NHÂN VẬT ÔNG GIÁO
TRONG TRUYỆN NGẮN “LÃO
HẠC” CỦA NAM
CAO
Từng là một “giáo khổ trường tư”, Nam Cao hiểu và viết thấm
thía về cuộc sống bấp bênh, nghèo túng của người làm nghề dạy học trước 1945. Ông
có hẳn một mảng đề tài viết về người trí thức trước Cách mạng mà nhân vật trung
tâm là những văn sĩ và những ông giáo trường tư.
Lão Hạc (đăng lần
đầu trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 484 ra ngày 23.10.1943) là một
trong những truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao được đưa vào giảng dạy ở chương trình
phổ thông (Ngữ văn 8, tập I). Tác phẩm viết về người nông dân Việt Nam trước
Cách mạng Tháng Tám, một trong hai mảng đề tài chính trong sáng tác của Nam Cao
trước 1945. Xuyên suốt câu chuyện, bên cạnh nhân vật chính là lão Hạc, một lão
nông dân nghèo, vợ mất sớm, con đi làm cao su gần bốn năm chưa về, một con người
giàu lòng tự trọng và nặng tình nghĩa, còn có nhân vật “tôi”, tức ông giáo, “nhân
vật xưng tôi, kẻ bầu bạn, người được trao gửi, nhân chứng gần gũi của lão Hạc”
(Nguyễn Thị Thanh Xuân, “Bi kịch của lão Hạc”). Dù không phải là
nhân vật chính, chỉ hiện lên qua lời kể ngôi thứ nhất nhưng nhân vật này phản ánh
được nhiều mặt trong đời sống của người làm nghề giáo nói riêng và trí thức nói
chung ở nước ta trước Cách mạng 1945.
Trước hết, nhân vật “tôi” cũng như bao “giáo khổ trường tư”
khác trước 1945, phải sống trong nghèo túng, bấp bênh. “Hồi bị ốm nặng ở Sài Gòn
tôi bán gần hết cả áo quần […] về quê, hành lý chỉ vẻn vẹn có một cái va ly đựng
toàn những sách”. Rồi “mỗi lần cùng đường đất sinh nhai, và bán hết mọi thứ rồi,
tôi lại phải bán đi một ít sách của tôi”. Cuối cùng, “tôi” phải bán luôn năm
quyển quý nhất “dù có phải chết cũng không chịu bán” vì “đứa con nhỏ của tôi bị
chứng lỵ gần kiệt sức”. Con cái nheo nhóc, đói ăn, đau ốm liên miên; vợ “khổ quá
rồi”, phải bán dần từng món đồ trong nhà, cả “những quyển sách rất nâng niu” để
có tiền chạy ăn từng bữa và chạy chữa bệnh tật cho con. Nhà văn chỉ phác họa chừng
ấy thôi nhưng cũng đủ cho ta thấy cuộc sống nghèo khổ, quẩn quanh, bế tắc của
người trí thức Việt Nam
trước Cách mạng mà ông giáo trong truyện là một tiêu biểu.
Thế nhưng vượt lên trên những cái tầm thường, nhỏ nhặt của
cuộc đời thật đáng buồn, ở nhân vật ông giáo có những phẩm chất tốt đẹp. Cũng
như ông giáo Điền trong Giăng sáng, văn sĩ Hộ trong Đời thừa, ông
thầy Thứ trong Sống mòn…, ông giáo “tôi” trong Lão Hạc cũng từng có một
thời đầy ắp lý tưởng sống cao đẹp. Đó là “một thời chăm chỉ, hăm hái và tin tưởng
đầy những say mê đẹp và cao vọng : mỗi lần mở một quyển ra, chưa kịp đọc dòng nào,
tôi đã thấy bừng lên trong lòng tôi như một rạng đông, cái hình ảnh tuổi hai mươi
trong trẻo, biết yêu và biết ghét…”. Nhưng rồi “một trận ốm thập tử nhất sinh đã
lại đem y về, trả cho đất chôn nhau cắt rốn” (Sống mòn), rồi cuộc sống đói
kém, túng quẫn ở quê, ta không thấy nhân vật nhắc gì đến lí tưởng của thời trước
nữa. Có thể rồi ông giáo cũng sẽ rơi vào bi kịch như Điền, Hộ mà thôi. Nhưng nếu
sống trong thời đại hôm nay, có lẽ ông giáo sẽ làm được nhiều hơn, sẽ là một người
giáo viên ưu tú.
Về hiểu biết, đó là “người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận”
được “người ta kiêng nể”. Bởi vậy mà lão Hạc trong khi “âm thầm làm nốt những
phần việc cuối cùng của một kiếp người để rồi tự sát” (Chu Văn Sơn, “Nghệ
thuật văn xuôi của truyện ngắn Lão Hạc” ) đã tin tưởng “viết
văn tự nhượng cho tôi” và nhờ “tôi” trông coi mảnh vườn cho thằng con “để không
ai còn tơ tưởng dòm ngó đến”. Về nhân cách, ở ông giáo có những đức tính tốt đẹp
đáng quý. Đó là một người biết đồng cảm, sẻ chia với người khác, một người có lòng
bao dung, nhân hậu. Đối với người vợ có vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn của mình, ông giáo
“chỉ buồn chứ không nỡ giận” bởi ông biết “cái bản tính tốt đẹp của người ta bị
những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất”, bởi “vợ tôi không ác nhưng thị
khổ quá rồi”.
Đặc biệt với lão Hạc, ông giáo là người bạn an ủi trong
tuổi già cô quạnh của lão, là người biết cảm thông với hoàn cảnh trống vắng, buồn
tủi của lão Hạc bằng cách thường xuyên thăm hỏi, chuyện trò, chia sẻ cùng lão bạn
khốn khổ của mình những niềm vui đơn sơ của người nghèo là điếu thuốc lào, ấm
chè đặc, củ khoai luộc… Khi lão Hạc trở nên đói khổ hơn vì “có đồng nào, cụ nhặt
nhạnh đưa cho tôi cả”, ông giáo đã “giấu giếm vợ tôi, thỉnh thoảng giúp ngấm ngầm
lão Hạc”. Trong truyện, dù có đến “hai lần ngộ nhận (khi nghĩ về con chó và
miếng bả chó)” (Nguyễn Thị Thanh Xuân) nhưng ông giáo có lẽ là người duy nhất
hiểu và đồng cảm với những nỗi đau quá lớn trong cuộc đời lão Hạc. Chứng kiến cái
chết vật vã, dữ dội của lão mà nguyên nhân cái chết “chỉ có tôi với binh Tư hiểu”,
nhân vật tôi – ông giáo càng hiểu hơn, kính trọng hơn nhân cách của một lão nông
nghèo và thầm hứa nguyện với người đã mất sẽ cố gìn giữ cái vườn cho con lão.
Những dòng cuối truyện thật xót xa, như là tiếng nức nở trong lòng của một ông
giáo nghèo khóc cho lão bạn nghèo bất hạnh, cho đến lúc chết đi vẫn chưa một lần
thấy con trở về, của mình. Chuyện kết thúc “chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng
buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”, ám ảnh trong người đọc nhiều điều.
Tóm lại, không phải là nhân vật chính, không được nhà văn
tập trung xây dựng nhưng qua câu chuyện được kể lại bởi chính ông giáo, nhân vật
tôi, ta thấy được nhiều về đời sống, nhân cách của những ông giáo nước ta trước
Cách mạng, đáng để cho chúng ta ngày nay, nhất là những ai theo nghiệp cầm phấn,
phải suy nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI