Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 297 - THÁNG 5 NĂM 2017 tác giả TRẦN QUANG LỰC





TỤC ANHAM
CỦA ĐỒNG BÀO JRAI


Mấy đêm nay trời đã vào tiết xuân, khí trời hơi se lạnh. Sau khi nhẩm lại công việc cần thiết chuẩn bị cho ngày mai, ngày mà ơi H’Lan cầu mong rằng “yang hrơi” (mặt trời) sẽ cho nắng thật gắt, giúp cho việc thu hoạch sắn của gia đình Ơi (ông) thuận lợi. Nó - đám rẫy - rộng chừng 1 ha chứ chẳng ít, có vậy ông mới nhờ đông người đến giúp. Cả nhổ, cả gọt vỏ, cả phơi nắng… 60 người cho đám rẫy này chắc phải tối mịt mới xong. Ơi H’Lan đến chân cầu thang từng nhà mà Ơi đã nhờ, lên tiếng nhắc nhở: “Ớ Ma Lang, ớ Mí Tring, ớ Dôn H’Liêm… pơgi ta nao mơguah ưm hó!” (Ớ Ma Lang, ớ Mí Tring, ớ Dôn H’Liêm… ngày mai ta đi sớm nhé!).
Từ nhiều năm nay, ngọn gió cơ chế thị trường đã len lỏi đến tận ngóc ngách của từng buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Mọi sản phẩm, thành quả lao động nếu như xưa kia đều trao đổi theo phương thức “vật ngang giá” thì giờ đây, kể cả sức lao động đều được quy đổi, tính ra bằng tiền. Hiện tượng đồng bào dân tộc thiểu số ngoài việc làm nương rẫy cho mình, tranh thủ đi gặt hái thuê, làm cỏ, cuốc mướn gần xa để lấy tiền công không còn xa lạ. Tuy nhiên trong đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Jrai, một trong các phong tục tập quán mang nét đặc trưng tốt đẹp còn lưu giữ đến ngày nay, đó là tục “anham” (Tơlơi juat anham). Trường hợp của Ơi H’Lan nói trên là một ví dụ.
Anham theo nghĩa gốc là giúp nhau tình nghĩa (không trả công lại) trong cộng đồng khi một gia đình nào đó có công việc cần phải huy động nhiều lao động để giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn nhất - thường là một ngày (sa hrơi đôch) như cuốc đất, tra hạt, cuốc cỏ lúa, bắp, thu hoạch lúa, sắn… hoặc dựng, chuyển dời nhà, làm nhà mả… Số lượng huy động từ hai, ba chục người và có thể lên đến cả trăm người (tất nhiên tính cả người già và trẻ con, đều được tham gia việc phù hợp với khả năng, sức lực ngoài công việc chính).
Vào thời vụ, nhà có rẫy to, phải thực hiện “anham” với các công việc tổng hợp gồm cày đất, chọc lỗ, tra hạt giống… Không khí buổi lao động bắt đầu náo nhiệt khi đám đàn ông vung roi đánh bò kéo cày lao nhanh về phía trước. Tiếng “thá”, “dí” vang to cả một góc rẫy (đặc điểm dân tộc Jrai M’Thur phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, tiếp giáp với dân tộc Êđê M’Thur tỉnh Đăk Lăk, sớm giao lưu với đồng bào miền tây tỉnh Phú Yên nên đã biết sử dụng bò đôi để cày từ những thập kỷ 30, 40 - thế kỷ XX, chứ không như đồng bào một số vùng khác, nhiều năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Thấy đưa bò ra cày là đồng bào ngồi khóc, thương bò quá vì “nó” ăn cỏ chứ có ăn cơm đâu mà bắt nó cày?).
Tiếp theo sau những hàng cày trở (cày kỹ) là khoảng chục đàn ông dàn hàng ngang, hai tay cầm hai cây gậy đầu dưới vót nhọn, vừa đi vừa vung tay thoăn thoắt, nhịp nhàng như kéo bễ rèn, đưa gậy lên xuống chọc lỗ. Sau cùng là tốp phụ nữ cũng dàn hàng ngang, tay cầm ống nứa đựng giống (mơjêh), cũng thoăn thoắt, nhịp nhàng cắm đầu ống nứa xuống đất, cho hạt giống lọt qua lòng bàn tay, bấm thả tra hạt, đồng thời chân bước nhẹ lên để lấp đất lại (ngừa chim hoặc sâu bọ ăn giống). Tất cả từ xa trông hệt như một hoạt cảnh.
Lúc này tại chòi rẫy, trong khi một vài đàn ông đốt dê, heo (thường là heo sữa), gà… thì đám con gái cùng với nhà chủ lom khom thổi lửa, chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Đây cũng là dịp cánh đầu bếp trong buôn trổ tài bếp núc - dĩ nhiên là theo phong cách Jrai chính thống - đó là các món djam (còn  gọi là anham, đồng âm với giúp nhau tình nghĩa): “djam hla plum” (lá mì: nhiều món), “djam hboa” (đọt nõn khoai môn dại - không biết nấu là ngứa xé cổ luôn!), “djam tiang liang” (một thứ lá đắng nhưng lại rất đậm đà khi được trộn với thịt, cá nướng), “djam hla hang bơnga pơneh” (lá và hoa đu đủ - có thể nấu loãng kèm bột gạo giã với “hla rơyao” - một loại lá làm ngọt và mềm thức ăn - hay nấu khô trộn với đậu phụng, bắp hay gạo rang - nếu có trộn với “wach” thì cực kỳ, “wach” là thứ nước đắng trong lòng non các loài ăn cỏ)… lại còn có món kiến vàng “hdôm sao” nấu với cá làm canh chua ăn ngon và bổ, nhất là vào mùa kiến đẻ trứng và có ấu trùng…
Trong lúc “anham”, thường thì không có quy định thời gian giải lao tập thể. Ai mệt thì nghỉ, ai khát thì uống (Hlơi dlêh dớ pơdơi, pô mơhao dớ mơnhum ia), cứ dừng cày, chống cuốc tại chỗ, phun nước bọt vào lòng bàn tay, xoa xoa cho đỡ rát, đỡ mỏi mệt rồi tiếp tục. Chừng nào nghe nhà chủ hô: “Pơdơi hoă asơi bé bing ta!” (Nghỉ ăn cơm bà con ơi!) là đồng loạt mọi người dừng tay. Trong những lúc đông vui như thế này, mọi người được già làng hoặc người lớn tuổi kể khan, những câu chuyện sử thi của dân tộc Jrai như Dam Rit hăng Pơtao (Chàng Rít và lãnh chúa), Pai hăng Apúi (Thỏ và ốc sên), Sing Chơ ngă… hoặc đưa ra những câu đố (pơđao) có nội dung sâu sắc, vui tươi phản ánh các vấn đề, các khía cạnh liên quan đến cuộc sống của cộng đồng từ ngàn xưa đến nay, ví dụ như: “Troi hia, rơmon rơiăt” (No khóc, đói nín - Cối giã gạo), “Chơpan chơkơi  glăm pơtao, dua ơi tha nao sôh” (Tám thanh niên khiêng đá, hai ông già đi không - con cua); “Tơhrơi rơmon, mơlam mot kah troi?” (Ban ngày thì đói, ban đêm thì no? – là cái nhà), hoặc “mơđao” tiếu lâm như: “Hlơi at leng ah, pô at mă mem mơtăm” (Ai cũng đều muốn sờ, ai cũng đều muốn bú? - Là cái bầu nước), “Hlak rơmon lé prong, hlak troi jing đet?” (Đang đói thì to, lúc no thì nhỏ?), nhiều chị em phụ nữ ngẫm nghĩ một hồi, rồi mắc cỡ đỏ mặt “Ư ưh, ih pơđao cha chot đơi!” (chịu thôi, anh đố bậy bạ quá!), nhưng được giải thích  là cái ruột tượng cán bộ thường đeo bên mình)… Nhờ có những món ăn tinh thần xen kẽ như vậy nên mọi mệt nhọc đều tan biến, hầu như không bao giờ nghe đồng bào than vãn trong lúc lao động cả, dù có những công việc rất nặng nhọc.
 Kết thúc một ngày làm việc, nhà chủ vui mừng rối rít cảm ơn mọi người. Tùy theo điều kiện kinh tế, nếu khá giả chủ nhà sẽ mời tối về tập trung tại nhà chủ tiếp tục vui chơi, uống rượu ghè, trò chuyện đến khuya. Trường hợp gia cảnh của nhà chủ neo đơn, quá khó khăn (sang anó rin bun, tap tơnap) thì với tinh thần đoàn kết (gum guôp), lá lành đùm lá rách (hla hmum klum hla tới), ai ai đều cảm thông, nhiệt tình góp sức, chuẩn bị phần cơm mang theo ăn trưa để khỏi phiền nhà chủ lo chuyện cơm nước, xong việc ai về nhà nấy.
Đối với những công việc quy mô nhỏ, số lượng người tham gia ít hơn và theo nguyên tắc vần công, đổi công, nay tôi làm cho nhà anh, mai hoặc hôm nào cần tôi sẽ gọi anh làm lại cho nhà tôi, người Jrai ở đây gọi là “Pơ hơwanh” hoặc cụ thể hơn “Pơ plih” (đều có nghĩa đổi công cho nhau), trong dân ca nói về Pơ plih (tạm dịch) như sau: “Sáng chủ nhật – Đi cuốc cho Ma H’Nga/ Thức dậy sáng thứ hai - Cấy lúa cho Ơi H’Nua/ Đến thứ ba - Trồng bắp cho Mí Dâu/ Xong đến thứ tư - Trồng cây cho Yă H’Nhua/ Đến thứ năm - Bửa củi cho chị H’Mai/ Sớm thứ sáu – Tháo nước cho Ma Băm/ đến thứ bảy - Vác cây rào cho Dôn H’Puih/ Vậy là đã giáp - Ngày chúng tôi pơ plih/ Bắt đầu quay lại -Ngay từ đầu/ Cho xong hết – Cùng giúp nhau”.

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, tục “anham”, “Pơ plih” đã được các tầng lớp nhân dân lao động của cộng đồng buôn làng Jrai giữ gìn và ngày một nâng cao hiệu quả thiết thực, tăng cường đoàn kết, giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI