KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
21/6
TRẦN VĂN LỢI
HỒ CHÍ MINH – “NHÀ BÁO CÁCH MẠNG VĨ ĐẠI”
Mặc dù không có ý định lập thân bằng văn chương và báo chí,
nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của báo chí, coi đây là một vũ
khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã viết gần 2000 bài báo
với nhiều bút danh khác nhau. Tùy từng hoàn cảnh, đối tượng phản ánh và độc giả
mà Người có cách viết phù hợp để đạt được hiệu quả tuyên truyền cao nhất. Điều đó
đã tạo nên ở Người một phong cách báo chí đa dạng và độc đáo. Cũng bởi thế mà Tổ
chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) đã đánh giá Hồ Chí Minh là “Nhà báo cách mạng vĩ đại”.
1. Người
gắn bó với nhiều tờ báo lớn
Là người sáng lập Báo Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan của Hội Liên hiệp các dân tộc
thuộc địa, ra số đầu tiên vào ngày 01.4.1923 và số cuối cùng vào tháng 4.1926.
Tờ báo là vũ khí chiến đấu với sứ mạng Giải phóng con người. Nguyễn Ái
Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và quản lý tờ báo, viết xã luận, bình luận,
truyện ngắn, tin tức, vẽ tranh đả kích, châm biếm; đồng thời Bác làm cả thủ quỹ,
xuất bản, phát hành. Trong bốn năm tồn tại, Báo Le Paria ra được
38 số, đã góp phần vô cùng quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin
vào Đông Dương và các nước thuộc địa khác, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống
Pháp, giải phóng dân tộc bước sang giai đoạn mới sôi nổi hơn.
Là cộng tác viên tích cực của Báo
l’Humanité (Báo Nhân đạo – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp).
Trước hết, đây là tờ báo đã đem lại cho Nguyễn Ái Quốc điều quý giá nhất, đó là
con đường cứu nước. Ngày 16.7.1920, Báo l’Humanité đã đăng bài Luận cương
về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê nin. Khi được đọc bài báo này, Bác
đã xúc động: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng
ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê nin). Sau đó, Nguyễn Ái Quốc
viết nhiều bài cho chuyên mục l’Humanité với các thuộc địa và trở thành
cây bút xuất sắc của tờ báo này.
Là người sáng lập Báo Thanh niên. Ngày 21.6.1925, Báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập
ra số đầu tiên. Tờ báo này là cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên
cách mạng đồng chí hội. Báo Thanh niên ra hằng tuần đến tháng 4.1927, tổng cộng
được 88 số. Nguyễn Ái Quốc viết nhiều tin, bài, làm thơ, vẽ tranh châm biếm cho
báo. Đây là tờ báo bằng tiếng Việt in ở Quảng Châu (Trung Quốc), được bí mật
chuyển về nước và các cơ sở Việt kiều yêu nước ở Thái Lan, Pháp. Ngày Báo Thanh
niên ra số đầu 21.6 đã trở thành ngày báo chí cách mạng Việt Nam .
Với Báo Nhân dân. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 (tháng 2.1951) đã quyết
định ra tờ báo của Đảng và Bác đặt tên là Báo Nhân dân: “Đảng ta chỉ có một mục đích là phụng sự
nhân dân thì tờ báo của Đảng lấy tên là Nhân dân”. Kể từ ngày báo Nhân dân
ra số đầu tiên (11.3.1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với báo Đảng. Người đã viết
hàng trăm bài báo cho Báo Nhân dân dưới các bút danh C.B, K.C, C.N, T.L… để chỉ
đạo phương hướng, tuyên truyền đường lối cách mạng.
2. Một
phong cách báo chí độc đáo và đặc sắc
Trước hết là cách đặt nhan đề các bài báo rất ấn tượng của Bác. Có
khi Bác chỉ dùng một chữ duy nhất để đặt tên cho bài viết, như khi nói về sự sụp đổ rất đau đớn và nhục nhã
của chính phủ Pháp ngày 17.01.1952, Bác
viết bài “Uỵch”. Còn khi nói về Liên Xô thử bom khinh khí thành công, gây
chấn động và được dư luận thế giới hoan nghênh vào tháng 12.1955, Bác viết bài
“Ầm”. Lại nhiều khi Bác dùng thành ngữ để đặt tên bài báo như: “Treo đầu
dê, bán thịt chó”, “Mềm thì nắn, rắn thì buông”… Có khi, Bác chơi chữ ngay ở
nhan đề bài báo, như: “Tát-xi-nhi bị tát” nói về thất bại của tướng Pháp
Tát-xi-nhi trong trận Hoà Bình năm 1951, hoặc “Xa-lăng xa lù” là cách ghép
tên viên tướng Pháp Xa-lăng với từ Salaud (nghĩa là hèn hạ, thô bỉ – nói theo âm
tiếng Việt thành ra xa lù). Cũng có khi nhan đề bài báo là những con số
biết nói, như: “10 trường học, 1500 đại lý rượu” nói về tội ác đầu độc
người dân thuộc địa của thực dân Pháp…
Một đặc điểm dễ nhận thấy nữa trong nhiều bài báo của Hồ
Chí Minh là lối hành văn giàu hình ảnh,
nhằm miêu tả một cách sinh động, cụ thể đối tượng đề cập đến. Khi nói về tội ác
phân biệt chủng tộc ở Mỹ, Bác dùng lối văn mạnh mẽ, giàu hình ảnh: “Các bạn
hãy tưởng tượng một đám đông cuồng loạn. Quả đấm nắm chặt, mắt đỏ ngầu, miệng sùi
bọt, la ó, chửi bới, nguyền rủa… Giữa đám đông ấy là một đống thịt đen bị xô đẩy,
đánh đập, giày xéo, rạch da, róc thịt, chửi rủa, bị đá đi đá lại, đẫm máu, bất động.
Cái đám đông ấy chính là những kẻ tham gia hành hình. Các xác người rách nát
kia, đó là người da đen, là nạn nhân”. Lột trần mục đích xấu xa của ông vua
bù nhìn Khải Định trong chuyến đi sang Pháp, Người viết bài “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, vẽ
nên một cơn ác mộng cho ông vua này: “Đêm tối quằn quại dưới là mưa nhỏ hạt
dầm dề. Mảng trăng vàng vọt cố bíu trên những mái nhà tranh. Cây đẫm ướt đầm đìa
nước mắt tuôn rơi. Gió thổi qua những cụm lá mệt mỏi va vào nhau thành tiếng
kinh rợn. Cành cây vặn vẹo như những cánh tay ma quái…”
Trong các bài báo viết về bọn thực dân, đế quốc hay những
thói hư tật xấu đang còn len lỏi trong xã hội, Bác thường dùng lối văn châm biếm thâm thuý để mỉa
mai, chế giễu khiến mỗi tác phẩm đều có tính chiến đấu cao. Bác đặt những nhan đề
bài báo nghe rất thân thiện, đẹp đẽ: “Chế độ lính tình nguyện”, “Nền văn
minh thượng đẳng”, “Hãy yêu mến nước Pháp – người bảo hộ các anh”… nhưng nội
dung lại phơi bày những tội ác của bọn thực dân. Với các tổng thống Mỹ - kẻ đầu
sỏ gây chiến tranh xâm lược Việt Nam, Bác chỉ gọi một cách châm biếm là “Tổng
Ken” (Ken-nơ-di), “Tổng Ai”(Ai-xen-hao), “Tổng Giôn” (Giôn-xơn).
Khi nói việc Giôn-xơn buộc phải đàm phán với chính phủ ta, Bác viết: “Đại bợm
Giôn-xơn miệng nói hoà bình, tay vung binh hoạ”
Trong nhiều bài báo, Người sử dụng lối chơi chữ rất có hiệu quả, như gọi chệch tên của bộ
trưởng thuộc địa Pháp Lơ-tuốc-nô thành Lơ nhuốc nhơ, hoặc viết “Trên
trần ai, ai cũng ghét ai” để chế giễu, mỉa mai việc Ai-xen-hao bị mất ghế tổng
thống Mỹ năm 1961. Với đại tướng Mỹ Tay-lo, Bác viết: “Taylo thì chân cũng
lo” vạch trần tội ác và mỉa mai việc hắn cùng Xta-lây lên kế hoạch đè bẹp cách
mạng miền Nam
nước ta trong vòng 18 tháng nhưng đã bị thất bại thảm hại, chỉ còn cách lo
nhanh chân chuồn về nước. Có khi Bác chỉ sửa một từ mà chuyển từ mệnh đề tiêu cực
thành mệnh đề tích cực, như trong trường hợp Người sửa bài cho nhà báo Pháp
S.Phuốc-ni-ô, đó là câu: “Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể
đi đến độc lập hoàn toàn” thành câu “Chỉ có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc
mới đi đến độc lập hoàn toàn”. Báo Nhân Dân số 3390, ra ngày 09.7.1963 đăng
bài “Sư Hinh” của Bác, với
bút danh Chiến Sĩ, để phê phán những hành động tiêu cực của một số nhà giáo đã
làm ảnh hưởng xấu đến vẻ đẹp “Sư Hinh” – đạo đức thơm tho của người thầy. Bác đã
chơi chữ với hình thức nói lái quen thuộc: “Nghe nói bà con, nhất là cha mẹ
các em học trò rất thắc mắc về việc làm đó của các thầy. “Sư Hinh” hay là “Sinh
Hư”. Mong rằng những chuyện không hay như trên cần phải chấm dứt”.
Trong nhiều trường hợp, Bác còn lẩy ca dao, lẩy Kiều, lẩy Chinh phụ ngâm
vào trong các bài báo của mình. Như khi viết về thất bại của viên tướng Na-va
trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954: Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khiến
Na-va nhiều nỗi truân chuyên/ Thua to ở trận Điện Biên/ Vì ai kế hoạch mà nên nỗi
này/ Cút về Tây, tấm lòng xấu hổ/ Xấu hổ này biết đổ ai đây?”. Hay như khi
kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Người viết: “Trăm năm trong cõi
người ta/ Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/ Mừng xuân, mừng cả thế gian/ Phải
đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”…
Những nét nổi bật của phong cách báo chí Hồ Chí Minh nêu
trên đã cho thấy Bác quả là một bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, một nhà báo xuất
sắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam và thế giới. Có được điều đó là
ở con người Bác hội tụ vốn văn hoá uyên bác, sự trải nghiệm trong cuộc sống chiến
đấu và tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI