận hơn sẽ được điểm mười để bù lại. Thôi nín đi.
- Thế
bao giờ mới thi lại ạ.
- Tháng
sau.
H’Loan
lại càng khóc to hơn:
- Một
tháng nữa mới thi lại, lâu quá cô ơi. Hu! Hu!...
- Nín
đi nào, có chuyện gì nói cô nghe, giúp được cô sẽ giúp.
- Cô
nói thật nhé. Cô gúp em nhé – H’Loan ngừng khóc ngước mắt nhìn, hai
tay nắm vạt áo cô giáo giật giật.
- Được
rồi, em nói xem cô có thể giúp
được không!
- Cô
ơi, bài kiểm tra hôm nay cô cho em mười điểm, tháng sau kiểm tra lại, cô
trừ điểm của bài hôm nay. Em sẽ chia cho cô một nửa cô nhé.
- Tại
sao phải là điểm 10, chia một nửa là chia cái gì vậy?
- Nếu
bài hôm nay em được điểm 10, về nhà mẹ sẽ thưởng cho em 10 ngàn đồng,
em chia cho cô một nửa vị chi là 5 ngàn, em còn 5 ngàn là vừa đủ ạ.
H’Xíu
cau mày tỏ ra khá thất vọng về cô học trò, thế ra cô bé khóc là vì
không được điểm 10, không có điểm 10 em sẽ không được mẹ cho 10 ngàn
đồng. Con nhà khá giả hỏng thật, chỉ lo kiếm tiền ăn quà vặt, mục
đích cố gắng học tập cũng chỉ vì
tiền. Cách khuyến khích học tập kiểu này sẽ làm hỏng cả con
cái. Mình phải đến nhà góp ý với gia đình mới được. Buồn thật,
đến điểm học cũng gạ cô trao đổi bằng tiền. Mới tám tuổi đầu mà đã
thế này. Xót xa quá. Đau lòng quá! Từ trước tới nay mình đã nhầm
chăng!
- Em
cần tiền để làm gì vậy?
- Em
nói nhỏ với cô, cô đừng nói cho ai biết nhé. Cô có hứa không? Ngoéo
tay. Học kỳ hai này em được bốn điểm 10 môn toán, mẹ thưởng cho em 40
ngàn đồng, chỉ cần thêm 5 ngàn nữa là đủ 45 ngàn.
- Em
cần 45 ngàn đồng để làm gì?
-
Tuần sau sinh nhật bạn Y Suk, em muốn mua tặng bạn ấy đôi giày vì bạn
chưa bao giờ được đi giày cả. Mẹ em bảo, cái gì bằng công sức của
mình làm ra tặng bạn mới đáng quý. Đúng không cô?
- Ừ,
đúng rồi! H’Xíu ôm choàng lấy H’Loan, giọng xúc động: Em giỏi lắm. Nói
xong cô móc bóp lấy tờ 5 ngàn đưa cho Thu Loan – Em cho cô góp với nhé.
- Dạ!
Hai
cô trò bước đi trên sân trường dưới bóng những cây phượng cổ thụ. Trời
trong xanh, những tia nắng buổi trưa có phần gay gắt nhưng không làm
người ta khó chịu vì thỉnh thoảng từng cơn gió ào ào thổi đến như làm
bùng lên những ngọn lửa trên đầu các cành phượng. Hoa phượng năm nay
nở sớm, từng chùm hoa đỏ rực rở nổi bật trên màu lá non xanh mơn
mởn. Tây Nguyên là vậy, đất trời Tây Nguyên là vậy, xen lẫn những khô
cằn nắng hạn là những mầm xanh tươi tốt, xinh đẹp đang trỗi dậy và con
người Tây Nguyên cũng thế: rất đẹp, rất xinh và thấm đậm tình người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI